Dương Quý Phi là một trong tứ đại mỹ nhân của Trung Hoa cổ đại, là phi tần được Huyền Tông sủng ái. Sau khi nàng qua đời, Huyền Tông vì quá thương nhớ đã thỉnh cầu Đạo sĩ tìm hồn phách Quý Phi.

Lên trời xuống đất tìm Quý Phi

Những ngày lưu vong đến đất Thục, Đường Huyền Tông khắc khoải nhớ mong Dương Quý Phi đến mức không ăn không ngủ. Các cận thần thấy hoàng đế ngày càng âu sầu ủ rũ nên đã lẳng lặng đi tìm thuật sỹ, hy vọng Huyền Tông có thể bình tâm trở lại. Lúc ấy có người nói rằng trong các bậc cao nhân có một vị là Dương Thập Ngũ, có thể gọi gió hô mưa, gọi quỷ gọi Thần.

Nhưng Dương Thập Ngũ là ai? Sách Thái Bình Quảng Ký từ đời Tống ghi chép rằng, Dương Thập Ngũ là người huyện Thập Phương quận Quảng Hán. Khi còn trẻ ông được một Đạo sỹ truyền cho phép gọi quỷ Thần. Nhờ đó, ông đã học được thiên văn Tam Hoàng, có thể sai khiến quỷ Thần, xua đuổi độc tà, tiêu trừ yêu khí, tế lễ trừ thiên tai, gọi gió hô mưa… không gì là không ứng nghiệm. Nhưng Dương Thập Ngũ vốn không giỏi ăn nói, ghét a dua xu nịnh, ông nay đây mai đó, phóng khoáng ngạo nghễ, không chịu sự gò bó của thế tục. Thuật số của ông biến hóa khôn lường, nổi tiếng khắp xa gần.

Khi Dương Thập Ngũ đến diện kiến hoàng đế, Huyền Tông đã hỏi ông về việc thỉnh Thần. Dương Thập Ngũ thưa: “Cho dù là lên trời xuống đất, vào trong âm phủ, đến nơi quỷ Thần… thì thần đều có thể làm được”.

Đường Huyền Tông vui mừng tột độ, liền lập đạo trường mời Dương Thập Ngũ làm pháp thuật.

Dương Thập Ngũ bước lên đạo trường thi triển thần thông, nhưng mãi đến đêm vẫn không thể tìm thấy nương nương theo ý nguyện của hoàng đế. Ông nói: “Thần đã xuống nơi chín suối, vào chỗ quỷ Thần, tìm khắp nơi mà không biết Quý Phi nương nương ở đâu”.

Huyền Tông thở dài nuối tiếc: “Nàng có lẽ không ở nơi quỷ Thần”.

Đêm hôm sau Dương Thập Ngũ lại tấu rằng: “Trên chín tầng trời, trong những vì tinh tú nhật nguyệt, tới tận nơi hư không mịt mù, thần đã tìm khắp nơi vẫn không biết Quý Phi nương nương ở đâu”.

Huyền Tông lẳng lặng buồn bã nói: “Quý Phi không về trời thì đi đâu đây?”.

Đường Huyền Tông và Dương Quý phi đứng trên sân thượng ngắm cảnh, tranh của họa sĩ người Nhật, Kano Eitoku

Dương Thập Ngũ thắp hương đốt nến, càng cầu khấn khẩn thiết hơn. Tới đêm thứ ba, ông tấu lên hoàng đế rằng:

“Thần đã tìm khắp cõi người, khắp các đền miếu các núi sông, từ trong sông biển mười châu ba đảo… nhưng đều không thấy nương nương ở đâu. Sau này thần đến đỉnh núi Bồng Lai ở Đông Hải, tại đình Tây Vũ ở Nam Cung có các chư Tiên đang ngự ở đó. Trong đó có một vị Thượng Nguyên Tiên nữ Thái Chân, chính là Quý Phi vậy. Nương nương nói với thần rằng:

‘Ta là thị nữ của Thái Thượng, thuộc về Thượng Nguyên Cung. Đời trước thánh thượng là Thái Dương Chu Cung Chân nhân. Vì chúng ta ngẫu nhiên nảy sinh niệm trần tục, đã hứa nguyện nên thánh thượng phải giáng trần sống ở nhân thế, ta cũng bị đày xuống cõi nhân gian để hầu hạ Thánh thượng. Một kỷ (12 năm) sau chúng ta tự sẽ gặp lại. Mong thánh thượng bảo trọng long thể, không nên nhớ mong đến ta nữa’.

Nói rồi nương nương lấy chiếc trâm vàng và hộp khảm xà cừ mà hoàng thượng ban tặng vào những năm Khai Nguyên, mỗi thứ bẻ một nửa, và một con rùa ngọc gửi về để làm bằng chứng và nói: ‘Hoàng thượng thấy những thứ này thì tự khắc sẽ nhớ ra’. Nói xong, nương nương rơi lệ cáo biệt”.

Dương Thập Ngũ đem tín vật dâng lên, Huyền Tông vừa trông thấy hai mắt đã lệ rơi đầm đìa. Một lúc lâu sau Huyền Tông mới nói: “Pháp sư có thể lên trời xuống đất, thông suốt cõi u minh, quả là vị Thần Tiên đắc Đạo”.

Sau đó Huyền Tông đích thân viết hai chữ “Thông U” làm tên chữ cho Dương Thập Ngũ, và ban thưởng 1000 súc lụa, vàng và bạc mỗi loại 1000 lượng. Ngoài ra vua còn ban cho Dương Thập Ngũ chiếc áo choàng tử hà, thẻ bạch ngọc và rất nhiều lễ đãi đặc biệt.

Tương hợp với Đại Đạo, đắc Đạo thi triển thần lực

Một ngày nhàn hạ, Huyền Tông hỏi Dương Thập Ngũ về Đạo pháp mà ông đã học. Dương Thập Ngũ trả lời:

“Sư phụ của thần là Tây Thành Vương Quân Thanh Thành Chân nhân. Năm đó ở trong núi sau thành, sư phụ đã dạy thần thuật gọi quỷ Thần và nói: ‘Có thể phò tá vua thái bình, sau đó mới đắc được Đạo phi thăng (bay lên trời)’. Sư phụ còn răn dạy thần phải nuôi dưỡng và giữ chân khí, ít nói chuyện, mắt không được nhìn bừa bãi, đoạn tuyệt danh lợi, xa rời trần thế huyên náo. Làm được vậy thì có thể vượt qua tam giới, phi thăng lên tầng trời Thái Thanh rồi”.

Huyền Tông lại hỏi: “Lên trời xuống đất thì vào cổng như thế nào, có trở ngại gì không?”.

Dương Thập Ngũ đáp: “Người tu luyện đắc Đạo thì dẫu có vào lửa cũng không cháy, vào nước không ướt, đạp hư không như đi trên đất bằng, vào vật thực như vào hư không. Dày chín tầng đất hay biển cả rộng lớn, cho đến bát cực xa xôi, vạn phương mênh mông đều tùy theo niệm đầu thoắt cái là đến, có thứ gì trở ngại đâu. Có thể được như vậy là vì thân hình tương hợp với đại Đạo, Đạo không nơi nào không có, nhỏ như sợi lông tơ, nhiều như vạn vật thì Đạo đều tồn tại ở trong đó”.

Huyền Tông nghe thấy rất có đạo lý, gật đầu tâm đắc mãi không thôi.

Trong thời gian ở đất Thục, Dương Thông U từng leo lên núi Hậu Thành và dựng một căn nhà yên tĩnh trên đỉnh núi làm nơi tu luyện. Sau này ông đã đắc Đạo thăng thiên. Gia nhân của ông từng nói: “Thần Tiên trên trời thường giáng lâm xuống nhà. Một hôm ngài (Dương Thông U) và các chư Tiên đã cùng bay lên trời”.

Theo Vision Times
Tác giả: Huệ Thuần
Biên dịch: Nam Phương
Biên tập: Tâm Minh

videoinfo__video3.dkn.tv||87943bb0f__