Trong cuộc sống, mỗi chúng ta đều phải đối diện với muôn vàn khó khăn khác nhau. Nhưng thay vì trốn tránh, cách tốt nhất là đối diện với nó, khắc phục nó, nếu không thì sớm muộn khó khăn ấy cũng sẽ quay về với chúng ta.

Có một nỗi sợ mang tên “phiền phức”

Nói về “phiền phức”, tôi thường nhớ đến cô giáo dạy toán hồi cấp ba của mình. Lúc đó cô đã ngoài 60, “tuyết sương nhuốm nửa mái đầu hoa râm”. Ấy vậy nhưng cô vẫn đi lại nhanh nhẹn, và đặc biệt là khi giảng bài thì thần sắc lúc nào cũng tràn đầy sức sống.

Mỗi lần hướng dẫn giải bài toán khó, cô thường trình bày từng bước từng bước làm bài trên bảng, rồi yêu cầu chúng tôi phải ghi chép lại tỉ mỉ. Có một lần giảng về dạng bài toán có nhiều cách giải khác nhau, cô đã yêu cầu chúng tôi chép vào vở để về nhà ôn lại.

Lúc ấy tôi cho rằng biết một cách là được rồi, học nhiều thế để làm gì? Vậy là tôi chỉ ghi chép lại cách giải đơn giản nhất, còn những cách còn lại tôi cho rằng sao mà phiền phức thế.

Nào ngờ, cuối buổi hôm ấy cô đã thu hết vở của chúng tôi lên để kiểm tra. Tôi ngồi dưới lớp mà tim đập chân run, thầm cầu mong cô sẽ bỏ qua cuốn vở của mình…

Và quả đúng như những gì tôi dự liệu, cô đã thẳng thắn phê bình: “Cô từng này tuổi rồi còn không ngại khó ngại khổ, tuổi trẻ các em lại sợ là sao? Bây giờ các em làm biếng thì sau này sẽ phải đánh đổi bằng những giọt nước mắt của mình. Các em cứ trốn tránh như thế, thì sau này có thể làm được gì đây?”.

Quả nhiên, đến kỳ thi cuối năm, đề bài chính là dạng bài toán khó mà cô từng hướng dẫn. Tôi cứ loay hoay mãi mà không thể tìm ra lời giải. Càng vội vàng thì lại càng bối rối, kết quả là những bài tiếp sau đó tôi cũng không nhớ cách làm bài. Kỳ thi năm ấy, cả cha mẹ và họ hàng đều rất kỳ vọng vào tôi, nhưng thành tích của tôi lại khiến mọi người thất vọng, tạo cho tôi một áp lực rất lớn trong lòng.

Chỉ vì một phút hồ đồ lười biếng mà tôi đã phải gánh hậu quả nghiêm trọng. Kể từ đó tôi đã rèn cho mình tính cách không ngại khó không ngại khổ. Mỗi khi gặp khó khăn, tôi sẵn sàng đối diện với nó, giải quyết nó mà không hề trốn tránh.

Tôi đã rèn cho mình tính cách không ngại khó không ngại khổ. Mỗi khi gặp khó khăn, tôi sẵn sàng đối diện với nó, giải quyết nó mà không hề trốn tránh. Ảnh dẫn theo twitter.com

Sợ phiền phức đánh mất cơ hội

Tôi có người chị họ làm trong một công ty thuộc vào những doanh nghiệp lớn nhất cả nước. Sau rất nhiều năm âm thầm cống hiến, cuối cùng chị cũng có cơ hội được thăng chức làm cán bộ quản lý cấp cao. Công ty có quy định, từ bằng cấp thạc sỹ trở lên thì được đãi ngộ theo chế độ lương bổng đặc biệt, hơn nữa còn được đi nước ngoài bồi dưỡng. Vì để nắm bắt cơ hội này, chị đã hỏi tôi về một khóa học thạc sỹ chuyên ngành.

Trước đây tôi vẫn nghe nói rằng nghiên cứu thạc sỹ luôn là mơ ước của chị. Thế nhưng khi tìm hiểu các yêu cầu của khóa học, chị lại cho rằng: “Thật là phiền phức, lại phải học tiếng anh, học toán số mà thời gian thi lại sắp đến rồi”.

Tôi bèn khích lệ: “Trước nay chị luôn có khiếu học hành, mấy chuyện này đâu có gì làm khó được chị, chị cố lên”. Chị lại thở dài: “Nhưng đã lâu rồi chị không còn động đến sách vở, thời sinh viên cũng qua đi rồi, giờ chỉ nghĩ thôi đã thấy ngại chứ đừng nói gì đến đi học”.

Cho dù tôi có khích lệ thế nào, chị cũng không lay chuyển. Thời gian qua đi, một tháng, hai tháng, ba tháng, chị vẫn không sẵn sàng. Kết quả là khi kỳ thi đến chị đành bỏ lỡ mất cơ hội, chấp nhận tiếp tục làm ở vị trí trước đây. Chị vẫn tiếc nuối rằng, mọi điều kiện chị đều đáp ứng chỉ thiếu mỗi luận án Thạc sỹ, chỉ cần thi đỗ là được.

Chỉ vì sợ khó sợ khổ mà đành lỡ mất cơ hội, chấp nhận “giậm chân tại chỗ” để bảo vệ nỗi sợ của chính mình. Tục ngữ có câu: “Nước ấm nấu ếch” cũng có một tầng ý nghĩa này. Khi gặp vấn đề chúng ta thường trốn tránh, không dám đối diện, không dám mạo hiểm, tìm đủ mọi lý do để thoái thác và rồi cái mất sau cùng lại lớn hơn nhiều so với cái được của việc tránh né khó khăn ban đầu.

Chỉ vì sợ khó sợ khổ mà đành lỡ mất cơ hội, chấp nhận “giậm chân tại chỗ” để bảo vệ nỗi sợ của chính mình. Ảnh dẫn theo Tinmoi.vn

Để đối mặt phiền phức trở thành một thói quen

Tôi có cậu bạn thân đang làm cho doanh nghiệp nước ngoài, hàng tháng vừa phải hoàn thành doanh số định mức mà công ty yêu cầu, vừa phải thường xuyên đi công tác để điều tra thị trường.

Mỗi lần điều tra thị trường, cậu ta đều cau mày nhăn mặt, so với việc hoàn thành doanh số hàng tháng thì còn phức tạp hơn nhiều. Lý do là đi công tác cần rất nhiều thủ tục, đến khi về lại phải nộp vô số báo cáo, rồi lại phải làm kế hoạch tháng, kế hoạch quý, kế hoạch năm cho cấp trên đánh giá.

Một lần cậu bạn tôi trở về sau chuyến công tác, vì phải xử lý nhiều việc phát sinh nên không kịp làm báo cáo, cấp trên cũng không hỏi nên cậu ta quyết định không làm nữa. Một vài chuyến công tác sau đó cũng vậy, doanh số vẫn ổn định nên công ty không hỏi đến báo cáo.

Cũng có lúc rảnh rỗi, cậu bạn tôi có thể sắp xếp thời gian làm báo cáo bù, nhưng vì cảm thấy phiền phức nên cậu ta lại bỏ dở giữa chừng. Bẵng đi một thời gian, trong một lần xử lý đơn hàng có vấn đề phát sinh, công ty yêu cầu trình báo cáo tổng kết của những lần công tác trước đây để đối chiếu. Đến lúc này thì lấy đâu ra báo cáo? Có quá nhiều thông tin cần cập nhật, quá nhiều hồ sơ cần tra cứu lại, có phân thân ra thì cũng khó có thể làm kịp. Sau cùng cậu bạn tôi buộc phải nhận kỷ luật, cắt thưởng trừ lương.

Kể từ đó, sau mỗi chuyến công tác cậu ta đều chăm chỉ làm báo cáo, số liệu mỗi tuần đều thống kê chi tiết rõ ràng. Giờ đây, cậu kể với tôi rằng làm báo cáo đã trở thành thói quen, cậu không ngại phải đối mặt phiền phức nữa, chỉ có hoàn thành việc cần làm mới là thực tế nhất. Albert Einstein có một câu nói rất hay rằng: “Người trí thức giải quyết rắc rối; bậc anh tài ngăn chặn rắc rối”. Để ngăn chặn rắc rối, thì không gì hơn là dám đối mặt với khó khăn mà giải quyết nó. Đây chính là tiền đề thành công trong mọi lĩnh vực.

Trên thực tế, khi chúng ta nuôi dưỡng cho mình thói quen sẵn sàng đối mặt thì cái được gọi là khó khăn kia cũng sẽ không còn khiến bạn thấy phiền phức nữa.

Đại đa số chúng ta e ngại khó khăn là bởi bản thân không dám đối diện, nhưng đó cũng chính là lý do mà phiền phức ngày một đeo bám chúng ta nhiều hơn.

Để đối mặt phiền phức trở thành một thói quen. Ảnh dẫn theo cafebiz.vn

Đối diện thử thách, vượt lên chính mình

Tôi còn nhớ Les Brown từng nói một câu kinh điển rằng: “Trở ngại duy nhất trên con đường đi tới cuộc sống trọn vẹn là chính bạn, và nó có thể là một trở ngại đáng kể vì bạn mang theo mình hành trang của những nỗi bất an…”

Thực vậy, điều chúng ta nhìn nhận là “khó khăn” ấy thực ra không khó như chúng ta vẫn nghĩ. Chỉ có điều, chúng ta luôn muốn duy trì trạng thái an nhàn của bản thân nên mới coi những cánh cửa cơ hội và bước ngoặt trên đường đời là khó khăn.

Nếu như không dám đối diện với thử thách, vượt lên chính mình mà tiếp xúc với những điều mới lạ của cuộc sống, thì sau cùng chúng ta sẽ ngày một phong bế chính mình, thất bại trong chính sự an bài của mình. Bởi vì, con người luôn phải đối diện với nghịch cảnh. Sợ phiền phức cũng chính là sợ cuộc sống, khi phiền phức không còn thì cuộc sống cũng kết thúc.

Trong cuộc đời, mỗi người đều phải gặp các trở ngại khác nhau. Nếu cứ gặp phiền phức là bài trừ, là trốn tránh, là oán giận, cuối cùng chúng ta vẫn không thể tránh được mà còn bị phiền phức ấy trói chặt và bao vây.

Vậy nên, tất cả những gì mà bạn trốn tránh cuối cùng rồi cũng quay về bên bạn, chỉ có đối diện với nó mới là lối thoát duy nhất mà thôi.

Minh Vũ