Nghe lại bản gốc tuyệt đẹp là loạt bài qua đó chuyên mục Nghệ Thuật của Đại Kỷ Nguyên trân trọng dành tặng quý độc giả những ca khúc gốc bất hủ của các phiên bản tiếng Việt mà khán giả Việt Nam vốn say mê, nhưng có thể chưa biết đến sự hiện diện của những bản gốc lộng lẫy và câu chuyện lịch sử đầy xúc động xung quanh của chúng…. Chúc quý độc giả những giây phút thưởng thức đầy thú vị và thăng hoa…
***
Bài hát “Over and over” được viết lời đầu tiên bằng tiếng Pháp vào năm 1968. Phiên bản tiếng Anh ra đời chỉ sau đó một năm (1969). Lời bài hát tiếng Việt do nhạc sĩ Anh Bằng sáng tác.
Âm nhạc quá xuất sắc của ca khúc này đã làm cho nó nhanh chóng được bay xa cùng nhiều ngôn ngữ, với mỗi ngôn ngữ lại thể hiện ra các sắc thái văn hóa khác nhau của tình yêu đôi lứa.
Phiên bản tiếng Anh bay bổng, trong sáng, trẻ trung, với giọng hát Nana trong vắt mà rắn rỏi, mạnh mẽ đến bất ngờ. Khi nghe bài hát này, dù cho tâm hồn ai đang trĩu nặng cũng sẽ trở nên nhẹ bỗng.
Lời hát thể hiện một niềm hạnh phúc không gì so sánh được của yêu và được yêu
The joy in my heart no words can reveal –
(Niềm hạnh phúc trong tim em không lời nào tả được)
Cũng như niềm tin vững chắc của cô vào một tình yêu bất diệt
All my tomorrows I give to you –
(Em trao cả tương lai của em cho anh)
Người Việt ta có câu “yêu người yêu cả đường đi”. Cô gái này trong cảm xúc yêu đương đã nhắc tên người yêu không ngừng nghỉ.
Over and over I whisper your name –
(Em thì thầm tên anh mãi không thôi)
Cảm xúc tình yêu không có rào cản về văn hóa và dân tộc, mà có tính tương đồng rất cao. Tình yêu mãnh liệt mang lại sức mạnh vô cùng to lớn.
The love that we share will never grow old –
(Tình yêu của đôi ta không bao giờ vàng úa)
Trong tình yêu của chàng trai đó có ánh sáng của đam mê, của sự vui mừng mà cô gái được yêu với sự nhạy cảm tinh tế của một người phụ nữ đã nhận ra ngay:
I see the light of love in your smile –
(Em đã thấy ánh sáng của tình yêu trong nụ cười của anh)
Nói một chút về nữ ca sĩ Nana Mouskouri. Sự nghiệp âm nhạc của bà kéo dài 60 năm, với hơn 200 album và đĩa đơn của ít nhất 12 ngôn ngữ khác nhau, bao gồm cả tiếng Hoa, Nhật, Hàn.
Đôi kính gọng đen đã làm nên thương hiệu cho Nana Mouskouri (mắt cô bị cận), gắn bó với cô từ năm 12 tuổi, sau đó theo cô đi suốt cuộc đời ca hát, có lúc bị nhà sản xuất yêu cầu phải bỏ kính, nhưng cô đã từ chối. Biết đâu nếu thiếu sự kiên quyết này thì nghiệp ca hát của cô đã không thể mạnh mẽ bền bỉ như đã xảy ra trên thực tế.
Nana chỉ đứng thứ 8 trong lần thi ca nhạc đầu tiên của cô trên truyền hình (Eurovision Song Contest 1963 – Luxembourg), nhưng đó lại là một ngày đầy may mắn trong sự nghiệp của cô. Cô đã lọt vào mắt xanh của ngôi sao ca nhạc và sáng tác ca khúc nổi tiếng người Mỹ Harry Belafonte khi ông ta xem cô hát trên TV tại London. Harry đã tìm đến hỏi về nữ ca sĩ đeo kính khi hát thì người ta mới nhớ ra cô là Nana Mouskouri, ca sĩ người Hy Lạp hát tiếng Pháp vẫn còn ngọng nghịu.
Kết quả của lần tìm gặp này là Nana đã có show diễn đầu tiên trên truyền hình Mỹ cùng với Harry vào tháng 9/1965 (Danny Kaye Show). Tại cuộc thi này cô còn có cuộc gặp gỡ lần đầu với Yvonne Littlewood, nhà sản xuất chương trình mà sau đó đã mời cô tham gia dẫn một series phim ca nhạc của đài truyền hình BBC mang đúng tên cô kéo dài tới 8 năm (1968-1976), bắt đầu một sự nghiệp ca hát vinh quang chói lọi của cô với tư cách một ngôi sao ca nhạc quốc tế. Nếu theo văn hóa truyền thống phương Đông mà nói, thì vị trí số 8 của Nana Mouskouri quả thực là không tệ!
Nana Mouskouri sinh ra tại Pháp nhưng là người gốc Hy Lạp, thích nhạc đồng quê, nói được 5 ngôn ngữ: Anh, Đức, Tây ban nha, Pháp, và Hy Lạp, rụt rè nhút nhát sợ đám đông vào lần đầu lên sàn diễn. Ở thời kỳ đầu của nghiệp diễn, ông bầu của cô khi thấy cô run sợ trước đám đông khán giả người Mỹ, đã an ủi động viên cô rằng: “Tám năm đầu tiên trên sàn diễn là thời kỳ khó khăn nhất, còn sau đó sẽ dễ dàng hơn”. Lời động viên này quả thực có giá trị với sự nghiệp ca hát dài 60 năm của Nana. Cuộc đời may mắn của cô có lẽ luôn gắn liền với những con số 8!
Giờ ta hãy nhấn nút Play và cùng thưởng thức phiên bản tiếng Anh đầy đủ do nữ ca sĩ Nana trình bày:
Over and over phiên bản tiếng Việt: “Tình nồng cháy”
Nói về bài hát được chuyển sang lời Việt; lời việt thể hiện một chuyện tình quá buồn, không còn sự lạc quan nào, mà chỉ gợi lên sự đau thương trong mất mát không thể bù đắp của tình yêu. Phiên bản tiếng Việt có tên “Tình nồng cháy”, cũng rất quen thuộc với khán giả Việt ngữ
“Anh nghe chăng anh, nước mắt em vơi đầy
Anh nghe chăng anh, những tiếng đêm thở dài”
Lời Việt này khá phù hợp trong bối cảnh đất nước khi đó đang trải qua chiến tranh khốc liệt, người yêu của cô gái ra đi không hẹn ngày trở lại
“Gọi tên anh mãi cùng gối chăn kỷ niệm
Chỉ nghe trong lòng tiếc thương âm thầm”
Bài hát tiếng Việt lúc đầu bám sát ý bản gốc nhưng sau đó rời khỏi tình huống và tâm trạng nhân vật, để buồn bã đau khổ thay thế cho vui mừng hạnh phúc, hưng phấn như trong lời tiếng Anh. Hai sắc thái khá đối nghịch của tình yêu khi so sánh bản tiếng Việt với bản tiếng Anh..
Nhạc bài hát Việt cũng chậm hơn, thể hiện tâm trạng buồn chán hơn. Những câu hát như
“Đến nay chỉ là đắng cay bẽ bàng”
Hay như
“Mất anh đêm nay, mất anh muôn đời”
Những lời hát này nghe quá bi thương, cho dù trên một âm nhạc nền tuyệt đẹp, vẫn gợi nên một kết cục “không có hậu”. Nghe bài hát này ta thấy thương cảm cho cô gái và giận chàng người yêu vô tình. Có lẽ do quan niệm “yêu là khổ” đã ăn quá sâu vào tâm khảm của người Việt. Người Việt thường nhìn đến tương lai của một mối tình nhiều hơn là nhìn vào hiện tại như người Tây phương.
Khi người Việt yêu, nhiều khi còn nghĩ rồi không biết mối tình này sẽ đi đến đâu, người Việt đang yêu cũng lo lúc chia tay sẽ khổ như thế nào. Nên khía cạnh tâm lý này đã được khai thác rất thành công trong bài hát. Người Tây phương khi yêu họ dường như hoàn toàn đắm mình trong hạnh phúc, không nghĩ xa xôi phức tạp như người Á Đông. Khi họ buộc phải chia tay thì có lẽ cũng rất chóng vánh.
Tiếng ca Ngọc Đan Thanh theo nhịp Valse chậm du dương càng làm cho cảm xúc buồn của bài hát này ăn sâu vào lòng thính giả.
Ái Vân đã thể hiện bài hát này một cách nhẹ nhàng bay bổng hơn, bớt đi tâm trạng nặng nề.
Over and over bản gốc tiếng Pháp: Roule S’enroule
Quay lại với bài hát gốc tiếng Pháp có tên Roule S’enroule. Ta thấy ở lời của bài hát gốc này một tình yêu nồng nàn lãng mạn, thậm chí là cuồng nhiệt mà không có vương dấu một nỗi buồn nào.
Roule s’enroule ma vie à la tienne
Roule s’enroule ta chance à la mienne
(Cuốn đi, hãy cuốn đi, cuộc đời em là của anh
Cuốn đi, hãy cuốn đi, cơ hội của anh là của em)
Tình yêu này vô cùng trong sáng, chỉ có ánh sáng mặt trời và gió, cùng với tiếng hát dịu êm của chàng trai dành riêng cho cô gái.
Tu me fredonnes mieux que personne
La chanson tendre que j’aime entendre
(Anh khẽ hát cho em bài hát dịu êm
Mà em muốn nghe anh hát hơn ai hết)
Bài hát gốc rễ của Roule s’enroule thực ra là một khúc dân ca của Pháp, đã được Yorgos Petsilas, chồng cũ của Nana Mouskouri, cùng nhạc sĩ kiêm nhà thơ trữ tình nổi tiếng Michel Jourdan biên tập, viết lời mới vào năm 1968, thay cho lời dân ca.
Nội dung lời hát tiếng Pháp có đôi chút bí ẩn về thân phận tình yêu của cô gái này. Người yêu của cô là ai và ở đâu? Dường như cô gái đang nhớ nhung kỷ niệm về một tình yêu đẹp mà người cô yêu đã đang ở một nơi nào đó rất xa xôi. Cô tựa như muốn bay theo gió để tới bên anh.
Giờ chúng ta lại một lần nữa cùng đắm mình vào giai điệu, điệp khúc và lời hát tuyệt diệu đầy hứng khởi của bài hát gốc tiếng Pháp
ROULE S’ENROULE
Ce matin je t’aime pour deux
Ce matin mon coeur bat pour deux
Je te retrouve et je découvre
À la seconde le bout du monde
{Refrain}:
Roule s’enroule ma vie à la tienne
Roule s’enroule ta chance à la mienne
Roule s’écoule tant de tendresse
Que je ne cesse de croire en toi
Ce jour-là est fait pour nous deux
Un instant je ferme les yeux
Tu me fredonnes mieux que personne
La chanson tendre que j’aime entendre
Roule s’enroule …
Le soleil s’endort et s’éteint
Et le vent se calme soudain
Le vent s’arrête pour mieux peut-être
Que tu entendres la chanson tendre
Roule s’enroule …
Roule s’enroule …
La la la …
La la la li..
Hoài Ân