Những ghi chép về Vương Chiêu Quân trong sử sách, chỉ có vỏn vẹn vài trăm chữ ngắn ngủi, thế nhưng cảnh ngộ của nàng lại là một đề tài sáng tác bất tận trong thi ca, nghệ thuật suốt chiều dài lịch sử. Các văn nhân thi sĩ đều lấy nhan sắc diễm lệ và tài cầm kỳ thi họa của nàng để bày tỏ nỗi thương cảm cho người con gái hồng nhân đa truân, có tài nhưng lại đi với chữ tai một vần.

Vương Chiêu Quân là một trong tứ đại mỹ nhân trong lịch sử Trung Hoa. “Lạc nhạn” trong câu thành ngữ “Trầm ngư lạc nhạn” (chim sa cá lặn) chính là bắt nguồn từ câu chuyện về nàng.

Hoàng đế chết lặng khi biết sự thật về nàng

Lúc mới vào cung, Chiêu Quân mặc dù rất xinh đẹp nhưng trong hậu cung, có hàng ngàn cung nữ trẻ đẹp nên Hán Nguyên Đế không có thời gian và sức khỏe để ghé thăm tất cả cung nữ. Hoàng đế bèn nghĩ ra một kế sách, đó là ra lệnh cho một họa sĩ có tên Mao Diên Thọ, hàng ngày họa sĩ này sẽ đi khắp hậu cung xem mặt các cung nữ rồi vẽ tranh dâng lên cho vua xem mặt mà chọn người. Mao Diên Thọ nghiễm nhiên trở thành người quyền lực với các cung nữ. Tuy nhiên, gã họa sĩ này lại không mấy công bằng. Hễ người nào họ Mao yêu quý, sẽ vẽ cho thật đẹp để được vua chọn lựa, để ý. Trái lại, người nào Mao Diên Thọ ghét, gã sẽ vẽ xấu đi để cả đời phải sống trong lãnh cung. Bởi thế mới có chuyện các cung nữ phải “đút lót” gã họa sĩ này, người có của thì đút lót bằng vàng, người không có thì phải nhắm mắt làm ngơ để hắn sàm sỡ mà đồng ý vẽ tranh thật đẹp dâng lên vua.

Không may thay, Chiêu Quân lại rơi vào tầm ngắm của Mao Diên Thọ. Hắn gạ gẫm nàng, hoặc là để gã sàm sỡ, bằng không sẽ phải đút lót bằng vàng mới đồng ý vẽ tranh đẹp cho. Nhưng hắn đâu biết, nàng xuất thân dòng dõi thư hương, phẩm hạnh thanh cao, quyết không chịu cúi đầu đút lót, vì thế nàng bị ông ta vẽ xấu. Như vậy, cho dù khí chất của Chiêu Quân xuất chúng ra sao, dung mạo xao động lòng người thế nào, cũng chỉ có thể cô độc cả đời, già chết trong chốn lãnh cung.

Vốn là người có năng khiếu vẽ nên nàng đã tự họa chân dung mình với hy vọng sẽ được vua sủng hạnh, chọn lựa và sớm sinh được hoàng tử. Tuy nhiên, Mao Diên Thọ cũng không phải loại vừa, khi dâng tranh lên Hán Nguyên Đế, hắn đã dùng bút thêm một nốt ruồi “sát phu” vào dưới khóe mắt của Chiêu Quân.

Dương Mịch là nữ diễn viên từng rất thành công khi tái hiện lại hình ảnh mỹ nhân Vương Chiêu Quân. (Ảnh minh họa)
Dương Mịch là nữ diễn viên từng rất thành công khi tái hiện lại hình ảnh mỹ nhân Vương Chiêu Quân. (Ảnh minh họa)

Tất nhiên, nhìn bức tranh vẽ một người phụ nữ có khiếm khuyết như vậy, không đời nào Hán Nguyên Đế lựa chọn Vương Tường. Còn nàng thì ôm mối sầu tuyệt vọng vì đằng đẵng bao năm vẫn không được vua đoái hoài đến.

Năm 33 Trước Công nguyên, vua Hung Nô là Hồ Hàn Tà cử người sang nhà Hán xin kết hôn với công chúa nhà Hán để tăng tình hòa hiếu hai nước. Biết được tin này, các công chúa nhà Hán đều khóc lóc, đòi tự sát chứ nhất quyết không sang Hung Nô làm vợ vị vua già. Hán Nguyên Đế bèn nghĩ ra cách nhận một cung nữ làm công chúa của mình để gả cho vua Hung Nô. Trong khi các cung nữ khác đều sợ sẽ bị chỉ định thì Chiêu Quân đã quá mệt mỏi với 3 năm buồn bã trong cung mà không được vua ngó ngàng tới, nàng quyết chí đi. Hơn nữa, vốn là một người thông minh nên Chiêu Quân muốn tận dụng cơ hội gặp mặt Hán Nguyên Đế để hỏi xem vì sao vua lại không hề đoái hoài gì đến mình.

Vừa nghe tên Vương Chiêu Quân ứng cử, Hán Nguyên Đế tỏ vẻ rất hài lòng, vì ông nghĩ người con gái có tướng sát phu này sẽ là điềm ám với kẻ thù – vua Hung Nô. Chiêu Quân trang điểm lộng lẫy tới diện kiến vua Hán Quyên Đế. Khi Chiêu Quân vừa bước vào, khắp hoàng cung bỗng sáng rực lên. Dung nhan chói lọi và khí chất thoát tục của nàng quả thực không khác gì tiên nữ giáng trần khiến Hán Nguyên Đế chết đứng như Từ Hải.  Khi thấy nhan sắc lộng lẫy, cách đối đáp chừng mực, cử chỉ tao nhã của Chiêu Quân, trong lòng Hán Nguyên Đế thật sự rất muốn giữ nàng ở lại, nhưng không thể thất hứa, đành phải gả nàng cho vua Hung Nô.

(Ảnh minh họa)
(Ảnh minh họa)

Trong “Hậu Hán thư” (Nam Hung Nô truyện) có ghi lại một đoạn sinh động như sau: “Vương Chiêu Quân ban đầu nhập cung không được Hán Nguyên Đế chú ý đến. Khi mở tiệc từ biệt Hô Hàn Tà, Hán Đế dâng tặng năm mĩ nữ. Vẻ đẹp của Chiêu Quân, khiến cả hoàng cung rực sáng, khi nàng ngoảnh đầu nhìn lại, tất cả đều ngơ ngác sững sờ”.

Ông tự trách mình vì sao một cung nữ xinh đẹp nhường ấy mà bấy lâu nay lại không nhận ra. Nhưng “sự đã rồi”, giờ hoàng đế không thể lừa dối nhà Hung Nô được, đồng thời vua cũng không thể làm gì vì Vương Chiêu Quân lúc đó đã mang danh nghĩa con gái vua. Sử sách kể lại, khi Hán Nguyên Đế tiễn Vương Chiêu Quân lên đường, nước mắt rơi đầy mặt, còn Chiêu Quân lệ cũng hai hàng..

Chiêu Quân đúng là hoàn toàn khác với những người con gái đương thời, tự nguyện gả đến Hung Nô, điều này bộc lộ rõ trí huệ sáng suốt và lòng can đảm phi thường của nàng.

Viên minh châu cuối cùng cũng đã tỏa sáng

Chiêu Quân bất chấp tiết trời lạnh giá mà đến vùng đại mạc Mông Cổ phương bắc xa xôi nghìn dặm, chính là vì hòa bình lâu dài giữa Hung Nô và nhà Hán, nhờ đó mà bách tính hai bên tránh được nỗi đau chiến tranh. Sau khi nàng ra biên ải hòa thân, chiến tranh lâu dài giữa hai dân tộc Hồ – Hán từ đó đã được dập tắt, còn mang văn hóa Trung Nguyên đến Hung Nô. Nhà Hán và Hung Nô từ đó duy trì được hòa bình hơn 60 năm, có ảnh hưởng vô cùng to lớn và sâu sắc đối với sự hòa thuận của hai dân tộc. Có người thậm chí cho rằng việc mang lại bình yên cho hai dân tộc Hán – Hồ của Vương Chiêu Quân hoàn toàn có thể đứng ngang hàng với danh tướng triều đại nhà Hán là Hoắc Khứ Bệnh.

Truyền thuyết về vẻ đẹp của Vương Chiêu Quân thì có rất nhiều. Truyền thuyết kể rằng khi Chiêu Quân đi ngang một hoang mạc lớn, lòng nàng chan chứa nỗi buồn vận mệnh cũng như lìa xa quê hương. Nhân lúc ngồi lưng ngựa buồn u uất, liền đàn “Xuất tái khúc”. Có một con ngỗng trời bay ngang, nghe nỗi u oán cảm thương trong khúc điệu liền ruột gan đứt đoạn và sa xuống đất. Về sau người ta đã dùng từ “Lạc nhạn” trong câu “Trầm ngư lạc nhạn” (chim sa cá lặn) để hình dung vẻ đẹp tuyệt thế của Vương Chiêu Quân.

Vương Chiêu Quân đi đến nơi nào, thì cỏ cây nơi ấy liền trở nên tươi tốt; đến những nơi thiếu nước, nàng dùng tì bà vẽ lên không trung, mặt đất liền xuất hiện dòng suối trong vắt và cỏ xanh như thảm. (Ảnh từ Internet)

Nhưng Chiêu Quân đã có thể tự nguyện ra biên ải, thì tất nhiên không phải là người tầm thường, cô không hề cảm thấy xót xa cho bản thân mình. Truyền thuyết kể rằng Chiêu Quân vốn là Tiên nữ trên trời, đến nhân gian gả cho Thiền Vu của Hung Nô. Mục đích là để mang đến văn hóa cho Hung Nô và hòa bình cho hai dân tộc Hồ – Hán, rồi dựng nên một hình tượng xả thân vì người cho nhân gian.

Vẻ đẹp của Tiên nữ trong các câu chuyện truyền thuyết cũng mãi được lưu truyền: Khi Chiêu Quân ra biên ải, khi vừa mới đi đến bên sông Hắc Hà, ngay lúc đó, gió lớn nổi lên, cát bụi rợp trời, trước mắt chỉ thấy một mảnh tối tăm, người ngựa không cách nào đi tiếp được nữa. Chiêu Quân không hề sợ hãi mà lấy ra cây tì bà mang từ quê nhà, bắt đầu gảy lên. Tiếng tì bà mỹ diệu vừa mới vang lên, gió bắc ngừng thổi mạnh, mây lành bảy màu khắp trời, băng tuyết tan chảy, vạn vật bắt đầu sinh trưởng. Vùng đất cằn cỗi trong chốc lát đã mọc đầy cỏ xanh, nước của sông Hắc Hà cũng trở nên trong veo, khắp vùng nở đầy bông hoa dại tươi đẹp. Thiền Vu mừng rỡ, mang theo người dân của ông định cư ở bên sông Hắc Hà.

Về sau, Chiêu Quân đã theo Thiền Vu đi khắp chân núi Âm Sơn và nam bắc của vùng đại mạc. Chiêu Quân đi đến nơi nào, thì cỏ cây nơi ấy liền trở nên tươi tốt; đến những nơi thiếu nước, Chiêu Quân dùng tì bà vẽ lên không trung, mặt đất liền xuất hiện dòng suối trong vắt và cỏ xanh như thảm; Chiêu Quân còn lấy hạt giống ngũ cốc từ trong túi gấm tinh xảo của mình, rải xuống đất liền sinh ra các loại hoa màu và ngũ cốc.

Tượng Vương Chiêu Quân và phu tướng người Hung Nô
Tượng Vương Chiêu Quân và phu tướng người Hung Nô

Chiêu Quân đã nhận được tình cảm yêu thương của hết thảy người dân Hung Nô, truyền thuyết kể rằng khi nàng qua đời, người dân xa gần đều vội đến đưa tiễn. Họ đã lấy những chiếc áo gói thành từng bao đất, đắp thành mộ Chiêu Quân, chính là “thành chủng” (mộ xanh) nổi tiếng tọa lạc tại thành Hohhot ở nội Mông Cổ bây giờ. Ngôi mộ này cũng có truyền thuyết đặc biệt, tương truyền nó thay đổi ba lần trong một ngày: “Thần như phong, ngọ như chuông, dậu như tung”. Ý chính là, mộ Chiêu Quân buổi sáng nhìn thì giống như một ngọn núi, giữa trưa giờ ngọ giống một cái chuông, lúc hoàng hôn giờ dậu nhìn thì thấy giống như một cây nấm hương vậy.

Trên thực tế, những tuyệt thế mĩ nữ, danh nhân được lưu danh trong sử sách, trong truyền thuyết, phần đông là vì có nhiệm vụ trên thân, mới được thiên thượng phái đến nhân gian. Thiên thượng xưa nay cũng vẫn luôn xem vấn đề hoang dâm, háo sắc  là tội rất nặng. Người  nào có thể vượt qua ải này, sẽ nhận được phần thưởng tương ứng, cũng như những ai không thể tự mình khống chế thói dâm tà xấu xa này thì cũng sẽ có sự trừng phạt tương tự.

Nếu như Hán Nguyên Đế coi sắc nặng hơn chữ tín, không thể tự kiềm chế bản thân mình, kiên quyết giữ Chiêu Quân ở lại, vậy chắc chắn sẽ dẫn đến sự phẫn nộ của Thiền Vu Hung Nô, khói lửa chiến tranh không dứt là điều rất khó mà tưởng tượng; nhưng Nguyên Đế dẫu nhìn thấy Chiêu Quân dung mạo như tiên, vẫn kiên quyết lấy đại cục là trọng, tuân thử lời hứa, vì vậy đã đem đến hòa bình trong suốt sáu mươi năm cho hai dân tộc Hồ – Hán, đây là phần thưởng của thiên thượng dành cho đức hạnh của bậc quân vương. Trái lại, hoang dâm vô đạo như Trụ Vương triều đại nhà Thương, chìm đắm trong mỹ sắc, mạo phạm Thần linh, trời liền sai Đát Kỷ khiến cho ông ta mất nước nhà tan.

Theo Tinh hoa

Ánh Trăng tổng hợp

Xem thêm: