Người thế tục thường khiếp sợ trước tiền tài, quyền thế, nhưng với quỷ âm gian thì những thứ ấy vốn không có nghĩa lý gì.
Lòng giữ thiện lương, ma quỷ không dám xâm hại
Trước đây, có người nói rằng ở vị trí cách khoảng 3 tấc trên đỉnh đầu của mỗi người đều có vầng sáng. Người thiện lương sẽ toả ánh sáng rực rỡ chan hoà; còn người hành ác sẽ có quầng u ám, tối tăm. Người bình thường không cảm nhận được vầng sáng này, nhưng quỷ thần đều có thể nhìn thấy hết sức rõ ràng.
Thực ra, vầng sáng được nhắc đến trong tôn giáo không phải là điều gì mê tín. Ngày nay, khi dùng các thiết bị chụp hồng ngoại, người ta có thể nhìn thấy ánh sáng phát ra từ bất cứ vật thể nào. Không chỉ thân thể người, mà ngay cả cây cỏ, đá, gỗ, tường, những đồ vật vô giác vô tri… đều có ánh sáng này.
Nhìn vào vầng sáng trên đỉnh đầu của một người, có thể biết nội tâm của người ấy là thiện lương hay không. Vì sao dân gian vẫn nói rằng những kẻ sát nhân thì “đằng đằng sát khí”, những bậc đại thiện đại đức thì trên đầu có “mây lành vấn vương”? Đó đều là thể hiện của ánh sáng mà họ mang theo bên mình.
Còn nhớ năm tôi 20 tuổi, cha tôi có một người đồng nghiệp họ Hoàng. Từ nhỏ ông Hoàng đã có khả năng nhìn thấy ánh sáng trên đầu của mỗi người, nhưng vì khả năng ấy quá đặc biệt nên ông Hoàng hiếm khi nhắc đến. Ông kể rằng, từ khi ông còn nhỏ mẹ đã cấm không cho ông tiết lộ, vì sợ người khác nói ông đang dùng tà thuyết mê hoặc người.
Ông Hoàng nói: “Trên đầu mỗi người đều phát ra ánh sáng, nhưng độ sáng, kích thước lớn nhỏ, và màu sắc đều không giống nhau. Người có quyền thế thường phát ra ánh sáng màu đỏ và tím; người thanh cao chính trực thường mang màu sắc trắng hoặc xanh; những người tham ô hủ bại phần nhiều đều là màu đen và xám. Ngoài ra còn có các màu vàng, cam, xanh, lục tuỳ theo đạo hạnh của từng người mà triển hiện”.
Ông cũng nói, ánh sáng còn tuỳ thuộc vào từng giai đoạn thiện – ác trong đời người mà thay đổi. Vào những năm huy hoàng của đại nguyên soái Trương Tác Lâm dưới thời Trung Hoa Dân Quốc, Hoàng tiên sinh đã nhìn thấy đỉnh đầu của vị nguyên soái này phát ra vầng sáng màu đỏ cao lồng lộng. Sau đó rất lâu mới có dịp gặp lại, ông Hoàng đã vô cùng kinh hãi khi thấy vầng sáng trên đỉnh đầu của Trương đại soái chỉ còn lại một vòng tròn nhỏ màu xám, ảm đạm mà lại yếu ớt. Quả nhiên chỉ một tuần sau đó, Trương đại soái đã bị bom tử nạn.
Ông Hoàng cũng kể một câu chuyện khác. Có lần, ông và một thầy giáo đi trong ngõ hẹp, không gian rất bình lặng nhưng ông Hoàng lại cười lớn. Thì ra, lúc đó có một người đang đi phía trước thì đột nhiên dừng lại để buộc dây giày, không ngờ lại đạp trúng vào con quỷ đang đứng ở đó.
Quỷ và người đều sợ thế lực, nhưng điều khác biệt là người thì sợ quan to, sợ quyền cao chức trọng; còn quỷ thì sợ những người hiền lành và thiện lương. Khi nhìn thấy những người như thế, ma quỷ đều kính cẩn nhường đường. Vừa rồi con quỷ đã sợ hãi đứng nép sang một bên nhường đường cho người thiện lương đi tới. Nhưng bất ngờ là người đó lại đạp chân lên nó, nên ông Hoàng mới bật cười như vậy.
Ma quỷ sợ người chính trực, trông thấy liền sợ hãi bỏ chạy
Quan tuần phủ Hồ Thái Hư là người có khả năng nhìn thấy ma quỷ. Ông kể rằng trong lúc sửa sang nhà cửa ông đã đi tuần tra nơi ở của các gia nhân, đến bất cứ phòng ốc nào ông đều thấy có ma quỷ ra vào. Duy chỉ có căn nhà của một người hầu nọ là không có ma quỷ. Ông cho người dò hỏi mới biết, người hầu sống trong căn nhà này vốn ngu si đần độn, vợ anh ta cũng chỉ là một nữ tỳ bình thường. Sau này khi người hầu ấy qua đời, vợ anh ta ở vậy thủ tiết cả đời, xứng đáng là một bậc tiết phụ trung trinh.
Những bậc tiết phụ, nếu không có chí hướng kiên định thì chẳng thể ngậm đắng nuốt cay chịu khổ mấy chục năm trời. Trong lòng tiết phụ có chính khí, chính khí ấy đã được tích lũy qua thời gian lâu dài, tạo thành một sức mạnh vô hình khiến ma quỷ không dám đến gần họ.
Người ta nói, trong nhà thường có ma quỷ qua lại, nếu ở khuê phòng nam nữ ân ái thân mật thì nhất định có bầy ma quỷ vây quanh xem, chỉ trỏ cười đùa. Nhưng người trần mắt thịt nhìn không thấy, nghe không thấy, nên mới cho đó là chuyện hoang đường. Cũng có kiểu người mà ma quỷ hễ nhìn thấy là sợ hãi bỏ chạy, đó chính là những bậc như liệt phụ, tiết phụ, hoặc hiếu phụ, hiền phụ. Bởi ma quỷ vốn sợ người chính trực, hễ gặp liền kính cẩn tránh xa.
Có câu nói rằng: “Người không làm chuyện trái lương tâm, nửa đêm không sợ quỷ gõ cửa”. Trong cuốn “Duyệt vi thảo đường bút ký” của Kỷ Hiểu Lam có rất nhiều câu chuyện là minh chứng cho câu nói này.
Con quỷ chính phái ghét nghe lời xu nịnh
Có người là con em nhà thế gia, ban đêm vội đi trong rừng sâu không may bị lạc đường. Đến một cái hang động, anh ta bất đắc dĩ vào đó nghỉ ngơi thì thấy một vị tiên sinh là bậc tiền bối trong họ đã mất từ lâu đang ngồi ở trong hang. Anh ta sợ quá không dám bước vào. Vị tiên sinh mời mọc mãi, anh ta mới can đảm bước tới bái kiến.
Con em nhà thế gia hỏi: “Mộ tiên sinh ở đâu, tại sao ông lại ở đây một mình như thế?”.
Vị tiên sinh than rằng: “Khi còn sống ta không có lỗi lầm gì, lúc đi học thì người ta nói sao mình nói vậy, khi làm quan cũng an phận giữ chức vụ, nên không có công trạng gì. Không ngờ sau khi mai táng được vài năm, trước mộ của ta xuất hiện một tấm bia đá lớn. Trên bia chạm khắc long ly và văn tự, cùng với họ tên chức vụ của ta. Những điều viết trên bia văn cũng có một chút căn cứ, nhưng đều phóng đại khoa trương lên quá sự thực. Ta cả đời thật thà vụng về, trong tâm luôn thấy không yên rồi. Hơn nữa người đi qua đây đọc được, thường vì thế mà châm chọc giễu cợt. Quỷ hồn tụ tập lại xem, lại càng chê cười hơn. Ta nhẫn chịu không được những lời om sòm đó nên lẩn tránh đến đây. Chỉ khi lễ tết thờ tế tảo mộ ta mới qua đó nhìn con cháu thôi”.
Con em nhà thế gia khéo léo an ủi ông ta rằng: “Cha mẹ nhân từ con hiếu kính, nếu không ca ngợi công đức của người đã khuất thì không đủ khiến cho thân nhân nở mày nở mặt. Thái Trung Lang – bậc danh sỹ đời Đông Hán – còn không thể tránh được có chút văn tự không chân thực, Hàn Lại Bộ – bậc danh sỹ đời Đường – cũng đã từng tâng bốc người đã khuất. Xưa nay những trường hợp như thế này cũng nhiều, tiên sinh hà tất phải bận lòng?”.
Vị tiên sinh đó nghiêm khắc nói: “Thị hay phi đều ở trong tâm của mọi người. Kẻ khác cứ cho là có thể lừa dối được, nhưng tự hỏi lòng mình mới thấy thật hổ thẹn. Hơn nữa còn có công luận, lừa bịp, nói dối, tâng bốc, phóng đại thì nào có ích gì? Muốn thân nhân vẻ vang thì bản thân mình phải tự xây dựng công lao sự nghiệp, sao phải dùng những lời khoa trương khiến người ta phỉ báng? Ta thật không ngờ kiến thức của lũ hậu sinh lại như thế này”.
Nói rồi, vị tiên sinh rũ tay áo ra đi.
Làm quan có chính khí, đẩy lui đám quỷ hồn
Thời nhà Thanh có vị quan Trung thừa (chức quan) họ Vương, trong khoảng thời gian từ quan chịu tang, ông sống ở dinh thự ở Hàng Châu. Một hôm, một hầu gái ở nhà bếp bỗng hôn mê ngất xỉu, rất lâu sau mới tỉnh lại. Không ngờ, người hầu gái lại trừng mắt nói chuyện bằng ngôn ngữ của người Bát Kỳ, nói mình là Lam cô nương phụ trách công việc khảm cờ đỏ cho một gia đình Đô thống nào đó, giờ nàng ta vừa đói vừa khát, bảo người ta mau mau thưa lại với lão gia, chuẩn bị thịt rượu thết đãi nàng ta.
Vương Trung thừa nghe nói vụ việc quái lạ này đã đích thân đến hỏi nàng ta: “Nếu nhà ngươi là người Bát Kỳ, thì sao lại chạy đến chỗ nhà người Hán ta đây sinh chuyện?”. Nữ quỷ đó nói ra nguyên do, thì ra nàng ta cùng mấy chị em nhân lúc tết Thanh Minh đi ra ngoài, không ngờ gặp phải Bố chính sử Quốc lão gia đi ngang qua. Bởi đoàn nghi trượng quá long trọng, tùy tùng gõ chiêng dẹp đường, khí thế đó trong phút chốc đã khiến lũ quỷ chạy tán loạn. Nữ quỷ này nhất thời tránh không kịp, đành phải trốn vào trong nhà Vương Trung thừa. Vương Trung thừa nghe xong, thoáng trách móc nói rằng: “Nhà ngươi trốn tránh Quốc đại nhân, nhưng lại không tránh né ta. Lẽ nào nhà người không biết ông ta chỉ là quan cấp dưới của ta hay sao? Nếu khí thế của ông ta đã tấn công các ngươi, thế sao nhà ngươi không đến nhà ông ta tác quái?”.
Nữ quỷ nói: “Bởi vì tôi sợ ông ta”. Vương Trung thừa hết cách nói rằng: “Như vậy xem ra, bọn quỷ các ngươi thật cũng biết nịnh hót, chỉ sợ quan viên tại chức, chứ không sợ quan đã nghỉ hưu!”. Con quỷ đó nói như đinh đóng cột rằng: “Không phải. Nếu quan bãi nhiệm là một vị quan tốt, thì tôi cũng sợ ông ta”. Ý ở ngoài lời chính là Vương Trung thừa làm quan vẫn không đủ liêm khiết, vậy nên mới bị ma quỷ tìm đến cửa nhà.
Vương Trung thừa nghe xong rất không vui, nhưng cũng chẳng thể làm khác được, đành phải lệnh cho người dưới đốt vàng mã, cúng cơm canh thết đãi quỷ hồn. Người hầu gái bị quỷ bám thân lập tức trở lại bình thường. Sau đó không đến một năm, Vương Trung thừa đã gặp chuyện không may.
Đại thần chính trực, ác quỷ né tránh
Những năm Vạn Lịch triều Minh, Ngự sử đại phu Thẩm Tư Hiếu (1542 – 1611), tự Thuần Phủ là người liêm khiết chính trực. Năm Đinh Dậu (năm 1577), ông cùng với bạn học mình là Ngải Mục, người Giang Bình, đứng ra phản đối các chính sách hà khắc cực đoan của Trương Cư Chính. Ông kịch liệt tranh luận, làm trái thánh chỉ, bởi vậy mà bị hình trượng ngay giữa triều đình. Sau khi thọ hình, Thẩm Tư Hiếu bị giáng chức đến Lĩnh Nam, trấn giữ Thần Điện Vệ (một trong những cứ điểm phòng thủ bờ biển quan trọng phòng ngự hải tặc, tránh bọn hải tặc người Oa Nhật Bản xâm nhiễu ở Quảng Đông, triều Minh).
Khi đó, thành Thần Điện Vệ vừa mới trải qua một cuộc chiến loạn, cả một vùng trong thành bị tàn phá nghiêm trọng. Thẩm Tư Hiếu đi đến huyện Dương Giang kế bên ở nhờ.
Ở Dương Giang, có một trạch viện vốn là nơi ngày trước Thiếu khanh (chức quan) Quang Lộc Lưu Tử Hoài đã từng tu tập nhiều binh sĩ người Man, về sau những binh sĩ này mắc phải dịch bệnh, chết hàng mấy trăm người. Nghe nói nơi này tà khí rất nặng, người dân truyền nhau rằng những Man binh này sau khi chết đi đều hóa thành quỷ dữ dọa người, thậm chí còn xuất hiện ngay giữa ban ngày, vậy nên những thứ rác rưởi tích tồn lâu ngày ở ngôi nhà này vẫn không được quét dọn sạch sẽ.
Một ngày nọ, chị dâu của Lưu Tử Hoài bỗng nằm mộng thấy lũ quỷ nói với nhau rằng: “Mau mau rời khỏi đây thôi, có vị quan lớn lòng dạ ngay thẳng của triều đình sắp đến đây rồi”. Hôm sau, người nhà họ Lưu đã ra sức quét dọn quanh nhà, chờ đợi vị quan viên chính trực đến. Quả nhiên, ngay hôm đó Thẩm Tư Hiếu đã đến và ở lại nơi đó. Có người hàng xóm đã buông lời mắng chửi Lưu Tử Hoài rằng: “Sao ông lại có thể để khách quý ở trong ngôi nhà bị quỷ ám như vậy?”. Lưu Tử Hoài bèn kể với họ giấc mộng của người chị dâu, mọi người nghe xong đều cảm thấy rất kinh ngạc.
Nói ra cũng lạ, kể từ sau khi Thẩm Tư Hiếu đến ở ngôi nhà này, quỷ dữ không còn xuất hiện giở trò quỷ quái nữa. Người dân địa phương đều rất cảm kích Thẩm Tư Hiếu, bởi nhờ ông đã trú ngụ ở nơi đây mà người dân xung quanh có được cuộc sống yên ổn.
Theo Đỗ Nhược, NTDTV
Vũ Dương biên dịch
Video: Một niệm sắc dục khởi lên, lập tức chiêu mời yêu ma đến