Mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu đóng vai trò vô cùng quan trọng trong hạnh phúc hôn nhân. Chỉ khi trong nhà ấm êm, hòa thuận, thì cuộc hôn nhân của chúng ta mới viên mãn trọn vẹn.
Ngày nay có rất nhiều nàng dâu cảm thấy bối rối vì không biết nên phải chung sống với mẹ chồng như thế nào cho hoà hợp. Họ cảm thấy mối quan hệ này rất khó hài hoà và thường cãi lại mẹ chồng. Nhưng nếu nắm giữ được 4 điểm dưới đây, bạn sẽ có thể gìn giữ mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu vô cùng tốt đẹp. Hãy thử xem chúng có giúp ích được gì cho bạn không nhé?
1. Thấu hiểu mẹ chồng
Mẹ chồng đã dốc cạn tâm huyết đời mình mang nặng đẻ đau, chăm bẵm, dưỡng dục suốt hơn 20 năm trời mới có thể mang đến cho bạn một người chồng chín chắn, trưởng thành như ngày nay. Nói cách khác là nếu không có mẹ chồng thì cũng không có người chồng cho mẹ con bạn nương tựa lúc này. Vậy nên chúng ta cần phải cảm ơn mẹ chồng.
Trong cuộc sống hôn nhân sau này bà sẽ phải nhìn thấy đứa con trai mình yêu quý, chăm chút từng li từng tý, nay lại đi chăm sóc cho bạn, nên trong tâm cũng khó tránh khỏi có đôi chút hờn ghen. Bạn đừng cho rằng những cảm xúc này bất bình thường, bởi lẽ sau này khi bạn làm mẹ chồng bạn cũng sẽ có cảm giác ấy. Vậy nên hãy đứng từ góc độ của mẹ chồng mà cảm thông, bao dung nhiều hơn.
Bạn cũng nên ý tứ tránh những cử chỉ quá thân mật với chồng trước mặt mẹ. Nếu có thể, hãy tạo không gian và dành thời gian để mẹ chồng và chồng bạn được ở bên nhau nhiều hơn, khoả lấp bớt nỗi trống vắng và cô đơn trong lòng mẹ.
2. Lắng nghe mẹ chồng nhiều hơn
Những cô dâu hiện đại thường có câu nói rằng: “Mẹ chẳng hiểu gì cả, lại hay nói lung tung”.
Kỳ thực mẹ chồng lớn tuổi hơn bạn như vậy, có thể nói những vất vả mà bà phải chịu còn nhiều hơn vô số hạt cơm bạn đã từng ăn. Hai người sống ở hai thế hệ khác nhau, ắt sẽ có những quan niệm khác nhau. Có thể bạn sẽ sành sỏi hơn về những kỹ thuật hiện đại, nhưng chẳng thể thấm thía hơn mẹ chồng về cách sống, về nhân tình thế thái và đạo đức làm người.
Thời xưa ví người già như cột nóc chống đỡ, lèo lái con thuyền gia đình. Bởi lẽ những người trong cùng một gia đình không phải chỉ đơn thuần là mối quan hệ về huyết thống và vật chất. Quan trọng hơn, đó là nề nếp, gia phong, là những mỹ đức được truyền thừa cho con cháu, dòng tộc muôn đời sau.
Vậy nên dẫu có chuyện gì cũng đều cần thuận theo phép tắc, vai vế trong gia đình mà bàn luận, chứ không nên nói mẹ chồng không hiểu gì. Dẫu chỉ một câu của người già cũng vô cùng thấm thía. Không lắng nghe người già thì sớm muộn cũng phải chịu thiệt mà thôi. Hiếu thuận và tôn kính người già cũng là một mỹ đức của người Việt. Hãy luôn nhớ rằng hôm nay bạn đối xử với mẹ chồng như thế nào, ngày sau bạn cũng sẽ được đối xử y như vậy. Lẽ nhân quả trên đời xưa nay chẳng sai bao giờ.
3. Thường xuyên khen ngợi mẹ chồng
Bất kỳ ai cũng đều thích được người khác khen ngợi, mẹ chồng cũng không ngoại lệ. Nếu muốn có một mối quan hệ tốt đẹp với mẹ chồng thì cần thường xuyên dành tặng mẹ những lời ngợi khen thực lòng. Đây không phải là những lời chót lưỡi đầu môi, mà cần thực sự xuất phát từ lòng biết ơn những gì mẹ chồng đã cống hiến cho gia đình bạn. Ví như bạn có thể khen mẹ giặt quần áo thật sạch, làm cơm thật ngon.
Đừng chỉ suốt ngày bới móc khuyết điểm của mẹ chồng, điều đó chỉ thể hiện rằng bạn không biết trên dưới, không hiểu đạo hiếu làm người. Người xưa cũng có câu: “Nhìn người mà sửa mình”, thấy ưu điểm của mẹ chồng thì cố gắng học hỏi, thấy khuyết điểm của mẹ chồng thì xem lại bản thân cần hoàn thiện thêm ở điểm nào. Bởi lẽ bạn sẽ chẳng thể thay đổi được người khác, ngoài chính bản thân mình.
Hạnh phúc là phúc báo cho những nghĩa cử và tấm lòng lương thiện của con người. Vậy nên hãy tôn trọng sự khác biệt giữa hai thế hệ, hai con người khác nhau và tìm ra những điểm chung để có thể chung sống hoà hợp hơn.
4. Nhẫn nhịn nhiều hơn
Khi sống trong cùng một mái nhà sẽ khó tránh khỏi mâu thuẫn nảy sinh do quan niệm và nhận thức của mỗi người đều khác nhau. Nếu xảy ra mâu thuẫn thì cũng đừng cãi vã, hãy giữ đúng đạo dâu con. Bởi lẽ con bạn đang học cách đối nhân xử thế từ chính cử chỉ và lời nói của bạn hàng ngày.
Nếu muốn nói cũng cần nói cho thấu tình đạt lý, đừng tranh địa vị cao thấp với mẹ chồng trong gia đình này. Bởi lẽ tôn ti trật tự trong gia đình cũng gắn liền với đạo đức và cách hành xử đúng mực của mỗi người.
Nếu bạn thắng, bạn chỉ giành được địa vị, nhưng lại mất đi trái tim của mẹ chồng và chồng. Họ hàng và hàng xóm láng giềng chắc hẳn cũng không tôn trọng và kính nể một người con dâu không hiểu phép tắc và thích “trèo đầu cưỡi cổ” mẹ chồng. Hơn nữa con bạn có thể cũng sẽ cho rằng bạn đã “hành xử đúng đắn” và sau này cũng để mặc vợ mình đối xử với bạn y như vậy! Đôi khi cái được quả thực chẳng thể bù cho cái mất.
Ngày nay thế hệ 9X, 10X đa phần đều được nuông chiều như tiểu công chúa, không phải động chân động tay vào việc nhà nên cũng chẳng biết làm gì. Nhưng khi bạn kết hôn rồi thì sẽ có một chức phận mới và cũng cần học cách quán xuyến việc nhà cho phải đạo.
Như vậy bạn vừa có thể chủ động chăm sóc, dạy dỗ con cái, lại vừa có thể tăng thêm tình cảm mẹ chồng nàng dâu. Nếu bạn vẫn chẳng biết làm gì, hàng ngày vẫn chỉ “há miệng chờ sung” thì chẳng nói gì đến mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu, ngay cả vợ chồng cũng sẽ cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt.
Là con gái ai cũng mong muốn có được một cuộc sống gia đình hạnh phúc, ấm êm. Nhưng phàm là muốn đạt được điều gì đó, thay vì trông chờ người khác, chúng ta cần phải phó xuất nhiều hơn. Khi bạn cho đi, bạn nhẫn nhịn và bao dung thì hạnh phúc sẽ đến bên bạn. Nếu chỉ vì mưu cầu hạnh phúc của mình mà làm người khác tổn thương thì sớm muộn gì “trái đắng” ấy lại quay trở lại với chúng ta mà thôi. Vậy nên mới có câu: “Ở hiền gặp lành”, tốt với người hoá ra lại là gieo phúc cho mình về sau. Mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu cũng vậy, tốt hay xấu cũng là nhân duyên mà bạn gieo từ kiếp trước mà nên. Nên dẫu là thiện duyên hay ác duyên thì việc thiện giải, bao dung, nhẫn nhịn vẫn là điều tốt nhất cho mỗi nàng dâu chúng ta.
Hiểu Mai