Tô Thức thời Bắc Tống được xem là “tam tuyệt” (giỏi về thơ, tản văn, và thư pháp); ông thích sống đạm bạc, tính cách phóng khoáng, tấm lòng độ lượng, dù rơi vào nghịch cảnh, lòng trung quân yêu dân vẫn giữ trọn không đổi.
Tháng 5 năm thứ ba niên hiệu Nguyên Phù (1100), Tô Thức được tha án lưu đày, kết thúc bảy năm cuộc đời lưu lạc. Trên đường trở về Tô Thức được chiêu đãi nồng nhiệt ở khắp nơi, những người thăm hỏi có người là bạn ông, có người vì ngưỡng mộ văn tài của ông. Khi qua Tịnh Giang rất nhiều bạn bè văn nhân đến thăm hỏi, nhưng con của Chương Đôn là Chương Viện lại không thấy đến. Năm đó Tô Đông Pha làm quan chủ khảo và đã chọn Chương Viện xếp hạng đứng đầu, theo truyền thống khi đó, Chương Viện là môn sinh của Tô Thức.
Vốn là khi đó có tin Tô Thức quay về triều làm tướng. Chương Viện, con của quan Tể tướng Chương Đôn thời Triết Tông (1/1076 – 2/1100), vì sợ cha mình trước đây hại Tô Thức nhiều lần sẽ bị Tô Thức trả thù, đã đặc biệt viết một lá thư cho Tô Thức cầu xin tha thứ. Tô Thức vốn xem chuyện ân oán nơi quan trường như mây khói, ông thẳng thắn đáp lại, đại ý là: “Đọc những lời này cảm thán không dứt. Mỗ và Thừa tướng quen nhau hơn 40 năm, tuy thăng trầm khác nhau nhưng giao tình xưa nay vẫn trước sau như một. Tin bạn cao tuổi lưu lạc nơi ven biển, lòng này đã thấu. Chuyện xưa nói lại có ích gì…”. Tô Thức không quan tâm đến chuyện ân oán cũ mà một lòng lo nghĩ về tình hữu nghị giữa mình và bạn, thật đáng cảm phục!
Tô Thức và Chương Đôn quả thực có tình hữu nghị của người “đỗ cùng khóa thi”. Tống Nhân Tông năm Gia Hựu thứ hai, Tô Thức cùng người em là Tô Triệt và Chương Đôn đều yết bảng Tiến sĩ. Trước đó, Chương Đôn và Tô Thức quen nhau ở Thiểm Tây, sau qua lại thân mật, thành bạn chí cốt.
Nhưng khi Tống Triết Tông Triệu Húc lên ngôi, Tô Thức vì phản đối những cải cách cấp tiến của Vương An Thạch và khuyên bảo Triết Tông chăm chỉ học tập, rời xa nữ sắc, làm Tống Triết Tông không vừa ý. Sau khi Chương Đôn và Thái Biện nắm quyền, vì bất đồng với Tô Thức nên đã gán tội danh “nhạo báng tiên triều” rồi bãi quan Tô Thức.
Năm đầu Thiệu Thánh (1094), Tô Thức bị điều đến Lĩnh Nam Huệ Châu. Lĩnh Nam khi đó là nơi hoang vu hẻo lánh, chướng khí trùng trùng, ngôn ngữ phong tục khác biệt, Tô Thức ở Huệ Châu lấy khổ làm vui, ông viết: “Vi báo thi nhân xuân thụy túc, đạo nhân khinh tá ngũ canh chung” (vì muốn thi nhân ngủ nhiều, Phật tử gõ mõ nhẹ nhẹ).
Thơ truyền đến kinh thành, sau khi Chương Đôn nghe xong càng thêm phẫn nộ, ông ta tức vì Tô Thức vẫn ung dung tự tại trong nghịch cảnh. Thiệu Thánh năm thứ tư (1097), lại giáng chức ông lão 62 tuổi Tô Thức làm Biệt giá Quỳnh châu, đày xuống huyện Đam. Tể tướng Chương Đôn còn đặc biệt hạ lệnh: không cấp cho anh em Tô Thị nơi ở, buộc Tô Thức phải thuê nhà dân để ở. Dù thế, Tô Thức vẫn giữ lòng lạc quan, tuy sống trong căn nhà lá ở Hải Nam ông vẫn viết thơ: “Cửu tử nam hoang ngô bất hối/ Từ du kỳ tuyệt quan bình sinh” (Hoang đảo phương nam chết không hận/ Kỳ hoa dị thảo lạ chưa kìa).
Sau khi Tống Huy Tông lên ngôi, Chương Đôn thất thế, bị đưa đến Lôi Châu. Tô Thức không thù không oán vẫn luôn một lòng nhớ tình hữu nghị “đỗ đồng khóa thi” với Chương Đôn ngày xưa, lúc đó sức khỏe Chương Đôn ngày càng sa sút vì bị giáng chức. Trong thư trả lời Chương Viện, Tô Thức căn dặn phải chăm sóc cẩn thận cho cha già, ngoài ra Tô Thức còn gửi cho Chương Đôn một số đơn thuốc và dặn dò Chương Đôn chăm sóc chu đáo bản thân.
Với người từng hại mình nhưng Tô Thức không thù oán mà vẫn quan tâm như xưa. Tấm lòng của ông thật độ lượng, bác ái. Sử sách ghi lại, người đời sau ai nấy đều kính phục.
Theo secretchina
Tinh Vệ biên dịch
Xem thêm: