Trà là một thói quen có tự ngàn đời. Thưởng trà là tập tục không thể thiếu trong sinh hoạt của người Trung Hoa xưa.
Trung Quốc là cái nôi của trà đạo, bởi đây là quốc gia đầu tiên phát hiện ra trà và sử dụng trà như một đồ uống. Trà không chỉ là thức uống thanh nhiệt mà còn chữa được bệnh. Đối với người Trung, thưởng trà đã trở thành nét văn hóa ngàn năm lịch sử. Việc thưởng trà cũng là một nghệ thuật. Để có thể có được một ấm trà ngon, không đơn giản chỉ là nguyên liệu tốt. mà còn là thể hiện sự tinh tế trong nghệ thuật pha trà, sự kết hợp hài hòa giữa trà và Đạo.
Người Trung Quốc uống trà đã có hơn 4 nghìn năm lịch sử, trong sinh họat hằng ngày của người Trung Quốc không thể thiếu một loại nước giải khát đó là trà, tục ngữ có câu: “củi đóm, gạo dầu, muối, tương, dấm và trà” Trà được liệt vào một trong 7 thứ quan trọng trong cuộc sống, có thể thấy được uống trà là điều rất quan trọng. Dùng trà để tiếp khách là thói quen của người Trung Quốc. Khi có khách đến nhà, chủ nhà liền bưng một chén trà thơm ngào ngạt cho khách, vừa uống vừa chuyện trò, bầu không khí rất thoải mái.
Tương truyền, trước năm 280, ở miền Nam Trung Quốc có một nước nhỏ gọi là nước Ngô, mỗi khi nhà vua thết tiệc các đại thần, thường ép các đại thần uống rượu cho say mềm. Trong số các đại thần có một đại thần tên là Vĩ Siêu không uống được nhiều rượu, nhà vua cho phép ông ta uống trà thay rượu. Từ đó về sau, các quan văn bắt đầu dùng trà để tiếp khách. Đến đời nhà Đường, uống trà đã trở thành thói quen của mọi người.
Cũng có ghi chép rằng, thói quen này còn có liên quan đến Phật giáo. Vào khoảng năm 713 đến năm 741, lúc đó các sư sãi và các tín đồ trong nhà chùa do ngồi tụng kinh trong thời gian dài, thường hay ngủ ngật và ăn vặt, nhà sư liền nghĩ ra cách cho họ uống trà cho tỉnh táo, từ đó, biện pháp này được lưu truyền đi khắp nơi.
Trong khi đó, những gia đình giàu có của nhà Đường, còn mở phòng chuyên pha trà, thưởng thức trà và đọc sách, gọi là phòng trà. Năm 780, ông Lục Vũ chuyên gia về trà của nhà Đường đã tổng kết kinh nghiệp trồng trà, làm trà và uống trà, viết cuốn sách về trà đầu tiên của Trung Quốc với tựa đề: “Kinh nghiệm về trà”. Ông được người đời tôn là Thánh trà.
Trong đời nhà Tống, nhà vua Tống Huy Tôn dùng tiệc trà để thết các đại thần, tự tay pha trà; Trong Hoàng cung đời nhà Thanh, không những uống trà, mà còn dùng trà tiếp khách nước ngoài.
Ngày nay, hàng năm vào những ngày tết quan trọng như : tết dương lịch hoặc tết xuân vv…,có một số cơ quan, đoàn thể thường tổ chức liên hoan tiệc trà.
Nếu như Trà là văn hóa, thì pha trà và uống trà là một nghệ thuật
Không chỉ đơn giản là một thói quen, thưởng trà còn được nâng lên thành một nét nghệ thuật từ cách pha trà cho đến uống trà.
Có nhiều cách để pha một ấm trà. Đơn giản thì cho trà vào tách sau đó đổ nước sôi vào chờ vài giây rồi có thể mang ra thưởng thức.
Để có một ấm trà ngon, thì việc chuẩn bị nguyên liệu trà, nước, ấm pha trà, và chén dùng trà cũng phải tuân theo một yêu cầu nhất định.
Trước tiên lá trà phải lựa để phơi khô phải là lá trà khỏe, tươi không bị dập nát, trải qua quá trình sơ chế, sao khô hạ thổ. Tại sao phải hạ thổ, theo lí giải của người Trung Hoa xưa, thì ngọn trà khi được hái xuống đã tiếp nhận dương khí của trời, để cân bằng âm dương, thì trà xao khô phải được hạ thổ để nhận tinh khí từ đất. Đồng nghĩa đất trời giao hòa, âm dương cân bằng.
Nước pha trà có thể là là nước giếng, nước mưa hay nước suối… Người xưa thường dùng một mạch nước nhỏ từ trong lòng núi chảy ra,hay nước từ băng tuyết tan từ những cành hoa, ngọn cây nên trà pha lên có hương vị đặc biệt khác lạ.
Ấm và chén dùng để pha trà thường được dùng là gốm sứ, có tính giữ nhiệt và đảm bảo vị tươi ngon và lưu giữ tốt nhất hương thơm của trà.
Chén uống trà nên để chén loại nhỏ, chỉ vừa đủ 1-2 ngụm trà, uống trà nhâm nhi để cảm nhận hương vị của nó từ đầu lưỡi đồng thời chén trà nhỏ đủ uống để người uống được uống trà nóng.
Cách uống trà là không thống nhất một kiểu, mỗi vùng miền, địa phương lại có cách thưởng thức trà, có văn hóa trà đạo khác nhau.
Nếu như người Bắc Kinh thích dùng trà hoa nhài. Nhưng ghé sang Thượng Hải, Chiết Giang thì người dân tại đây lại thích uống trà xanh, Phúc Kiến thì trà đen còn người miền Nam tỉnh Hồ Nam thì lại dùng trà gừng muối để tiếp khách.
Về nghi lễ dùng trà thì không có sự thống nhất. Như tại Bắc Kinh nếu bạn là người được mời trà thì một vị khách như mình nên đứng dậy tay đỡ chén trà, sau khi nói cảm ơn thì mới uống. Còn ở khu vực Quảng Đông bạn nêm khum tay lại để đón nhận ly trà từ chủ nhà sau đó gõ gõ 3 lần vào bàn để thể hiện sự cảm ơn. Đây là một hình thức bắt đầu từ đời vua Khang Hy khi cải trang làm thứ dân đi vi hành và khi rót trà cho bá quan văn võ mọi người đều không tiện khấu đầu cảm ơn nên đã gõ 3 lần vào bàn thay cho khấu đầu cảm ơn. Từ đó cách thức này dùng để cảm ơn khi ai đó gắp thức ăn hay mời trà.
Tại sao nói thưởng trà là một nghệ thuật?
Theo người Trung Hoa cổ xưa, không gian thưởng trà thường là phòng kín hoặc hoa viên.
Nếu là phòng kín thì trong phòng thường được treo tranh,thơ,câu đối, những bức họa thư pháp, hay những lời dạy của cổ nhân, và thường không thể thiếu là một bức họa phong cảnh lớn. Phòng trà này thường được trang trí rất tinh tế và trang nhã. Mang lại cảm giác hòa mình vào thiên nhiên nhưng không kém phần ấm cúng. Đặc biệt hơn trong phòng thường được bày một lư trầm, hương thơm lan tỏa khắp phòng, cùng với phong thái thưởng một chén trà ngon, giúp cho con người cân bằng thân thể, thư thái và buông bỏ phần mệt nhọc.
Nhưng nếu không gian thưởng trà là hoa viên, hay còn gọi là viên trà, thì lại hoàn toàn khác, người thưởng trà được ngồi giữa một hoa viên có nước có hoa, phong cảnh hữu tình, trà lúc này không thể dịu nhẹ như trà dùng nơi thư phòng, ấm trà ở đây thường là đặc hơn, giữ nhiệt tốt hơn.
Thưởng trà của người xưa không đơn giản chỉ là uống trà, mà còn là một nét tinh tế, cảm nhận từng vị của trà, nhâm nhi chén trà mà tương tư về kiếp nhân sinh, thưởng và bình phẩm về một tác phẩm hội họa, đàm thoại đôi điều về lời dạy của cổ nhân, đôi khi tức cảnh sinh tình mà đưa ra câu đối, hoặc vì ngẫu hứng mà nghe đàn tì bà hay cổ cầm.
Có thể nói, thưởng trà được nâng lên sự tinh tế tuyệt vời của nghệ thuật, tao nhã đến thanh khiết.
Trà và Đạo hàm nghĩa thâm sâu
Trà Đạo đòi hỏi khá phức tạp từ khâu dụng cụ tới cách pha chế, hay tâm tính của người pha chế trà.
Về sự phức tạp của văn hóa trà đạo thì phải kết hợp nhiều công đoạn khác nhau như rửa trà, tráng ly, lọc trà rồi rót trà. Mùi cũng như hương vị của trà sẽ quyết định tất cả, đó là điều quan trọng nhất để bạn có thể đánh giá một tách trà có ngon hay là không? Chén uống trà cũng chỉ dùng với loại nhỏ chứa khoảng 2 ngụm nước. Ấm pha trà thông thường là làm từ đất sét tráng men. Với một lượng trà vừa đủ không nhiều, không ít rồi tùy vào từng loại trà mà kết hợp với nhiệt độ nước phù hợp mà pha. Có loại nước phải thật nóng nhưng có loại chỉ cần đủ ấm là có thể pha được. Có loại thì cần phải chờ cho nước ngấm vị trà mới mang ra uống nhưng có loại thì không cần để ngấm lâu…
Thời Trung Hoa cổ xưa, Đạo hiện diện trong tất cả các ngành nghề, và con người lấy Đạo làm gốc, do vậy mà Đạo thấm đẫm trong từng việc nhỏ của sinh hoạt con người.
Lão Tử thời cổ đại từng nói: “Đạo khả Đạo, phi thường Đạo”. (Tạm dịch: Gọi là Đạo cũng được, nhưng là Đạo phi thường; con đường ấy có thể đi nhưng là con đường phi thường). Còn nói: “Đại Đạo phiếm hề, kỳ khả tả hữu” (Tạm dịch: Đại Đạo tràn ngập trong mọi thứ, có thể thao túng mọi thứ). Có thể thấy rằng “Đạo” là vô xứ bất tại, không đâu là không có. Như vậy “Đạo” thực ra là gì? Trong kinh điển “Trung Dung” nổi tiếng của nhà Nho Trung Quốc có giảng: “Thiên mệnh chi vị tính; suất tính chi vị Đạo” (Tạm dịch: Thiên mệnh là một đặc tính, thuận theo đặc tính ấy là Đạo).
Kỳ thực “Đạo” có ý nghĩa chân chính là cho chúng ta biết rằng: trong vũ trụ mọi sự vật, gồm sự vận chuyển của Thiên thể, sự sinh sôi của loài người, sự thay đổi các triều đại, vòng sinh lão bệnh tử của đời người, chúng đều là theo Đạo mà vận hành, đều là có quy luật nhất định. Thành, Trụ, Hoại, Diệt ấy đều là quy luật của vũ trụ. Cho nên con người có thể “Phản bổn quy chân”, trở về với bản tính tiên thiên, bởi vì bản tính tiên thiên ấy là chân chính, là thiện lương, là liên thông với vũ trụ, như vậy mới có thể đạt tới cảnh giới Thiên nhân hợp nhất, Đạo pháp tự nhiên. Đó chính là “Đạo” mà người tu hành xưa kia thường hay nhắc tới.
Bởi vì “Đạo” thể hiện phép tắc và quy luật của vũ trụ và nhân sinh, nên người Trung Quốc xưa không tùy tiện nói về Đạo, cho rằng ấy là điều vô cùng cao thâm, không thể nói rõ ràng ra được.
Người Trung Quốc cận đại đều bị hai chữ “Mê tín” ngăn trở và rời xa “Đạo”. Không như ở Nhật Bản, trà có trà đạo, hoa có hoa đạo, hương có hương đạo, kiếm có kiếm đạo, luyện võ nghệ giao đấu cũng có nhu đạo, đài quyền đạo (teakwondo). Kỳ thực tại Trung Quốc thời cổ đại các ngành các nghề đều có “Đạo”, mọi người cũng đều có tâm cầu Đạo, cho nên người xưa nếm trà cũng có Trà Đạo.
Nghệ thuật Trà đạo là một loại nghệ thuật “Trung gian”, lấy trà làm phương tiện truyền đạt, kế thừa tinh thần của văn hóa truyền thống Trung Hoa. Thời Đường có Lưu Trinh Lượng trong tác phẩm “Ẩm trà thập đức” cũng sáng suốt đưa ra: “Dùng trà có thể hành Đạo, dùng trà có thể đạt được chí khí thanh cao”. Như vậy, Trà Đạo là gì?
Bề ngoài mà nói chính là do ở “Trà lễ, trà quy, trà pháp, trà kỹ, trà nghệ, trà tâm” sáu việc này cấu thành nên, gọi là “Trà đạo lục sự”.
Tu tập Trà Đạo chính là thông qua trà đạo lục sự ấy mà chứng ngộ được tinh thần của trà đạo. Nhìn bề ngoài thì tu tập Trà Đạo có vẻ là “Kỹ năng”, nhưng cần phải tu tập Trà tâm, tiếp theo còn phải bắt đầu tu tập trà kỹ, cần phải hiểu được đạo lý này mới có thể đàm luận về Trà Đạo được.
Trà Đạo trong điều trị bệnh
Trà thì đắng, nhưng lại là đắng có ý vị, người nếm trà từ mùi vị của trà mà thưởng thức vị đắng của nhân sinh. Mặt khác trong Y học cổ truyền Trung Hoa, đắng bổ tâm, tức vị đắng của trà mà bổ tim huyết.
Theo tập quán của người Trung Quốc, mùa lạnh nhiệt độ hạ xuống sâu, buộc họ phải ăn nhiều đồ cay nóng, và ăn nhiều dầu mỡ, dùng trà để cân bằng lại âm dương cơ thể, mùa hè lại khắc nghiệt, nên bào chế ra nhiều loại trà thảo mộc làm mát cơ thể.
Đặc tính của Trà cũng là đắng. Lý Thời Trân trong “Bản thảo cương mục” có viết: “Trà đắng mà tính hàn, trong âm có âm, cực kỳ tốt khi dùng để kháng lại tính hỏa, hỏa là trăm bệnh, nhờ vậy trăm bệnh tất có thể được thanh trừ”. Theo đặc tính của trà là trước đắng sau lại ngọt, trong đắng có ngọt, nhờ đó mà hiểu ra được đạo lý làm người: tiết kiệm, đạm bạc, lấy khổ làm vui.
Tâm tĩnh lặng là nét đẹp trong trà đạo
Để pha được ấm trà ngon, người pha trà phải để tâm vào từng việc làm nhỏ, người xưa thường nói: dụng tâm chế trà. Hàm ý nhắc nhở từ việc nhỏ nhất cũng cần dùng tâm ý để làm. Khi người ta tâm huyết làm nên một điều gì đó, người thưởng ngoạn cũng cảm nhận được sự tinh tế và khéo léo của người làm ra nó. Bởi vậy mà người xưa thường dùng tâm mà làm mọi việc. Tâm càng tĩnh thì làm việc hiệu quả càng tốt đẹp. Do vậy mà xưa kia người ta thường nói: trà độc. Ngụ ý không phải trong trà có độc, mà do tâm tính của người chế trà không thuần tịnh sẽ làm ra độc tố.
Trà đạo nghiên cứu “Hòa tĩnh di chân”, tức tâm tĩnh lặng không suy tư, toan tính, nghĩ suy, đạt trạng thái tĩnh như mặt hồ, gột sạch những kiến giải sai lầm, sáng tỏ con đường phải đi để đạt Đạo.
Nói đến cái “Tĩnh Hư”, một số thiền sư cho rằng, đó là trạng thái nhập tĩnh tới mức coi thảy mọi việc đều là hư không. Trong nghệ thuật trà đạo Trung Quốc thực chất là nói về sự tĩnh lặng của thế giới tâm hồn, đến mức tĩnh lặng với mọi hoàn cảnh bên ngoài. Lấy tĩnh chế động. Chỉ cần tâm hồn của bản thân không mất đi “Hư tĩnh”, thì uống trà cũng được, nói cười cũng được, nghe nhạc cũng được, xem kịch cũng được, không có gì là không thể được.
Trước khi nếm trà, cần buông bỏ những phiền muộn, những điều cố chấp trong lòng, tĩnh tâm lại, bắt đầu tiến vào cảnh giới thẩm mỹ nếm trà, lặng lẽ lĩnh hội sắc của trà, hương của trà, vị của trà, hình tượng của trà… , từ đó mà tĩnh lặng quan sát, nghĩ lại về cuộc sống nhân sinh, bồi dưỡng tâm tính, đạt tới cảnh giới “Tĩnh Không động” trong tâm hồn, nhận thức được cái đẹp của “Tĩnh Hư”.
Trà đạo không chỉ là nghệ thuật thưởng trà mà nó chính là tu luyện
Như vậy tâm tính là vấn đề rất được coi trọng trong trà đạo, để đạt được cảnh giới của đạt Đạo thì vấn đề tâm tính phải được rèn giũa, tôi luyện.
Tu hành Trà Đạo quan trọng nhất là tu tâm dưỡng tính, từ vị đắng của trà mà nhìn thấu được nhân sinh, hiểu được rằng con người sinh ra không phải là hưởng phúc, mà chính là chịu khổ mà hành thiện, để rồi chịu khổ mà buông bỏ tham chấp bản thân, để trở về với cái tiên thiên ban đầu vốn là tốt đẹp. Sau vị đắng của trà sẽ cảm nhận được vị ngọt nơi cổ họng, đó chính là, gian khổ trong tu luyện đã qua đi, tư tưởng từng ngày thăng hoa đề cao lên trên, từ đó mà đắc Đạo, thoát khỏi luân hồi khổ đau của thế giới trần tục, tiếp cận thế giới Thần vĩ đại. Theo như Đạo gia nói: tu Đạo đắc Đạo, phản bổn quy chân.
Vì vậy mà Thần đã trao cấp cho con người trong mỗi ngành nghề, trong mỗi loại văn hóa đều có thể giúp người ta tu luyện tâm tính, nâng cao cảnh giới của sinh mệnh. Bởi vì trong mắt của Thần, con người căn bản không phải là sống tại thế gian để làm người, mà là có ý nghĩa rất thâm sâu hàm chứa bên trong.
Thần mỗi thời khắc đều cố gắng thức tỉnh con người một cách lặng lẽ, che chở cho con người, hy vọng con người có thể chân chính bước đi trên con đường thành Thần.
Tịnh Tâm