Người xưa nói “cải mồ người chết không bằng cải nết người sống”, nhưng mỗi ngày bạn hãy tự xem xét lại bản thân, mãi cho đến khi ta từ từ thay đổi!
Hãy hỏi bản thân mình mỗi ngày: Hôm nay mình có nổi giận không?
Một nhân vật truyền kì của Thái Lan – Bạch Long Vương từng nói: Con người chỉ cần giữ tính khí ôn hoà thì chuyện gì cũng sẽ tốt đẹp thuận lợi. Có rất nhiều người tới đây đều hỏi tôi những câu hỏi tương tự như: Sự nghiệp của bản thân họ có tốt hay không? Gia đình thế nào? Con cái ra sao? Nhân duyên tốt xấu thế nào? Tôi chỉ đáp lại một câu: Tính khí của bạn tốt hay không?
Chúng ta phải mất cả đời để học làm người, đó là một quá trình lâu dài và không dễ dàng. Dù bạn là ai, là nông dân hay tầng lớp trí thức… chỉ cần bạn chịu khó học hỏi thì ắt sẽ tiến bộ.
Thứ nhất: Học nhận sai
Chúng ta thường không chịu thừa nhận cái sai của mình. Dù chuyện to hay nhỏ đều là người khác làm sai, còn bản thân lúc nào cũng đúng. Bạn có biết rằng không nhận ra cái sai của mình cũng là một cái sai mà bạn đang mắc phải hay không?
Bạn có thể nhận sai với bố mẹ, bạn bè, xã hội, hay nhận sai với Thượng đế, thậm chí là với con cái hay người từng đối xử không tốt với bạn. Biết nhận sai, không những bạn không mất đi điều gì, ngược lại còn chứng tỏ được sự độ lượng của con người bạn.
Học được cách nhận sai là một việc nên làm, đó cũng là một cách tu hành.
Thứ hai: Học cách ôn nhu
Có một sự thật bạn nên biết: Răng của chúng ta tuy cứng nhưng đầu lưỡi lại mềm; khi đến cuối đời, những chiếc răng có thể rụng hết, nhưng chiếc lưỡi thì không. Cho nên chân lý rút ra chính là làm người thì phải ôn nhu, mềm mỏng, có vậy thì đời người mới lâu dài, hạnh phúc. Ngược lại lúc nào cũng cứng đầu thì chỉ khiến bản thân chịu thiệt mà thôi.
Tâm tĩnh lặng, ôn hoà được là bước tiến bộ lớn nhất của quá trình tu hành. Bạn là người cứng nhắc, tính cách lạnh lùng nhưng nếu bạn biết cách điều chỉnh bản thân, điều chỉnh tâm tính như sách Thiền môn có nói thì cuộc sống của bạn sẽ trở nên vui vẻ hơn, hạnh phúc hơn, lâu bền hơn.
Thứ ba: Học được chữ “Nhẫn”
Từ xưa tới nay chúng ta luôn thấy người xưa răn rằng: Nhẫn được một lúc thì trời yên biển lặng, lùi một bước biển rộng trời cao, chuyện gì cũng có thể giải quyết.
Nhẫn chính là biết cách xử lí, biết cách hoá giải, dùng trí tuệ và năng lực của mình để biến chuyện lớn thành chuyện nhỏ, chuyện nhỏ thành vô sự.
Bạn muốn sinh tồn, bạn muốn sống vui vẻ, chỉ cần trong tim bạn học được chữ “Nhẫn”. Có nhẫn thì bạn có thể nhìn thấu được mọi thị phi tốt xấu thiện ác của thế gian và tìm ra cách chấp nhận chúng.
Thứ tư: Học cách giao tiếp
Người ta thường nói: Không biết giao tiếp thì sẽ sinh ra thị phi, tranh chấp và hiểu lầm.
Điều quan trọng nhất là bạn phải biết cách giao tiếp, phải tìm hiểu lẫn nhau, cùng chia sẻ, cùng giúp đỡ, hỗ trợ nhau, cảm thông cho nhau. Nếu không thể giao tiếp không thể hiểu nhau ắt sẽ dẫn tới tranh chấp thậm chí là chiến tranh, đổ máu. Như vậy thì làm sao có một thế giới hoà bình?
Thứ năm: Học cách từ bỏ
Có một cách ví von khá hay: Con người như một chiếc túi xách, khi cần thì xách lên, không cần thì lại đặt xuống, nhưng khi cần phải đặt xuống thì lại không thể buông xuống được, cũng giống như khi đang xách một vali đồ nặng có muốn bỏ cũng không thể bỏ. Nhưng bạn thân mến, những năm tháng đời người ngắn ngủi, bạn biết nhận sai, biết tôn trọng, biết bao dung thì người khác mới có thể đón nhận bạn. Và chỉ khi bạn biết từ bỏ thì bạn mới có thể thanh thản, tự tại.
Thứ sáu: Học cách cảm động
Bạn biết yêu thích cái tốt của người khác thì cũng nên biết cách cảm động trước những người tốt việc tốt xung quanh.
Bạn biết cảm động chứng tỏ bạn có tấm lòng bác ái tràn đầy yêu thương. Trong vài chục năm ngắn ngủi của đời người, có biết bao sự việc, biết bao câu chuyện khiến chúng ta cảm động vì vậy đừng bao giờ ngừng cố gắng khiến người khác cảm động bạn nhé.
Thứ bảy: Học cách sinh tồn
Bạn muốn tồn tại? Trước hết hãy giữ gìn sức khỏe thật tốt. Một cơ thể khỏe mạnh không chỉ có lợi cho bạn mà còn khiến bạn bè, người thân cảm thấy yên tâm về bạn. Đó cũng là một cách thể hiện sự hiếu thuận.
Hãy bắt đầu từ bản thân mình, hãy tự hỏi mình vào mỗi tối trước khi đi ngủ: Hôm nay mình đã nổi giận lần nào chưa?
Quỳnh Chi