Mỗi người đều có cảm thụ, quan điểm sống của riêng mình, cũng sẽ nhìn thế giới này qua lăng kính của bản thân. Nếu bạn luôn cảm thấy mệt mỏi vì đã rất cố gắng mà người khác vẫn không hài lòng thì bạn đã phạm phải sai lầm lớn rồi!
Câu chuyện thứ nhất
Từng có một họa sĩ muốn vẽ ra bức họa khiến mọi người đều cảm thán. Sau mấy tháng nỗ lực vất vả, cuối cùng cũng hoàn thành xong một bức tranh khá đẹp. Chàng họa sĩ đem bức tranh bày trên đường, bên cạnh để một cây bút, kèm dòng chữ: Bạn thân mến, nếu bạn thấy bức họa này còn chỗ khiếm khuyết, vui lòng dùng bút đánh dấu giúp tôi.
Vào buổi tối, khi họa sĩ tới chỗ bức tranh, thì thấy toàn bộ bức họa đầy dấu mực, không có nét vẽ nào không bị chê. Anh vô cùng buồn và thất vọng khi nỗ lực của mình không nhận được sự tán dương, khích lệ tương ứng.
Vậy là anh quyết định thử một cách khác. Anh vẽ lại một bức họa giống như vậy và đưa nó bày ra đường. Nhưng lần này, anh yêu cầu mỗi người dùng bút để chỉ ra những điều họ yêu thích trong bức tranh. Kết quả là hết thảy những nét vẽ từng bị chê bai, giờ lại đổi thành những đánh dấu khen ngợi.
Họa sĩ không khỏi cảm khái nói: “Cuối cùng tôi cũng hiểu ra. Dù tôi có làm gì, chỉ cần một nhóm người hài lòng là đủ rồi. Bởi vì có thứ đồ người ta coi là xấu xí, thì trong mắt người khác lại thấy đẹp, vừa mắt”.
Trong cuộc sống, dù bạn làm tốt đến đâu, dù bạn cố gắng tới mức nào, vẫn luôn sẽ có người không hài lòng. Có một thực tế bạn phải chấp nhận là: Bạn không thể làm hài lòng tất cả mọi người, bởi vì người ta là khác nhau. Hoàn cảnh sống là khác nhau, nền giáo dục được hưởng là khác nhau, kết thân với những người khác nhau, trải qua những sóng gió khác nhau trong cuộc đời, cho nên mỗi người đều hình thành những quan niệm khác nhau, nên bạn sẽ vấp phải bất đồng, sẽ gặp những người có quan điểm trái chiều, đó đều là bình thường.
Những gì người khác bàn tán, thị phi, hãy cứ để họ nói. Những gì người khác làm, hãy cứ để họ làm. Miệng là của người ta, chúng ta cũng không thể khống chế được. Chỉ cần chúng ta biết mình đang làm điều đúng đắn, không hổ thẹn lương tâm, vậy thì hãy nỗ lực mà làm. Thiên hạ nói gì, đó là chuyện của họ.
Câu chuyện thứ hai
Aesop là một nhà văn Hy Lạp (620 – 564 TCN) nổi tiếng với các câu chuyện ngụ ngôn ngắn gọn nhưng sâu sắc và đầy triết lý. Dưới đây là câu chuyện hai cha con bán lừa.
Một ông bố cùng cậu con trai dắt theo một chú lừa đi ra chợ bán. Thế nhưng, chưa đi được bao xa, một người nông dân đi ngang qua họ nói: “Các ông thật ngốc, con lừa để làm gì mà không cưỡi chứ?”. Người cha nghe thấy lời này, lập tức bảo con trai cưỡi lên lưng lừa.
Đi được một lúc, họ gặp một đám người trò chuyện rôm rả. Một người trong số họ nói: “Nhìn chàng trai trẻ lười biếng kìa, cậu ta cưỡi lừa để cha mình đi bộ”. Người cha nghe vậy bảo con trai đi bộ, còn ông leo lên cưỡi lừa.
Đi một lúc, họ lại gặp một nhóm phụ nữ. Một người hét lên: “Đúng là một lão già xấu tính, ngồi trên lưng lừa thảnh thơi, để cậu con trai phải đi bộ một mình”. Thế là ông bố lại gọi con trai lên ngồi đằng sau, cả hai cùng cưỡi trên lưng lừa.
Lúc này họ đã đến thị trấn, những người qua đường bắt đầu chế nhạo và chỉ vào họ. Ông bố dừng lại hỏi họ đang chế giễu điều gì.
Những người đàn ông nói: “Ông không thấy xấu hổ khi bóc lột con lừa tội nghiệp như thế à? – cả ông và con trai mình?” Vậy là ông bố và con trai lại trèo xuống, nghĩ ngợi xem nên làm gì. Trăn trở một hồi, hai cha con quyết định chặt một cây sào, buộc chân con lừa vào đó, mỗi người nâng một đầu sào vác con lừa trên vai. Hai cha con đi trong tiếng cười nhạo của những người đi qua.
Khi qua cầu, một chân con lừa tuột khỏi dây buộc, nó giãy giụa làm cậu con trai tuột tay khỏi cây sào. Giữa cơn hỗn loạn, con lừa ngã nhào qua thành cầu rơi xuống sông, vì hai chân bị trói vào nhau nên con lừa chết đuối.
Câu chuyện này đã cho thấy một sự thật: Những người khác nhau đứng tại các góc độ khác nhau mà phán đoán sự việc. Dù cho bạn làm thế nào, cũng không thể khiến tất cả các bên đều hài lòng. Cho nên làm việc cần có chủ kiến. Nếu như bản thân cho rằng điều này là chính xác, thì cần kiên trì thực hiện, đừng bị lung lay bởi ý kiến của người khác. Người cha muốn làm tất cả mọi người hài lòng, cuối cùng ai cũng không hài lòng, còn mất luôn cả con lừa.
Muốn để mọi người đều khen ngợi và khẳng định bạn, điều đó là không thể nào. Giá trị của một người cũng không phải nằm ở lời khen thưởng hay chỉ trích của người khác. Chỉ cần bạn chăm chỉ, nỗ lực làm việc, còn những kỳ vọng, khen chê của người khác không cần quá để tâm.
Nếu quá quan tâm đến những lời khen ngợi của người khác, bạn sẽ dễ trở nên tự cao tự đại. Nếu quá để ý đến lời phê bình của người khác, sẽ khiến bản thân dễ buồn chán, tâm tình cứ luôn theo những làn sóng khen chê mà biến động. Do đó, cách tốt nhất là giữ cho bản thân một tâm thái ổn định, bình tĩnh, khen không vui, chê chớ vội buồn, tập trung làm tốt những việc bản thân cần làm.
Ngọc Mai
Tham khảo Duwenzhang
Video xem thêm: Bước ngoặt cuộc đời của chàng lái xe