Trước khi Lý Bạch sinh ra, mẹ ông từng mơ thấy Thái Bạch Kim Tinh, vì thế bà đặt tên con là Lý Bạch, tự Thái Bạch. Quả nhiên, sau này Lý Bạch đã trở thành một ngôi sao sáng chói trong lịch sử văn học Trung Hoa và thế giới.
Trong lịch sử, có không ít những ví dụ về giấc mộng của người mẹ hoặc người thân báo trước sự ra đời của các vĩ nhân. Câu hỏi là: Nếu vậy, phải chăng thành bại đời người đã sớm được định đoạt? Hay còn có nhân duyên nào khác?
1. Vũ Đế ra đời
Hoàng đế Hán Hiếu Vũ Lưu Triệt là con trai của Hán Cảnh Đế Lưu Khởi. Trước khi Vũ Đế sinh ra, Cảnh Đế nhìn thấy một con rồng màu đỏ từ trong mây bay xuống và tiến thẳng vào trong cung Sùng Phương Các.
Cảnh Đế liền triệu một vị thầy bói tên là Diêu Ông đến thỉnh giáo. Diêu Ông nói: “Đây là điềm báo đại cát đại lợi. Tại Sùng Phương Các này nhất định sẽ xuất sinh ra một người nắm giữ vận mệnh của quốc gia. Người ấy sẽ bình định dị tộc Di, Địch ở phương bắc, làm cho vận nước hưng thịnh, trở thành một vị minh chủ trong thời kỳ hưng thịnh của vương triều họ Lưu. Nhưng vị minh chủ này cũng sẽ làm ra rất nhiều chuyện kỳ quái”.
Sau đó Cảnh Đế lại mơ thấy một vị nữ Thần hai tay bưng Mặt Trời trao cho Vương phu nhân (con gái lớn của Tàng Nhi). Vương phu nhân liền nuốt Mặt Trời vào bụng. Vương phu nhân mang thai 14 tháng mới sinh ra Vũ Đế. Cảnh Đế nói: “Ta mơ thấy khói mây màu đỏ hóa thành rồng đỏ. Thầy bói nói là điềm báo cát tường, cho nên đứa con trai này có thể lấy tên là “Cát”.”
Khi Vũ Đế được ba tuổi, Cảnh Đế bế con trên đầu gối, biết đứa bé này vô cùng thông minh, liền hỏi con rằng có muốn làm hoàng đế hay không. Vũ Đế nói:
“Việc này là do Thiên thượng an bài, không phải do bản thân con quyết định. Nhưng mà con muốn hằng ngày ở trong cung, vui chơi bên phụ thân, con nhất định sẽ không xấc xược vô lễ mà sẽ làm tận trách nhiệm của người con”.
Cảnh Đế nghe xong, trong lòng lại càng thêm kinh ngạc. Từ đó ông rất chú ý dạy dỗ bồi dưỡng đứa bé này (Theo Thái Bình Quảng Ký).
Lời nói xuất thần của Vũ Đế khẳng định rằng mỗi người đến thế gian đều có thiên mệnh, không phải do truy cầu, tranh đấu mà được. Nhưng “thiên mệnh” ấy phải chăng “thiên vị” người này mà không đoái hoài người khác? Nhờ đâu mà một người, một gia đình, một dòng họ lại có hậu duệ tài đức?
2. Tăng Sâm chuyển sinh
Cha của Vương Tằng thời Tống, mỗi khi nhìn thấy trên mặt đất có tờ giấy có chữ, ông đều thu gom lại rồi dùng hương thơm rửa sạch sau đó mới đốt bỏ đi. Ông thường hay phát nguyện trong tâm rằng: “Hy vọng con cháu ta có thể hiển vinh nhờ tài văn chương”.
Một buổi tối, ông mơ thấy Khổng Tử vỗ lưng mình rồi nói: “Ngươi tôn trọng những giáo lý của ta và chăm chỉ thực hành như vậy! Chỉ đáng tiếc là ngươi đã lớn tuổi rồi, không thể có được thành tựu gì nữa. Sau này ta sẽ cho Tăng Sâm chuyển sinh vào nhà ngươi, để làm rạng rỡ tổ tiên nhà ngươi”.
Không lâu sau, quả nhiên nhà ông sinh được một người con trai, vì thế mà ông đặt tên cho con là “Tăng”, về sau Vương Tăng thi đỗ Trạng nguyên. (Theo Sâm Học Đại Thành Văn Tập).
Thì ra, phúc phận kiếp này là do tích đức mà có được. Nếu Vương lão gia không nâng niu trân quý chữ nghĩa Thánh hiền, làm sao Thánh hiền có thể chuyển sinh làm con trai ông?
Cổ nhân có câu: “Hoàng thiên vô thân, duy đức thị phụ; dân tâm vô thường, duy huệ chi hoài” (Tạm dịch: “Trời xanh không kể thân thích, chỉ trợ giúp người có Đức, lòng người thay đổi vô thường, chỉ ban ân huệ cho người có tấm lòng”). Như vậy, thay vì ngồi đợi mệnh số tốt “sa” vào nhà mình, có lẽ mỗi người nên tích đức hành thiện, gây nhân duyên tốt đẹp để chờ đón “quý tử” về sau.
Mã Lương biên tập (Theo Chanhkien.org)
Xem thêm: