Trong lịch sử, có một vị cao tăng đã dùng cuộc đời mình để viết nên câu chuyện truyền kỳ, ngài chính là Lục tổ Huệ Năng. Sau khi làm bài kệ ‘minh tâm kiến tính’, Huệ Năng được Ngũ tổ Hoằng Nhẫn trao truyền y bát, chính thức trở thành Lục tổ của Thiền tông.
Huệ Minh cướp áo cà sa, tỉnh ngộ theo Huệ Năng
Khi lấy chiếc áo cà sa bông gạo ra, Ngũ tổ Hoằng Nhẫn đã trịnh trọng nói với Huệ Năng:
“Chiếc áo cà sa này là báu vật của Tổ sư Đạt Ma đem từ nước Thiên Trúc sang. Cà sa không phải là Phật Pháp, nhưng lại gắn liền với Phật Pháp. Cà sa là bằng tín của Phật Pháp, áo đi theo Pháp, truyền Pháp ắt phải truyền áo, áo còn thì Pháp còn. Hôm nay ta đem áo này truyền lại cho con, con được tính là Tổ sư đời thứ 6 của Thiền tông”.
Huệ Năng cung kính đón nhận áo cà sa, quả là một báu vật hiếm có trên đời. Chiếc áo cà sa này rất tinh tế, được cắt may từ vải bông của hoa gạo Thiên Trúc, màu sắc tươi sáng, cầm trên tay trơn mịn mềm mại, nhẹ như không có vật gì. Huệ Năng biết rằng mình kế thừa y bát từ Ngũ tổ ắt sẽ khiến các sư huynh đố kỵ sân hận. Vậy nên đến canh tư, ông mang hành trang lặng lẽ xuống núi, đi gấp về hướng Lĩnh Nam.
Huệ Năng đi cả ngày lẫn đêm, trước mắt là tòa núi Đại Dữu Lĩnh. Bỗng nhiên có mấy trăm người hò hét đuổi theo, chạy dẫn đầu là tăng nhân Huệ Minh. Huệ Minh là người đầu tiên xông xuống núi để cướp áo cà sa. Nay sắp đuổi kịp Huệ Năng, tăng nhân Huệ Minh tỏ ra hưng phấn vui sướng, tin chắc rằng chiếc áo cà sa có một không hai trên đời này sẽ nằm gọn trong tay mình vậy.
Huệ Năng lúc này vừa đói vừa mệt, thực sự không thể chạy thêm được nữa. Trong lòng ông hiểu rõ rằng bất luận thế nào đi nữa cũng không thể thoát khỏi nhóm người này. Ông đành để cái tay nải có chứa áo cà sa lên một tảng đá ven đường, nói với những người đang xông tới:
“Áo cà sa là tín vật truyền Pháp, sao có thể dùng vũ lực để cướp đoạt? Có áo không có Pháp thì chỉ như hoa trong gương mà thôi”.
Nói rồi ông quay người chui vào bụi cây ven đường.
Huệ Minh chạy tới, thấy áo cà sa để trên tảng đá bèn thò tay nhặt lấy, nhưng kỳ tích đột nhiên xuất hiện. Chỉ một chiếc tay nải nhỏ bé mà cứ như mọc rễ vào trong đá, cho dù ông ta có dùng hết sức lực cũng không nhấc nổi. Huệ Minh kinh sợ thất sắc, trong chớp mắt ông liền thể ngộ được uy lực vô cùng của Phật Pháp. Thế là Huệ Minh cung kính bước lên trước thi lễ với Huệ Năng, xin Huệ Năng thuyết Pháp cho ông.
Áo cà sa bảo hộ Huệ Năng thành tựu ‘Tỵ nạn thạch’
Chia tay Huệ Minh, Huệ Năng tiếp tục lên đường tới Lĩnh Nam, đến chùa Bảo Lâm.
Mấy tháng sau vào một đêm nọ, có một nhóm hòa thượng lặng lẽ xuống núi, ai nấy đều mặc áo ngắn, tay cầm đuốc, ra sức đập vào cửa chùa phía sau. Huệ Năng vội vàng trở dậy, nghe thấy một giọng lạ gọi ông:
“Tiểu tử Huệ Năng kia, mau đem áo cà sa ra đây, nếu không chúng ta sẽ không khách khí đâu”.
Thì ra lại có người muốn cướp áo cà sa. Huệ Năng không kịp nghĩ gì thêm, lấy chiếc tay nải gói áo cà sa đi ra khỏi cổng trước, chạy như bay về phía một quả núi nhỏ phía trước chùa Bảo Lâm. Khi chạy đến dốc núi, ông quay đầu lại nhìn thì thấy mấy chục ngọn đuốc như một con rắn dài đang nhanh chóng bò về phía mình. Huệ Năng mệt quá không chạy nổi nữa, bèn chui vào một khe đá lớn.
Không biết là bao lâu sau, Huệ Năng bỗng ngửi thấy mùi khói ngột ngạt. Ông ngó đầu ra xem thì thấy cả quả núi đã biến thành biển lửa. Thì ra những tăng nhân kia tìm khắp quả núi mà không thấy bóng dáng Huệ Năng đâu, bèn bực tức châm lửa phóng hỏa. Họ cứ tưởng rằng Huệ Năng sẽ phải ngoan ngoãn bước ra.
Trong lúc muôn phần nguy cấp, điều Huệ Năng nghĩ tới đầu tiên là chiếc áo cà sa trong tay mình. Tính mệnh bản thân không đáng tiếc, nhưng báu vật của Phật môn thì quyết không được để tổn hại đến một sợi tơ. Làm thế nào bây giờ? Trong lúc cấp bách, ông nghĩ tới việc Huệ Minh khi cướp áo đã không tài nào nhấc nổi chiếc tay nải. À, chiếc áo cà sa trên tay ta là bảo y, là Pháp khí, lửa ắt sẽ chẳng thể thiêu cháy được.
Nghĩ đến đây, Huệ Năng thấy lửa lớn hừng hực đang tiến lại gần, ông bèn thong thả mặc áo cà sa rồi ngồi tĩnh tọa trên một tảng đá, nhắm mắt nhập định. Lập tức ông cảm thấy toàn thân mình đang thăng lên, tất cả mọi vật xung quanh cũng rời xa ông, lửa cũng không thấy nữa, khói mù mịt cũng đã tan biến, cả thế giới tịch mịch lạ kỳ…
Khoảng 2 canh giờ trôi qua, Huệ Năng thấy một luồng ánh sáng chói lọi chiếu vào mắt, thì ra mặt trời đỏ đang mọc lên từ phương đông. Hôm qua vẫn là cây cỏ xanh tốt um tùm, lúc này đã bị cháy sạch thành tro. Nhìn thân mình, trên chiếc áo cà sa phản chiếu ánh sáng rực rỡ lại có một lớp tro bụi, nhưng chiếc áo không mảy may hư hại.
Lúc Huệ Năng quay người bước đi, ông bỗng thấy tảng đá dưới chân hiện rõ vết lõm do hai đầu gối áp vào. Huệ Năng lại lần nữa cảm nhận được uy lực của Phật Pháp. Sau đó ông trở lại Tào Khê, các đệ tử vận chuyển tảng đá này về để lễ bái, gọi là ‘Tỵ nạn thạch’, nghĩa là ‘Đá tránh nạn’.
Trước khi viên tịch, Huệ Năng nói với các đệ tử:
Ban đầu Tổ sư Đạt Ma có một bài kệ rằng:
Ngô bản lai tư thổ,
Truyền Pháp cứu mê tình.
Nhất hoa khai ngũ diệp,
Kết quả tự nhiên thành.
Dịch thơ:
Ta vốn đến đất này,
Truyền Pháp cứu kẻ say.
Một hoa ra 5 cánh,
Kết trái tự nhiên bày.
Từ Tổ sư Đạt Ma đến Huệ Năng ta, vừa vặn đã truyền 5 đời, tới ta là đời thứ sáu. Ngũ tổ Hoằng Nhẫn cũng dặn dò ta rằng: “Áo cà sa là đầu mối của tranh giành, chỉ đến con là thôi không truyền nữa”.
Thế nên áo cà sa của Thiền tông chỉ đến Lục tổ Huệ năng là dừng, không còn lưu lại cho hậu thế nữa. Đúng như lời căn dặn của Ngũ tổ khi truyền y bát cho Lục tổ: “Áo đi theo Pháp, truyền Pháp ắt phải truyền áo, áo còn thì Pháp còn”. Sau khi Lục tổ Huệ Năng viên tịch, Pháp môn Thiền tông cũng không còn được chân truyền nữa rồi…
Theo Secretchina
Nhất Tâm biên dịch