Luân hồi chuyển thế là có thật hay chỉ là thứ viển vông hư ảo? Nhưng dù ai đó có phản đối, thì lịch sử vẫn không ngừng ghi nhận những minh chứng về luân hồi. 

Phật gia nhìn nhận rằng linh hồn là bất diệt, khi thể xác chết đi thì linh hồn vẫn luôn tồn tại, và tùy theo nghiệp lực của bản thân mà chuyển sinh. Ví như người ăn ở hiền lành thì kiếp sau được phúc báo, người tạo ác gây nghiệp thì phải đọa xuống địa ngục chịu tội rồi mới được đầu thai, kiếp sống tới họ vẫn phải tiếp tục trả nợ. Còn riêng với những bậc tu hành nếu không đủ đạo hạnh để vãng sinh về Phật quốc hoặc đắc Đạo thành tiên, thì cũng được chuyển sinh thành vương tôn công tử, hoàng thân quốc thích, tiếng thơm lưu mãi ngàn đời. 

Trong Tống Sử có ghi chép câu chuyện về vị đại thần nhà Tống tên là Vương Thập Bằng (1112-1171). Ông nổi tiếng có trí tuệ hơn người, tư chất thông minh, trí nhớ siêu phàm, chỉ trong một khoảng thời gian ngắn có thể viết ra hàng ngàn chữ. Sau khi vào Thái Học Viện, các tác phẩm thơ văn của ông luôn được mọi người tán dương ca ngợi.

Nam Tống năm thứ 27 (năm 1157), Vương Thập Bằng được Tống Cao Tông phong làm đệ nhất tiến sĩ (trạng nguyên), giữ chức Thư Lang. Trong thời kỳ làm quan ông đã nhiều lần kiến nghị triều đình thay đổi chính sách có tác dụng kháng Kim. Sau khi kế vị, Tống Hiếu Tông càng thêm tín nhiệm ông, bổ nhiệm ông giữ chức Ngự Sử, tiếp tục hiến kế kháng Kim, khôi phục lại lãnh thổ nhà Tống. Sau này Vương Thập Bằng làm đến chức Long Đồ Các học sĩ, thụy hiệu Trung Văn. Trong cuốn Tứ Khố Toàn Thư Tổng Mục có lời bình về ông như sau: “Vương Thập Bằng lập triều cương trực, là vĩ nhân đương thời”.

Trong cuộc đời mình, Vương Thập Bằng luôn tôn kính và ngưỡng mộ Phạm Trọng Yêm, ông ca ngợi tinh thần “lo trước cái lo của thiên hạ, vui sau cái vui của thiên hạ”. Bởi vậy, sau này khi được Tống Cao Tông trọng dụng, trở thành một đại thần trong triều, ông vẫn sống một đời thanh liêm trong sạch, lỗi lạc quang minh, không bao giờ truy cầu tư lợi cho riêng mình.

Vương Thập Bằng là một đại thần trong triều, nhưng vẫn sống một đời thanh liêm trong sạch, lỗi lạc quang minh, không bao giờ truy cầu tư lợi cho riêng mình. (Ảnh minh họa từ youtube)

Lai lịch xuất thế của ông cũng là điều khiến người đời kinh ngạc. Tương truyền, Vương Thập Bằng chính là một đời chuyển sinh của Sở Nghiêm hòa thượng, một tăng nhân nổi tiếng thời Bắc Tống. Hòa thượng Sở Nghiêm tục họ là Cổ, tên Bá Uy, vốn là huynh trưởng của tổ mẫu Vương Thập Bằng. Tử nhỏ Cổ Bá Uy đã xuất gia tu Phật, tu trì giới hành nghiêm ngặt, trở thành vị cao tăng đức cao vọng trọng, đồng thời còn là một thi nhân nổi tiếng với những áng thơ bất hủ được người đời truyền tụng, mọi người cũng thường yêu mến mà gọi là “Nghiêm thủ tọa”, là người chỉ đứng sau phương trượng chủ trì.

Trong cuốn Mai Khê Tập, quyển 9 có ghi: “Khi còn nhỏ Vương Thập Bằng sống ở quê nhà, một hôm có vị cao tăng vừa trông thấy Vương Thập Bằng đã nói: Đứa trẻ này là Nghiêm Bá Uy chuyển sinh”.

Vương Thập Bằng bèn hỏi thúc phụ của mình là Bảo Ấn hòa thượng, rằng lời của lão tăng kia rốt cuộc là chuyện gì? Thúc phụ nói với ông:

“Nghiên Bá Uy là anh trai bà nội của con, cũng là sư phụ của ta. Sư phụ ta bác học tinh thâm, đa tài đa nghệ, giỏi thơ hay văn, trên con đường tu luyện trai giới cũng vô cùng thành kính chuyên tâm. Trong giới Phật môn cũng như người trần thế tục đều bày tỏ lòng tôn kính với ngài. Sư phụ ta qua đời vào tháng Giêng năm Chính Hòa, đời Tống Huy Tông, khi đó cha mẹ con vì chưa có con cái mà buồn rầu khá lâu. Rồi một đêm mẹ của con mơ thấy sư phụ của ta đến nhà, trên tay cầm một vòng hoa lớn tặng cho bà và nói: ‘Nhà bà đã cầu con rất lâu rồi, giờ ta đến đây’. Và cũng trong tháng đó mẹ con mang bầu, sau đúng 10 tháng mới sinh ra con.

Sư phụ của ta có cặp lông mày vừa đen vừa rậm, lại hơi hướng xuống dưới, hốc mắt thì sâu nhưng đôi mắt thì sáng lấp lánh. Ngài có trí tuệ thông minh hơn người, ngay từ khi còn nhỏ đã đọc qua hơn nghìn cuốn văn chương, đặc biệt là thích làm thơ. Con có tướng mạo cũng như sở thích rất giống với sư phụ của ta khi xưa”.

Lúc đầu Vương Thập Bằng không tin, cứ nghĩ rằng mọi người trong nhà chỉ nói đùa cho vui. Nhưng một ngày vào năm Thiệu Hưng ông có một giấc mơ kỳ lạ. Trong mơ ông đến một nơi mây mù che khuất, ở đó có cây cầu đá, cảm giác như hai đầu cầu là hai thế giới tiên – phàm cách biệt, có nhiều tăng nhân đều đang đi dạo nhưng không hề bước lên trên cầu.

Sau này Vương Thập Bằng đến thăm chùa Thạch Kiều, dù chưa đến đây lần nào nhưng ông lại cảm thấy rất quen thuộc. Từ quang cảnh hai bên đường với hàng cây xanh ngắt, khe suối trong veo, tiếng chim véo von, cho đến cả cây cầu đá, mọi thứ tuy lạ mà quen, tuy quen mà lạ bởi tất cả đều như những gì ông đã gặp trong mơ. Khi gần tới nơi ông thấy xa xa các vị tăng nhân cất tiếng gọi “Nghiêm thủ tọa”, ông hỏi nguyên do mới biết, hoá ra đêm qua các vị tăng nhân đều mơ thấy sẽ đón tiếp Nghiêm thủ tọa trở lại. Mọi người đều tự hỏi rằng, hòa thượng Sở Nghiêm đã viên tịch rồi sao lại còn quay lại? Thì ra là Vương Thập Bằng đến thăm.

Vương Thập Bằng đến thăm chùa Thạch Kiều, các vị tăng nhân trước đó đều mơ thấy sẽ đón tiếp Nghiêm thủ tọa trở lại. (Ảnh minh họa từ youtube)

Câu chuyện trên được viết trong tập Chiết Giang Thông Chí, kể rằng các tăng nhân chùa Thạch Kiều còn chỉ cho Vương Thập Bằng bài thơ mà trong tiền kiếp ông đã viết trên cầu. Lúc này ông mới tin rằng mình chính là chuyển thế của Sở Nghiêm hoà thượng, ông bèn đề lên đó hai khổ thơ “Thạch Kiều Ký”:

Đề Thạch Kiều nhị tuyệt – Khổ thứ nhất

Lộ cách tiên phàm ý khả thông,
Thạch Kiều dung ngã đạp trường hồng.
Kiều bàng phương quảng nhân du cửu,
Bất tại đăng lâm trượng lý trung.

Tạm dịch:

Đường tách tiên trần ý đã thông
Thạch Kiều đỡ ta đạp cầu vồng
Bên cầu bao kẻ đi qua mãi
Ai người trèo được tới không trung?

Đề Thạch Kiều nhị tuyệt – Khổ thứ hai

Thạch Kiều vị đáo dĩ tiên tri,
Nhập nhãn đoan như nhập mộng thời;
Tăng hoán ngã vi Nghiêm thủ tọa,
Tiền thân tăng tả thử kiều bài.

Tạm dịch:

Thạch Kiều chưa tới đã biết nhau
Cảnh kề trước mặt tựa chiêm bao
Tăng đổi ta thành Nghiêm thủ tọa
Đời trước đề thơ ở dưới cầu.

Sau khi gặp các tăng nhân, Vương Thập Bằng có được nhiều lĩnh hội trong Phật Pháp, mọi mong cầu danh lợi cũng không còn khiến ông vương vấn nữa. Cả cuộc đời còn lại ông sống thanh liêm chính trực, để lại câu chuyện truyền kỳ về một đời chuyển thế của vị cao tăng thời Bắc Tống.

Theo Soundofhope
Minh Vũ biên dịch