Các vai diễn nam trong biểu diễn nghệ thuật Shen Yun thường lột tả các nhân vật nổi tiếng và anh hùng trong lịch sử dài 5.000 năm của đất nước Trung Hoa, như một tấm gương cho các đấng nam nhi của thời đại. Niềm đam mê cháy bỏng của William Li đối với nghệ thuật múa cổ điển Trung Hoa đã sớm dẫn dắt cuộc đời anh đi theo một con đường hoàn toàn mới mẻ, trái ngược với bản tính rụt rè vốn có lúc mới vào nghề.
Bên cạnh sự đam mê, thì mồ hôi, nước mắt và sự cầu thị, cùng với miệt mài tập luyện và rèn giũa bản thân, đã giúp anh được hưởng trái ngọt của sự thành công. Hãy lắng nghe anh chia sẻ.
Niềm đam mê mãnh liệt
Nhắc tới kho tàng truyện cổ của Trung Hoa, hầu như ai cũng biết tới Hầu vương (Tôn Ngộ Không). Đây là một trong những nhân vật để lại ấn tượng sâu sắc nhất trong lòng bạn đọc, một phần vì quá trình thay đổi tâm tính đầy lí thú của nhân vật này, biến đổi từ một hầu nhân kiêu căng và ngỗ nghịch trở thành một vị sư huynh biết quan tâm lo lắng cho mọi thành viên khác trong đoàn đi Tây Thiên thỉnh kinh, không lo cho bản thân, đạt đến cảnh giới vô tư, vô ngã.
Nhân vật chính trong câu chuyện này của chúng ta, William Li, một trong những nam vũ công chính của Đoàn Nghệ thuật Shen Yun, đã nhận thấy, những cuộc phiêu lưu của bản thân anh, khi vào vai những nhân vật huyền thoại lịch sử như Hầu vương, cũng mang lại cho anh những thay đổi tương tự, mặc dù xuất phát điểm của anh có thể không giống chút nào với nhân vật Tôn Ngộ Không – anh vốn là người rất rụt rè.
Khi được khen về vai diễn thể hiện Hầu vương trong tiết mục Tây Du Ký, Li đã trả lời một cách khiêm tốn: “Trước đây tôi rất nhút nhát, nếu tôi đi qua ai đó, tôi chỉ vẫy tay hoặc chào một cách miễn cưỡng. Nhưng qua quá trình luyện tập múa và biểu diễn trên sân khấu, tôi đã trở nên tự tin và cởi mở hơn với mọi người”.
Sinh ra ở Bangkok, nhưng Li chuyển đến sinh sống tại Canada năm 2000 khi anh mới lên 7 tuổi. Do lớn lên ở một quốc gia phương Tây, anh có rất ít hiểu biết về di sản văn hóa của châu Á nơi quê hương mình. Nhưng một buổi trình diễn, mà anh đã xem sáu năm sau đó, đã làm anh thay đổi thật sâu sắc, dẫn đến quyết định đưa mình đi theo một con đường hoàn toàn mới mẻ trong cuộc đời.
“Khi tôi xem Shen Yun vào năm đó, lần đầu tiên tôi được xem các nhân vật như Nhạc Phi, một dũng tướng trong lịch sử Trung Quốc”, anh nói. “Đây cũng là lần đầu tiên tôi được xem các nam vũ công múa cổ điển Trung Quốc trên sân khấu, và tôi vẫn nhớ rằng màn diễn đó rất là hùng tráng”.
Nhận thấy niềm đam mê mãnh liệt của Li, bố mẹ anh đã xin cho anh vào Học viện Nghệ thuật Phi Thiên ở New York, là trung tâm đào tạo hàng đầu thế giới về múa cổ điển Trung Quốc. Bắt đầu từ đây, sự hiểu biết non nớt của anh về chủ nghĩa anh hùng, danh dự và đức hạnh, mà anh đã được xem trong buổi biểu diễn Shen Yun đầu tiên trong cuộc đời, sẽ sớm trở nên sâu sắc và sâu sắc hơn nữa, khi chính anh bắt đầu dấn thân thể hiện các nhân vật lịch sử nổi bật nhất của đất nước Trung Hoa.
Năm 2009, trong tiết mục đầu tiên mà Li tham gia với Shen Yun, anh đã vào vai Tế Công, một nhà sư lập dị trong triều đại nhà Tống. Qua vai diễn, anh đã học được từ nhân vật này đức hi sinh cao cả. Nhà sư Tế Công có một sức mạnh siêu thường, nhưng hay hành động tự do theo mách bảo của bản năng, do đó ý tốt của ông thường hay bị mọi người hiểu nhầm, thậm chí cả những người mà ông đang cố gắng giúp đỡ. Trong tiết mục múa này của Li, Tế Công đã có một hành vi kì lạ, là ra tay bắt cóc một cô dâu mới cưới, dẫn đến việc tất cả dân làng đều chống lại ông.
“Mọi người đuổi theo ông ấy – tất cả đều nghĩ rằng ông ấy đã phát điên, là một kẻ côn đồ xấu xa”, Li nói. Nhưng sự thật là ‘nhà sư điên’ này đã chạy ra khỏi làng bằng cách đó, cốt để mọi người đuổi theo ông, chính vì ông đã tiên tri được một trận lở đá sắp ập xuống và phá hủy toàn bộ ngôi làng.
Li nói: “Tế Công không hề quan tâm đến điều mọi người nghĩ hay nói về ông; ông ấy chỉ chọn làm điều đúng đắn để giúp đỡ mọi người, kể cả khi mọi người nghĩ ông ấy là một kẻ côn đồ”. Sự hi sinh bản thân và danh tiếng bản thân của nhà sư, để giúp đỡ người khác, đã tạo cảm hứng cho Li, và trở thành một bài học biểu tượng cho đoạn đường đời tiếp theo của anh.
Anh đã nói: “Tôi cảm thấy dường như tất cả những vũ công và nghệ sĩ đồng nghiệp trong đoàn, để được như bây giờ, họ đều đã phải hi sinh rất nhiều những gì của bản thân. Khi tôi càng đi sâu vào nghệ thuật múa, nó lại càng trở nên thú vị hơn, bởi vì khi đó tôi càng khám phá được các nội hàm sâu xa của nó. Ngay cả khi tôi thực hiện cùng một động tác, nhưng cho những vai diễn khác nhau, tôi vẫn cảm nhận được có sự khác biệt rất lớn”.
Đó là do yếu tố “vận (yun)’, còn được hiểu là nội hàm bên trong của mỗi nhân vật; có sự khác biệt rất nhiều từ nhân vật Tế Công tới Hầu vương, hay một vị tướng quân nào đó; và yếu tố này khi được biểu hiện ra từ nhân vật sẽ quay lại tác động đến khán giả theo những cách khác nhau.
Chiến thắng bản thân và thấu hiểu nhân vật
Trong múa Trung Quốc cổ điển, động tác của các vũ công nữ thường mềm mại và duyên dáng, đầy phẩm cách và thanh lịch. Ở mặt khác, động tác của các vũ công nam thường mãnh liệt và mạnh mẽ, cùng những kĩ thuật nhào lộn táo bạo mà không hề dễ dàng đối với Li.
“Khi bắt đầu tập nhào lộn, tôi đã rất lo lắng và sợ hãi”, anh nói. “Ở những lần đầu tiên, tôi đã liên tục gặp thất bại, nhưng thông qua việc làm đi làm lại và thực hành liên tục, cuối cùng tôi đã đạt đến mức cơ thể tự động cảm nhận và điều chỉnh được mọi vận động; khiến phản xạ trở thành gần như bản năng”.
Khối lượng luyện tập đó đòi hỏi ở Li sự nỗ lực và hi sinh bản thân rất lớn, vì anh có rất ít thời gian rảnh rỗi, thậm chí cả những ngày nghỉ cuối tuần của anh cũng chỉ dành cho nghệ thuật. Nhưng làm chủ các kĩ thuật thân thể là điều kiện tiên quyết để anh có thể biểu hiện được đầy đủ sự phức tạp của nội tâm nhân vật.
Trong triều đại nhà Tống của lịch sử Trung Hoa, có một viên tướng huyền thoại là Dương Lục Lang (hay Dương Diên Chiêu). Tấm gương hi sinh và sự cống hiến to lớn của ông đã làm Li cảm động, nên anh đã quyết định chọn khắc họa hình tượng của ông trong cuộc thi múa cổ điển Trung Quốc lần thứ ba do Kênh truyền hình NTD tổ chức.
Li nói: “Trong lúc Dương Lục Lang đang bận rộn với việc thống lĩnh quân đội bảo vệ đất nước nơi biên ải, gia đình của ông nơi quê nhà đã bị một viên quan thối nát hãm hại, nhưng ông vẫn ở lại nơi biên cương để chỉ huy chiến đấu, hoàn thành nhiệm vụ của một tướng quân.” Để lột tả sự thực lịch sử qua sân khấu, Li đã tiến sâu vào tìm tòi thế giới nội tâm của những dũng tướng cao quý trong lịch sử, lấy nguồn cảm hứng từ sự dũng cảm vô song của họ để đưa anh tiến xa hơn trên sân khấu trong vai trò của một vũ công.
Rèn người để tự rèn mình
Khi Li đã trưởng thành trong tư cách là một diễn viên nghệ thuật, anh được mời giảng dạy tại Học viện Phi Thiên ở Đài Loan và sau đó là ở New York; từ đó, những trải nghiệm anh có được là khác hẳn so với khi chỉ biểu diễn.
“Khi dạy cho sinh viên, tôi luôn quan sát phản ứng của họ, và điều này thực sự khiến tôi ý thức hơn về những gì họ đang cảm nhận hoặc đang làm”, anh nói. “Ban đầu, tôi thường dạy cho những người chưa biết chút gì về múa cổ điển. Nhưng chỉ sau hai năm, họ đã trở thành những vũ công đủ trình độ để đi diễn với Shen Yun. Tôi đã thực sự thấy họ trưởng thành, và trong vai trò của một giáo viên, quan sát và lắng nghe là điều thực sự nên làm, để cả học sinh và giáo viên có thể được mau chóng tiến bộ”. Li liên hệ đến một câu thành ngữ cũ, “Nếu bạn muốn học hỏi về điều gì đó, bạn hãy đọc nó. Nếu bạn muốn biết nó, bạn hãy làm nó. Và nếu bạn muốn làm chủ nó, bạn hãy dạy nó”.
Anh khẳng định: “Trong nghệ thuật múa, việc tham gia giảng dạy chắc chắn sẽ cải thiện trình độ của người vũ công. Đó là 100% đúng đắn, bởi vì một khi bạn giảng dạy, bạn phải thực sự suy nghĩ về cách vận động của mỗi động tác, chuyển động của nó và cách sử dụng lực và đường đi cho các động tác của bạn. Bạn phải luôn rất chính xác, rất rõ ràng. Nó buộc bạn phải suy nghĩ kĩ về những điều mà trước đây bạn thậm chí không hề nghĩ tới”. Quan hệ giữa giáo viên và học sinh sẽ luôn gắn bó với nhau, nếu mọi người luôn luôn có ý thức học hỏi từ người khác. Nhưng để tiếp tục học hỏi không ngừng, Li tin rằng đức tính khiêm tốn là một phẩm chất rất cần thiết.
“Ngay cả khi bạn đã theo nghiệp múa được 5, 10 hay 20 năm, bạn vẫn phải có khả năng tiếp thu kinh nghiệm – thậm chí từ những người mới chỉ vào nghề múa được vài ba năm”, anh nói. “Nếu bạn xem họ múa, bạn vẫn có thể cải thiện được bản thân, bởi vì khi đó bạn nhận thấy anh ta thực hiện động tác này thật tốt, hoặc kể cả khi anh ta làm không tốt; nhưng bạn cũng đã làm không tốt giống như vậy”.
Trái ngọt của thành công
Đối với những em nhỏ có mong muốn sau này trở thành vũ công, Li chân thành khuyên: “Hãy cố gắng luyện tập thật chăm chỉ, bởi vì các kết quả sẽ chỉ tới sau một thời gian dài nỗ lực; và quan trọng là không được bỏ cuộc giữa chừng. Nghề múa cổ điển đòi hỏi rất nhiều sự cống hiến. Bạn sẽ phải hi sinh bản thân rất nhiều; nhưng nếu bạn đủ kiên nhẫn, thì quả ngọt chắc rằng sẽ tới”.
“Mỗi khi màn hạ vào cuối chương trình, thấy khán giả mỉm cười và vỗ tay hoan nghênh – đó có lẽ là một trong những cảm xúc tốt nhất đối với tôi. Điều đó nói lên rằng khán giả đã rất thích biểu diễn của mình”, Li nói. “Đó cũng là điều mà không ai khác được trải nghiệm, trừ phi họ đã trải qua quá trình đào tạo nghiêm khắc và làm việc chăm chỉ hết mình”.
Thời báo Đại Kỷ Nguyên xem nghệ thuật Shen Yun là sự kiện văn hoá quan trọng của thời đại bởi tính đột phá trong việc khôi phục những giá trị nghệ thuật truyền thống chân chính của lịch sử văn hóa Đông phương và Tây phương huy hoàng. Đại Kỷ Nguyên chọn đăng các câu chuyện đời và nghề thú vị của các nghệ sĩ thành viên của đoàn Nghệ thuật Shen Yun, để độc giả hiểu thêm về các phương diện như niềm tin, quá trình tu rèn nhân cách và nỗ lực nghề nghiệp đáng kinh ngạc của họ, trên con đường đi tới thành công rực rỡ của ngày hôm nay – một quá trình mài giũa đá quý thành ngọc báu thực thụ.
Theo Taste of Life
Hạo Nhiên biên dịch