Văn hóa truyền thống các dân tộc Á Đông có truyền thống hiểu lễ, học tập lễ, giữ lễ, trọng lễ, do đó những nước văn minh Á Đông được gọi là “Lễ nghi chi bang”. Lễ nghi trong xã hội cổ đại đã quy phạm đạo đức và hành vi của con người, cũng là biểu tượng của văn minh. Lễ nghi trong lịch sử đã không ngừng được tu chính, hoàn thiện, kế thừa và phát huy…
Trong giao tiếp xã hội, tôn trọng bản thân, tôn trọng người khác, đó chính là lễ. Lễ là kính trọng người khác, cái gọi là lễ này, nhiều người không còn lạ. Có thể có người nói, lễ nhiều mà không thấy lạ mới là lạ. Bất kể là nói vui cũng được, hay nói thật cũng được, rốt cuộc cách nói nào mới có đạo lý?
Thực ra, các nước Á Đông xưa có truyền thống hiểu lễ, học tập lễ, giữ lễ và trọng lễ, do đó được gọi là “lễ nghi chi bang” (Quốc gia của những lễ nghi). Vậy lễ nghi có nội hàm như thế nào?
Trong xã hội cổ đại, lễ nghi quy phạm đạo đức và hành vi của con người, cũng là biểu tượng của văn minh. Trong lịch sử, lễ nghi đã không ngừng được tu chính, hoàn thiện, kế thừa và phát huy. Ba bộ sách trước tác kinh điển “Chu lễ”, “Nghi lễ” và “Lễ ký” chuyên viết về lễ nghi, có địa vị quan trọng trong nền văn hóa truyền thống Á Đông.
Lễ hàm chứa sự kính sợ của con người đối với vũ trụ, Trời Đất, sự truy tìm đối với đức tính, sự truy cầu đối với sự hài hòa, sự kỳ vọng và khoan dung đối với bản thân con người. Lễ hàm chứa sự mong ước của con người đối với cuộc sống tốt đẹp, cũng như sự coi trọng và bồi dưỡng đối với hứng thú thẩm mỹ, và sự hài hòa đối với trật tự xã hội. Trong “Tả truyện – Ẩn Công thập tam niên” có viết: “Lễ quản lý quốc gia, yên định xã tắc, khiến dân có trật tự nề nếp, có lợi cho người thừa kế sau này”.
Vậy lễ là gì? Trong sách “Tả truyện – Chiêu Công nhị thập niên” viết: “Lễ là kỷ cương của trên dưới, là kinh vĩ của Trời Đất, là chỗ sống của người dân”. Lễ là phép tắc của Trời Đất thể hiện ở xã hội nhân loại, do đó nói: “Lễ là thuận theo Trời, theo Đạo của Trời vậy” (Tả truyện – Văn Công thập ngũ niên).
Lễ còn trở thành tiêu chuẩn phân định văn minh và dã man. Cổ nhân dùng lễ phân di hạ (tức dã man và văn minh), mà không dùng huyết tộc để phân nội ngoại. Lễ là trật tự, lễ là quy phạm có quan hệ nghiêm khắc của trật tự xã hội, của tôn ti trên dưới. Lễ là chế độ khuôn phép, chế độ quan lại trong “Chu quan” từ thời cổ đại đến nay vẫn là một mẫu mực chủ yếu về cơ cấu chính phủ.
Lễ còn là chuẩn mực trong đời sống hàng ngày, các nghi thức chuẩn mực mà lễ chế định theo yêu cầu của nhân nghĩa, trung tín, đức hạnh bao gồm hết thảy trong đó. Lễ không chỉ vạch ra phân định giữa người và động vật, mà còn nâng cao trạng thái chung sống giữa con người với con người.
1. Lễ là có đi có lại, có đi mà không có lại, không phải lễ, có lại mà không có đi, cũng không phải lễ
Nhận được ân huệ của người khác, cũng phải báo đáp ân huệ đó. Nếu nhận được ân huệ mà không báo đáp, thì không hợp với lễ. Nếu được người khác báo đáp mà lại chẳng có ân huệ gì cho người ta, thì cũng không hợp với lễ. Quan hệ giữa người với người, do có tác dụng của lễ nên giữ được hài hòa, nếu không có lễ, thì sẽ xảy ra các nguy cơ.
2. Người có lễ thì Trời yên, vô lễ thì nguy, do đó lễ không thể không học
Nhân loại coi trọng lễ nghi, thì có thể thân tâm an định, không có lễ ước thúc, xã hội sẽ rối loạn. Do đó nói rằng: “Lễ không thể không học”.
3. Lễ là tự hạ mình mà tôn người khác. Tuy là người buôn bán, cũng phải tôn kính
Người có đủ lễ nghi thì có thể khiêm hạ, tôn trọng người khác, cho dù là người buôn bán gồng gánh, cũng nhất định có cái đáng tôn kính.
4. Giàu sang mà biết hiếu lễ, thì không kiêu không phóng túng. Nghèo khó mà biết hiếu lễ, thì chí không e sợ
Người giàu sang mà vui thích học lễ, giữ lễ, thì sẽ không ngạo mạn, phóng túng, người nghèo khó mà vui thích học lễ, giữ lễ, thì trong bất kỳ trường hợp nào cũng có thể khiến tâm trí không nghi hoặc, không sợ hãi.
Văn hóa truyền thống Á Đông coi trọng lễ. Tác dụng của lễ thể hiện ở 2 phương diện là nâng cao tu dưỡng đạo đức cá nhân và bồi dưỡng tinh thần dân tộc. Ví dụ câu nói mang đầy hoài bão chính trị của trí thức xưa:
“Tiên thiên hạ chi ưu nhi ưu, hậu thiên hạ chi lạc nhi lạc”, có nghĩa là “Lo trước cái lo của thiên hạ, vui sau cái vui của thiên hạ”.
Hay câu nói chứa chan tình cảm tận trung báo quốc:
“Vị ti vị cảm vong ưu quốc”, nghĩa là “Địa vị thấp kém cũng không quên lo cho quốc gia”.
Và: “Cẩu lợi quốc gia sinh tử dĩ, khởi nhân họa phúc tị xu chi”, nghĩa là “Nếu vì lợi ích quốc gia, sẵn sàng sống chết, đâu có vì họa phúc cá nhân mà né tránh hay theo đuổi”.
Hoặc: “Xã tắc lâm nguy, thất phu hữu trách”, nghĩa là: “Khi sơn hà xã tắc lâm nguy thì kẻ thất phu cũng có trách nhiệm báo quốc”.
Hay câu nói đầy chính khí hạo nhiên ngùn ngụt:
“Phú quý bất năng dâm, bần tiện bất năng di, uy vũ bất năng khuất”, nghĩa là: “Giàu sang không mê hoặc được, nghèo khó cũng không lay chuyển được, uy vũ cũng không khuất phục được”.
Và câu nói đầy tinh thần hiến thân vì dân tộc, vì sơn hà xã tắc:
“Nhân sinh tự cổ thùy vô tử, lưu thủ đan tâm chiếu hãn thanh”, nghĩa là: “Đời người từ xưa đến nay có ai không chết, nên phải lưu giữ tấm lòng son này soi sáng sử sách”.
Và: “Cúc cung tận tụy, tử nhi hậu dĩ”, nghĩa là “Cúc cung tận tụy, đến chết mới thôi”.
Những câu danh ngôn trên đã thể hiện văn hóa truyền thống, và cốt cách con người Á Đông rực rỡ, rất đáng để chúng ta tham khảo, học tập và phát huy.
Nói tóm lại, lễ có thể nâng cao tu dưỡng đạo đức của con người, do đó, xã hội càng văn minh thì càng coi trọng học tập lễ.
Một ví dụ điển hình, người Nhật được cả thế giới ca ngợi và ngưỡng mộ về tinh thần tự giác và tôn trọng người khác. Hình ảnh người Nhật khi gặp nhau cúi gập người chào rất phổ biến. Trẻ em Nhật tuổi mẫu giáo và các năm đầu tiểu học, thì môn học tập chính của các em là tập lễ nghi, dạy các em biết tự đối xử với bản thân bằng tự lập, đối xử với bạn bè bằng yêu quý, bình đẳng, nhường nhịn, đối xử với người lớn, thầy cô bằng tôn kính. Người lớn cũng không ngoại lệ, khi người dưới, trẻ em cúi mình chào, thì người lớn, dù quan chức to đến mấy, hay người có danh vọng lớn đến mấy cũng cúi đầu đáp lễ.
Người Nhật văn minh, xã hội Nhật Bản văn minh, trật tự, trong sạch, một phần lớn là do họ thuộc số ít các quốc gia Á Đông vẫn giữ được văn hóa truyền thống: học tập lễ và giữ lễ.
Cũng từ cái nôi văn hóa Á Đông rực rỡ đó, nhưng người Trung Quốc hiện nay cư xử thật đáng hổ thẹn. Trên mạng lan truyền hình ảnh du khách Trung Quốc phóng uế bừa bãi khắp mọi nơi, thậm chí cả ở sàn cung điện Hoàng gia Nga. Hay những hình ảnh du khách Trung Quốc tranh cướp đồ ăn, đánh nhau, hất đồ ăn vào nhân viên phục vụ. Nếu kể hết các hành vi vô lễ của du khách Trung Quốc thì có lẽ phải viết thành một bài riêng.
Tại sao cùng một cái nôi, một cội nguồn mà sự khác biệt giữa người Nhật và người Trung Quốc lại một trời một vực như vậy? Đơn giản một chữ “Lễ” có thể phân định con người, xã hội dã man hay văn minh.
Người Trung Quốc bắt đầu mất cách cư xử văn minh, mất đi phẩm chất làm người có nhân, lễ, nghĩa, trí, tín từ năm 1966 khi cuộc Đại cách mạng Văn hóa bùng lên, tràn ra khắp Trung Quốc. Đại cách mạng Văn hóa với phong trào “Phá tứ cựu”, tức là “Bốn điều cần tiêu diệt”, bao gồm xóa bỏ tất cả “tư duy cũ”, tất cả “văn hóa cũ”, tất cả “thói quen”, tất cả “phong tục cũ”. Như vậy, cũng là xóa sạch những gì tinh hoa nhất, rực rỡ nhất, đạo đức nhất, nhân bản nhất của con người phương Đông truyền thống, biến một trong những dân tộc có nền văn hiến lâu đời nhất, văn minh tinh thần rực rỡ nhất, trở thành một dân tộc thô lỗ, một xã hội “dã man” như hiện nay.
Cũng thật đáng mừng, người dân Trung Quốc cũng đã tỉnh ngộ, nhiều người đã tìm về với giá trị truyền thống tốt đẹp ngàn đời, đang gắng sức khôi phục lại các giá trị nhân văn nhân bản, tín ngưỡng Thần Phật, tin nhân quả. Đây là những giá trị vĩnh hằng giữ con người sống thiện lương, khiến đạo đức được nâng cao trở lại, khiến nền văn minh tinh thần huy hoàng xưa tái hiện lại rực rỡ hơn trong tương lai không xa.
Nam Phương