Không tham của rơi là tính tốt, nhặt được của rơi lại đem hoàn chủ là nết đẹp. Thấy người gặp khó khăn, ra tay tương trợ, càng là nghĩa cử đẹp, hơn nữa người được giúp đỡ là kẻ không quen biết, lại càng khiến mọi người cảm phục! Dưới đây là một câu chuyện như vậy.
Vào năm Gia Tĩnh triều đại nhà Minh, vào buổi chiều cuối thu, bầu trời ảm đạm, ở cửa tây thành Hoàng Nham xuất hiện một kiệu hoa lộng lẫy, trang hoàng hoa lệ, kèn trống vang rần, người đưa tấp nập, thật náo nhiệt. Kiệu hoa vừa đến Bắc Dương thì gặp mưa, may là gần đó có một cái đình nhỏ, mọi người vội đưa kiệu hoa lên đó để tránh mưa. Ngay khi ấy cũng có một kiệu hoa đơn sơ, đang được người nhà đưa lên đồi, vào đình để tránh mưa. Vì đình quá nhỏ, chỉ đủ chỗ cho hai kiệu hoa, nên người nhà của hai bên chỉ còn cách chạy đến cội cây dương gần đó đứng đỡ. Trong đình chỉ còn hai kiệu hoa.
Hai cô dâu ngồi trên hai kiệu, đối mặt với nhau. Cô dâu trên kiệu hoa lộng lẫy nhìn thấy cô dâu trên kiệu hoa kia đang gục đầu sụt sùi khóc, áo cưới trang sức thật sơ sài, người đưa chẳng bao nhiêu, chỉ có một đàn cầm cùng một kèn tấu nhạc. Nên đoán rằng cô dâu này là dân quê nghèo, gia cảnh bần hàn; bỗng đem lòng thương cảm, nên mở lời thăm hỏi:
“Này em! Hôm nay là ngày lành của chúng ta, tại sao em lại âu sầu như vậy?”
Cô dâu bên kiệu kia ngưng khóc, đưa mắt nhìn cô dâu bên này, thấy trên người áo quần trang sức lộng lẫy, nên lại rơi lệ, đáp:
“Chị ơi! Em khổ lắm. Cha mẹ vì em xuất giá nên đã mang công mang nợ. Nghe nói bên nhà chồng cũng chẳng khá giả gì, vợ chồng sau này làm sao sống bình an đây…”
Cô dâu bên kiệu hoa lộng lẫy kia nghe nói thế, cũng đồng cảm, định tâm giúp đỡ, nhưng đang trên đường về nhà chồng, làm sao có gì mà giúp… Đang nghĩ ngợi, chợt nhớ mình có hai túi “của hồi môn” (giá ngân đãi), trong ý sáng lên, bèn cầm lấy một túi, nói với cô kia:
“Này em! Lúc chị lên xe hoa, cha mẹ có cho hai túi của hồi môn, nay chị cho em một túi nhé. Nói rồi, liền thẩy một túi sang bên kiệu kia, cái túi rơi vào lòng cô dâu nọ”.
Cô này sửng sốt nói:
“Cha mẹ cho chị hai túi của hồi môn là muốn chị được nên đôi nên cặp, làm sao chị lại chia cho em. Phận bèo nước gặp nhau, làm sao em dám nhận tặng vật của người?”
Chính đương lúc cô định nói lời cảm tạ rồi thẩy cái túi trở lại thì trời đã dứt mưa, người của hai bên vào đình, đưa kiệu đi hai hướng khác nhau, nên cô không đưa lại được cái túi cho cô kia.
Giờ đây, hai cô dâu ấy đã sống đời vợ chồng ở hai phương trời xa lạ.
Trước tiên, nói về cô dâu đã tặng túi của hồi môn cho người. Cô ấy là Vương Lan Trân – con gái duy nhất của gia đình họ Vương ở phía bắc thành Hoàng Nham, được gả cho một vị tú tài văn võ song toàn, đang trông coi Trịnh thôn ở phía tây, tên là Trịnh Mộ Địch. Người này gia cảnh phú túc, cha mẹ đã qua đời, tính tình khoáng đạt đại độ, trọng nghĩa khinh tài, xóm làng đều mến mộ. Vợ chồng sống tâm đầu ý hợp.
Cũng vì trời có mưa nắng, người có họa phúc sớm chiều. Vào một ngày sau hai tháng kết hôn, có một hung tin rằng, toàn gia của Lan Trân ở thành Hoàng Nham bị hải tặc giết hết cướp đi toàn bộ gia sản, Lan Trân cùng chồng vô cùng đau khổ. Bọn hải tặc còn đang tiến về tây, nơi vợ chồng Lan Trân đang sống.
Tin tức truyền đi, nơi Trịnh thôn mọi người muốn chống giặc, các nhà giàu muốn được bảo vệ tài sản, tìm đến Mộ Địch hỏi ý. Mộ Địch kêu gọi dân trong thôn có tiền góp tiền có sức góp sức, đồng tâm hiệp lực bảo vệ xóm làng. Sau một thời gian, một đoàn thể hơn ba trăm dân làng đã hình thành, Mộ Địch được đề cử làm chỉ huy, Lan Trân lo cung cấp vật tư. Mọi người định rằng, trước mắt mọi phí dụng do gia đình Mộ Địch đứng ra vay mượn của dân chúng. Sau khi đánh giặc xong sẽ phân ra mỗi nhà chịu một phần mà hoàn trả.
Mộ Địch xem xét địa thế, cho dân mai phục ở Ngưu Đầu Lĩnh cách thôn làng năm dặm. Hải tặc kéo đến bị lọt ổ phục kích, chết gần hết.
Sau chiến thắng, các nhà phú hào không làm theo lời hứa trước đây, mà nói ngược rằng, ai vay người ấy trả, khiến Mộ Địch phải đứng ra trả nợ, gia sản gần như khánh kiệt. Các phú ông lại còn lên quan tố giác, Mộ Địch lợi dụng lúc có giặc giả mà mưu lợi riêng. Quan ra lịnh tróc nã, khiến Mộ Địch phải đang đêm trốn đi biệt xứ còn Lan Trân bồng con đi tha phương cầu thực.
Lan Trân bồng con đi về phương nam, giúp việc cho một quán rượu. Chủ quán tên Hứa Doanh Sinh, vợ là Cốc Kim Hoa. Cốc Kim Hoa chính là cô dâu nghèo năm xưa ngồi khóc trên kiệu hoa vậy.
Sau khi Kim Hoa đến làm dâu nhà họ Hứa, mở túi của hồi môn xem thấy trong đó có năm mươi lạng bạc. Bởi không tìm được người đã tặng mình, hai vợ chồng quyết định dùng số tiền này một phần để trả nợ, phần còn lại làm vốn buôn bán. Mới đầu bán tạp hóa, sau mở quán rượu, dần dần vượng phát. Vì cảm kích ơn người xưa đã tặng tiền, họ dựng nên một “cảm ân đường” thờ cúng “túi của hồi môn” được tặng năm xưa, người làm trong nhà chỉ biết đó là nơi quan trọng nhất trong nhà, không ai biết bí mật trong ấy.
Lan Trân đến nhà họ Hứa, nhờ siêng năng làm việc lại biết tính toán, nên chẳng bao lâu trở thành người đắc lực trong nhà. Làm việc khoảng ba năm, vào một ngày cuối năm, Lan Trân xin trở về Trịnh thôn hỏi thăm tin tức của chồng, Kim Hoa liền thuê một kiệu nhỏ đưa nàng về. Đến Trịnh thôn, bà con năm xưa đều mừng rỡ, nhưng không ai biết Mộ Địch ở đâu cả. Đến ngày thứ ba, Lan Trân trở về nhà họ Hứa, bà con rơi lệ tiễn đưa, để vào kiệu của nàng nhiều quà tết.
Về đến nhà họ Hứa, vào buồng riêng, Lan Trân mở quà tết, thấy có bao đậu phộng, thấy quen quen, nàng đổ hết đậu phộng ra, xem kỹ, thấy trên bao có thêu đôi uyên ương, thì ra đây chính là túi của hồi môn năm xưa, lúc loạn ly vợ chồng thất tán, Lan Trân đã để mất nó. Cầm túi của hồi môn trong tay, lại nhớ đến tình cảnh của mình, nàng khóc tức tưởi.
Kim Hoa không thấy Lan Trân ra ăn cơm, nên tìm đến buồng nàng hỏi thăm, chợt thấy Lan Trân cầm túi của hồi môn trên tay. Kim Hoa đem cái túi mình đang thờ phụng ra so sánh, hỏi thăm cặn kẽ thì ra Lan Trân chính là người ân của Kim hoa năm xưa …
Sau khi biết ra chuyện, vợ chồng Doanh Sinh quyết định đem gia sản phân chia cho Lan Trân. Lan Trân cự tuyệt nói:
“Tài vật này là do hai người vất vả lao động cần kiệm mà có, nếu túi của hồi môn đó tôi đem theo thì bây giờ cũng đâu còn”.
Vợ chồng Doanh Sinh vô cùng cảm phục, bèn muốn gả con gái của mình cho con trai của Lan Trân, hai bên kết thành thông gia.
Qua vài ngày sau, vào lúc trưa trước cửa nhà Hứa gia ngựa xe huyên náo. Số là sau khi bôn tẩu, Mộ Địch đầu quân vào nhà họ Thích, nhờ công trạng chống giặc, được thăng chức “tùy quân tham tán”, nay đến đón vợ con đoàn tụ.
Vợ chồng Doanh Sinh tiễn gia đình Mộ Địch hồi quê. Khi đi ngang qua vùng đồi núi Bắc Dương, nơi Lan Trân chia cho Kim Hoa một túi của hồi môn. Lan Trân cảm khái cho đề ba chữ “Phân Giá Lãnh” treo tại đó. Từ đó sự tích “Phân Giá Lãnh” được lưu truyền tới nay.
Giúp người là làm việc thiện, nhưng tài vật không trường tồn mãi, chỉ một cơn hoạn nạn có thể trắng tay như Lan Trân trong chuyện kể, nhưng quy luật gieo thiện nhân kết thiện quả là không bao giờ đổi thay. Giữa đường ra tay giúp đỡ người không quen biết, chẳng để lại tên tuổi, không mong báo đáp – Đức hạnh này thật là đáng quý.
Theo Tinhhoa.net
Xem thêm: