Lời toà soạn: Lịch sử 5.000 năm văn minh, văn hoá của Á Đông là cả một kho tàng vô giá cho hậu thế. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của những quan niệm mới có phần thiên kiến, lệch lạc, lịch sử ấy đã bị cải biên và nguỵ tạo nhiều. Với mong muốn phục hưng lại nền văn minh vĩ đại cũng như những truyền thống đạo đức quý báu, chúng tôi tiến hành loạt bài về lịch sử Á Đông gửi đến quý độc giả, ngõ hầu phá giải được những quan niệm sai lệch hiện nay. 

Lý Bạch (701 – 762), tự Thái Bạch, được đánh giá là một trong những ngôi sao chói lọi nhất của thi ca thời Đường. Ông được người đời sau tôn kính gọi là “Thi Tiên”, đã làm hàng ngàn bài thơ. Thơ Lý Bạch thấm đẫm phong cách lãng mạn, trữ tình, phong thái siêu trần, thoát tục, từ hàng ngàn năm qua đã in sâu vào lòng độc giả Á Đông. Loạt bài về Lý Bạch sẽ giúp bạn có được cái nhìn toàn diện nhất về thi nhân vĩ đại này. 

Xem thêm:  Phần 1,  Phần 2,  Phần 3,  Phần 4,  Phần 5,  Phần 6,  Phần 7,  Phần 8,  Phần 9, Phần 10

Lý Bạch không chỉ có cội nguồn rất sâu với Phật gia, ông còn chính thức nhập Đạo, nổi danh trong giới phương sỹ. Đối với luyện đan phục thực, ông cũng vô cùng nghiêm túc. Lý Bạch ngao du sơn thủy, tầm Tiên phỏng Đạo, khắc khổ tu luyện. Tính cách siêu nhiên không câu thúc, khí chất phiêu dật phóng khoáng của ông đều có nguồn gốc từ đây, do đó được gọi là “Trích tiên nhân”. 

Tây Thục là mảnh đất rất đặc biệt, có không gian khá độc lập, đồng thời bầu không khí Đạo giáo, Phật giáo rất đậm đặc. Nơi đây, văn nhân mặc khách xuất hiện lớp lớp khôn cùng. Lúc đó núi Tử Vân gần nhà Lý Bạch là thắng địa Đạo giáo, núi Thanh Thành là một trong 10 động thiên lớn của Đạo giáo. Những đạo sỹ nổi tiếng của Thanh Thành, Nga My đều từng là người được triều đình rất coi trọng trong những năm Khai Nguyên. Lý Bạch thích ẩn cư núi rừng, tìm Tiên học Đạo. Lên 5 tuổi, ông đã đọc lục giáp, mà lục giáp là thư tịch Đạo gia, “Mười tuổi xem Bách gia, từ Hiên Viên trở lại, rất đỗi được nghe danh”. 

Trong phần 5 của 8 bài thơ “Cảm hứng”, Lý Bạch viết: “Mười lăm du thần tiên, tiên du chưa ngơi nghỉ”. Lý Bạch tự thuật trong “Thượng An châu Bùi trưởng sử thư” rằng: “Xưa cùng với người ẩn cư Đông Nham Tử ở ẩn phía nam núi Mân Sơn, sống ở Bạch Sào mấy năm, không đặt chân chốn thị thành. Nuôi hàng ngàn con chim kỳ lạ. Gọi liền bay đến tay ăn, không chút sợ hãi. Thái thú Quảng Hán nghe tin lấy làm lạ lắm, đến tận nơi tận mắt nhìn, nhân đó tiến cử 2 người có đạo, nhưng họ không đồng ý”. Hai người không nhận sự tiến cử của thái thú. 

Năm Khai Nguyên thứ 13 (năm 725), Lý Bạch khi đó 25 tuổi, sau khi du ngoạn Thục Trung bắt đầu sách kiếm viễn du, ở Giang Lăng tình cờ gặp bạn thân Đan Khâu Sinh, đồng thời qua Đan Khâu Sinh kết giao với đạo sỹ trứ danh Tư Mã Thừa Trinh. Đạo hữu của Lý Bạch rất nhiều, như Nguyên Diễn, Tử Dương tiên sinh, Cái Hoàn, Cao Tôn Sư và Tham Liêu Tử… Nói về địa điểm, nơi Lý Bạch học Đạo ngoài núi Mân Sơn, Tung Sơn, còn có các nơi như Tùy Châu (Hồ Bắc) cho đến Sơn Đông. “Phỏng Đạo” là một trong những hình thức tu luyện của những người theo Đạo gia. Do đó Lý Bạch cũng đi khắp nơi tầm phỏng, từng nói “khắc cốt thề học Đạo”. Khi hơn 40 tuổi, ông tự thừa nhận mình đã học Đạo trên 30 năm rồi. Có thể thấy học Phật, học Đạo, tầm Tiên, tu luyện là nội dung trọng yếu gắn liền với cuộc đời Lý Bạch. 

Bức tranh “Bài thơ Lý Bạch tìm Ung Tôn Sư ẩn cư” do Lý Lưu Phương đời Minh vẽ, hiện lưu trữ ở Bảo tàng Cố Cung Đài Bắc. Ảnh: Đại Kỷ Nguyên Tiếng Trung.

Đan Khâu Sinh là người thân cận nhất, bầu bạn với Lý Bạch cả đời. Hai người kết giao khi Lý Bạch đang du ngoạn ở Thục Trung lúc hơn 20 tuổi. Trong “Đề Tung Sơn dật nhân Nguyên Khâu sơn cư”, Lý Bạch tỏ rõ lòng mong muốn được sống một cuộc đời tu Đạo của Đan Khâu Sinh ở núi Tung Sơn. Bài thơ miêu tả Đan Khâu Sinh tu luyện trong núi Tung Sơn. Lý Bạch và Đan Khâu Sinh chí đồng đạo hợp, bày tỏ nguyện vọng muốn cùng vợ (cũng là người yêu thích Đạo giáo) cùng đến Tung Sơn học Đạo luyện đan, cái chí hướng Đạo được biểu đạt rất tinh tế, dạt dào: 

Nhà ở núi Tử Vân,
Đạo phong vẫn thường hưng.
Lòng mộ Đan Khâu chí,
U tịch chốn sơn lâm.
Xa nhà tơi đất Mân,
Đến nơi vua Vũ tầm.
Leo núi chơi sóng biển,
Núi Lư Hoắc tu Tiên.
Theo sấm tới cửa trời,
Ngắm cảnh nghỉ lầu mây.
Lên cao xem cảnh đẹp,
Thỏa thích ẩn chốn đây.
Tam Sơn cảnh thanh kỳ,
Tứ Nhạc ta phó thác.
Cố nhân Tung Dĩnh hẹn,
Cao nghĩa rọi hoàng triều.
Ẩn tích xa trần thế,
Về với núi rừng sâu.
Chỉ yêu non nước thẳm,
Vui trần thế chẳng ưa.
Hai ta chân ý hợp,
Thế gian đã nguội lòng.
Bạn yêu lan cao khiết,
Tôi thích quế thanh hương.
Vợ tôi yêu loan cưỡi,
Con gái thích hạc chơi.
Dắt nhau tìm Tiên Đạo,
Từ nay luyện kim đan.

Lý Bạch và Đan Khâu Sinh ẩn tư ở núi Tung Sơn tu Đạo, sau đó du ngoạn khắp Tung Sơn, An Lăng và Giang Hạ. Lý Bạch kết giao với anh họ Đan Khâu Sinh là Nguyên Diễn, rất nhanh chóng trở thành bạn chí thân. Năm Khai Nguyên thứ 23 (năm 735), họ cùng nhau đi Tùy Châu, thăm Hồ Tử Dương, đệ tử của vị danh Đạo ẩn cư Tư Mã Thừa Trinh.

Về mối kết giao của những người cùng tu luyện bọn họ, có thơ lưu lại. Lý Bạch trong “Bài tựa Đêm đông ở Tùy Châu, Tử Dương tiên sinh tại lầu Xan Hà tiễn Nguyên Dần ẩn cư tu tiên núi Thành Sơn” có viết: “Tôi với Hà Tử Nguyên Đan, Yên Tử Nguyên Dần, chí nơi Đạo cốc, kết giao Thần Tiên. Thân khác biệt nhưng tâm đồng, thề mãi cùng biển mây, không gì ngăn cản nổi. Đi khắp thiên hạ, tìm khắp danh sơn, đến cố hương Thần Nông, đắc được thuật tinh tấn của Hồ Công”. Ở đây đã thuật rõ 3 người, Đan Khâu Sinh, Nguyên Diễn và Lý Bạch cùng với Hồ Tử Dương cùng nhau tu Đạo, mọi người chí đồng Đạo hợp.

Lý Bạch còn viết bài thơ “Nguyên Đan Khâu ca” tặng Đan Khâu Sinh:

Nguyên Đan Khâu, thích Thần Tiên.
Dĩnh Xuyên sáng uống dòng nước khiết,
Tối về mây tía đỉnh Tung Sầm.
Ba mươi sáu ngọn đi vòng mãi.
Đi vòng mãi, bước sao băng,
Thân cưỡi phi long gió bên tai,
Băng sông vượt biển tới trời xanh.
Tôi biết ông dạo lòng bất tận.

Lý Bạch còn gặp một nữ nhân tu luyện Đạo Tiên ở núi Thiếu Thất và Thái Thất, được ông ghi lại trong bài thơ “Tặng Tung Sơn Tiêu Luyện Sư“, kèm lời đề tựa như sau:

Tung Khâu có Thần nhân Tiêu Luyện Sư, không biết là người phụ nữ đời nào. Cũng có người nói sinh ở Tề Lương. Năm đó dung mạo có vẻ 50, 60 tuổi. Thường thở bụng ở tuyệt cốc. Sống ở lều tranh Thiếu Thất, du hành như bay, thoắt đi vạn dặm. Thế gian có truyền rằng người ấy đến Đông Hải, lên núi Bồng Lai, rồi không ai biết người đó đi đâu nữa. Tôi phỏng Đạo Thiếu Thất, leo hết 36 ngọn núi. Thấy gió có điều kỳ lạ, vung bút tặng phương xa.

Nhị Thất ngút trời cao,
Hoa ngậm khói tía bao.
Bồng đảo nơi biển biếc,
Phải chăng đó Ma Cô.
Có Đạo trần chẳng nhiễm,
Tầng cao nghĩ liên miên.
Ăn thời Kim Nga nhụy,
Chăm đọc sách Thanh Đài.
Bát cực chơi thỏa thích,
Về dạo cung Cửu Cai.
Uống nước sông Dĩnh Thủy,
Cưỡi hạc đến Y Châu.
Trở về nơi núi trống,
Khoác mây thu ngủ say.
Mộng trăng treo hồ kính,
Tùng đêm tiếng đàn cầm.
Tung Nhạc tiềm quang ẩn,
Luyện thần nghỉ rèm mây.
Nghê thường xiêm phất phới,
Tiếng phượng hót không ngơi.
Phải chăng Tây Vương Mẫu,
Đông Phương Sóc ngó trông.
Thư tía này có chuyển,
Khắc cốt học Đạo Tiên.

Bức tranh “Bài thơ Lý Bạch thăm đạo sỹ núi Đới Thiên Sơn không gặp” do Lỹ Phương đời Minh vẽ, hiện đang lưu trữ ở Bảo tàng Cố Cung Đài Bắc. Ảnh: Đại Kỷ Nguyên Tiếng Trung.

Năm Thiên Bảo thứ nhất (năm 742), khi Lý Bạch leo núi Thái Sơn, đã làm 6 kỳ bài thơ “Du Thái Sơn lục thủ”, cũng có tên là: “Thiên Bảo nguyên niên tứ nguyệt tòng cố ngự đạo thượng Thái Sơn“. Dưới đây xin trích dịch vài kỳ. 

Kỳ 2

Buổi sáng trong lành cưỡi hươu chơi,
Thẳng tiến về nơi núi Cổng Trời.
Trong núi bỗng gặp ông Tiên lạ,
Con ngươi vuông vức diện mạo tươi.
Tay vin giấc mộng muốn hỏi ông
Bỗng nhập mây xanh tít bầu không
Để lại cho tôi thư điểu tích,
Vách đá từng chòm mây bềnh bồng.
Thư ông toàn chữ thượng cổ không,
Đọc xong mờ mịt ngẩn người trông.
Cảm hoài than thở liền ba lượt,
Nguyện bái sư thôi chán bụi hồng.

Kỳ 4

Trường chay nay đã ba nghìn ngày,
Lụa trắng Đạo kinh viết liền tay.
Ngâm tụng Đạo kinh thể ngộ đắc,
Chúng Thần bảo hộ tấm thân này.
Cưỡi mây bay đi mặc gió reo,
Thân như mọc cánh lướt vèo vèo.
Bám đá lên trời nhìn xuống dưới,
Tay vịn lan can biển trong veo.
Núi xa thấp thoáng sáng biển xanh,
Cõi tiên gà trời đã gáy canh.
Cung trời đài bạc in bóng nước,
Cá kình cuốn nước sóng tròng trành.
Bất tử thuốc tiên biết nơi đâu,
Bay đến Bồng Lai tít Doanh Châu.

Kỳ 5

Mặt trời mọc lệch đỉnh Thái Sơn,
Hẻm núi chắn ngang đá hai hòn.
Nước biển dập dềnh trôi trước mắt,
Nắng sớm chiếu rọi biếc bầu không.
Đỉnh non ngàn ngọn nhấp nhô đi
Núi kia vạn hốc dáng tuyệt kỳ.
Bất giác nhớ người đang cưỡi hạc,
Đi mây vết tích chẳng lưu gì.
Tùng cao chót vót tận sông mây,
Nhìn xa cứ ngỡ thước chưa đầy.
Hoa đây cũng lạ nhân gian khác,
Tháng năm tuyết trắng hoa trắng bày.
An Kỳ ắt sẽ có ngày gặp.
Ở đây cùng luyện thuốc tiên đan.

Kỳ 6

Sáng uống Vương Mẫu nước Dao Trì,
Chiều về tá túc ở cổng trời.
Tay ôm báu vật đàn Lục Ỷ,
Núi xanh thăm thẳm đêm thường đi.
Dưới trăng núi sáng sương long lanh,
Gió lặng đêm khuya tắt tùng thanh.
Tiên nhân có lẽ chơi núi biếc,
Khắp nơi vang vọng tiếng ca sênh.
Lặng lẽ ngắm nhìn ánh trăng thanh,
Đạo quán Ngọc Chân thấp thoáng xanh.
Dường như có thấy loan phượng múa,
Áo thêu long hổ tiên múa quanh.
Vén trời hái dưa mấy chòm sao
Mẩn mê lưu luyến chẳng muốn về.
Vốc tay lấy nước Ngân Hà uống,
Lỡ vịn khung cửi Chức Nữ đây.
Hôm sau ngồi dậy đều tan biến,
Chỉ có mây lành ngũ sắc bay.

Bức tranh “Lý Bạch ngắm thác” do Kanō Masanobu (1653 – 1718) (Nhật Bản) vẽ, tranh lụa thủy mặc, lưu trữ ở Bảo tàng Mỹ thuật Boston – Mỹ. Ảnh: Đại Kỷ Nguyên Tiếng Trung.

Du Thái Sơn kỳ 1” viết: “Bước xuống thềm bốn vì tiên nữ. Khoan thai đi cử chỉ nhẹ nhàng. Mỉm cười đưa cánh tay ngà. Trao ta chén rượu lưu hà thơm ngon”. Thiên Tiên hạ phàm, trao chén rượu có ý ám chỉ Lý Bạch căn cơ tốt, có Tiên duyên, nên kịp thời tu luyện. Nhưng thi nhân lại “Ta dập đầu cám ơn bái tạ. Tự thẹn vì tu chửa thành Tiên”. 

Trong “Du Thái Sơn kỳ 2”, chư Tiên vẫn không nỡ bỏ rơi, đuổi theo Lý Bạch, còn muốn tặng ông Thiên thư, cho ông biết thiên cơ. “Trong núi bỗng gặp ông Tiên lạ. Con ngươi vuông vức diện mạo tươi. Tay vin giấc mộng muốn hỏi ông. Bỗng nhập mây xanh tít bầu không. Để lại cho tôi thư điểu tích. Vách đá từng chòm mây bềnh bồng”. Nhưng không chỉ có vậy, ám chỉ không được, chư Thần còn nghĩ hết cách mời Lý Bạch tu luyện.

Du Thái Sơn kỳ 3” còn miêu tả rõ hơn. Lý Bạch leo Thái Sơn ngắm mặt trời mọc, tất cả những nơi ông đến, dường như là giơ tay là có thể mở được cửa mây, bất giác cảm thấy tinh thần bay bổng, dường như thân thể đứng giữa trời đất. Bỗng nhiên nhìn thấy chú tiểu Đạo tóc xanh, tóc tết hai búi tóc mây. Chú tiểu Đạo này đi thẳng vào vấn đề, cười nói với Lý Bạch: “Tại sao đến tìm Tiên học Đạo muộn thế này, tháng năm trôi qua, dung nhan đã già rồi”. Khi Lý Bạch đang tần ngần, chú tiểu Đạo bỗng nhiên biến mất biệt vô tông ảnh giữa trời đất bao la, có đuổi theo cũng không kịp nữa rồi.

Những bài thơ trên đã biểu lộ ra hết tất cả mong ước của thi nhân đến Tiên giới và thái độ thành kính, nghiêm túc đối với tu luyện, cũng như cái tâm tu luyện kiên định của họ Lý. Nó cũng tiết lộ rằng có rất nhiều cao nhân ngoài nhân thế luôn dõi theo Lý Bạch, đồng thời cũng thường mời rõ hoặc ám chỉ để ông sớm bước vào con đường tu luyện.

Năm Thiên Bảo thứ 3 (năm 744), Lý Bạch rời Trường An, sau đó đến Sơn Đông cư trú. Từ đó về sau là quãng thời gian quan trọng nhất trong cuộc đời tu luyện của thi nhân. Ông kết giao với Cái Hoàn, đệ tử của Cao tôn sư Bắc Hải. Cái Hoàn làm “Chân lục” cho ông, việc này đối với người tu luyện Đạo giáo là đại sự không thể xem thường.

Sau đó Lý Bạch nhận được “Đạo lục” do đích thân Cao tôn sư thân thụ, chính thức gia nhập đội ngũ đạo sỹ ở Tử Cực Cung trong các tự viện Đạo giáo ở Tề Châu (Tế Nam ngày ngay). Vị Cao tôn sư này sau khi thụ Đạo lục cho Lý Bạch xong, liền trở về Bắc Hải đi du Tiên. Để cảm tạ tôn sư, Lý Bạch viết riêng một bài thơ tặng thầy tên là: “Phụng tiễn Cao tôn sư Như Quý đạo sỹ truyền Đạo lục xong trở về Bắc Hải”.

Theo “Động Huyền Linh Bảo tam động phụng Đạo khoa giới doanh thủy” ghi chép, truyền thụ Đạo lục vô cùng nghiêm khắc, trong đó có 18 cấp, các cấp khác nhau truyền các kinh lục khác nhau, trao cho danh hiệu khác nhau, theo thứ tự mà dần dần tiến, không được phép có sai lầm. Người được truyền thụ Đạo lục rồi, mới coi là chính thức nhập Đạo.

Phụng tiễn Cao tôn sư Như Quý đạo sỹ truyền Đạo lục xong trở về Bắc Hải”:

Đạo ẩn tìm chẳng thấy,
Linh thư ở động Trời.
Thầy ta bốn vạn kiếp,
Đời đời Đạo truyền thừa.
Chẳng cần lưu sử sách,
Bước khói tía hát ca.
Xa gần nào trở ngại,
Tâm mãi ở Ngọc Kinh.

Lai lịch, hành tung của đạo sỹ Cao Như Quý không được ghi chép trong sử sách. Ông truyền Đạo lục cho Lý Bạch xong, liền trở về Bắc hải du Tiên. Nhưng từ thơ Lý Bạch, “Thầy ta bốn vạn kiếp. Đời đời Đạo truyền thừa”, có thể thấy đối với lai lịch tu hành của ông thì các tiểu đạo tuyệt đối không thể nào sánh nổi. 

Lý Bạch chuyên tâm tu luyện, có thành tựu lớn. Trong rất nhiều thơ văn sau này, Lý Bạch đã tỏ rõ ý chí hằng tâm tu luyện và đã tu lên được đến tầng thứ rất cao. Dùng thuật ngữ của người tu luyện mà nói, thiên mục của ông đã có thể nhìn thấy rất nhiều cảnh tượng thù thắng ở các không gian cao tầng khác, đồng thời có thể câu thông, giao lưu với chư Thần, đi lại qua các không gian khác nhau. 

Lý Bạch vào những năm cuối đã tu luyện ở các núi Kính Đình, cửa sông Thu Phố, suối Thanh Khê, núi Đại Lâu… Từ bài “Thu tống tòng điệt Chuyên du Lư Sơn tự” (Lời tựa bài thơ “Mùa thu tiễn cháu Lý Chuyên đi du ngoạn núi Lư Sơn”), có thể biết được một chút về việc luyện đan của ông ở núi Kính Đình.

“Ta khi còn nhỏ, người lớn bảo đọc “Tử Hư phú”, trong lòng rất ngưỡng mộ. Đến khi trưởng thành, du ngoạn Vân Mộng phương Nam, ngắm cái hùng tráng của Thất Trạch. Uống rượu ẩn cư ở An Lục, thời gian trôi mất 10 năm. Ban đầu, chú ta bị giáng chức đi Trường Sa trở về Gia Hưng, lúc đó ta bái kiến ông, uống rượu trong rừng. Còn cháu vẫn là đứa trẻ, nô đùa ở bên.

Hiện nay cháu đã trưởng thành, rất đẹp. Ta đã già cả từ lâu rồi, nhìn thấy cháu thế này đúng là niềm an ủi. Nói những chuyện bi thương xưa, gạt nước mắt mà cười. Cháu lại bảo ta muốn đi phương xa, leo lên núi Hương Lư phía tây. Núi dài ngang dọc, chín sông uốn lượn. Thác nước từ trên trời đổ xuống, dường như chảy đua với Ngân Hà, vọt lên như cầu vồng bảy sắc, ầm ầm chảy như sấm động, chiếu sáng vạn hốc núi, là kỳ quan của vũ trụ vậy. Trên núi có hồ vuông, giếng đá, chẳng thể được ngắm nhìn. 

Rất ngưỡng mộ cháu chuyến đi này, cùng với hạc kêu tràng dài. Chỉ hận tiên đan chưa luyện thành, rồng trắng đến quá trễ, để người Tần vung roi, đi đến suối đào hoa. Không thực hiện được nguyện ước xưa, xấu hổ quay về danh sơn. Sau này, cùng dắt tay nhau dạo chơi leo ngũ nhạc. Tình này đưa tiễn người đi xa, sao có thể thiếu thơ được?”. 

Trong bài lời tựa cũng đã nói đến, sở dĩ không thể cùng với cháu là Lý Chuyên đi du ngoạn núi Lư Sơn là bởi vì đan dược trong lò chưa luyện thành công, không thể buông tay, đành tạm thời không thể đi cùng.

(Còn nữa)

Theo Đại Kỷ Nguyên Tiếng Trung
Nam Phương biên dịch