Trong 1.700 năm, gia tộc này đã bồi dưỡng được 36 Hoàng hậu, 36 Phò mã và 35 Tể tướng, được sử sách ghi nhận là “Trung Hoa đệ nhất vọng tộc”. Bí quyết của họ nằm ở đâu? 

Thường có câu “Không ai giàu ba họ, không ai khó ba đời”. Nhưng cũng có những trường hợp ngoại lệ, có những gia tộc liên tục hưng thịnh trong hàng trăm, hàng nghìn năm chỉ bằng những quy tắc xem ra rất bình thường, không có gì đặc biệt.

Suốt 1.700 năm kéo dài từ Đông Hán đến Minh Thanh, gia tộc họ Vương ở Lang Gia, Sơn Đông đã vượt qua rất nhiều kiếp nạn, chịu đựng đủ loại thử thách mà bồi dưỡng được 36 Hoàng hậu, 36 Phò mã và 35 Tể tướng. Chuyện này được ghi chép lại trong “Nhị thập tứ sử”. Đó là một trong những gia tộc hiển hách nhất lịch sử và được xưng tụng là “Trung Hoa đệ nhất vọng tộc”.

Bí quyết làm nên sự hưng vượng ấy chỉ là bản gia quy gồm vỏn vẹn 6 chữ là: “Ngôn nghi mạn, tâm nghi thiện” (tạm hiểu là: Nói nên chậm, tâm nên thiện).

Chỉ nhờ 3 chữ “Ngôn nghi mạn” (nói nên chậm) mà thủy tổ của họ Vương là Vương Cát đã vượt qua đủ cạm bẫy chốn quan trường, chỉ trong 10 năm từ một quan huyện trở thành trọng thần của triều đình, danh thần Tây Hán.

(Ảnh dẫn theo 360doc.com)

“Ngôn nghi mạn” (Nói nên chậm) 

Đây là bí kíp mà Vương Cát học được từ một ông lão ở phủ Xương Ấp Vương vào năm 77 TCN khi ông được thăng từ Thất phẩm tri huyện được điều chuyển lên làm Ngũ phẩm trung úy ở Vương phủ đó.

Xương Ấp Vương Lưu Hạ là cháu đích tôn của Hán Vũ Đế nhưng lại hoang dâm vô độ, buồn vui bất thường, bên cạnh đều là những kẻ tiểu nhân nịnh nọt, bợ đỡ, âm mưu nham hiểm. Giữa chốn quan trường hiểm ác ấy, Vương Cát cảm nhận rõ được một áp lực lớn lao, thường buồn rầu, lo lắng cho thân phận mình.

Nhưng chính lúc ấy, Vương Cát gặp được ông lão nọ và được chỉ cho con đường thoát khỏi hiểm nguy bằng cách tặng ông ba chữ “Ngôn nghi mạn”. Dựa vào 3 chữ này, Vương Cát đã lần lượt vượt qua rất nhiều cửa ải nguy hiểm, cũng giành được rất nhiều danh vọng.

Ông được Hán Vũ Đế phong làm “Gián nghị đại phu”, có nhiệm vụ chuyên can gián vua không mắc phải những sai lầm. Dần dần, ông trở thành một trọng thần của triều đình, được Hoàng đế tin tưởng, trọng dụng.

Trong “Luận ngữ”, Khổng Tử nói: “Ngôn vị cập chi nhi ngôn, vị chi táo” (tạm hiểu là: Khi chưa đến lượt mình nói đã nói, đó là nóng nảy). Người trẻ thường thích thể hiện, tranh đấu, vậy nên có khi cướp cả lời người khác, vội vã xét đoán sự việc theo ý mình.

Ba chữ “Nói nên chậm” quả thực đã cho người ta hiểu rằng, nói chuyện là một môn nghệ thuật, nhất định phải cẩn trọng. Trong lịch sử, những chuyện lỡ lời mà đắc tội với người, phải trả giá thê thảm thực nhiều không kể xiết.

“Nói chậm” không phải nói từ từ, chậm rãi bề ngoài mà chính là lời nói ra phải được suy nghĩ kĩ lưỡng. Người xưa dạy: “Uốn lưỡi bảy lần trước khi nói” chính là có ý tứ ấy.

Nói năng chậm rãi, chuẩn xác, biết cân nhắc lời nào nên lời nào không chính là rèn luyện cho mình sự điềm tĩnh, tĩnh khí của bậc quân tử. Ngữ điệu phải từ tốn để người nghe cảm thấy được sự tôn trọng, ân cần. Lời nói ra phải mang ý thiện để cảm hóa người chứ không phải những con dao găm làm họ tổn thương.

Nghi lễ trùng dương tế tổ tiên của gia tộc họ Vương. (Ảnh dẫn theo kknews)
(Ảnh dẫn theo blog.sina)

“Tâm nghi thiện” (Tâm nên thiện)

“Tâm nghi thiện” là 3 chữ được ông lão ở phủ Xương Ấp Vương tặng cho Vương Cát lần thứ hai vào năm 67 TCN. Khi được thăng chức, có quyền lực trong tay, Vương Cát bắt đầu xuất hiện tâm lý lợi dụng chức quyền để “trả đũa” kẻ thù của mình.

Ông đã khiến những người bất đồng chính kiến với mình phải chịu nhiều cảnh thê thảm. Ví như Trưởng sử Triệu Lạc vì bất đồng chính kiến với Vương Cát mà bị vạch tội, bãi quan về quê. Không lâu sau, Triệu Lạc buồn bực, uất hận mà chết.

Khi nghe được lời khuyên can trên, Vương Cát đã tận tâm sửa mình, không hại người vô tội mà đối đãi với tất cả một cách công bằng. Điều này khiến ông ngày càng được nhiều người yêu mến. Mặc dù cả đời sống trong chốn quan trường hiểm ác nhưng lại được bình an tự tại.

(Ảnh dẫn theo 360doc.com)

Mạnh Tử đã nói: “Người quân tử khác người thường ở chỗ giữ tâm. Người quân tử lấy lòng thương người để giữ tâm, lấy lễ để giữ tâm”. Người có tâm thiện, vui vẻ giúp người, thì ắt kết giao được nhiều bằng hữu tốt, gặp được nhiều chuyện lành, gặp rủi hóa may, gặp dữ hóa lành. Trong “Đạo Đức Kinh” của Lão Tử cũng viết: “Thiên đạo vô thân, thường dữ thiện nhân” (tạm dịch: Đạo trời không thiên vị, thường giúp người lành).

Tu dưỡng một tâm hồn thuần thiện, luôn nghĩ làm lợi cho người khác có thể khiến chính nội tâm của bạn thay đổi, trở nên sáng đẹp hơn. Ý nghĩ thuần thiện cũng giống như một dòng suối mát lành, không chỉ tưới tắm cho vạn vật xung quanh mà còn chảy ngược về xoa dịu trái tim bạn.

Chắc hẳn ai cũng nhận ra một điều rằng, khi làm được một việc tốt trong tâm chúng ta thường thấy rất hạnh phúc, thanh thản. Ngược lại, khi làm chuyện vô đạo, trái đạo trời, nghịch lý người, người ta sẽ luôn thấy bất an trong tâm, không thể vui vẻ, ngủ mơ cũng lo sợ, chẳng lúc nào nguôi. Dần dần, đến cả thần khí, sắc mặt của họ cũng trở nên ảm đạm, buồn bã, thê lương. Bệnh tật khởi từ trong tâm rồi dần biểu hiện ra bên ngoài, một đời của họ kể từ đó như đã bị một tảng đá nặng trịch đè nặng trong tâm.

Chỉ 6 chữ “Nói nên chậm, tâm nên thiện” đã chỉ ra những đạo lý cơ bản của đời người. Thời thanh xuân, khí lực tràn trề, hăng hái nhiệt huyết, nói năng phải biết tiết chế, giữ gìn. Có như thế, người ta mới giảm thiểu sai lầm, bảo vệ được phẩm giá, sự nghiệp của mình.

Đến tuổi trung niên khi đã cơ bản hiểu lẽ đời chính là lúc người ta cần phải tu tâm tính, dưỡng thiện lương, khoan dung, độ lượng, chuyển thù thành bạn, đồng thời tích dưỡng phúc báo, để lại di sản tinh thần cho con cháu đời sau.

Một người chỉ cần làm theo được 6 chữ này thì nào có lo gì cuộc đời không được thong dong, tự tại, bình an, hạnh phúc nữa đây?

Tử Du

Xem thêm:

 

 

Xem thêm: