Cấp Ảm, tự Trương Nhụ, là một vị quan nổi tiếng liêm khiết, chính trực thời Tây Hán trong lịch sử Trung Quốc.

Vì Cấp Ảm làm việc nghiêm trang, cẩn trọng, nên được người dưới kính sợ. Nhưng ông cũng hay can thẳng, nên ở triều không được lâu, bị đổi đi làm thái thú Đông Hải. Cấp Ảm dùng đạo “vô vi” mà quản trị việc quan, việc dân, nên tuy thường nằm trong nhà không ra mà chỉ qua hơn một năm, quận Đông Hải thanh bình thịnh vượng. Tiếng tốt đến tai vua, vua vời về cất làm chủ tước đô uý [1], hàng Cửu khanh.

Một lần, Hán Vũ Đế triệu tập các nhà văn học, nho giả, bảo: “Trẫm muốn… Trẫm muốn…”. Ảm thưa:

“Bệ hạ trong lòng đa dục mà ngoài mặt muốn thi nhân nghĩa, như vậy mà muốn nước thịnh trị như thời vua Nghiêu vua Thuấn, thì thành công thế nào được!”

Vua lặng thinh, giận, đổi sắc mặt và bãi triều. Các vị công, khanh đều sợ thay cho Ảm. Vua lui về cung bảo các quan tả hữu:

“Quá lắm! Cấp Ảm bộc trực quá lắm!”.

Quần thần có người phàn nàn rằng Ảm quá bộc trực, Ảm nói:

“Thiên tử đặt ra các quan công khanh là để giúp Ngài sửa lỗi, lẽ nào lại cứ dua nịnh, một mực chiều theo ý vua, khiến cho vua sa vào con đường không hợp đạo nghĩa! Vả lại đã ở ngôi công khanh, thì dù cho có sợ chết, ham địa vị đi nữa, cũng phải làm sao cho khỏi ô nhục triều đình chứ!”

Có lần, Hán Vũ Đế hỏi Tranh Trợ: “Cấp Ảm là người thế nào?”. Trợ tâu:

“Kể làm nhiệm vụ ông quan, thì Ảm chả có chỗ nào hơn người. Nhưng nếu để cho ông ta phù trợ một ông vua còn nhỏ, thì ông ta sẽ giữ vững lập trường, vời chẳng lại, đuổi chẳng đi, dù dũng mãnh bằng Mạnh Bôn, Hạ Dục cũng không lay chuyển nổi ý định của ông ta”.

Vua nói:

“Phải. Xưa có những bậc “xã tắc chi thần” [2]. Như ông Ảm là suýt soát được như các vị đó”.

“Mắng" vua chẳng kiêng dè mà được vua kính trọng: chuyện xưa hé mở đạo lý đối nhân xử thế cho con người ngày nay
Cấp Ảm nhiều lần làm cho Hán Vũ Đế sa sầm mặt mày, nhưng ông lại rất được nhà vua kính trọng. (Ảnh minh họa: youtube.com)

Đại tướng quân Vệ Thanh vào cung hầu vua, vua ngồi vắt vẻo, bên mép sập nhìn [3]. Thừa tướng Công Tôn Hoằng vào bệ kiến riêng ngoài buổi triều hội, vua có khi để đầu trần để tiếp. Thời bấy giờ, tiếp kiến đầu trần là khiếm lễ. Nhưng tiếp kiến Ảm thì không bao giờ vua để đầu trần mà tiếp cả. Vua thường lui vào sau trướng để Ảm tiến lên trước tâu bày. Vua không đội mũ mà thấy Ảm, thì tránh vào trong trước, sai người bảo: Vua cho phép vào tâu. Ấy Ảm được vua kính trọng như vậy đó.

***

Hán Vũ Đế là “bậc hùng tài, có chí lớn, có mưu lược” [4], cùng với Tần Thuỷ Hoàng, được đánh giá là những vị Hoàng đế vĩ đại bậc nhất trong thời kỳ đầu của đế quốc Trung Hoa, được xưng tụng bằng cụm từ “Tần Hoàng Hán Vũ”. Thế mà Cấp Ảm nói rằng Vũ Đế “trong lòng đa dục mà ngoài mặt muốn thi nhân nghĩa” ngay trước mặt nhà vua và các vị công khanh đại thần. Ngay thẳng, chính trực đến thế là cùng tột.

Dẫu rằng Hoàng đế nổi giận, nhưng về sau lại rất mực kính trọng Cấp Ảm. Chẳng phải vì kính trọng tiết tháo trong sạch, tinh thần trượng nghĩa của ông sao? Cấp Ảm phê bình vua, mục đích là để “giúp Ngài sửa lỗi”, “làm sao cho khỏi ô nhục triều đình”. Nói ông là bậc “xã tắc chi thần”, tưởng cũng không có gì quá đáng vậy.

Tăng Tử nói: “Quân tử lấy đức phục người, tiểu nhân thì nhân nhượng nuông chiều để làm vui lòng người”. Thời nay, trong xã hội không thiếu những kẻ khôn khéo, dùng lời ngon ngọt để lấy lòng người. Tuy rằng, những mánh lới ấy có thể thu về mối quan hệ vui vẻ nhất thời, nhưng khiến lòng người cảm động, khởi lên niềm tôn kính sâu sắc, thì chỉ có đức hạnh trong sáng mà thôi.

Thanh Ngọc

Chú thích:

[1] Chức quan chấp chưởng việc chính trị của liệt hầu.

[2] Bầy tôi trung thành, cùng nước nhà chịu hoạn nạn.

[3] Thời xưa, tiếp đãi các đại thần, theo phép tắc thì vua đang ngồi phải đứng dậy đáp lễ, như vậy là nhà vua thất lễ với đại tướng quân Vệ Thanh.

[4] Chữ dùng của Giản Chi và Nguyễn Hiến Lê trong “Sử ký Tư Mã Thiên”, Nhà xuất bản Văn học.