Vào năm cuối cùng của triều Minh, ở Chiết Giang có gia đình họ Sử là chủ một khách sạn nổi tiếng. Một ngày, phu nhân của Sử gia đang nằm trên giường hộ sinh thì bỗng nhiên lão hòa thượng chạy vào phòng…

Thì ra đó là hòa thượng Đại Thành – một vị tăng nhân khổ hạnh luôn nghiêm cẩn gìn giữ thanh quy. Ngày thường ông vẫn đến khách sạn hóa duyên, vì sao hôm nay lại chạy vào phòng của người sắp sinh vậy? Nữ chủ nhân vừa định cất tiếng hỏi thì loáng một cái đã chẳng thấy hòa thượng Đại Thành đâu nữa. Một lát sau, cô sinh hạ một bé trai bụ bẫm, mẹ tròn con vuông.

Để có được mụn con này, nữ chủ nhân đã phải chờ đợi rất, rất nhiều năm rồi. Nhà họ Sử cuối cùng cũng có người nối dõi, nên cả nhà từ trên xuống dưới ai nấy đều vui mừng.

Vui làm việc thiện, rộng lòng bố thí, cuối cùng hạ sinh quý tử

Sử gia lâu nay thường hay làm việc thiện lại rộng lòng bố thí, chỉ cần có tăng nhân đến hóa duyên thì nhất định sẽ thí xả cơm chay. Lão gia nhà họ Sử nay có được quý tử nên trong lòng vui mừng khôn xiết, lại càng không quên việc bố thí. Ông mong mỏi có thể đem hết lương thực trong nhà ra để kết duyên rộng khắp xa gần. Thậm chí, ông còn cẩn thận điểm danh từng người một, chỉ sợ sẽ bỏ sót người nào, nhưng đếm đi đếm lại vẫn không tìm thấy hòa thượng Đại Thành đâu.

Hòa thượng Đại Thành hàng ngày hóa duyên đều phải đi qua khách sạn nhà ông. Mỗi khi ngài trở về, nếu thấy đồ hóa duyên được ít thì người nhà họ Sử sẽ thí xả cơm chay đầy bình bát cho ngài.

Một thời gian lâu lão gia nhà họ Sử không thấy hòa thượng Đại Thành nên thấy lo lắng không yên. (Ảnh minh họa: sohu.com)

Lão gia nhà họ Sử vì việc bỏ sót một người mà trở nên phiền muộn. Mãi đến khi gia nhân trở về bẩm báo ông mới biết, thì ra, hòa thượng Đại Thành đã viên tịch đúng ngày hôm đó rồi. Sau này ông lại nghe vợ kể rằng, khi cô sắp lâm bồn thì nhìn thấy Đại Thành hòa thượng chạy vào trong phòng, sau đó lại đột nhiên biến mất.

Ông thầm nghĩ: “Hòa thượng Đại Thành viên tịch đúng vào ngày con trai ta sinh ra, hơn nữa phu nhân còn thấy rõ ràng ông ấy vào trong phòng. Lẽ nào đó chính là hòa thượng Đại Thành đến nhà ta đầu thai?”. Việc này hiển nhiên là thiện duyên, rất có thể vì Sử gia rộng lòng thí xả mà được Trời ban quý tử. Vậy nên, ông bèn đặt tên cho đứa trẻ là Sử Đại Thành.

Bắt đầu bằng “Sử”, kết thúc bằng “Chung”

Sau này, quý tử nhà họ Sử trở thành một nhân vật lừng lẫy đương thời. Thời đó trong dân gian lưu truyền một dự ngôn, rằng trạng nguyên của Chiết Giang thời nhà Thanh sẽ là “Thủy ư Sử, chung ư chung” (Bắt đầu bằng Sử, kết thúc bằng Chung).

“Thủy ư Sử” nghĩa là, vị trạng nguyên đầu tiên của vùng Chiết Giang đời nhà Thanh mang họ Sử. Quả nhiên, Sử Đại Thành (1621-1682) từ nhỏ thông minh hiếu thuận đã đỗ trạng nguyên vào năm Thuận Trị thứ 12 (năm 1655).

Mặc dù ngôi vị trạng nguyên suýt chút nữa thuộc về người khác, nhưng cuối cùng lại được trao cho Sử Đại Thành. Chuyện là, bài thi của cậu đã được quan chủ khảo xếp thứ 3, tức là đỗ thám hoa. Khi hoàng đế Thuận Trị ngự lãm, ngài vô cùng yêu thích thư pháp của thí sinh đỗ thám hoa và khen rằng: “Khải thư của người này vô cùng tinh tế chỉnh tề, nhất định là bậc chính nhân quân tử”. Thế rồi vua khâm định cho Sử Đại Thành làm trạng nguyên, lại ban cho chức Hàn lâm viện Tu soạn. Sau này Sử Đại Thành làm quan đến chức Lễ bộ Tả thị lang, để lại tập thơ văn nổi tiếng đương thời: “Bát hành đường thi văn”.

Sử Đại Thành quả nhiên đỗ trạng nguyên, làm rạng rỡ cho nhà họ Sử. (Ảnh minh họa: slidesplayer.com)

250 năm sau, vào năm Hàm Phong thứ 10 đời Thanh (năm 1860), vùng Chiết Giang lại xuất hiện một vị trạng nguyên là Chung Tuấn Thanh (sinh năm 1833, không rõ năm mất). Đây cũng chính là vị trạng nguyên cuối cùng của Chiết Giang như trong lời tiên đoán: “Thủy ư Sử, chung ư Chung”.

Con đường làm quan của các nho sinh thời xưa là thông qua khoa cử, người đỗ đầu được gọi là trạng nguyên. Tân khoa trạng nguyên không chỉ làm vinh dự cả tổ tiên dòng tộc, mà còn là niềm tự hào của quê hương làng xóm. Gia đình nhà họ Sử vì hành thiện tích đức mà được Trời ban trạng nguyên, thực là phúc phận của cả dòng tộc. Cái tên “Đại Thành” vốn là để kỷ niệm vị hòa thượng chuyển sinh vào Sử gia, nhưng lại thật trùng hợp với câu dự ngôn trong dân gian, đó quả là bậc Đại Thành – người thành công lớn.

Theo NTDTV
Kiến Thiện biên dịch