“Hãy đếm cuộc đời bạn bằng nụ cười chứ không phải bằng nước mắt. Khi cuộc đời cho bạn cả trăm lý do để khóc, hãy cho đời thấy bạn có cả ngàn lý do để cười”.

Chuyện kể rằng, xưa có vị cư sĩ tu Đạo nhiều năm mà không được chính quả, gia cảnh lại hiếm muộn, ngoại ngũ tuần mới sinh hạ được một người con trai kháu khỉnh. Hai vợ chồng rất yêu quý con nhưng đến khi lên bảy tuổi thì cậu bé mắc bệnh hiểm nghèo mà qua đời. Ông lão hết mực yêu thương con nên khóc lóc thống thiết, chết đi sống lại. 

Người thân trong nhà khuyên tới khuyên lui, sau cùng cũng làm ông nguôi ngoai đi phần nào. Ông nghĩ, ta khóc lóc hoài như thế này thì cũng vô ích, chi bằng đến gặp Diêm Vương cầu xin ông ấy trả lại con cho ta. Đoạn, ông trai giới rời nhà ra đi, lặn lội ngàn dặm vượt bao gian khổ… Tình cờ ông gặp được vị tỳ kheo đang vân du, bèn đem sự tình kể lại cho vị tỳ kheo nghe, nghe xong vị tỳ kheo nói:

– Nơi Diêm Vương cai quản vốn không phải là nơi mà con người có thể đến được, nhưng nay gặp cảnh thương tình, tôi sẽ chỉ đường cho ông. Cách đây khoảng 500 dặm về phía Đông có một ngôi làng, ông hãy đi tới đó đợi đến ngày rằm tháng bảy (ngày xá tội vong nhân). Đến lúc ấy, ông trai giới may ra có thể gặp được Diêm Vương.

Ông lão nghe xong mừng rỡ, toan cất bước về hướng Đông. 

Đến ngày rằm tháng bảy, lão cư sĩ làm theo lời dặn của vị tỳ kheo nọ quả nhiên ông gặp được Diêm Vương. Ông liền tâu với Diêm Vương xin trả lại con cho mình.

Diêm Vương
Lão cư sĩ xuống gặp Diêm Vương, xin Diêm Vương trả lại con trai cho mình. (Ảnh: pinterest.com)

Diêm Vương nghe xong, nói:

– Được thôi! Con trai nhà ngươi đang chơi đùa trong vườn hoa Địa Phủ, nhà ngươi đi gặp nó đi.

Ông lão vội vàng đi đến vườn hoa Địa Phủ thấy con trai mình đang chơi đùa cùng với những đứa trẻ khác. Ông ta mừng rỡ chạy đến bên, ôm lấy đứa con mà than rằng:

– Con ơi, về với cha. Cha mẹ ngày đêm thương nhớ con, ăn không ngon, ngủ không yên… Con có biết hay không?

Đứa con nghe vậy chẳng hề đoái hoài gì, lạnh lùng nói:

– Ông lão, sao ông không hiểu lý lẽ chi cả? ‘Nhân sinh vô thường’, tôi làm con ông chỉ là duyên phận một kiếp. Ông hãy về đi, giờ đây tôi đã có cha mẹ ở nơi này rồi.

Nghe vậy ông lão đứng lặng người, lòng đau như cắt mà không thể thốt được thành lời, trái tim ông như đang rơi vỡ ra từng mảnh… Một lúc sau, ông không thể kìm nén nổi cơn đau bỗng òa lên khóc nức nở. Ông lão lảo đảo bước đi …

“Ta phải đi tìm Đức Phật để hỏi cho rõ mới được”, đoạn ông đi gặp Đức Thế Tôn mà bộc bạch.

Đức Thế Tôn nghe xong, nói: 

– Này ông lão! Người đã chết đi thì chủ nguyên thần sẽ luân hồi chuyển kiếp thác sinh thành sinh mệnh khác, nhân duyên kiếp này đã tận. Vậy dẫu có là cha, mẹ, vợ, chồng, con cái hay bằng hữu… đều là do nhân duyên tác hợp mà nên, đây đều là duyên phận. Con người đến chốn nhân gian đều chỉ như khách trọ, khi duyên hết thì mỗi người một nơi, có gì mà phải lưu luyến hay thống khổ đến như vậy?

Ông lão nghe ra, tỉnh ngộ khấu đầu bái tạ Đức Thế Tôn, thưa rằng:

– Thưa Đức Thế Tôn, xin ngài cho con theo. 

Đức Thế Tôn ôn tồn đáp:

– Thiện tai! Thiện tai!

Lão cư sĩ xuống tóc, vận áo cà sa… quy y Phật Pháp.

Nhân gian, nhân duyên
Con người đến chốn nhân gian đều chỉ như khách trọ, khi duyên hết thì mỗi người một nơi. (Ảnh: youtube.com)

*** 

Phật gia giảng: “Người là vì tình mà sống”. Thật vậy, phàm là con người hỏi ai không ở trong cái “Tình” này mà tồn tại? Kể từ khi sinh mệnh thác sinh đến nơi nhân loại thì đã nhờ một phần cốt nhục của cha mà dưỡng khí, hình hài cũng được đùm bọc trong thai mẹ đủ chín tháng mười ngày mới nên nghĩa sinh thành. Có thể nói là: “Ân cha cao như núi, nghĩa mẹ tựa suối nguồn”.  

Tình cảm của cha mẹ dành cho con cái và ngược lại tình cảm của con cái đối với cha mẹ là thứ “linh thiêng” đến vậy, làm sao có thể quên được ngay trong chốc lát. Cố nhiên, ‘Sinh – Lão – Bệnh – Tử’ ấy là lẽ thường của tạo hóa. Việc đời cũng thường không như ý, cái gì đến sẽ đến, cái gì đi rồi cũng sẽ đi, đến và đi âu cũng là duyên phận. Tuy nhiên muốn hiểu được duyên phận thì cần phải biết việc nhân quả, muốn biết việc nhân quả thì phải siêu xuất khỏi cái tình. Ấy là bậc cao minh vậy! 

Có câu nói: “Hãy đếm cuộc đời bạn bằng nụ cười chứ không phải bằng nước mắt. Khi cuộc đời cho bạn cả trăm lý do để khóc, hãy cho đời thấy bạn có cả ngàn lý do để cười”. 

Buông bỏ là buông bỏ thôi…

Thái Bảo