Từ ngàn xưa, khi nhắc tới hai từ “tu luyện’’ là người ta nghĩ ngay tới phương Đông huyền bí với muôn vàn phép thuật… Trên thực tế thì cũng từ hàng ngàn năm nay, phương Tây cũng sở hữu một tàng thư đồ sộ in dấu trong văn học, hội họa về nội hàm tu luyện trở về thiên giới và ghi lại vô số thần tích triển hiện giữa nhân gian. Đại Kỷ Nguyên giới thiệu tới độc giả loạt bài “Dấu ấn lịch sử trong hội họa” về chủ đề này…
Giai đoạn điển hình nhất trong lịch sử Tây phương có in dấu ấn này đối với con người ngày nay là thời điểm Chúa Giê-su hạ thế truyền pháp, giảng đạo, cũng là thời kì gần với niên đại lịch sử hiện đại nhất. Nó được bộc lộ một cách rõ ràng minh bạch.
Và người phương Tây thời đó cũng trải qua rất nhiều những khó khăn thử thách để đắc được chính đạo mà Giê-su truyền giảng.
Trong suốt hàng trăm năm, cả Chúa và các môn đồ của Ngài đã chứng minh cho loài người thấy sự vĩ đại trong tu luyện, và cảnh giới tư tưởng mà con người có được khi họ chân chính đắc được pháp mà Giê-su truyền.
Để có cái nhìn sâu sắc qua các bằng chứng lịch sử là sự phản ảnh của hội họa tôn giáo, chúng ta cùng nhìn lại những thông điệp mà hậu nhân đang dần sáng tỏ qua góc nhìn hội họa để hiểu hơn về bức tranh tu luyện trong người Tây phương.
Trong tiềm thức của người phương Tây, họ tín ngưỡng vào Thần, họ cũng nhận thức rằng con người xuất hiện là do Thần tạo thành.
Kinh Thánh truyền rằng: Chúa tạo ra Adam bằng bùn đất, rồi tạo ra Eva từ một nhánh xương sườn của mình, rồi Ngài lại tạo ra vườn Địa Đàng với muôn vàn cây cối, hoa lá cỏ thơm, tạo ra muôn thú để cùng chung sống với con người. Nơi đó Adam và Eva ngập tràn trong hạnh phúc.
Sống trong vườn Địa Đàng là được sống cùng với Chúa, gần Chúa nhất. Bởi họ chính là một phần linh hồn, xương thịt của Ngài, tâm hồn họ tinh khôi, thuần khiết.
Bản tính trong sáng, thiện lương được giữ gìn bởi hằng ngày họ được Chúa dậy dỗ, tắm mát linh hồn bằng Pháp. Có thể sống cùng với thiên quốc của Ngài, cũng có những điều kiện, pháp lý phù hợp với nơi ấy về tiêu chuẩn tâm tính của con người…
Thứ đất bùn mà Chúa trời tạo không phải thứ bùn đất thế gian. Nó là bùn đất từ thiên đàng, nó có linh khí và cũng là những tinh hoa của đất trời.
Nhưng trong chính cuộc sống yên bình, hạnh phúc mà Chúa trời ban tặng cho con người, họ đã một phút quên đi lời căn dặn mà ăn trái cấm, làm việc xấu, họ không còn thuần khiết như ban đầu, bản tính đã không còn như cũ.
Và đương nhiên những thứ xấu tệ không thể cùng tồn tại với Chúa, với chư Thần, bởi thế giới chư Thần là những nơi thánh khiết nhất, không có những cám dỗ trần tục tầm thường.
Họ ở cảnh giới mĩ hảo hơn. Và con người phạm luật thiên giới thì con người phải gánh chịu cho những gì mình gây ra.
Con người và con cháu họ bị đẩy ra khỏi vườn địa đàng, bị đày xuống sống tại dương gian với đầu óc bị thanh tẩy hết thảy những kí ức đẹp về Chúa và vườn Địa Đàng mà họ đã từng sống.
Khi rớt xuống thế giới mà trong mắt chư Thần là dơ bẩn này, họ lại sống trong mê, làm biết bao điều xấu, những bản tính nguyên sơ thánh khiết mà Chúa ban cho họ đã dần chẳng còn.
Thay vào đó là những thứ xấu tệ được hình thành qua những năm tháng sinh tồn, những gian dối, những tranh đoạt, cướp bóc, rồi tà niệm thay thế bản tính thuần khiết thiện lương…
Khi con người đã có nguy cơ tự hủy đi chính mình vì những niệm và hành vi xấu ác, thì một lần nữa Ngài lại thương xót con người và tin rằng họ sẽ có thể tu để trở về với những gì tốt đẹp nhất mà Chúa trời đã ban tạo cho họ.
Các chư Thần cho rằng, con người chỉ là đang mê lạc thôi, chỉ cần họ được đánh thức, nhất định sẽ cứu được họ.
Ngài lại cho con người một cánh cửa, một lối thoát để được lên thiên đàng, được trở về với nguồn cội của chính mình. Chính là ai có đức tin nơi Chúa, sống theo những gì chúa dạy, buông bỏ đi những dục vọng xấu xa tồi tệ, nhất định cánh cửa thiên đường kia sẽ mở cho họ.
Điều ấy làm con người không ngừng thôi thúc mong muốn được trở về, thoát khỏi cái trầm luân đau khổ, và con đường duy nhất để trở về đó là tu luyện. Phải gột rửa tâm thân để được về bên Chúa.
Trong con đường cuối cùng của khổ đau tột độ, Chúa giáng sinh giảng Pháp, truyền Đạo để cứu rỗi con người thế gian.
Hơn 2000 năm trước, trong đoàn người du hành đến Bethlehem, một hài nhi chào đời và được nằm trong chiếc nôi bằng máng cỏ. Cùng lúc ấy các thiên sứ loan tin về sự giáng sinh của Chúa hài đồng, và một vì sao lạ dẫn đường cho các nhà thông thái tìm đến. Lời tiên tri của về sự ra đời của đứa trẻ đặc biệt mang theo quyền năng và Pháp để truyền cho con người thế gian. Ngài sẽ ngự trị nơi tâm trí con người và được tôn là một vị vua lớn nhất .
‘‘Vua’’ vĩ đại ấy không phải là một vị vua ngồi trên ngai vàng mà trị vì dân chúng. Mà vị Vua này chính là nói tới sự thống lĩnh nhân tâm. Người khai sáng trí tuệ cho con người, Người giảng nói cho con người về chân lý vĩnh hằng, về sự giác ngộ thực sự, về không gian thiên giới nơi quê hương của con người. Cũng là một vị Vua làm thức tỉnh hàng trăm triệu con tim mê lạc. Mục đích của chúa Giê-su là mang con người trở về với thiên quốc, chứ không phải là xuống thế gian này mà chiếm lĩnh quyền lực hay ngai vàng.
Nhưng những kẻ tàn độc có tâm hồn quỷ dữ thì lại sợ hãi, nó bám chắc vào cái tồn tại ở thế gian. Nó cho đó mới là sự vĩnh cửu của đế chế của mình và lo sợ các bậc đại giác sẽ chiếm ngôi cao đó.
Và vì thế, điều này làm kinh động tới vị vua Herodes đại đế, làm cho kẻ độc ác, tham lam, ham giữ ngai vàng này sợ bị mất đi quyền lực. Hắn ra lệnh thảm sát toàn bộ những đứa trẻ vô tội được sinh ra tại Bethlehem, nhằm mục đích không để vị Đại giác trong hình hài đứa trẻ sơ sinh có cơ hội tồn tại trên cõi đời.
Hình ảnh về vua Herodes chính là biểu tượng cho những loại ma tâm khống chế sự ngu muội, chính là linh hồn của quỷ dữ. Và cho đến ba trăm năm sau, con quỷ ấy vẫn gieo rắc vào đức tin vĩnh hằng đó những thảm họa đau đớn.
Đó chính là khởi đầu cho cuộc đời truyền đạo của Chúa Giê-su nơi cõi người.
Ngài hạ thế trong lúc xã hội rối ren, bế tắc, đức tin tôn giáo ngày càng mai một, con người nằm trong tận cùng đau khổ, trong vô vọng không có nơi bám víu.
Không lối thoát, không niềm tin, không còn nơi nương tựa vào chính đạo, những con người Do Thái từng ngày, từng ngày mong chờ khắc khoải đấng cứu thế giáng sinh.
Lựa chọn đúng thời điểm đó, đấng tối cao đã hiểu, con người vẫn còn mong muốn được trở về với chính mình, trong khổ như thế, trong mê như thế, mà vẫn tin, vẫn đợi chờ được cứu rỗi. Và Đức Chúa cha đã đặc phái con mình là Giê-su hạ thế để giảng pháp, truyền đạo cứu độ chúng sinh.
Hết phần 1
Tịnh Tâm- Hà Phương