Trong lịch sử, Gia Cát Lượng là quan chức cổ đại đầu tiên tự giác kê khai tài sản. Ông giáo dục con “Đạm bạc minh chí, ninh tĩnh trí viễn” (Dịch nghĩa: Đạm bạc để nuôi dưỡng làm sáng tỏ chí hướng, yên tĩnh để học tập, lập chí hướng cao xa).

Gia Cát Lượng là nhân vật hô mưa gọi gió, tính toán như Thần, sống vào thời Tam Quốc. Ông được Lưu Bị đích thân “tam cố mao lư” cung kính mời phò tá. Ông xuất sơn trợ giúp Lưu Bị, thúc đẩy liên minh Tôn Quyền – Lưu Bị đại phá quân Tào trong trận Xích Bích, đặt nền móng cho thế chân vạc Tam Quốc. Cuộc đời ông là những câu chuyện truyền kỳ. Ông cũng là mẫu người tiêu biểu của văn hóa truyền thống “tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”, cả đời “cúc cung tận tụy, đến chết mới thôi”.

Gia Cát Lượng tự giác kê khai tài sản

Khai báo và công bố tài sản, việc này hiện nay mọi người đều coi là bình thường, là bắt buộc đối với các chính khách, quan chức, nhưng cũng là việc rất nhạy cảm. Tuy nhiên, việc này trong lịch sử đã có từ rất lâu rồi. Hơn ngàn năm trước đây, Gia Cát Lượng là người đầu tiên đã tự mình tự giác kê khai tài sản.

Lưu Bị trước khi chết đã giao Hậu chủ Lưu Thiền phó thác cho Gia Cát Lượng. Sự vụ của nhà Thục Hán bất kể lớn nhỏ, Gia Cát Lượng đều phải đích thân xử lý.

“Tam Quốc chí” có viết, Gia Cát Lượng lúc còn sống đã dâng biểu tấu lên Hậu chủ Lưu Thiền rằng: “Hạ thần Gia Cát Lượng, trước tiên xin khởi bẩm Hậu chủ rằng:

Nhà hạ thần ở Thành Đô có 800 cây dâu, 15 mẫu ruộng bạc màu, đủ ăn mặc cho anh em, con cháu. Còn hạ thần làm quan ở ngoài, không có thu nhập nào khác, việc ăn mặc của bản thân hạ thần đều theo chế độ cung cấp, ngoài lương ra, không có thu nhập nào khác, không có mưu sinh khác. Đến khi hạ thần chết, vẫn sẽ đảm bảo ở nhà không có lụa dư, ở ngoài không có tài sản, không để phụ lòng bệ hạ.

Khi Gia Cát Lượng chết, quả đúng như những gì ông đã nói”.

Gia Cát Lượng tự giác kê khai tài sản
Gia Cát Lượng sống minh bạch cả đời, đến lúc chết cũng tỏ rõ lòng hiếu chung. (Ảnh: youtube.com)

Trong bản tấu, tuy chỉ có vài lời ngắn ngủi, Gia Cát Lượng đã khai báo rõ ràng minh bạch nguồn gốc gia sản và thu nhập của bản thân. Ông chỉ có thu nhập từ lương, “không có thu nhập nào khác” đã nói rõ không có thu nhập xám. “Không có mưu sinh khác” đã bày tỏ rõ không có kinh doanh khác, không có “công ty đứng tên người khác”. “Đến khi hạ thần chết, vẫn sẽ đảm bảo ở nhà không có lụa dư, ở ngoài không có tài sản, không để phụ lòng bệ hạ”, mấy lời khai báo “công khai tài sản” này cũng nói rõ rằng, việc này có thể qua kiểm tra, thanh tra chứng thực được. “Khi Gia Cát Lượng chết, quả đúng như những gì ông đã nói” chính là kết quả sau khi kiểm tra thanh tra xác minh chứng nhận. Có thể thấy Gia Cát Lượng cả đời liêm khiết, thanh bạch.

Gia Cát Lượng dạy con trai “Đạm bạc minh chí, ninh tĩnh chí viễn”

Năm Gia Cát Lượng 46 tuổi mới có một con trai. Sách “Nghệ văn loại tụ” có chép một thiên “Giới tử thư”, đó là thư của Gia Cát Lượng lúc ông 54 tuổi, răn dạy con là Gia Cát Chiêm 8 tuổi. Gia Cát Lượng nói: “Không đạm bạc thì không tỏ rõ được chí hướng, không yên tĩnh thì không thể gây dựng được chí hướng cao xa”. Sau này, câu này được rút gọn lại thành: “Đạm bạc minh chí, ninh tĩnh trí viễn”, được người đời ái mộ.

Gia Cát Lượng chẳng phải kẻ tầm thường, ông trên thông thiên văn, dưới tường địa lý, văn thao võ lược đều tinh thông. Tại sao ông lại dạy con còn ấu thơ “Đạm bạc minh chí, ninh tĩnh trí viễn”?

Thực ra, “đạm bạc” mà Gia Cát Lượng kỳ vọng không phải là để Gia Cát Chiêm tầm thường chẳng làm nên trò trống gì, trốn người tránh đời, ẩn cư nơi núi rừng hoang dã trong “đạm bạc”, cũng không phải để con lười nhác an dật, uổng phí một đời trong “ninh tĩnh”. Gia Cát Lượng hy vọng con “Đạm bạc minh chí”, khi trong tâm không có tạp niệm, vô dục vô cầu, thì sẽ khiến chí hướng càng rõ ràng, càng kiên định. Mà trong trạng thái thanh tỉnh, lý tính, con người mới không bị danh lợi trói buộc, níu kéo, mới không bị những phồn hoa chốn nhân gian mê hoặc, gặm mòn.

Gia Cát Lượng dạy con trai “Đạm bạc minh chí, ninh tĩnh chí viễn”
Gia Cát Lượng nói: “Không đạm bạc thì không tỏ rõ được chí hướng, không yên tĩnh thì không thể gây dựng được chí hướng cao xa”. (Ảnh: youtube.com)

Đồng thời, Gia Cát Lượng răn dạy con “Ninh tĩnh trí viễn”, cần duy trì tâm thái tốt, khắc chế tính nóng vội. Khi tâm tĩnh lặng thì mới có thể rộng lớn, sâu sắc như bầu trời cao xa. Người có thể tĩnh lặng được như thế thì tầm nhìn mới lâu dài, cao xa được.

Khi Gia Cát Lượng khuất thế ở gò Ngũ Trượng, con trai ông mới có 8 tuổi. Sau khi Gia Cát Lượng khuất núi, Lưu Thiền đối đãi Gia Cát Chiêm như con ruột của mình. Không chỉ có vậy, Hậu chủ còn hứa gả con gái cho Gia Cát Chiêm. Gia Cát Chiêm đã đảm đương nhiều chức quan khác nhau của nhà Thục Hán.

Mùa thu năm 263, đại tướng của Tào Ngụy là Tư Mã Chiêu lập kế sách cất đại quân chinh phạt Thục, lệnh cho Đặng Ngải dẫn hơn 3 vạn quân tấn công Khương Duy, lệnh cho Thứ sử Ung Châu là Gia Cát Tự dẫn hơn 3 vạn quân cắt đứt con đường rút lui quân Thục, lệnh cho Chung Hội dẫn trên 10 vạn quân chủ lực tấn công Hán Trung, bổ nhiệm Vệ Quán làm giám quân. Rất nhanh chóng, Chung Hội đã phá được Hán Trung, Khương Duy phải lùi về cố thủ ở Kiếm Các, hai bên giữ thế giằng co.

Tháng 10 năm đó, Đặng Ngải dẫn tinh binh, theo đường mòn Âm Bình tấn công Thục. Sau khi Đặng Ngải đến Giang Du, tướng trấn giữ của Thục Hán là Mã Mạc đầu hàng. Đặng Ngải dẫn quân gấp rút tấn công Phù Thành và Cẩm Trúc. Gia Cát Chiêm trấn giữ Phù Thành án binh bất động. Hoàng Sùng nhiều lần khuyên Gia Cát Chiêm mau chóng xuất quân chiếm giữ các nơi hiểm yếu trước, ngăn chặn quân địch tiến vào đồng bằng. Đáng tiếc Gia Cát Chiêm lưỡng lự không quyết, cũng không nghe theo kế, Hoàng Sùng vì thế nhỏ lệ.

Đặng Ngải thế mạnh, tiến quân như chẻ tre. Gia Cát Chiêm nói: “Ta trong triều không diệt trừ Hoàng Hạo (hoạn quan lộng quyền), ngoài triều không khắc chế Khương Duy (lúc đó Khương Duy thế cô, không địch nổi nên trá hàng, Gia Cát Chiêm tưởng thật), tiến quân không giữ được Giang Du, ta có 3 tội, còn mặt mũi nào trở về đây”. Cuối cùng rút lui trấn thủ Cẩm Trúc. Hoàng Sùng khích lệ thuộc hạ tử chiến, cuối cùng tử trận.

Gia Cát Chiêm thề tử chiến chống cự, nhưng do quân ít, tương quan một trời một vực, nên cuối cùng tử trận. Con của Gia Cát Chiêm là Gia Cát Thượng mới 10 tuổi, nghe tin cha tử trận, vô cùng đau đớn, lập tức phi ngựa múa kiếm xông thẳng vào quân Ngụy, khảng khái xông vào chỗ chết.

Gia Cát Lượng dạy con trai “Đạm bạc minh chí, ninh tĩnh chí viễn”
Gia Cát Chiêm và con trai cũng thừa hưởng tinh thần tinh trung của Gia Cát Lượng mà tử trận. (youtube.com)

Gia Cát Chiêm vì nghĩa tuẫn nạn khiến quân địch cũng khâm phục. Không lâu sau, Đặng Ngải tiến quân đến Thành Đô, Hậu chủ Lưu Thiền đầu hàng, nhà Thục Hán diệt vong.

Sự tích ba đời Gia Cát Lượng, con trai, cháu trai trung nghĩa tuẫn quốc đã được sử sách lưu danh muôn thuở.

Theo Soundofhope.org

Nam Phương biên dịch