Rất nhiều cư dân mạng đã khen ngợi cậu học trò hành thiện và sự báo đáp của người mất tiền: “Rất cảm động, đã tặng cho các học sinh danh dự mà tiền không thể mua được”.

Cảnh sát địa phương đảo Jeju, Hàn Quốc đã đăng một bài viết trên tài khoản Facebook chính thức của họ. Nội dung là có hai học sinh trung học đã nhặt được một ví tiền vào tháng 1 năm nay (2019), bên trong có tiền mặt, thẻ tín dụng và các giấy tờ tùy thân. Hai thiếu niên không nghĩ đến chiếm giữ mà trực tiếp đem ví tiền đến tận nhà người đánh rơi. Việc này khiến chủ nhân chiếc ví rất cảm động. Bốn tháng sau, người chủ nhân của chiếc ví đã hồi đáp rất bất ngờ cho hai học sinh này.

Bài viết có tiêu đề “Câu chuyện Trường trung học Seogwipo nhận được 125 hộp bánh pizza”. Bài viết kể rằng, hai học sinh là Han Woong và Kang Tae Won vào ngày 30/1/2019 trên đường đi học về đã nhặt được một ví tiền. Trong ví có 300.000 Won tiền mặt (gần 6 triệu VNĐ), thẻ tín dụng và các giấy tờ tùy thân. Hai thiếu niên sau khi xem chứng minh thư đã trực tiếp tìm đến địa chỉ trả lại ví tiền cho chủ nhân là ông Oh Seung Jin. Việc này khiến chủ nhân chiếc ví rất cảm kích.

Sau đó chủ nhân chiếc ví muốn gửi thù lao cho hai học sinh, nhưng hai em từ chối. Ông Oh nói: “Các học sinh nội tâm thiện lương ngây thơ, rất đáng quý, rất cảm động. Thế là tôi gọi điện đến trường hỏi thầy giáo của các em nên khen thưởng khích lệ hai em như thế nào để bày tỏ lòng cảm kích của tôi”.

Bốn tháng sau, ông Oh đã bỏ ra số tiền gấp 4 lần đặt 125 hộp bánh pizza mời tất cả 604 học sinh toàn trường ăn. Việc này cũng khiến cho việc thiện của hai em học sinh được truyền đi khắp toàn trường.

Người chủ ví tiền đã hồi đáp rất bất ngờ cho 2 học sinh. (Ảnh lấy từ FB của Phòng cảnh sát địa phương Jeju)

Khi được phỏng vấn, hai em bày tỏ: “Sau khi nhặt được ví tiền, chúng em cảm thấy người mất đang rất sốt ruột, do đó trực tiếp đem đến nhà người đánh rơi”.

Rất nhiều dân mạng đã khen ngợi hai em học sinh hành thiện và cách báo đáp của chủ nhân chiếc ví: “Các em rất lương thiện, người chủ chiếc ví cũng rất phong độ”; “Rất cảm động, đã tặng cho các học sinh danh dự mà tiền cũng không mua nổi”; “Hy vọng thường xuyên thấy được tin tức như thế này”; “Thật ấm áp. Hy vọng thế giới sẽ trở nên tốt đẹp hơn”.

Cũng có người cho rằng, các em học sinh hành thiện vốn không muốn để người khác biết, kết quả lại khiến toàn trường biết.

***

Hành thiện là văn hóa truyền thống Á Đông, người xưa đều rất coi trọng.

Hành thiện đích thực hoàn toàn không giống như ngày nay, đem tiền bạc vật chất tặng người khó khăn, vùng sâu vùng xa rồi quay phim chụp ảnh đăng báo đưa lên mạng. Cách làm phổ biến như hiện nay không được coi là hành thiện, mà là trao đổi, một bên bỏ tiền của ra đổi lấy danh dự danh tiếng. Đó là một giao dịch công bằng. Tuy đó là việc tốt nhưng cũng chẳng còn thiện, cũng chẳng có đức ở trong đó nữa.

Trong “Chu Tử trị gia cách ngôn” có viết:

Thiện muốn người biết, chẳng phải chân thiện.
Ác sợ người hay, chính là đại ác.

Người xưa quan niệm rằng, tích đức không cần người biết, hành thiện tự có Trời hay.

Hai em thực sự đã hành chân thiện, tích âm đức. Chân thiện có sức mạnh cảm hóa lớn, khiến chủ nhân chiếc ví cảm kích, từ đó anh nghĩ cách báo đáp, khiến thông điệp thiện lương được lan ra khắp toàn trường, lan ra khắp cộng đồng, và khắp thế giới. Đó chính là sức mạnh của chân thiện, nó thức tỉnh bản tính thiện lương vốn bị cuộc sống xô bồ cạnh tranh khốc liệt che lấp, khiến mọi người cảm thấy ấm áp và thêm hy vọng vào tương lai tươi đẹp.

Theo tw.aboluowang.com
Nam Phương biên dịch

videoinfo__video3.dkn.tv||bac494767__