Năm 647 TCN, bấy giờ là thời Xuân Thu ở Trung Hoa, nước Tấn mất mùa, xin thóc của nước Tần. Tần Mục Công bằng lòng giúp, chuyển thóc từ đất Ung đến Giáng đô bán cho nước Tấn.

Sang năm sau, nước Tần bị mất mùa, Tần Mục Công sai sứ sang xin mua thóc của nước Tấn. Nhưng Tấn Huệ Công không cho, lại còn khởi binh đánh Tần để nhân Tần bị đói mà diệt Tần.

Tần Mục Công sai Phi Báo làm tướng, cùng mang quân ra đón đánh. Hai bên đối trận ở đất Hàn Nguyên vào tháng 9 năm 646 TCN. Tấn Huệ Công thua, bỏ đồ trang bị lại cho quân Tần giành nhau, hòng thoát lấy thân, nhưng chẳng may ngựa lại sa lầy. Tần Mục Công thúc quân đuổi gấp, nhưng không bắt được Huệ Công, trái lại, còn bị quân Tấn vây hãm. Quân Tấn tấn công, Tần Mục Công bị thương.

Lúc ấy, có ba trăm tráng sĩ bèn tức tốc xông tới, liều chết đánh nhau với quân Tấn, cứu Tần Mục Công. Quân Tấn bỏ vòng vây, Tần Mục Công thoát nạn trở về, rồi phản công bắt sống được vua Tấn.

Nguyên do là, xưa kia, Mục Công có mất một con ngựa hay; bọn thổ dân ở chân núi Kỳ bắt ăn thịt con ngựa đó gồm hơn ba trăm người. Quan truy cứu ra, toan chiếu luật trị tội, thì Mục Công bảo:

“Bậc quân tử không vì loài súc vật mà làm hại sinh mạng người. Ta nghe nói: Ăn thịt ngựa hay mà không uống rượu thì độc lắm”.

Bèn ban thêm cho rượu và xá tội.

Sau, cả bọn ba trăm người ấy hay tin Tần đánh Tấn thì đều tình nguyện tòng quân tham chiến. Đến lúc thấy Mục Công bị vây khốn, họ đều cùng xung phong tranh nhau liều chết để báo cái ơn xá tội ăn thịt ngựa. Vì thế mà Mục Công bắt sống được vua Tấn đem về.

Khoan dung với người khác là tự giúp đỡ chính mình
300 thổ dân nhớ ơn Tần Mục Công nên tranh nhau liều chết để báo cái ơn xá tội ăn thịt ngựa. (Ảnh: youtube.com)

***

Nếu khi xưa, Tần Mục Công trừng trị ba trăm người thổ dân vì tội ăn thịt ngựa quý, thì hôm nay, ông có thể sẽ bỏ mạng trong vòng vây địch. Chính lòng khoan dung, độ lượng của Tần Mục Công đối với ba trăm vị tráng sĩ đã cứu thoát ông trong đường tơ kẽ tóc. Vậy nên, lịch sử mới có một Tần Mục Công đã đưa nước Tần từ vị trí chư hầu xa xôi hẻo lánh ở phía tây bắc Trung Quốc vươn lên địa vị bá chủ thời Xuân Thu.

Học trò của Đức Khổng Tử là Tử Cống từng hỏi Ngài rằng: “Thưa thầy! Có hay không có một chữ mà có thể làm nguyên tắc khiến con người cả đời làm theo?”.

Khổng Tử nói: “Có lẽ là chữ Thứ (恕) chăng? Cái gì mà mình không muốn thì đừng làm cho người khác?”

Chữ “Thứ” (恕) này nghĩa là khoan thứ, khoan dung, độ lượng với người. Nó bao gồm chữ “Như” (如) trong “giống như”, “như là” đặt cạnh bộ “Tâm” (心), ý chỉ sự suy bụng ta ra bụng người, điều mình không muốn thì đừng bắt người phải chịu. Trí tuệ cổ nhân cho rằng muốn có thể thực sự lượng thứ, bao dung với người khác thì bản thân phải đặt mình vào vị trí của họ, phải biết nghĩ cho người khác.

Một người có thể dung thứ được lỗi lầm của người khác thì lòng người tự nhiên quy thuận, cảm ân; vào một thời điểm trong tương lai có thể nhận được phúc báo không ngờ đến. Câu chuyện về Tần Mục Công là một ví dụ như thế.

Vậy nên có câu, khoan dung với người khác kỳ thực là đang tự giúp đỡ chính mình.

Thanh Ngọc