Con người trong cuộc sống yên ổn bình hòa thì rất khó phân biệt ra gian trá hay chân thật, kiên định hay hời hợt, mạnh mẽ hay yếu đuối và nhân phẩm là cao hay thấp. Bởi vậy, phần nhiều là khi lâm tình thế khó khăn gian nan mới có thể hình thành khảo nghiệm đối với tín niệm và khí tiết của một người.
Trung Hoa cổ đại có một điển cố: “Gió lớn mới biết cỏ cứng” (Tật phong tri kính thảo), ý nghĩ là chỉ khi vượt qua thử thách gió mạnh, cây cỏ mới có thể trở nên mạnh mẽ. Sau này người ta dùng để ám chỉ khi con người vượt qua những khó khăn, gian nan mới có thể có được ý chí phi thường.
Điển cố này xuất phát từ Hậu Hán thư-Vương Bá truyện. Có một người tên là Vương Bá, khi còn trẻ từng là tiểu lại (quan chức nhỏ) trong nha phủ. Khi nghe nói Lưu Tú chống lại Vương Mãng, quân đội sẽ đi qua Dĩnh Dương, Vương Bá liền hỏi ý cha mình, hy vọng hai cha con ông có thể đi theo Lưu Tú giành thiên hạ. Cha ông nghe vậy liền nói: “Cha đã già rồi, không thể chịu được những cực khổ trong quân đội. Con đi đi, nhất định phải làm cho tốt”.
Sau đó, Vương Bá cùng mười mấy người khác đến Dĩnh Dương, đầu quân cho Lưu Tú, sau khi Lưu Tú thành việc lớn, ông liền phong cho Vương Bá là Công Tào Lệnh Sử. Từ đó, Vương Bá theo Lưu Tú qua sông đến Hà Bắc. Những người trước kia đi theo Vương Bá đến đầu quân cho Lưu Tú đều không chịu được khổ mà bỏ cuộc. Lưu Tú tiếc nuối nói: “Những người theo ta từ Dĩnh Dương đều đã bỏ cuộc, bây giờ chỉ còn lại ngươi, người nhất định phải làm cho tốt! Gió lớn mới biết cỏ cứng”.
Không chỉ để nói tới ý chí của một người với đại nghiệp, “tật phong tri kính thảo” còn bao hàm cả sự thanh tỉnh của người ta trước những cám dỗ của danh, lợi, tình. Người có tiết tháo, ý chí kiên định sẽ chiến thắng những dụ dỗ, đe dọa, luôn tiến về phía trước theo con đường hay mục tiêu mình đã lựa chọn.
Tô Vũ (140 – 60 TCN) thời Hán Vũ Đế phụng mệnh đi sứ nước Hung Nô. Thủ lĩnh nước Hung Nô dùng nhiều thủ đoạn như tiền tài, quan tước… để dụ dỗ ông hàng phục nhưng đều thất bại. Cuối cùng họ liền bắt ông đến vùng sơn cước xa xôi chăn dê, cắt nguồn lương thực, định dùng cuộc sống khổ cực nghèo hèn để ép ông.
Nhưng Tô Vũ là kiểu người mà uy vũ không khuất phục, nghèo túng không thay lòng, phú quý cũng không bị mê hoặc. Cho nên, dù ngồi tù suốt 19 năm ở Hung Nô nhưng tiết tháo của ông không hề thay đổi. Cuối cùng, thủ lĩnh Hung Nô không làm gì được đành phải để ông về lại Hán địa.
Lại có câu chuyện khác vào triều nhà Hán, Hoàng Bá và Lệnh Hồ Tử Bá là bạn thân cùng quê. Khi Lệnh Hồ Tử Bá làm Thừa tướng nước Sở thì Hoàng Bá chỉ giữ một chức quan địa phương nhỏ. Một hôm, Lệnh Hồ Tử Bá sai con trai mình mang tới cho Hoàng Bá một phong thư. Sau khi những quan khách đã ra về hết, Hoàng Bá vẫn ngồi bất động trên ghế một hồi lâu mà không thể dậy nổi.
Vợ của ông thấy lạ liền hỏi: “Ông đang có chuyện gì thế?”.
Hoàng Bá đáp: “Tôi vừa thấy người con trai của Lệnh Hồ Tử Bá phong thái đĩnh đạc, dáng vẻ phóng khoáng, nét mặt sáng ngời, còn bản thân tôi thì lôi thôi nhếch nhác giống như một ông lão già yếu vậy. Thấy người ta tiền đồ huy hoàng, phát đạt mà mình thì không có gì, cũng chẳng có mối quan hệ nào, nghĩ đến việc không thể mang lại cho con cái chúng ta cuộc sống sung túc vẻ vang làm lòng tôi vô cùng áy náy!”.
Vợ của Hoàng Bá sau khi nghe thấy thế liền lớn tiếng: “Xem trọng thanh liêm tiết tháo, xem nhẹ công danh lợi lộc là con người của ông xưa nay. Bây giờ xem bề ngoài của Lệnh Hồ Tử Bá vinh hiển cũng chẳng qua chỉ là sự khác biệt trong lựa chọn đường đời của cá nhân. Có gì phải lấy ra so sánh? Ông không nên vì chuyện này mà quên mất chí hướng vốn có của mình, không cần phải cảm thấy hổ thẹn với con cái”.
Hoàng Bá sau khi nghe vợ mình khuyên thì như được đánh thức mà tỉnh lại, cảm thấy khâm phục suy nghĩ thấu đáo của bà.
Những khi khó khăn, ở vào nghịch cảnh, thậm chí là nguy hiểm đến sinh mệnh, nếu như vẫn có thể kiên trì theo đuổi tín ngưỡng và đức hạnh của bản thân mình thì đó mới thực sự là “trung thần nghĩa sĩ”, là người quân tử đáng tôn kính. Đây chính là lý do mà từ xưa tới nay, rất nhiều bậc Thánh hiền dù thất bại thảm hại những vẫn được hậu nhân tán dương và kính trọng.
Trong lúc “gió yên” thì “cỏ cứng” sẽ hòa lẫn vào với những loại cỏ mềm khác, cũng giống như trong cuộc sống bình hòa thì quân tử cũng dễ dàng bị lẫn lộn với tiểu nhân vậy. Không có hoàn cảnh để thể hiện ra thì sẽ khó phân biệt. Chỉ có trải qua “mưa gió bão bùng” hay “thời cuộc hỗn loạn” khảo nghiệm thì mới có thể nhận ra cỏ nào là mạnh và người nào là người kiên trì, trung thành, có phẩm chất cao quý mà thôi.