Trong cuộc sống, chúng ta thường nghe cụm từ “mê tín dị đoan”, chỉ lòng tin vào những điều quái lạ, thiếu cơ sở. Người ta cũng hay đánh đồng “mê tín” với “dị đoan”, coi chúng là từ đồng nghĩa. Trong bài viết này, xin mạn đàm về hai chữ “dị đoan”.
Theo định nghĩa của từ điển tiếng Việt thì từ ‘dị đoan’ có 2 nghĩa:
- Mê tín (hay thường viết chung là mê tín dị đoan): niềm tin cơ bản không đúng với sự thật, không hợp lý một cách cơ bản.
- Một cách khác rộng hơn để chỉ sự Dị giáo: bất cứ niềm tin hay lý thuyết nào không đúng với niềm tin chuẩn mực tôn giáo hoặc phong tục có sẵn đương thời. Dị giáo khác với cải đạo, tức việc từ bỏ quan hệ với một tôn giáo hay nguyên tắc nào đó.
Như vậy, trong xã hội thường dùng ‘dị đoan’ với nghĩa 1. Tuy nhiên, truy về nguồn gốc và lịch sử thì cũng có những điều thú vị, khác với nghĩa mà chúng ta thường dùng ngày nay.
Từ ‘dị đoan’ là một từ gốc Hán, chữ Hán viết 異端. Chữ ‘dị’ có nghĩa là khác, lạ, như trong từ ‘dị thường’, ‘kỳ dị’, ‘biến dị’. Chữ ‘đoan’ có nghĩa là chính, ngay thẳng, như trong từ ‘đoan chính’, ‘đoan trang’. Tuy nhiên, nghĩa gốc chữ ‘đoan’ là đầu mối, nguyên nhân, hiện vẫn được sử dụng trong tiếng Hán, nhưng ít dùng trong Hán Việt, như ‘sự đoan’ (đầu mối sự việc), ‘tranh đoan’ (đầu mối, nguyên nhân tranh chấp).
Từ ‘dị đoan’ được dùng đầu tiên có sử sách chép lại đến nay là trong thiên “Vi Chính” trong “Luận Ngữ” của Khổng Tử. Khổng Tử nói: “Công hồ dị đoan, tư hại dã dĩ”.
Bậc đại danh sư Nho gia đời Tống Chu Hy chú giải câu nói của Khổng Tử là: “Chuyên trị nhi dục tinh chi, vi hại thậm hỹ”, có nghĩa là: “Chỉ chuyên nghiên cứu một đầu của giáo nghĩa, là rất có hại”.
Như vậy ‘dị đoan’ là một đầu của giáo lý.
Nho gia giảng Trung dung, giảng Trung hòa, “hòa vi quý”, nên bất kỳ sự việc gì cũng không hành động cực đoan, mà chọn biện pháp dung hòa, trung dung.
Theo nguyên lý âm dương tương sinh tương khắc thì vạn sự vạn vật trong thế gian đều có tồn tại 2 mặt đối lập. Do đó, Khổng Tử răn dạy học trò, không được chuyên tâm chỉ nghiên cứu sâu về một thái cực, một đầu của sự việc, vì nó gây hại rất lớn, dễ dẫn đến cực đoan. Cần phải xem xét cả 2 mặt đối lập, rồi chọn biện pháp dung hòa. Chúng ta có thể thấy rất rõ tư tưởng này trong sách “Trung Dung”.
Chương 6 sách “Trung Dung”, Khổng Tử nói: “Thuấn, kỳ đại trí dã dữ! Thuấn hiếu vấn dĩ hiếu sát dĩ ngôn; ẩn ác nhi dương thiện, chấp kỳ lưỡng đoan, dụng kỳ trung ư dân, kỳ tư dĩ vi Thuấn hồ!”, có nghĩa là: “Vua Thuấn là bậc đại trí vậy! Ông thích đặt câu hỏi, ông thích khảo sát những lời nông cạn bình dị; ông che giấu những chỗ xấu của người ta, và tuyên dương những chỗ tốt của người ta, lắng nghe các ý kiến, nghị luận của mọi người cả hai phía đối lập, rồi chọn cái đúng, trung dung, áp dụng đối với dân chúng. Điều này làm nên sự vĩ đại của vua Thuấn vậy”.
Chu Hy cũng giải thích từ “dị đoan” rằng: “Dị đoan, phi Thánh nhân chi Đạo, nhi biệt vi nhất đoan, như Dương, Mặc thị dã”, có nghĩa là: “Dị đoan nghĩa là không phải Đạo của Thánh nhân (tức Khổng Tử), mà là một đầu mối khác, như Dương Tử, Mặc Tử”.
Như vậy, ‘dị đoan’ còn có nghĩa là giáo lý khác, học thuyết khác, hay còn gọi là ‘dị giáo’.
Vì vậy, câu nói của Khổng Tử có nghĩa là: khi đã nghiên cứu tu luyện trong một pháp môn nào rồi thì hãy tập trung toàn tâm vào nó, chớ bỏ công sức nghiên cứu các giáo lý khác, sẽ gây hại lớn. Ở tầng ngữ nghĩa này, Khổng Tử giảng cho các đệ tử đã chuyên sâu học tập tu dưỡng theo Đạo lý của ông, khi đã chuyên sâu, là bước sang tu luyện, không còn là quá trình tìm tòi nghĩa lý đạo lý, quá trình thu lượm tri thức nữa, do đó cần chuyên nhất, chớ học sang các thuyết giáo khác, sẽ nguy hại khôn lường.
Chúng ta xem bối cảnh lịch sử khi Khổng Tử nói câu nói đó. Khổng Tử sống vào thời Xuân Thu, là thời kỳ các phép tắc, lễ nghi, các thuần phong mỹ tục từ thời nhà Chu do Chu Văn Vương và Chu Công gây dựng đã đi đến suy vi. Xã hội loạn lạc, chư hầu nổi lên khắp nơi, mưu đồ đánh chiếm chinh phạt lẫn nhau, xưng hùng xưng bá. Do đó chiến tranh liên miên giữa các nước, xã hội rối ren, người dân không nơi chốn an cư lạc nghiệp. Các chư hầu muốn xưng hùng xưng bá, buông thả phóng túng, hưởng thụ, còn trí thức trong thiên hạ, phần nhiều cũng mưu cầu công danh, làm thuyết khách, mưu sỹ, khách khanh cho các chư hầu. Khổng Tử có sứ mệnh phục hồi nền đạo đức, phép tắc, lễ nhạc đã bị băng hoại, nên đề xướng ra học thuyết Nho gia, đề cao Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín, mong muốn một nền chính trị nhân bản dựa vào đạo đức, tức là đức trị.
Tuy nhiên, xã hội suy đồi, các thế lực quân sự, chư hầu đạo đức đã xuống thấp, không chấp nhận nổi tiêu chuẩn đạo đức rất cao của Khổng Tử. Cũng thời gian đó, các trí thức khác cũng nổi lên đề ra các học thuyết riêng của mình. Ngoài hai chính Đạo thời đó là Đạo gia và Nho gia, đã xuất hiện “bách gia chư tử”, như Pháp gia, Âm Dương gia, Mặc gia, Binh gia, Nông gia, Tung Hoàng gia, Y gia, Tạp gia, Phương Kỹ gia v.v. Xuất hiện cục diện “trăm hoa đua nở”, ai cũng nói tốt nói hay về thuyết của mình, khiến thế nhân nhiễu loạn. Các chư hầu thấy hợp thuyết nào thì họ áp dụng thuyết đó. Khổng Tử mới răn dạy các học trò, không nên thấy có vẻ hay, có vẻ đúng mà nghiên cứu những gia khác kia, họ là những tư tưởng “dị đoan” (khác với Nho gia), nếu dụng công nghiên cứu những thứ đó sẽ gây tác hại khôn lường.
Câu nói này của Khổng Tử hoàn toàn cùng nghĩa với nguyên lý “bất nhị Pháp môn” của Phật gia, tu luyện cần chuyên nhất, nếu không sẽ dẫn đến loạn tu. Cái gì cũng nghiên cứu, không phải kinh sách, giáo lý của Pháp môn mình đang tu luyện mà cứ đọc, cứ nghiên cứu, thì khác gì dẫm chân lên hai chiếc thuyền, hậu họa vô cùng, tu cũng như không, chẳng đắc được gì cả.
Như vậy từ ‘dị đoan’ mà chúng ta vẫn thường dùng với nghĩa ‘mê tín dị đoan’, với nghĩa “niềm tin cơ bản không đúng với sự thật, không hợp lý một cách cơ bản” là hoàn toàn không có căn cứ, là một hàm nghĩa mới được đưa thêm vào, xưa kia hoàn toàn không mang ý nghĩa đó.
Triêu Lộ