Trong bài viết thú vị này, các tác giả đã đo kích thước của một số lâu đài cỡ lớn bằng Google Maps và Máy tính diện tích KML, để đưa ra được một danh sách 10 lâu đài có diện tích lớn nhất thế giới.
Tìm kiếm những lâu đài lớn nhất thế giới không đơn giản. Thứ nhất, mặc dù lâu đài thường được định nghĩa là một cấu trúc có chức năng phòng thủ và cũng được xây dựng như một nơi ở cho người cai trị hoặc nhà quý tộc, nhưng không có định nghĩa rõ ràng thế nào là một lâu đài thực sự. Hầu hết mọi người đồng ý rằng Điện Kremlin ở Moscow không phải là một lâu đài mặc dù nó có cả hai chức năng trên; ngoài ra còn các pháo đài như ở Ấn Độ và Nhật Bản,… Thứ hai, sử dụng thước đo nào và làm thế nào để quyết định điều này? Theo Sách Kỷ lục Guinness, Lâu đài Praha là quần thể lâu đài lớn nhất trong khi trang Wikipedia lại mô tả Lâu đài Windsor là lâu đài có người ở lớn nhất.
Trong bài viết thú vị này, các tác giả đã đo kích thước của một số lâu đài cỡ lớn bằng Google Maps và Máy tính diện tích KML, để đưa ra được một danh sách 10 lâu đài có diện tích lớn nhất thế giới.
10. Lâu đài Edinburgh (35.737 mét vuông)
Nằm trên một ngọn núi lửa đã tắt, lâu đài Edinburgh nổi bật trên đường chân trời của thành phố Edinburgh ở Scotland. Chỉ có vài tòa nhà trong lâu đài hiện nay có từ trước thế kỷ 16. Một ngoại lệ đáng chú ý là nhà thờ St Margaret – tòa nhà lâu đời nhất còn tồn tại ở Edinburgh – có từ đầu thế kỷ 12.
9. Thành cổ Aleppo (39.804 m2)
Thành Aleppo là một trong những lâu đài cổ nhất trên thế giới, đứng trên một ngọn đồi cao 50 mét ở trung tâm Aleppo, Syria. Việc sử dụng ngọn đồi này làm thành lũy có từ giữa thiên niên kỷ thứ 3 trước Công nguyên. Sau đó thành đã bị chiếm bởi nhiều nền văn minh khác nhau, bao gồm Hy Lạp, Byzantines, Ayyubids và Mamluks, phần lớn các công trình xây dựng được thấy như ngày nay đã có từ thế kỷ 13.
8. Lâu đài Himeji (41.468 m2)
Lâu đài Himeji thường được coi là lâu đài đẹp nhất Nhật Bản và là một trong số ít những nơi đã thoát khỏi sự tàn phá của nội chiến, động đất và đánh bom. Đầu tiên một pháo đài nhỏ được xây dựng trên địa điểm hiện tại vào thế kỷ 14 rồi dần dần mở rộng qua nhiều thế kỷ. Quần thể lâu đài như còn tồn tại đến ngày nay được hoàn thành vào năm 1609.
7. Lâu đài Buda (44.674 m2)
Nằm trên mũi phía nam của Castle Hill ở Budapest, Hungary, lâu đài Buda được củng cố lần đầu tiên vào thế kỷ 13, sau một cuộc tấn công của quân Mông Cổ khiến công dân Buda phải tìm kiếm một khu vực lân cận dễ phòng thủ hơn. Ngày nay lâu đài có sự pha trộn của các phong cách kiến trúc, từ Gothic đến Baroque, do bị xâm chiếm nhiều lần, sau đó được xây dựng lại theo phong cách của từng thời kỳ.
6. Lâu đài Spis (49.485 m2)
Lâu đài Spis ở phía đông Slovakia là một trong những lâu đài thời Trung cổ lớn nhất ở trung tâm châu Âu. Cấu trúc chính của lâu đài được củng cố bằng những bức tường đá vào nửa đầu thế kỷ 13; còn sân dưới được tu sửa vào giữa thế kỷ 15. Lâu đài này có vị trí đẹp ở nơi thôn dã và thường được sử dụng làm bối cảnh cho các bộ phim, như Dragonheart (1996) và The Last Legion (2006).
5. Lâu đài Hohensalzburg (54.523 m2)
Lâu đài Hohensalzburg nằm ở thành phố Salzburg của nước Áo là một trong những lâu đài lớn nhất và được bảo tồn tốt nhất ở châu Âu. Lâu đài này được xây dựng vào năm 1077 và được mở rộng đáng kể trong khoảng thời gian từ năm 1495 đến 1519 để sau đó có dáng dấp giống với hiện tại.
4. Lâu đài Windsor (54.835 m2)
Lâu đài Windsor thường được coi là lâu đài vẫn đang có người ở lớn nhất thế giới và chắc chắn là lâu đài lớn nhất ở Anh. Đây là một trong những nơi ở chính thức của Nữ hoàng Elizabeth II, khi bà dành nhiều ngày nghỉ cuối tuần tại lâu đài, dùng lâu đài cho cả mục đích làm việc và giải trí riêng tư.
3. Lâu đài Praha (66.761 m2)
Lâu đài Praha, Séc, theo Sách Kỷ lục Guinness là một trong những lâu đài lớn nhất thế giới. Lâu đài này có từ thế kỷ thứ 9 và đã được mở rộng nhiều lần cho đến tận nửa sau của thế kỷ 18. Lâu đài này có một khu phức hợp gồm nhà thờ St. Vitus và nhà thờ St. George.
2. Pháo đài Mehrangarh (81.227 m2)
Mặc dù chính thức được gọi là pháo đài, Mehrangarh Fort cũng chẳng khác gì một lâu đài của Ấn Độ. Lâu đài này nằm trên một ngọn đồi cao 122 mét, có tường cao 36 mét và rộng 21 mét. Muốn vào trong lâu đài phải đi qua bảy chiếc cổng. Lâu đài kiêm pháo đài này lần đầu được xây dựng vào năm 1459 bởi người sáng lập Jodhpur – Rao Jodha – sau khi ông chuyển thủ đô từ Mandore tới đây. Tuy nhiên, hầu hết những gì được thấy hiện nay có từ thế kỷ 17.
1. Lâu đài Malbork (143.591 m2)
Nằm ở đất nước Ba Lan, lâu đài Malbork xứng đáng là lâu đài lớn nhất thế giới. Lâu đài này được thành lập vào năm 1274 bởi các Hiệp sĩ Teutonic, khi họ sử dụng nó làm tổng hành dinh để giúp đánh bại quân đội của Ba Lan và cai trị các vùng lãnh thổ Baltic của riêng họ ở phía bắc. Lâu đài này đã được mở rộng nhiều lần để phục vụ cho số lượng các Hiệp sĩ ngày càng tăng, cho đến khi họ phải rút lui về Königsburg vào năm 1466.
Theo touropia.com (bài và ảnh)
Hòa Bình biên dịch