Vị vua thứ 11 của nhà Chu là Chu Tuyên Vương được đánh giá là một vị hiền vương ở những năm đầu làm vua. Nhưng sau này ông ta cũng lại giống như những ông vua “thi hành nhân đức không đến nơi đến chốn” khác. Trong những năm cuối đời, vị vua này cũng làm không ít những việc hồ đồ, đến nỗi ngay cả bản thân cũng bị quả báo mà chết.
Thời ấy, có một người chư hầu Đỗ quốc, tên là Hằng làm đại phu trong triều đình nhà Chu. Bởi vì thái ấp (đất được phong cho chư hầu) của ông này ở đất Đỗ, cho nên người ta gọi ông là Đỗ Bá.
Trong cung của Tuyên Vương có một sủng phi rất thích người trẻ tuổi lại có tướng mạo khôi ngô, phong thái nhẹ nhàng như Đỗ Bá, nên nàng ta đã tìm trăm phương nghìn kế dụ dỗ Đỗ Bá thông gian. Nhưng Đỗ Bá vốn là một hiền thần, một trang quân tử đường đường chính chính, nên ông nhất quyết không chịu làm việc trái với phong tục đạo đức, vũ nhục quân vương như vậy.
Sủng phi đã mấy lần dẫn dụ nhưng đều hết lần này lần khác bị Đỗ Bá quyết cự tuyệt. Dần dần, sủng phi sinh ra xấu hổ quá mà hóa giận, căm hận trong lòng. Mỗi lúc ở bên cạnh nhà vua, sủng phi liên tục than: “Đỗ Bá thật là tên xấu xa đồi bại! Hắn ta hễ có cơ hội đều muốn lấy lòng thiếp, giữa ban ngày mà còn dám động tay động chân…”
Tuyên Vương nghe xong lời của sủng phi liền không biết đúng sai, thật giả mà nổi giận đùng đùng cho người bắt Đỗ Bá giam tại đất Tiều. Sau đó phái quan Tiết Phủ và Tư Công thẩm tra tội trạng, nhưng nhất định phải bức chết Đỗ Bá thì mới giải được mối hận trong lòng vua.
Đỗ Bá có một người bạn làm quan trong triều tên là Tả Nho. Người bạn này chính mắt thấy Đỗ Bá bị vu oan hãm hại nên bất bình mà không thể để yên. Ông liền đứng trước mặt Tuyên Vương mà phân trần. Hễ gặp Tuyên Vương lần nào, Tả Nho đều thay Đỗ Bá giải thích, không ngờ sau nhiều lần lại khiến Tuyên Vương nổi giận.
Tuyên Vương trách mắng Tả Nho: “Ngươi chỉ biết phản bác quân vương, bênh vực cho bạn bè!”
Tả Nho lại tiếp tục nói: “Thần từng nghe bậc Thánh nhân dạy rằng: nếu vua làm việc hợp đạo lý, bạn bè làm trái đạo lý, tất phải thuận theo ý vua mà khiển trách bạn bè. Ngược lại, nếu bạn bè làm việc hợp đạo lý, vua làm trái đạo lý, thì phải đứng về phía bạn bè và kháng nghị lại với vua”.
Tuyên Vương nghe xong tức giận, quát: “Câm miệng! Nếu như ngươi rút lại những lời vừa nói thì ta cho ngươi một con đường sống, còn không thì phải chịu chết!”
Tả Nho không hề sợ hãi mà bình tĩnh đáp: “Thần từng nghe qua, xưa nay, kẻ sĩ tiết nghĩa quyết không chết vì những lý do không đáng và những việc phi nghĩa, nhưng cũng quyết không thể dễ dàng sửa đổi chính kiến đúng đắn của mình chỉ vì ham sống. Chết thì chết, thần nguyện đem cái chết của mình để cho nhà vua thấy việc giết Đỗ Bá là sai trái, cũng là chứng minh Đỗ Bá vô tội”.
Tuyên Vương trong lúc tức giận đã cho xử tử Đỗ Bá. Tả Nho lúc trở về nhà, cũng vì phẫn uất mà tự sát.
Khi sắp hành hình, lúc cận kề cái chết, Đỗ Bá ngẩng mặt oán hận than rằng: “Đại vương giết ta, nhưng ta hoàn toàn trong sạch vô tội. Người sau khi chết, nếu trở nên vô tri vô giác, thì thôi. Còn nếu như sau khi ta chết mà vẫn còn tri giác thì không quá ba năm, ta nhất định sẽ làm cho đại vương thấy: giết hạ thần vô tội, tất sẽ gặp báo ứng!”
Thời gian giống như nước chảy, nháy mắt đã ba năm trôi qua, những lời nói ấy của Đỗ Bá trước khi lâm chung cũng đã sớm bị mọi người quên mất.
Một ngày, Chu Vương hội họp đông đảo các chư hầu đến vùng đầm trạch ở Phố Điền để săn bắn. Nhà vua huy động đến mấy trăm chiếc xe và mang theo hàng ngàn tùy tùng. Trên vùng quê vang tiếng người ngựa, cờ phướn tung bay phấp phới, những con hươu, con hoẵng bị săn bắt chạy tán loạn khắp nơi. Các chư hầu, ai nấy đều thể hiện sức mạnh thần uy của mình, giương cung cài tên rượt đuổi theo. Tuyên Vương tuy tuổi tác đã cao, nhưng cái thú săn bắn vẫn không hề giảm. Nhà vua trong lúc hăng say liền phi xe ngựa đuổi theo một con hươu thì bỗng dưng đằng sau xe bụi bay mù mịt…
Trận cuồng phong qua đi, nhóm chư hầu đuổi theo đến chỗ Tuyên Vương thì đã thấy ông nằm lăn trên đất mà bỏ mạng, trên người đầy thương tích, cột sống cũng bị gãy.
Bấy giờ các chư thần và tùy tùng đều nhớ ngay đến lời của Đỗ Bá mà cho rằng, đây là quả báo mà Tuyên Vương phải chịu vì giết người vô tội!
Theo Đại Kỷ Nguyên Tiếng Trung
Mai Trà biên dịch
Xem thêm: