Từng phải trải qua nhiều thăng trầm trong cuộc sống, bị tra tấn, bỏ tù, giáng chức một cách oan uổng, nhưng khi bị đầy tới vùng đất hoang vu, độc hại vẫn vui vẻ thực hành phép dưỡng sinh, giữ cho cả tâm lẫn thân đều mạnh mẽ, an yên…

Đó là Vương Thủ Nhân, người đời sau thường gọi là Vương Dương Minh, một nhà tư tưởng, triết gia, nhà thư pháp, nhà chiến lược quân sự và nhà giáo dục nổi tiếng đời nhà Minh. Vương Dương Minh là một nhân vật toàn diện hiếm hoi của Trung Quốc cổ đại. Là một nhà tư tưởng, ông sáng lập phái “Tâm học”. Là một nhà quân sự, ông đẩy lùi nạn đạo tặc núi, lại chỉ cần 22 ngày để bình định phản loạn. Thân thể ông ở hồng trần, nhưng tư tưởng thì vượt ra ngoài thế sự, lấy việc làm quan lớn để tu dưỡng bản thân và không bao giờ mệt mỏi trên con đường tìm hiểu sâu sắc về đạo lý làm người.

Vương Dương Minh trải qua rất nhiều thăng trầm trong cuộc đời, từng bị tra tấn, bỏ tù, giáng chức và vu hại. Ông đã phải chịu đựng rất nhiều những khó khăn của cuộc sống. Mùa đông, năm Chính Đức đầu tiên thời Minh Vũ Tông (1505), thái giám Lưu Cẩn lũng đoạn triều chính, bắt giữ hơn 20 quan chức ở Nam Kinh. Vương Dương Minh vì thay họ cầu xin mà chọc giận Lưu Cẩn, bị phạt đánh 40 trượng, còn bị giáng chức, đày về làm cai trạm ở Long Trường (Quý Châu). 

Tranh vẽ Vương Dương Minh và một phần của tác phẩm Sơ Lâm Viễn Tụ Đồ của ông (ảnh: Epochtimes).

Trên đường đi, Lưu Cẩn phái người truy sát Vương Dương Minh, ông phải nhảy xuống nước giả vờ chết đuối. Thời điểm đó Long Trường vẫn là vùng đất hoang vu, chướng khí rất nặng, người hầu theo Vương Dương Minh vừa đến Long Trường không lâu thì bị bệnh nặng. Mặc dù sống trong cảnh sơn lam chướng khí độc hại mỗi ngày nhưng Vương Dương Minh vẫn bình an vô sự, không mắc bất cứ bệnh tật gì.  

Trong thời gian ở Long Trường, Vương Dương Minh đã viết tác phẩm Ế Lữ Văn, trong đó có ghi lại một chuyện như thế này: Chính Đức năm thứ tư (1509), ngày mùng 3 tháng 7 có một tiểu quan đến từ kinh thành mang theo con trai và người hầu đi qua trạm Long Trường. Ngày hôm đó trời mưa không ngừng, khi trời đã tối họ xin ở lại trong nhà một người dân họ Miêu. 

Đêm hôm đó, vị tiểu quan đó bất ngờ qua đời. Chiều hôm sau đến lượt con trai ông mất và tới ngày thứ ba thì người hầu của họ cũng chết. Biết được tin này Vương Dương Minh rất buồn. Ông lệnh cho người hầu chôn cất thi thể họ. Nhưng Vương Dương Minh đã sớm dự tính được cái chết của họ. Hai ngày trước, qua hàng rào trước nhà ông nhìn thấy vị tiểu quan vẻ mặt lo lắng, buồn rầu. Tại sao phải buồn phiền lo lắng như thế, sao không vui vẻ mà đi nhậm chức?

Tranh vẽ Vương Dương Minh của Jiang Shunfu (ảnh: Epochtimes).

Vị quan nhỏ này khi đi nhậm chức, cả chặng đường ăn sương nằm gió, đã phải chịu không ít cực khổ, xương cốt đã rã rời, hơn nữa chướng khí của nơi rừng núi hoang dã đã làm hại đến thân thể ông ta. Vương Dương Minh nói: “Nếu khi đó, trong lòng u sầu, buồn bã, lại thêm chất độc từ bên ngoài, cả hai kết hợp cộng hưởng thì làm sao mà không chết người đây?”. Như vậy là tâm trí buồn bã của vị quan nọ cũng góp một phần vào cái chết của ông.

Vương Dương Minh sống ở Long Trường cũng phải nếm trải sự độc hại của chướng khí nơi đây, nhưng ông vẫn bình yên vô sự là bởi luôn duy trì một trái tim rộng lượng, một thái độ sống tích cực. Cho dù bị vu hại hay giáng chức, tâm trí ông vẫn không hề bị ảnh hưởng. Người có chính khí như Vương Dương Minh thì còn sợ gì chướng khí thâm nhập vào cơ thể đây?

Vương Dương Minh luôn đề cao việc tu dưỡng tinh thần. Một người có nội tâm vững vàng thì sóng gió bên ngoài không thể nào xâm nhập được. Đó cũng là bài học lớn cho tất cả chúng ta. 

Ngọc Linh
Theo Epochtimes

Video: Ý nghĩa của cuộc sống không phải ở chỗ nhìn thấu mà chính là trải nghiệm

videoinfo__video3.dkn.tv||407e4b412__