Dưới cái nhìn của Vương Dương Minh, trần thế phức tạp hỗn loạn không phải là khó khăn ngăn trở, mà vừa vặn chính là công cụ giúp chúng ta tu hành.

Mục tiêu của con người sống trên đời này là gì? Việc lớn quan trọng nhất là gì? Có người mong ước trống chuông vàng ngọc, vinh hoa phú quý một đời. Có người hy vọng nổi danh khắp thiên hạ, vinh quang dòng họ, rạng rỡ tổ tiên. Nhưng… 

Từ câu hỏi của cậu bé lên 10… 

Khi trên 10 tuổi còn học trường tư thục, Vương Dương Minh cũng đã hỏi thầy câu hỏi này: “Việc lớn nhất hàng đầu là gì?”. 

Câu trả lời của thầy xem ra không có vấn đề gì: “Đương nhiên đối với người đi học là làm trạng nguyên”.

Nhưng Vương Dương Minh đã tự có đáp án khác: “Làm Thánh hiền mới là việc lớn bậc nhất”.

Câu trả lời này khiến chúng ta nghĩ đến câu trong sách Mạnh Tử: “Con người đều có thể trở thành Nghiêu Thuấn” (Nguyên văn: “Nhân giai khả dĩ vi Nghiêu Thuấn”).

Mạnh Tử nói, phương pháp trở thành Nghiêu Thuấn rất đơn giản: “Mặc trang phục của Nghiêu, nói những lời của Nghiêu, làm những việc của Nghiêu thì đã là Nghiêu rồi. Mặc trang phục của Kiệt, nói những lời của Kiệt, làm những việc của Kiệt thì đã là Kiệt rồi” (Chú thích: Nghiêu là vị vua nổi tiếng hiền minh, Kiệt là vị vua nổi tiếng bạo ngược thời cổ đại).

Đương nhiên, lời nói và hành vi của Nghiêu Thuấn không được lịch sử ghi chép chi tiết để chúng ta học tập, do đó Mạnh Tử chỉ bảo chúng ta rằng: “Chiểu theo phương pháp của các bậc Thánh hiền để làm việc thì chính là Thánh hiền rồi”.

Vương Dương Minh cho rằng, muốn thể nghiệm được phương pháp làm việc của các bậc Thánh hiền thì về căn bản phải thể nghiệm xem xét từ cái tâm của mình. Từ Mạnh Tử đến Vương Dương Minh, điều họ nói thực ra đều là một: “Người ta ai cũng có lương tri, đó chính là thiện căn của bạn”.

Vương Dương Minh có một bài thơ rằng:

Người người đều có cái la bàn,
Cội nguồn vạn hóa chính ở tâm.
Chỉ cười xưa kia nhìn điên đảo,
Bên ngoài tìm lá với kiếm cành.

Tranh vẽ Vương Dương Minh. (Ảnh: wikipedia.org)

Đến phá bỏ quan niệm của các bậc túc Nho bao đời…

Lý học Trình Chu đề xướng “Cách vật trí tri” (Nghiên cứu tận cùng đạo lý sự vật để biết được ‘tính’ và thông đạt đến tận cùng). Hai ông cho rằng chân lý tồn tại trong vạn sự vạn vật của thế giới bên ngoài, hôm nay ‘cách một vật’, ngày mai ‘cách một vật’, cuối cùng khai sáng.

Thế nhưng Vương Dương Minh lại cho rằng, trong bản tính của con người đã tồn tại thiện, chỉ vì những thói quen, quan niệm hậu thiên khiến cho cái thiện lương vốn có trong tâm bị ô nhiễm. Do đó, chúng ta phải ‘đi đến tận cùng của lương tri’, phải gạt bỏ hết thảy ô nhiễm, tìm lại cái ‘Thiện’ nội tâm của mình.

Trong quá trình này, mỗi người chúng ta đều có thể biết được khuyết điểm của mình, nhưng phiền phức lớn nhất chính là biết thì dễ mà sửa cho đúng thì rất khó. Do đó, Vương Dương Minh đã nói, chớ dừng ở ‘biết’ mà phải ‘làm’. Ông còn lấy một ví dụ như sau:

Cũng giống như nói người nào đó biết hiếu, người nào đó biết đễ thì người đó ắt phải đã thực hành hiếu và thực hành đễ thì mới gọi anh ta là biết hiếu biết đễ. Không thể chỉ biết nói những lời hiếu đễ thì có thể cho là biết hiếu đễ. Chúng ta nói một người biết hiếu đễ thì tuyệt đối phải là người đó đã làm được hiếu đễ chứ không phải anh ta chỉ nói những lời hiếu đễ.

Ý của Vương Dương Minh là tu hành không phải là ‘lơ lửng trên không’, không phải là dựa vào ‘không’ mà nghĩ ra, không phải ẩn cư trong núi sâu hoặc ẩn mình trong nhà suy nghĩ. Tu hành là phải thiết thực thực hiện ngay trong thực tiễn cuộc sống của chúng ta. Thế giới phồn hoa hỗn loạn này, thực ra chỉ là Đạo trường tu luyện dành cho con người.

(Ảnh minh họa: gogonews.cc)

… Và vận dụng vào công việc thực tiễn

Vương Dương Minh đã nói với một viên quan than thở chính sự nhiều việc phức tạp quấn lấy thân rằng: “Tâm học không phải là lơ lửng trên không, chỉ có kết hợp nó với thực tiễn thì mới là nơi trở về tốt nhất. Tôi thường nói dùng sự việc để ma luyện (mài giũa, tôi luyện) chính là như vậy”.

Vương Dương Minh còn phân tích cụ thể cho ông ta rằng, ví như khi ông xử án, thì cần có cái tâm không thiện không ác: không được vì đương sự vô lễ mà nổi giận, cũng không được vì đương sự nói năng khéo léo uyển chuyển mà vui mừng. Không được vì ghét đương sự chối cãi mà có lòng muốn trừng trị, cũng không được vì cảm thông với lời cầu khẩn của họ mà có ý khoan dung. Không được vì bản thân công việc bận rộn mà tùy ý kết án qua loa.

Trong con mắt người khác, đời sống thế tục và tu hành tâm tính là hai việc khác nhau. Thực ra, nếu vứt bỏ sự vật để tu hành thì trái lại hoàn toàn không đắc được gì cả, không đắc được ý nghĩa đích thực của tâm học. Dưới cái nhìn của Vương Dương Minh, trần thế phức tạp hỗn loạn không phải là khó khăn ngăn trở, mà vừa vặn chính là công cụ giúp chung ta tu hành. Cuộc sống trần thế khô khan nhạt nhẽo chính là dùng để siêu thoát.

Trong trần thế phức tạp hỗn loạn này, một cách tự nhiên chiểu theo yêu cầu của lương tri hành sự thì chúng ta sẽ làm những gì? Lương tri của chúng ta sẽ dễ dàng biết được nên làm gì. Không lừa dối lương tri thì mới là tu hành thực sự.

Nếu trong công tác và cuộc sống, chúng ta không thể làm tròn trách nhiệm thì đã là bất lương rồi. Làm một người có lương tri, có đạo nghĩa trong mọi lĩnh vực của cuộc sống không chỉ là con đường nhân sinh mà còn là con đường tu hành của chúng ta.

Theo ru.qq.com
Tác giả: Vương Tố Huyến, Đằng Tấn Nho học
Nam Phương biên dịch

videoinfo__video3.dkn.tv||dadc55bae__

Xem thêm:

Từ Khóa: