Trong trận chiến Xích Bích nổi tiếng nhất thời Tam Quốc, Gia Cát Lượng đã vận dụng kế: ‘Mượn gió đông’ để giúp liên quân của Lưu Bị và Chu Du tiến hành hỏa công thiêu trụi cả một đoàn chiến thuyền liên hoàn vô cùng hùng mạnh của Tào Tháo. Trận đánh mang tầm vóc quyết định này đã tạo ra thế chân vạc giúp Lưu bị thành lập nên nhà Thục Hán, đồng thời lưu lại nhiều bài học lịch sử sâu sắc cho hậu thế…

– Xem thêm: Kỳ 1

Lại kể về đoàn liên hoàn chiến thuyền của Tào Tháo, khi ấy thấy gió chuyển hướng, có mưu sĩ khuyên Tháo phải đề phòng nhưng Tháo mặc kệ. Đúng lúc đó, lão tướng Hoàng Cái của Đông Ngô cho người đưa mật thư tới, nói canh hai đêm ấy sẽ giết đại tướng Đông Ngô, mang theo thuyền lương đến đầu hàng. Tào Tháo cả mừng, đích thân đến thủy trại chuẩn bị đón tiếp.

Kế Khổng Minh thiêu trụi quân Tào; Trận Xích Bích lưu truyền nhân thế

Bấy giờ, gió Đông thổi mạnh, sóng cuốn ầm ầm. Tháo ngồi trên thuyền, trông sang phía nam, mặt trăng lấp ló, toả sáng dòng sông, tựa hồ muôn vạn rắn vàng giỡn trên mặt nước. Tháo đón gió vui cười, tỏ vẻ đắc chí lắm.

Chợt một tên quân chỉ tay nói:

– Phía nam sông có cánh buồm nhấp nhô xuôi gió tiến lại.

Tháo lên cao đứng trông, quân lính nói:

– Thuyền cắm toàn cờ xanh, giữa có một lá cờ to đề mấy chữ lớn: “Tiên phong Hoàng Cái”.

Tào Tháo quá bất ngờ trước mưu kế: “Mượn gió Đông” của Khổng Minh. (Ảnh: DKN.tv)

Tháo mừng, nói:

– Hoàng Cái đến hàng, thật là trời giúp ta rồi!

Thuyền Đông Ngô lướt tới gần. Trình Dực đứng ngắm hồi lâu, bỗng bảo Tháo:

– Thuyền này khả nghi lắm, không nên cho vào gần trại.

Tháo hỏi:

– Sao ngươi biết?

Dực thưa:

– Thuyền tải lương thì nặng mới phải, thuyền này đã nhẹ lại nổi bồng bềnh. Vả lại, đêm nay gió Đông nam to lắm, nếu đối phương có âm mưu gì, thì làm thế nào?

Tháo nghe ra, liền hỏi các tướng:

– Ai dám ra cản thuyền ấy lại cho ta?

Văn Sính nói:

– Tôi quen nghề sông nước, xin đi một chuyến!

Nói xong, lập tức nhảy xuống chiếc thuyền nhỏ, tay vẫy vài mươi chiếc thuyền tuần tiễu đi ra. Sính đứng đầu thuyền, gọi to lên rằng:

– Thừa Tướng truyền cho các thuyền kia không được vào gần trại vội, hãy thả neo đậu cả lại giữa sông!

Quân sĩ cũng đều quát lớn:

– Hạ buồm xuống cho mau!

Quân của Tháo nói chưa dứt lời, cung nỏ của Đông Ngô đã bắn sang rào rào, Văn Sính bị tên trúng cánh tay trái, ngã ngay xuống thuyền. Quân Tào rối loạn chạy về.

Thuyền bên này còn cách trại Tào độ hai dặm, Hoàng Cái khoát tay, các thuyền nhất tề đốt lửa. Lửa gặp gió mạnh, gió thổi lửa cháy, đoàn chiến thuyền của Đông Ngô vọt lên như tên bắn, trong khoảnh khắc lửa cháy ngút trời. 20 chiến thuyền phóng hỏa tiên phong xông vào thủy trại trước, bốn đoàn thuyền chiến chủ lực gồm hơn ngàn chiếc xung kích theo sau, ào ạt tấn công, đốt cháy liên hoàn thuyền chiến của Tào Tháo chỉ trong chốc lát. Các chiến thuyền liên hoàn gặp nạn, đua nhau bốc lửa.

Rất nhiều chiến thuyền của liên quân Đông Ngô ào ạt tấn công, đốt cháy liên hoàn thuyền chiến của Tào Tháo chỉ trong chốc lát
Với kế ‘Mượn gió Đông’ của Khổng Minh, liên hoàn thuyền chiến của Tào Tháo bị quân Đông Ngô đốt trụi chỉ trong chốc lát. (Ảnh: pinterest.com)

Trên sông pháo nổ vang trời, toàn bộ hỏa thuyền, chiến thuyền của quân Đông Ngô từ bốn phía vây thốc tới, Mặt sông Tam Giang – Xích Bích gió cuốn lửa bay đỏ rực chân trời mặt nước. Đại quân Đông Ngô hò hét vang trời, tên bắn như mưa, khí thế mạnh như vũ bão, tấn công áp đảo. Cả đoàn liên hoàn thuyền của Tào Tháo bị xích sắt buộc chặt không cách nào thoát ra nổi nên bị cháy trụi thảm hại, quân sỹ kẻ thì chết, kẻ thương vong, kẻ nhảy sông thiệt mạng… tình cảnh thảm thương không sao kể xiết.

Tào Tháo quay đầu nhìn doanh trại trên bờ, cũng thấy khắp nơi bốc cháy, rõ ràng là thủy, bộ đều bị tập kích. Tháo sợ luống cuống cả chân tay, vội nhảy lên một chiếc thuyền nhỏ, có đại tướng Trương Liêu hộ vệ, chạy thẳng vào bờ.

Không phải dễ mà lên được bờ, khốn thay, ở trên bờ các cánh quân của Chu Du cũng đã từ ba phía mà xông tới. Lương thảo trên bờ cũng bị cháy, tất cả như một biển lửa. Tào Tháo vội thu góp được hơn một nghìn người ngựa, tả xung hữu đột, liều chết phá vòng vây mà xông ra.

Phá vây được rồi, Tháo mang theo tàn quân bỏ chạy suốt đêm về hướng Di Lăng. Khi bình minh đến, gió đông thổi nhẹ, mây đen rợp đất. Bỗng có một trận mưa lớn đổ xuống, quân Tào bị ướt hết cả áo giáp, như đàn gà bị nhúng nước. Trên đường rút chạy không ngờ lại gặp quân tập kích của Triệu Vân, Trương Phi, thương vong đến quá nửa. Không còn cách nào khác, Tào Tháo đành phải đi theo đường núi, hy vọng không bị quân của Lưu Bị truy kích. Ai ngờ Gia Cát Lượng đã sớm bố trí để Quan Vũ đến hẻm Hoa Dung đón sẵn. Nhìn thấy cái chết ở phía trước, Tào Tháo rơi nước mắt, hy vọng Quan Vũ nhớ tới tình nghĩa trước đây, tha cho đi. Quan Vũ trọng nghĩa như núi, để cho Tào Tháo đi qua Hoa Dung. Khi đó, bên cạnh Tào Tháo chỉ còn vỏn vẹn 27 tên lính!

Quan Vũ, Tào Tháo.
Quan Vũ trọng nghĩa xưa, tha cho Tào Tháo cùng 27 quân lính còn lại đi qua hẻm núi Hoa Dung. (Ảnh: Youtube.com)

Nhờ Khổng Minh ‘mượn’ được gió Đông nam mà liên quân Ngô – Thục đại thắng quân Ngụy, Chu Du không bị nỗi nhục mất nước, mất vợ. Đời sau có thơ rằng:

“Dưới cát gươm chìm, sắt chửa tiêu
Rũa mài nhận biết việc tiền triều
Gió Đông nếu chẳng vì Công Cẩn
Đồng Tước đêm xuân khóa Nhị Kiều”.

Thua trận Xích Bích, dường như toàn bộ quân của Tào Tháo không còn, tinh thần sa sút, sau đó chỉ có thể chuyển hướng về phía bắc. Đông Ngô củng cố được Giang Đông, Lưu Bị của Thục Hán cũng có đất để phát triển, Trận Xích Bích cuối cùng đã phân định được cục diện Tam Quốc.

Lời bàn:

Nhắc tới kế ‘Mượn gió Đông’ của Khổng Minh trong câu chuyện, người ta dễ liên tưởng tới câu: “Thiên thời – Địa lợi – Nhân hòa” trong triết lý văn hóa Phương Đông xưa:

Về phía quân Thục và Đông Ngô: việc Lưu Bị liên minh với Tôn Quyền cùng nhau đánh Tào Tháo ấy là có được ‘Nhân hòa’; Tào Tháo kéo quân vào Giang Đông, lệnh cho đoàn chiến thuyền dàn trận tại Xích Bích lại khéo mắc mưu Công Cẩn (Chu Du) mà cho dùng dây sắt buộc các chiến thuyền lại với nhau tạo thành liên hoàn thuyền chiến để tiện bề cho quân Đông Ngô kéo đến hỏa công ấy là ‘Địa lợi’; Mọi việc đã chuẩn bị đầy đủ cả, chỉ còn chờ Gia Cát Lượng ‘mượn’ được gió Đông là thành đại sự, ấy là ‘Thiên thời’. 

Liên minh Thục – Ngô dù chuẩn bị thế trận kỹ lưỡng đến đâu, nếu không có được gió Đông thì khó mà thành đại sự, tỷ như có được gió Đông mà không biết nắm chắc thời cơ để kịp thời xuất chiến thì cũng dễ bỏ lỡ việc lớn. Vì gió Đông ấy là gió trái mùa, không dễ mà gặp được, nay lại nhờ Gia Cát Lượng tài cao đức trọng mà “Mượn” được gió về, vậy nên nhất thiết phải tận dụng được cơ hội này, nếu để muộn màng thì tất yếu đại cuộc sẽ bị ảnh hưởng. Có câu: ‘Gió Đông đâu có đợi người’; Liên hoàn chiến thuyền của Tào Thừa Tướng cũng không cứ buộc dây xích sắt đứng mãi ở trên mặt sông Giang Đông – Xích Bích mà chờ cho Chu Du đến đánh; Liên minh giữa Thục và Ngô cũng chỉ là mang tinh chất tạm thời… Đây chính là phải biết nắm chắc ‘Thiên thời’, vận dụng thiên thời đúng lúc đúng chỗ, lại còn phải biết kết hợp đủ mọi nhân tố được cho là thuận lợi và tốt đẹp để phát huy được sức mạnh tổng thể. Làm được như vậy cũng chính là thấu hiểu và vận dụng tốt nguyên lý: ‘Thiên thời – Địa lợi – Nhân hòa’.

Nhưng suy cho cùng thì ‘Thiên thời’ kia cũng là đối ứng từ cái “Tâm” của con người; ‘Địa lợi’, ‘Nhân hòa’ ấy cũng là do lòng người mà ra. Ví như Gia Cát Lượng trên thông thiên văn, dưới tường địa lý mà Tâm không chính, đức không trọng thì dẫu có đăng đàn cầu đảo cũng chẳng thể mượn được gió Đông. Ấy là lòng người phải chính thì mới mong gặp được ‘Thiên  thời’.

Gia Cát Lượng
Gia Cát Lượng trên thông thiên văn, dưới tường địa lý mà ‘Tâm’ còn phải chính, đức phải cao thì mới mong gặp được ‘Thiên thời’. (Ảnh: youtube.com)

Lại nói Tào Táo vì trót nghe lời khuyên của Bàng Thống (vốn là người của Chu Du), dùng dây sắt mà buộc các chiến thuyền lại với nhau tạo thành liên hoàn thuyền rồi cho thủy binh tập trận tại Xích Bích, ấy cũng chính là tự mình tạo ra ‘Địa lợi’ cho phía đối phương tiện bề công kích. Là Chu Du dùng trận hỏa công đốt liên hoàn thuyền của Tào Tháo, hay là do Tháo tự ‘tìm lửa đốt mình’? Sở dĩ có chuyện này cũng là do cái Tâm của Tào Tháo mà ra. Con người này vốn nổi tiếng là đa mưu túc trí, lại rất mực anh dũng thiện chiến, nhưng bởi trận này cái ‘Tôi” – bản ngã của của Tào Thừa tướng “phình” lên quá lớn, dẫn đến chủ quan khinh địch nên mới rơi vào cạm bẫy của liên quân Ngô – Thục.

Mới hay, cho dù anh hùng bản sự, tài ba thao lược đến đâu, nếu không tự chế ước được cái Tâm của mình thì ắt sẽ gặp hiểm nguy tắp lự. Xem tác giả truyện Tam Quốc miêu tả cảnh Tào Tháo dương dương tự đắc đứng trên Soái thuyền mà ngắm trăng trên sông cũng đã đoán trước được kết cục thảm bại của ông ta trong trận chiến này rồi:

– “Tháo ngồi trên thuyền, trông sang phía nam, mặt trăng lấp ló, toả sáng dòng sông, tựa hồ muôn vạn rắn vàng giỡn trên mặt nước. Tháo đón gió vui cười, tỏ vẻ đắc chí lắm”…

Trong tình tiết trên thì: “Phía nam, mặt trăng lấp ló, tỏa sáng dòng sông”… đó cũng chính là hướng mà liên quân Đông Ngô chuẩn bị xuất kích đánh trận hỏa công hòng tiêu diệt quân Tào; Hình ảnh: “tỏa sáng dòng sông” đó là tả trăng hay là ngụ ý về lửa? Đối phương đã chuẩn bị tinh tươm đâu đấy, ‘gió Đông nam’ đã nổi ầm ầm rồi. Vậy mà Tháo chẳng thèm hay biết, lại còn: “đón gió vui cười, tỏ vẻ đắc chí lắm” thì quả là nguy hại lắm thay! Cảnh dòng sông Giang Đông nổi sóng: “tựa hồ muôn vạn rắn vàng giỡn trên mặt nước” phải chăng chính là điềm báo nhãn tiền cảnh tỉnh Tào Tháo rằng ông ta đang cận kề hiểm họa. Nhưng vì tâm hoan hỷ đại phát và tự mãn bản thân nên vị Thừa Tướng này chẳng chút thanh tỉnh đề phòng. Hỡi ôi, cho nên mới nói: ‘Nhân tâm phát tác’ cũng giống như ‘muôn vạn rắn vàng’ vậy, dễ hại chết người ta!

Nói về ‘Nhân hòa’ thì sự kiện liên minh giữa Thục và Ngô trong trận đánh này được coi là biểu tượng. Vậy tại sao liên minh đó chẳng thể lâu dài và vững chắc? Thậm chí Gia Cát Lượng vừa mượn được gió Đông giúp Chu Du xong, trận Xích Bích còn chưa  phân thắng bại thì Chu Du đã cử thân tín của mình đi lấy thủ cấp của Lượng rồi! Ấy cũng là do cái tâm đố kỵ mà ra. Du thấy Lượng về mọi phương diện đều tài giỏi hơn mình, nên mới ganh ghét mà muốn ra tay triệt hạ.

Sau này, khi luận bàn về Tam Quốc, Mao Tôn Cương viết: “Chu Lang đánh trận Xích Bích, chưa điều binh đi phá Tào Tháo đã điều binh đi bắt Khổng Minh… Thế mà Chu Lang thắng được tám mươi ba vạn quân Tào lại không thắng nổi một Khổng Minh. Ôi! Ghét sợ người mình không thể hơn được mà muốn giết đi, bậc văn nhân chê Chu Lang khắc nghiệt. Biết mình không thắng nổi người mà còn miễn cưỡng tìm cách giết người, riêng ta cười Chu Lang ngu dốt vậy!”… quả đúng là cái tâm đố kỵ, tự tư dễ khiến người ta làm nên những chuyện hại người hại mình, phá hoại đại cục. Liên minh giữa Lưu Bị và Tôn quyền ấy cũng chỉ vì tư lợi của mỗi bên mà tạm thời mượn sức của nhau để đối phó với Tào Tháo. Bởi vậy sau trận Xích Bích liên minh Thục – Ngô đại thắng rồi, vùng đất Châu thổ Trung Nguyên rộng lớn cũng chẳng thể thống nhất được mà lại hình thành nên một cục diện chia rẽ Tam quốc, tạo nên hình thế chân  vạc: Ngô – Thục – Ngụy.

Đường Minh