Đại danh họa Lý Đường được Tống Huy Tông vô cùng coi trọng, đối xử rất hậu đãi. Nhưng khi triều đình Bắc Tống bị nhà Kim diệt, cuộc đời ông trở thành cuộc sống lang bạc kỳ hồ, lưu lạc nơi đất phương Nam, lại không có người quen, phải bán tranh kiếm sống…
Lý Đường xuất hiện vào cuối triều đại nhà Bắc Tống, khi đó hoàng đế Tống Huy Tông có một chính sách đột phá trên phương diện hội họa. Ví dụ như, ông gạt bỏ thói quen những nghệ sĩ cung đình đều do người khác tiến cử, lấy phương thức thi cử để lựa chọn. Tống Huy Tông rất coi trọng sức tưởng tượng và ý thơ của người họa gia, từ đó mà lấy làm tiêu chuẩn để giám định. Năm đó, Huy Tông ra đề thi là “Trúc tỏa kiều biên mại tửu gia”. Chữ “tỏa” mang nghĩa là “khóa”, đây là một từ mấu chốt trong câu thơ, có thể giải thích ý thơ là rừng trúc xum xuê tỏa ra che phủ quán rượu và cây cầu.
Nhưng vì “kiều biên mại tửu gia” là một câu thơ 5 chữ quen thuộc, vì thế mà rất nhiều thí sinh đem điểm chính đặt vào nơi quán rượu, tửu khách cười nói hay mô tả cây cầu. Riêng Lý Đường, ông vẽ một mảnh rừng trúc to lớn, bên cạnh là một cây cầu nhỏ, phía xa xa trong rừng trúc là một lá cờ vẽ hình chữ “tửu”, ngay cả quán rượu cũng không hề vẽ ra, nhưng ông đã đem được chữ “tỏa” biểu hiện ra một cách tinh tế. Huy Tông sau khi nhìn bức họa vô cùng mãn nguyện, khâm ban cho hạng nhất. Sau khi vào viện hội họa cung đình, Lý Đường được Tống Huy Tông vô cùng coi trọng, đối xử rất hậu đãi.
Bức “Vạn hác tùng phong đồ” là tác phẩm được hoàn thành vào năm Tuyên Hòa thứ 6 (Tống Huy Tông), Lý Đường lúc đó là 76 tuổi, nó cũng được hoàn thành trước 2 năm khi bắt đầu xảy ra “Tịnh Khang chi nạn” (khó nạn thời vua Tịnh Khang). Thời “Tịnh Khang chi nạn” phát sinh, người Kim công phá kinh thành Bắc Tống, hoàng đế Khâm Tông, tần phi, các đại thần, họa gia cung đình, ca kỹ khoảng 3000 người đều bị bắt đến phương Bắc, trong số đó có Lý Đường.
Thổ phỉ hóa đồ đệ, bảo vệ suốt cuộc hành trình đến Giang Nam
Lý Đường đã từng làm việc trong phủ của Khang Vương Triệu Cấu, ông nghe nói Khang Vương đã kế vị ở phương nam, vì thế ông cùng với những đại thần khác chạy trốn về phía nam, chạy tới núi Thái Hành thì bị đám cường đạo bao vây. Một người trong đám tên Tiêu Chiếu trong lúc xô đẩy đã làm một hộp phấn màu rơi ra từ trong bọc đồ quần áo của Lý Đường gây nên sự chú ý (trước kia, thuốc màu không dễ kiếm, vì thế họ thường điều thành khối phấn, mỗi lần muốn vẽ có thể dễ dàng sử dụng), sau đó hắn quay ra hỏi vị lão nhân trước mặt là làm việc gì?
Lý Đường vừa xưng danh, Tiêu Chiếu giật mình kinh hãi, bởi hắn rất có hứng thú với hội họa, lại nghe thấy trước mắt mình là đại danh trong họa viện cung đình Lý Đường, vì thế mà hắn xung phong một lòng muốn bảo vệ ông đi về phương nam. Tiêu Chiếu cáo biệt thủ lĩnh, một lòng bảo vệ Lý Đường tới kinh thành Lâm An (Hàng Châu ngày nay).
Lưỡng nhân nhất lộ, hai người một đường, vừa trốn vừa vẽ, vừa vẽ vừa dạy, Tiêu Chiếu sau đó cũng trở thành một họa gia nổi tiếng của Nam Tống, hiện nay tại Bảo tàng Cố cùng Đài Bắc còn cất giữ một tác phẩm của Tiêu Chiếu.
Thời điểm đó, Khang Vương Triệu Cấu vẫn chưa quyết định sẽ đóng đô tại đâu, Lý Đường cũng không tìm được nơi Khang Vương ở, cuộc đời ông trở thành cuộc sống lang bạc kỳ hồ, lưu lạc nơi đất phương Nam, lại không có người quen, phải bán tranh kiếm sống.
Tranh Lý Đường không lọt vào mắt người dân phương nam, bất giác trở thành một trường phái hội họa mới’
Phong cảnh Giang Nam và Giang Bắc khác biệt rất nhiều, phong tục tập quán cũng có những bất đồng lớn, sở thích của người dân về thư họa người phương bắc và phương nam cũng không giống nhau, phương bắc thích đại sơn đại thủy (núi lớn sông rộng), nhưng phương nam thì không hề thích lối vẽ này, vì thế mà tác phẩm của Lý Đường không bán được nhiều. Ông làm một bài thơ xúc động rằng:
Vân lý Yên thôn vũ lý than
Khán chi như dịch tác chi nan
Tảo tri bất nhập thì nhân nhãn
Đa mãi yên chi họa mẫu đan
(Dịch nghĩa:
Mây khói vấn vương ngoài thôn Yên Vũ cùng bãi ghềnh sau cơn mưa lớn, sơn thôn lúc ẩn lúc hiện, thác nước chảy xiết
Thưởng thức cảnh đẹp trong tranh thật dễ dàng, ai biết lúc vẽ có bao nhiêu khó khăn
Sớm biết người lúc ấy coi thường cảnh đẹp như vậy,
Thì thà mua thêm phấn vẽ mẫu đơn diễm lệ còn tốt hơn)
May mắn là, bấy giờ có rất nhiều người dân Giang Bắc chạy tới Giang Nam, một vị được cho là cậu của Khang Vương tình cờ đi ngang qua chợ, trông thấy một bức họa độc đáo, khác biệt hoàn toàn với phong cách vẽ của Giang Nam, vì thế mà tìm được Lý Đường, người cậu này lại tiến cử ông cho Cao Tông Khang Vương. Lúc ấy Lý Đường 80 tuổi một lần nữa được vào họa viện cung đình.
Lý Đường là một họa gia tài năng, sức mạnh hội họa phong phú đa dạng, ông không chỉ vẽ tranh phong cảnh mà cũng vẽ về những câu chuyện và nhân vật, hoa điểu, thú vật các loại. Sau khi tới sống tại Giang Nam, ông dần dần thay đổi phong cách vẽ, từ đại sơn đại thủy, cấu đồ dần chuyển thành Yên Vũ, Giang Nam mưa lất phất, dương liễu tây hồ,… Ngoài ra ông còn sử dụng các phương pháp vẽ khác nhau, dẫn một phong cách mới cho hội họa về liễu ở Nam Tống.
Bàn về tác phẩm “Vạn hác tùng phong đồ”
Bức tranh “Vạn hác tùng phong đồ” là một tác phẩm được kết hợp từ 3 tấm lụa, đây là một tác phẩm rất lớn. Trước đây một tấm lụa khá nhỏ, nếu vẽ bức tranh vượt quá 100cm, nhất định phải dùng cách vẽ bằng cách hợp nhất các tấm lụa lại với nhau, ví như bức “Khê sơn hành lữ đồ” hay “Tảo xuân đồ” cũng vậy.
Rất nhiều những ghi chép lịch sử về Lý Đường, ông là người rất giỏi mô tả hình ảnh sống, sinh hoạt của vạn vật. Lấy bức họa này làm ví dụ, bức tranh có rất nhiều bộ phận được mô tả tỉ mỉ, cho thấy sự chuyển động và sử dụng linh hoạt suân pháp, áp dụng những yếu tố hình ảnh liên quan. Ví dụ như đang vẽ núi đá, mây, tùng, nước là những yếu tố chủ yếu, chúng ta có thể nhìn thấy kết cấu biến hóa, bóng mờ,… được Lý Đường thể hiện.
Cây tùng lập thể: ông dùng những tuyến mực để làm thân cây, lại vẽ hình nửa vòng tròn để khắc những mấu khớp trên thân cây tùng, sau đó điểm lá rậm rạp, lợi dụng độ dày của tán lá để mô tả những cành cây khô, cách dùng màu nhạt khiến cho cây tùng mang cảm giác lập thể rất sinh động.
Lá tùng dày đặc: Lý Đường lợi dụng những nét nhỏ của kim, đem lá tùng từng mũi từng mũi vẽ ra, lớn nhỏ bất đồng, không dùng cách nhuộm màu mà tận tay vẽ từng chiếc, đây là công việc rất tỉ mỉ và công phu.
Mặc dù tác phẩm này rất lớn, những hình ảnh mang đến cho người xem một cảm giác khoan khoái, dễ chịu, không tối chìm, không tiêu điều, ví như trong tranh lá tùng hiện lên hết sức rậm rạp, giống như đang vào mùa hè đầy sinh khí, nhiều âm thanh trong rừng, thậm chí có thể cảm nhận được nước suối chảy trong rặng lá tùng chập chờn tỏa hai bên. Ngoài ra bức tranh còn có hình ảnh chỗ lõm của núi, đỉnh núi đều có nguồn suối chảy, hô hứng lên cái gọi là “vạn hác” (vạn khe nước).
Theo epochtimes.com
Uyển Vân biên dịch