Những độc giả yêu mến Tây du ký* hẳn còn nhớ, suốt dọc đường thỉnh kinh của thầy trò Đường Tăng, Quán Thế Âm Bồ Tát luôn ân cần dõi theo phù hộ. Bồ Tát vâng mệnh Phật Tổ tìm người đi lấy kinh, an bài ma nạn để thành tựu cho người ấy, Ngài luôn xuất hiện trong những thời khắc hiểm nguy nhất, cứu khổ cứu nạn. Nếu như Đường Tăng đối với Bồ Tát trước sau như một, lúc nào cũng giữ tâm chí thành, tôn kính, thì Tôn Ngộ Không lại không như vậy. Ngộ Không đã trải qua một hành trình gian khổ tu tâm, từ oán hận đến tôn kính Bồ Tát.
Lần đầu tiên Ngộ Không gặp Bồ Tát là ở dưới núi Ngũ Hành Sơn, được Bồ Tát khuyến thiện nên nguyện đi theo phò tá Đường Tăng, tu hành chính đạo. Trên bề mặt thì thấy Ngộ Không biết ơn Bồ Tát, vui vẻ vâng lời, nhưng đến lúc gặp khảo nghiệm đầu tiên mới lộ ra đấy chưa phải là lòng thành kính chân thật.
Khởi đầu bất thuần và oán hận
Tây du ký, hồi thứ 14 “Lòng vượn theo đường chính, Sáu giặc mất tăm hơi“, Tôn Ngộ Không sau khi giết sáu tên cướp thì bị Đường Tăng mắng nhiếc thậm tệ, tức không chịu nổi nên cưỡi mây bay tót về Đông. May được Long vương lựa lời khuyên nhủ, Hành Giả hồi tâm chuyển ý, quyết chí quay lại hộ vệ Đường Tam Tạng. Đường Tăng được Bồ Tát chỉ dẫn, dụ Ngộ Không đội vòng kim cô lên đầu và niệm chú, khiến Ngộ Không đau đớn quằn quại, hứa từ nay sẽ không dám vô lễ nữa.
“Ngộ Không miệng tuy nói vậy, nhưng trong lòng vẫn tức lắm, rút cây kim ra vung lên biến thành cây gậy sắt nhắm đầu Đường Tăng bổ xuống. Đường Tăng sợ quá, vội niệm luôn hai, ba lần. Hành Giả ngã lăn ra đất, rơi cả gậy sắt, không nhấc tay lên được, đành kêu:
– Sư phụ ơi, con chừa rồi, đừng niệm nữa! Đừng niệm nữa!
Tam Tạng nói:
– Sao ngươi lừa dối, dám đánh cả ta?
Hành Giả thưa:
– Con không dám đánh nữa. Nhưng con hỏi sư phụ ai truyền cho sư phụ phép này?
Tam Tạng đáp:
– Vừa nãy có một bà lão truyền cho ta.
Hành Giả giận lắm, nói:
– Bà lão ấy đúng là Quan Âm rồi. Tại sao lại hại ta như vậy. Đợi ta sang tận Nam Hải, nện cho mụ ta một trận.
Tam Tạng nói:
– Phép ấy ngài truyền cho ta, thì chắc ngài cũng nắm được. Nếu ngươi đến, ngài mà niệm lại chẳng chết toi mạng.
Hành Giả nghe nói có lý, không dám đi nữa, đành định tâm quỳ xuống van xin:
– Thưa sư phụ, Quan Âm dùng phép này để hành hạ con, bắt con đưa sư phụ sang phương Tây đấy thôi. Con cũng không đi gây sự với ngài ấy nữa. Sư phụ cũng đừng chấp lời nói thường ngày của con mà tụng niệm nữa. Con xin hộ vệ sư phụ, không dám chán ý nản lòng nữa đâu”.
Lúc này, Tôn Ngộ Không định sang tận Nam Hải, nện cho Quan Âm một trận, cái tâm này còn hung hãn ngông ngạo lắm!
Hiểu lầm tấm lòng của Bồ Tát
Sau này, sau khi đã thu phục được Bát Giới, Sa Tăng, trải qua nhiều thử thách, cái tâm của Hành Giả đã phần nào ổn định vững vàng hơn, thật lòng thật dạ sang Tây Thiên bái Phật. Đến núi Bình Đính, gặp hai yêu quái lợi hại là Kim Giác và Ngân Giác, Tôn Ngộ Không chẳng quản khó nhọc, trổ hết thần thông và mưu kế, mấy phen vào sinh ra tử mới cứu được thầy. Cả đoàn người thoát nạn, phấn khởi tiến bước lên đường. Tây du ký, hồi thứ 35 “Ngoại đạo ra oai lừa tính thẳng, Ngộ Không được báu thắng yêu ma”, có viết:
“Đang đi, bỗng từ ven đường có một người mù xông ra túm lấy đầu ngựa của Tam Tạng, nói:
– Hòa thượng đi đâu? Trả bảo bối cho ta!
Bát Giới hoảng quá nói:
– Hỏng rồi! Lão yêu đến đòi bảo bối kìa!
Hành Giả nhìn kỹ thì hóa ra Thái Thượng Lý Lão Quân bèn vội vàng tiến đến lạy chào:
– Kính chào Lão Quân! Ngài đi đâu vậy?
Vị lão tổ vội vã bay ngay lên tòa sen bằng ngọc, đứng thẳng giữa tầng trời cao thẳm, nói:
– Tôn Hành Giả, trả lại bảo bối cho ta!
Đại thánh cũng nhảy lên tầng không hỏi:
– Bảo bối nào ạ?
Lão Quân nói:
– Hồ lô là thứ đựng linh đơn của ta, bình ngọc là thứ đựng nước của ta, bảo kiếm là thứ ta dùng luyện ma, chiếc quạt ta dùng quạt lửa, sợi dây kim tuyến là cái đai thắt áo bào. Còn hai yêu quái ấy: một là tiểu đồng coi lò vàng, một là tiểu đồng coi lò bạc. Chúng đã ăn cắp bảo bối của ta trốn xuống hạ giới. Ta đang đi tìm, nay nhà ngươi lập công bắt được rồi à?
Đại Thánh nói:
– Ngài làm quan lâu năm mới thực vô lễ. Ngài đã thả lỏng cho người trong nhà làm điều xằng bậy. Phải xử ngài vào tội cai quản không nghiêm.
Lão Quân nói:
– Không can hệ gì đến ta, chớ có trách người. Việc này do Bồ tát ở ngoài biển, ba lần hỏi mượn ta, đưa chúng xuống đấy, để thử thách thầy trò các ngươi xem có thực lòng sang phương Tây không.
Đại Thánh nghe nói, nghĩ bụng:
– Cái bà Bồ Tát thực chẳng ra sao! Khi trước cứu thoát lão Tôn xong, dặn ta bảo vệ Đường Tăng sang phương Tây lấy kinh, ta nói đường sá xa xôi trở ngại, bà ta còn hứa với ta rằng khi nào gặp nạn, sẽ thân hành tới cứu. Thế mà bây giờ lại sai yêu ma ngầm hại, hỏi rằng bất nhất như thế, cũng đáng kiếp cả đời không có chồng! Nếu không có Lão Quân đến, ta quyết không trả. Nay ngài đã nói như vậy, thì trả cho ngài”.
Ôi, tới tận lúc này mà Ngộ Không vẫn chưa hiểu cho tấm lòng của Bồ Tát! Bồ Tát khổ công chu toàn, ba lần cầu khẩn Lão Quân để an bài ma nạn giúp mấy thầy trò chứng tỏ lòng thành, vứt bỏ nhân tâm, thành tựu uy đức, thế mà Ngộ Không lại cho rằng Ngài dối trá ngầm hại. Tuy vậy, bấy giờ Tôn Ngộ Không đã biết ‘nhẫn’, chỉ nghĩ chứ không thốt ra khỏi miệng, và ý nghĩ chỉ dừng ở sự trách móc chứ không còn định động tay động chân nữa. Đó đã là một bước tiến trên đường tu luyện của Hành Giả rồi.
Trở nên cung kính và chân thành
Hết nạn ở núi Bình Đính, sau đó lại giải thoát xong cho quốc vương nước Ô Kê, mấy thầy trò tiếp tục lên đường thì đụng độ Hồng Hài Nhi, yêu quái có tuyệt chiêu phun lửa “Tam muội” mà nước của Long vương tứ hải cũng không dập được. Sau khi chết đi sống lại, Ngộ Không nén đau, tự mình bay đến núi Phổ Đà cầu Bồ Tát. Hồi thứ 42 “Đại Thánh ân cần cầu Bồ Tát, Quan Âm từ thiện trói Hồng Hài” có viết:
“Bồ Tát nghe báo, ra lệnh cho vào. Đại Thánh vâng lời, sửa lại áo xống, nghiêm trang bước vào, thấy Bồ Tát, bèn cúi mình lạy. Bồ Tát hỏi:
– Ngộ Không, nhà ngươi không đưa Kim Thiền Tử sang phương Tây lấy kinh, lại đến đây có việc gì?
Hành Giả thưa:
– Kính thưa Bồ Tát, đệ tử hộ vệ Đường Tăng đi đường, đến một nơi gọi là núi Hiệu, khe Khô Tùng, động Hỏa Vân, có con yêu tinh tên là Hồng Hài Nhi, hiệu là Thánh Anh đại vương bắt mất sư phụ. Đệ tử và Trư Ngộ Năng đã tìm tới cửa động đánh nhau với nó, bị nó phóng lửa Tam muội, chúng con bị thua không cứu được sư phụ. Con vội vàng sang Đông Dương đại hải mời Long vương bốn biển, tới làm mưa giúp, mà cũng không dập tắt được ngọn lửa, đệ tử lại còn bị đốt mê man, tưởng không sống nổi.
Bồ Tát nói:
– Nó đã có thứ lửa Tam muội, thần thông quảng đại, tại sao còn đi mời Long Vương mà không đến mời ta?
Hành Giả nói;
– Đệ tử định đi, nhưng bị lửa đốt đau quá, không cưỡi mây nổi, bèn sai Trư Bát Giới đi mời Bồ Tát.
Bồ Tát nói:
– Ngộ Năng có thấy đến đâu.
Hành Giả nói:
– Vâng. Ngộ Năng không đến đây được, vì bị yêu tinh biến thành Bồ Tát giả, lừa Bát Giới về động bắt nhốt trong một cái túi da, chúng cũng định hầm nhừ ăn thịt nốt.
Bồ Tát nghe xong, trong lòng nổi giận, nói:
– Yêu quái khốn kiếp dám giả dạng ta!
Đoạn hừ một tiếng, ném vèo chiếc tịnh bình bằng ngọc báu xuống đáy biển, khiến cho Hành Giả sợ hãi lông dựng đứng, vội vàng đứng thẳng người, hầu ở dưới, nói:
– Bồ Tát cơn giận chưa nguôi, là do lão Tôn ăn nói không ra sao, làm hại cả đức hạnh, ném mất chiếc tịnh bình. Tiếc quá! Tiếc quá! Giá mà cho quách lão Tôn này, có phải hay biết bao nhiêu!”.
Lúc này, Ngộ Không đã biết “sửa lại áo xống, nghiêm trang bước vào”, thấy Bồ Tát thì cúi lạy, khi Ngài nổi giận còn biết trách bản thân mình ăn nói không ra sao. Quả là một bước tiến đáng khen ngợi trên con đường tu luyện! Chưa hết, khi Bồ Tát đồng ý đích thân đi cứu Đường Tăng, Tôn Ngộ Không còn cung kính giữ lễ đến mức như thế này:
“Tôn Đại Thánh vô cùng mừng rỡ, mời Quan Âm rời khỏi động Triều Âm. Các vị thiên thần lúc ấy đều xếp hàng đứng cả trên vách núi Phổ Đà. Bồ Tát nói:
– Ngộ Không, vượt qua biển.
Hành Giả cúi mình, nói:
– Xin mời Bồ Tát đi trước.
Bồ Tát nói:
– Nhà ngươi đi trước đi.
Hành Giả dập đầu nói:
– Đệ tử đâu dám thi thố trước mặt Bồ Tát. Nếu dùng phép “cân đẩu vân” cưỡi mây để lộ thân thể, e Bồ Tát trách đệ tử là bất kính”.
Trải qua gian nan khổ nạn, cuối cùng Ngộ Không cũng đã luyện được chữ “Kính” này rồi!
Hành trình của Tôn Ngộ Không từ oán hận đến tôn kính Bồ Tát cũng chính là hành trình từng bước vứt bỏ tự ngã ngoan cố và kiêu ngạo, tiêu trừ nghiệp chướng, tịnh hoá thân tâm của người tu luyện. Cũng như Hồng Hài Nhi, vốn là một yêu quái cứng đầu cứng cổ, được Bồ Tát thu phục làm Thiện Tài đồng tử, sau này gặp lại Ngộ Không ở hồi thứ 49 “Tam Tạng gặp nạn chìm đáy sông, Quan Âm trừ tai hiện làn cá”, thì cúi chào và nói rằng: “Thưa Tôn Đại Thánh, trước kia đội ơn lòng tốt của ngài, nay được Bồ Tát thu nhận không nỡ vứt bỏ, nên sớm tối không rời hầu hạ dưới tòa sen, rất được ngài mở lòng từ thiện”. Hành Giả cười nói: “Ngày ấy chỉ bị ma nghiệt làm mê mẩn, nay thành chính quả mới biết lão Tôn là người tốt”. Ngộ Không đối với Bồ Tát cũng là như vậy đấy.
Hành trình của Ngộ Không là tấm gương tham chiếu mà văn hoá truyền thống lưu lại cho chúng ta hôm nay. Trên con đường tu luyện dằng dặc, thuở ban đầu khi gặp khổ nạn, bất công, bị người ức hiếp, thay vì nhìn nhận nó như là cơ hội để buông bỏ chấp trước, thì người ta đôi khi lại oán Trời trách đất, hận Phật vì sao không cứu giúp mình. Có người vì thế mà buông bỏ tu hành, thậm chí đi sang phía phản diện. Đáng tiếc thay!
Dẫu sao, hành trình thỉnh kinh là hành trình tu tâm dưỡng tính, nên Ngộ Không đối với Phật Pháp ngày một sáng thông, đối với Bồ Tát cũng ngày càng tôn kính. Người ta thuận theo quá trình kiên trì tu luyện mà tiêu trừ nghiệp lực, rất nhiều sự việc từng mê mờ thì nay bỗng nhận ra chân tướng. Đối với người từng ức hiếp mình, gò bó mình, thì không còn tâm oán hận, thay vào đó là lòng biết ơn đã giúp mình vấp ngã mà ngộ Đạo. 81 ma nạn là 81 chặng đường buông bỏ ma tính, cuối cùng thấy được Phật tính tròn đầy, sáng tỏ, ấy chính là công thành viên mãn. Thơ rằng:
Thiện chính giữ, vạn duyên thâu
Tiếng thơm truyền khắp bốn châu trong ngoài.
Trí tuệ sáng, lên bờ rồi
Ùn ùn che kín chân trời mây bay.
Chư Phật thù tiếp đó đây
Đài dao mãi mãi tháng ngày thênh thang
Phá tan mộng điệp nhân gian
Lâng lâng trút sạch bụi trần vấn vương.
Ảnh minh họa: Phim “Tây Du Ký” 1986
*Ảnh minh hoạ: Phim Tây du ký (1986). Bài viết có tham khảo bản dịch Tây Du Ký của Như Sơn, Mai Xuân Hải, Phương Oanh, Nhà xuất bản Văn học.
Video: Trước Phật Pháp, mọi chúng sinh đều bình đẳng, ai tín Phật có thể thoát khỏi bể trầm luân