Một hôm, Ðức Phật cùng đệ tử A Nan vào thuyết pháp trong thành La Duyệt Kỳ, lúc ra về thì gặp một người đàn ông đang lùa một bầy bò vừa ăn no về, chúng nhảy nhót tung tăng vui nhộn, có những con cao hứng lại còn lao vào húc nhau nữa…
Thấy vậy, Ðức Phật thở dài nói:
“Người đi chăn đưa roi và chăn lùa bầy bò, cũng giống như già chết chăn nuôi và lùa kéo sinh mạng con người đi mà nào ai có biết! Xưa nay, hàng trăm hàng ngàn người chứ không phải một, chứa chất của cải cho lắm, cung dưỡng thân thể cho nhiều, nhưng rồi không ai thoát khỏi cảnh điêu tàn và chết chóc.
Sống nghĩa là ngày đêm sinh mạng bị công kích, bị tước dần, cho nên sự sống bị tiêu mòn đi cũng giống như bờ đất bị nước xói lở vậy”.
Lúc về Tịnh xá, tôn giả A Nan bạch hỏi đức Phật:
– Bạch Thế Tôn! Vừa rồi trên đường về Ðức Phật có nói ba bài tụng nhưng chúng con không hiểu hết ý nghĩa, xin Thế Tôn từ bi chỉ giáo cho.
Đức Phật hỏi:
– A Nan! Trên đường về vừa rồi con có trông thấy người đàn ông lùa bầy bò không?
Tôn giả A Nan thưa:
– Bạch Thế Tôn, có ạ!
Đức Phật lại nói:
– Người ấy vốn là một đồ tể. Bò của anh ta có đến ba ngàn con, cứ ngày ngày lùa ra ngoài thành tìm nơi cỏ tốt cho ăn rồi lựa con nào to béo thì làm thịt để bán. Đồng loại trong đàn bị giết quá nửa rồi mà những con bò ấy không con nào biết số phận của mình ra sao cả. Chúng vẫn thản nhiên vui vẻ, nhảy nhót kêu rống, ăn chơi và thậm chí còn húc nhau nữa… Ta cảm thương chúng nó nên mới nói mấy lời như trên.
Nhưng A Nan này! Có phải riêng chỉ người chăn bò và đàn bò ấy mới như thế đâu, nhân loại cũng có lắm người vùi mình trong hoàn cảnh tương tự như thế. Họ chấp trước vào cái “Tôi” – bản ngã, mà không biết bản ngã chỉ là sự chuyển biến và luân hồi liên tiếp. Vì thế, họ tham lam dục lạc, cung dưỡng xác thân, rồi sung sướng khoái chí họ tranh tranh đoạt đoạt, đấu đấu đá đá, sát hại lẫn nhau, “húc” chết cơ nghiệp và thậm chí là sự sống của nhau mà không biết là mình đang húc nhau với cái chết! Trong khi đó, bên cạnh sự sống là vô thường chết chóc mau lẹ tiến đến, thế mà họ vẫn ngang nhiên không hay không biết. Ài!… chính là làm ta lại nhớ đến tình cảnh của người đồ tể và bầy bò kia vậy!
Lời bàn:
Nhân sinh vốn vô thường, nơi trần thế này không có gì là tồn tại mãi mãi. Phật gia có nói, con người ta chính là ngụp lặn trong luân hồi, nếu kiếp trước là nhân thì kiếp sau là quả. Một người ở kiếp này làm bá vương thiên tử hay cự phú thảo dân đều là dựa trên lượng nghiệp – đức ở kiếp trước họ tạo ra mà định đoạt.
Vậy nên mới có người sinh ra trong nhung lụa, một đời hưởng cuộc sống giàu sang, sung sướng và hạnh phúc; cũng có người sinh ra trong “đống rơm”, một đời sống cảnh bần hàn, khổ đau và bất hạnh.
Lại cũng có kẻ vì muốn thay đổi vận mệnh ở đời này mà không từ thủ đoạn, tranh tranh đoạt đoạt, đấu đấu đá đá, thậm chí chỉ vì chút đỉnh lợi ích cá nhân mà lừa gạt, hãm hại, ám toán người khác. Như vậy thì cho dù có đạt được mục đích của mình đi chăng nữa cũng là tự hủy hoại đi phúc phận và sinh mệnh của bản thân, những gì đón đợi họ ở nửa đời về sau hoặc lần chuyển sinh sau lẽ nào mà tốt đẹp cho được!
Cũng có người nói: “Tôi sống kiếp này thì chỉ biết kiếp này thôi. Miễn sao hơn người là được rồi. Thực tại là trên hết!”, vậy thử hỏi đến lúc nhắm mắt xuôi tay, người ta mang theo được những gì? Hay vẫn chỉ là: “Khi đến hai tay trống trơn, lúc đi hai tay trơn trống”. Muốn thoát khỏi cảnh luân hồi chìm chìm nổi nổi trong khổ đau và nghiệp báo ấy thì chỉ có cách là tìm đường “Phản bổn quy chân” – Chính là trở về với bản nguyên sinh mệnh của con người.
Cổ nhân có giảng: Thời thịnh thế mua đồ cổ; thời loạn thế tích vàng kim; thời mạt Pháp phải tu hành. Chuyện tu hành, thiết nghĩ không cứ là phải cắt tóc lên chùa quy y. Hồi thăng giá trị đạo đức, sống ngay chính, thuần thiện và khiêm nhường. Luôn Chân với người, luôn Thiện với người, luôn Nhẫn với người cũng chính là tu vậy. Mặc cho thời thế có đảo điên, quy luật của đấng cao xanh vẫn mãi mãi là công bằng tuyệt đối. Người biết tu tâm thủ đức há lại lo không thoát khỏi luân hồi?
Đường Phong