Tiếng mưa rơi không ngớt trên mái nhà lộp độp, nặng nề giữa đêm tối mịt mờ làm Mai như sống lại ký ức tuổi thơ đầy giông bão…

Đó là những ngày bố phải oằn mình trên mái nhà chặt cây giữa những cơn mưa như trút nước vì sợ nhà sập; còn mẹ thì tất tả đặt em trai của Mai vào chiếc giỏ tre, bên kia là đồ đạc ngổn ngang, gồng gánh qua gửi nhờ nhà hàng xóm.

Miền Trung nắng gió là thế nhưng sợ nhất vẫn là mùa mưa bão. Tuy quen sống trong vùng lũ nhưng ai trong xóm Mai cũng rất e dè những cơn mưa nặng hạt, bởi ai cũng biết rằng mình sắp phải dọn nhà, sắp phải mất mát, sắp phải mất thêm nhiều ngày làm việc. Mưa đối với những người may mắn sống ở nơi cao ráo là niềm vui, là sự ấm áp; còn đối với những người dân làng quê Mai là cả một nỗi ám ảnh.

Mai nhớ mãi trận lũ kinh hoàng năm ấy. Em trai Mai chỉ vừa tròn 3 tuổi, còn Mai đã 10 tuổi, cái tuổi đủ bớt ngô nghê để hiểu mọi việc.

Ngày hôm trước vẫn là nắng ráo, thế mà sáng hôm sau, mây đen kéo đến xám xịt đầy trời. Rồi những cơn mưa nặng hạt thi nhau trút xuống không ngớt, ròng rã hai ngày hai đêm.

Trong khi đứa em trai ngốc nghếch vẫn hồn nhiên tung tăng với lũ con nít ngoài sân, nô đùa quẫy nước tắm mưa, thì Mai cùng bố mẹ vội vã gom lúa vào từng bao tải, gói ghém đồ đạc đề phòng nước lên cao.

Đến chiều tối ngày thứ hai, mưa mỗi lúc một ồ ạt, các tuyến đường quốc lộ đều bị chia cắt do nước dâng cao. Mai thấy đôi mắt mẹ quầng thâm nặng trĩu, gương mặt ba đầy lo lắng thở dài “Tết nay biết sẽ ra sao…”

Gần về khuya, điện bỗng nhiên cắt hết, nước đã ngập mép nền nhà trong. Ba mẹ giao nhiệm vụ cho Mai giữ thằng Tý nên hai đứa ngồi thu lu trên giường.

Trong khi đứa em trai ngốc nghếch vẫn hồn nhiên tung tăng với lũ con nít ngoài sân, nô đùa quẫy nước tắm mưa. (Ảnh minh họa: foody.vn)

Lúc này, Mai mới cảm nhận được hết nỗi nhọc nhằn của ba mẹ. Có thể mấy năm trước, Mai sẽ hân hoan vui mừng khi có lũ, vì bọn trẻ làng Mai sẽ được nghỉ học, sẽ được tắm mưa, sẽ được bắt cá nô đùa…; nhưng giờ đây, Mai chẳng còn thích thú với điều đó nữa, mà trái lại, cô bé càng thấm nỗi cơ cực của ba mẹ cũng như của người dân quê nhiều hơn.

Ánh đèn le lói đủ rọi chiếu căn phòng lạnh ngắt; nước cứ dần dần dâng lên theo thời gian. Ngoài cổng, người người hối hả dắt gia súc đi lánh nạn. Tiếng trâu bò kêu inh ỏi.

Mai còn nhớ mãi dáng người liêu xiêu trong chiếc áo mưa ướt đẫm cũ mèm của ông Năm cuối xóm. Toàn thân ông run lập cập, bước từng bước chậm chạp dẫn con trâu yêu quý đi ngang nhà Mai. Thấy vậy, ba Mai gọi lại hỏi thăm và đưa ông ít dầu gió. Gia cảnh nhà ông Năm đáng thương lắm: mái nhà tranh ọp ẹp tận cuối con xóm nhỏ, nơi dễ bị ngập lụt nhất, khi nhà Mai nước tới mép sân thì nhà ông đã dâng lên đến tận ngang giường. Hai vợ chồng già côi cút không có con, quanh năm “bán mặt cho đất bán lưng cho trời” nên chỉ có con trâu bầu bạn và cũng là tài sản quý giá nhất. Bảo sao ông không bảo vệ cho được, cho dù có đói có lạnh ông cũng phải giữ lấy niềm vui cuối cùng này.

Qua hỏi thăm mới biết xóm trong giờ đã ngập gần 1 mét nên mọi người đều di tản; ưu tiên cứu trâu bò nhưng lợn gà không thể dắt theo được; có nhà nước quá cao chỉ có thể cứu lấy thân, không mang được đồ đạc.

Cứ vậy, khoảng chừng vài phút lại từng người từng người dắt theo trâu bò đi ra phía nhà văn hóa, nơi cao nhất làng để gửi.

Tuy nhiên, mưa mỗi lúc một to không ngớt, chẳng bao lâu nước đã lên ngang giường, nơi hai chị em Mai đang đứng. Ba mẹ ra sau nhà nhốt hết gà vịt lên mái chuồng, còn con lợn nái ba mẹ chỉ có biết đặt vào cái bể nước cạn trên nóc nhà vệ sinh.

Dưới ánh đèn hiu hắt, yếu ớt, Mai thấy mồ hôi ba ướt đẫm hòa lẫn với nước mưa cứ từng giọt thi nhau rơi xuống gương mặt đen nhẻm vì sương gió; mẹ thì như gầy đi, đôi mắt sâu quầng vì mất ngủ, lâu lâu mẹ lại nhìn về phía sau vườn thở dài ngao ngán. Cả đêm nay ba mẹ thức trắng ngâm mình trong nước, đôi chân đau nhức nhưng không dám chợp mắt dù chỉ một phút.

Mai thấy mồ hôi ba ướt đẫm hòa lẫn với nước mưa cứ từng giọt thi nhau rơi xuống gương mặt đen nhẻm vì sương gió; mẹ thì như gầy đi. (Ảnh minh họa: kanesladen.com)

Tình hình mỗi lúc một không ổn, nước dâng lên qua khỏi miệng giếng, tràn luôn qua giường nơi hai chị em Mai đứng. Ba giục mẹ dắt hai đứa gửi nhà hàng xóm. Mẹ vội vã gói hết quần áo đặt vào giỏ, bên kia đặt thằng Tý rồi dắt theo Mai lội bì bõm gánh qua gửi nhờ bà Tư, vì nhà bà là nhà cao tầng nhất xóm.

Khi Mai sang đến nơi thì rất nhiều người đã ở đấy rồi; ai cũng ướt sũng, lạnh căm. Còn mẹ vội vã trở về nhà, thu dọn nốt ít đồ đạc cùng ba rồi qua sau.

Đêm đó, không một ai ngủ được, ai cũng lo sợ con nước lớn. Không quần áo ấm, không thức ăn, không mền chiếu, bao phận người ngổn ngang ngồi thẫn thờ dưới nền nhà lạnh ngắt, chỉ cầu mong mưa ngớt. Ánh đèn le lói, nhập nhòe, hiu hắt giống như cuộc sống bĩ cực của người dân vùng lũ. Chỉ cần một cơn gió cũng có thể dập tắt đi tất cả niềm vui, tất cả tài sản, tất cả kỷ niệm, công sức mà họ gây dựng bấy lâu nay.

***

Trời dần sáng tỏ. Mai càng thấu được nỗi kinh hoàng của cơn lũ. Dòng nước đục ngầu len lỏi qua tất cả ngóc ngách của mọi căn nhà, cuốn theo đồ đạc, giày dép quần áo nổi lềnh bềnh. Nào phân trâu bò, nào lục bình, nào rơm rạ, tất cả rác thải cứ theo dòng nước trôi vô định. Vài căn nhà xa xa nước đã ngập đến chóp mái.

Nước dâng lên trong đêm nên mọi người không kịp chuẩn bị gì, ai cũng không ngờ năm nay nước lớn đến thế. Nếu ba mẹ không dẫn chị em Mai qua bà Tư sớm thì giờ đây có lẽ cả nhà cũng bị nhấn chìm trong nước lũ.

Bất giác, xác một con lợn nái từ xa chậm chạp trôi đến, theo sau là vài con gà bị nước cuốn trôi. Mai chợt thấy khóe mắt mẹ ngấn nước, đôi vai gầy guộc bỗng run run; ba nhìn mẹ chua xót: “Vậy là hết, mất hết rồi…”

Không có gì để ăn, không có chỗ vệ sinh, ai cũng đói rét lặng lẽ nhìn nhau chờ cứu hộ tới.

Mưa dần tạnh, ngoài cửa tiếng loa cứu hộ vang lên. Tất cả được đưa lên ca nô, họ đón rất nhiều người. Mai còn nhớ mãi một trường hợp ở xóm trên: chị ấy sinh khó nên điện cấp cứu, sinh lúc nước lũ lên nên không có ai đỡ, khi cứu hộ tới nước đã ngập hơn nửa nhà. Toàn thân chị tím tái vì lạnh, đôi chân trần không mang tất, chiếc áo mong manh không đủ ấm. Người miền Trung vốn rất kỹ khi sinh nở, phải ủ ấm, nhưng thân chị lại phong phanh như vậy, rồi bệnh tật sau này kéo đến chị phải ứng phó thế nào? Còn một chị gái khác thì mặc mỗi một bộ đồ ngủ, bồng theo đứa nhỏ 6 tháng tuổi chỉ kịp mặc bỉm chạy lánh nạn; nhà bị nước tràn qua nóc nên quần áo đồ đạc ướt hết không thể đem theo. Biết bao phận người nổi trôi ngồi vật vờ trên sóng nước…

Nước dâng lên trong đêm nên mọi người không kịp chuẩn bị gì, ai cũng không ngờ năm nay nước lớn đến thế. (Ảnh minh họa: tintm.com)

Khi lên xuồng cứu hộ Mai càng kinh hoàng hơn, nước lũ các vùng khác đều ngập qua nóc nhà, nước xoáy cuồn cuộn. Tất nhiên, rất nhiều người không may mắn như gia đình Mai: họ đã bị lũ cuốn trôi. Mai nhớ nhất là có ba mẹ con người xóm trong đều bị nhấn chìm trong nước lũ khi người chồng đang đi công tác xa. Rất nhiều người già cả trong làng không chạy lũ kịp nên bị mất tích; rất nhiều trẻ em cũng là nạn nhân vô tội của cơn lũ kinh hoàng…

Khi nước rút, mọi người được trở về.

Mái nhà vẫn còn đó nhưng than ôi, đồ đạc ngổn ngang, dấy bẩn bùn non! Ba mẹ làm lụng quanh năm, tích cóp được 100 tạ lúa chuẩn bị bán Tết, nay bị ẩm và lên mầm hết. Con lợn nái mà mẹ yêu quý nhất cũng đã chết; bầy gà trôi hết không còn một con nào. Mai chạy vội vào nơi cất giữ những tấm hình kỷ niệm của cả nhà, nhưng than ôi, tất cả đều bị ẩm ướt cả! Cả những tập sách vở, tài sản duy nhất của Mai cũng bị cơn lũ vô tình tàn phá.

Cơn lũ qua đi, nhưng bao mất mát đau thương để lại u ám cả một vùng quê, ba mẹ lại bắt đầu từ đầu.

Tết năm đó, nhà Mai không có hoa, không bánh chưng, không thịt heo nấu nước mắm, không hạt dưa mứt kẹo, không giày dép quần áo mới… Và đâu riêng nhà Mai, trong xóm cũng chẳng ai buồn đốt pháo hay đi chơi Tết như mọi năm.

***

Nhiều năm trôi qua, giờ đây Mai đã ở nơi cao ráo, có thể được thưởng thức sự ấm áp ngay cả khi tiết trời mưa lạnh. Thế nhưng, mỗi cơn mưa tới chỉ làm Mai càng cảm thương hơn cho những phận người nổi trôi nơi vùng lũ, bởi hơn ai hết, Mai đã từng trải qua và chứng kiến sự mất mát to lớn mà họ phải gánh chịu.

Nhã Thanh