Một hôm lúc hoàng hôn, trời vừa sẩm tối, Phật Đà Thích Ca Mâu Ni truyền Pháp đến nước Ma Yết Đà (Magadha), đến tá túc ở nhà thầy trò Ca Diếp, người tín phụng Bà La Môn giáo, tu trì thờ lửa. Phật Đà thần thái nghiêm túc, dung mạo nghiêm trang, bước lên thi lễ rồi nói: “Tôi từ Ba La Nại đến, trời đã tối, xin tá túc ở chỗ quý ngài một đêm.
Ca Diếp trả lời: “Tá túc thì không có vấn đề gì, chỉ là các phòng đều có đệ tử đang ở, chỉ còn lại một căn thạch thất, tuy rộng rãi sạch sẽ, nhưng có một con ác long nằm trong đó, nó phun lửa sát thương người, thực không dám để ông tá túc. Chẳng còn cách nào khác, xin ông đến nơi khác tá túc vậy”.
Phật Đà nói: “Đã có thạch thất thì để tôi ở trong đó là tốt rồi”. Ca Diếp khuyên can mấy lần, Phật Đà vẫn cứ kiên quyết. Ca Diếp không còn cách nào khác, đành để Phật Đà trú ở trong căn thạch thất có con ác long đang ở.
Đến đêm, bỗng thấy thạch thất lửa cháy ngút trời, đỏ rực khắp trời, thầy trò Ca Diếp kinh hãi trở dậy, vội vàng chuyển nước dập lửa cứu người, nhưng bất lực vì lửa quá lớn, không thể dập được. Thầy trò Ca Diếp cho rằng, vị Sa Môn trẻ tá túc đó, ắt đã bị lửa thiêu chết rồi.
Sáng hôm sau, một đoàn người thầy trò Ca Diếp đến thạch thất, chỉ thấy trong ngoài thạch thất là một màu cháy đen, lửa đã tắt rồi. Bỗng nhiên trong nhà có tiếng nói truyền đến: “Cảm tạ ơn cho tá túc đêm qua. Tôi nội tâm thanh tịnh, tai hại bên ngoài không tổn thương đến tôi được, con ác long đã bị tôi thu vào trong cái bát rồi”. Tiếng nói vừa dứt, một người từ trong thạch thất đi ra, chính là vị Sa Môn trẻ tá túc đêm qua.
Mọi người thấy Phật Đà ở trong lửa mà không bị thiêu, lại có thể hàng phục ác long, cảm thấy vô cùng kinh ngạc, mới biết Phật Đà không phải là người thường. Ca Diếp tuy trong lòng kinh ngạc, nhưng vẫn nói với các đệ tử rằng: “Vị Sa Môn trẻ này tuy có Thần thông, nhưng vẫn không bằng đạo pháp chân thực của chúng ta”.
Ca Diếp nói như vậy, thực sự là sợ các đệ tử của mình đều đi theo Phật Đà, không muốn ông làm thầy nữa.
Sau đó liên tục xảy ra rất nhiều sự việc lạ kỳ. Buổi sáng, theo thường lệ, họ đều thắp Thánh hỏa (lửa Thánh) để cúng tế, nhưng bất luận thế nào cũng không thắp lửa lên được. Các đệ tử phụ trách bổ củi, làm thế nào đi chăng nữa cũng không nhấc nổi rìu. Ca Diếp biết là Phật Đà làm phép, bèn nói với Phật Đà những việc đó. Phật Đà trả lời: “Ông cứ về đi, lửa sẽ thắp được, rìu sẽ nâng được”. Ca Diếp trở về xem, quả nhiên Thánh hỏa đã cháy rừng rực, các đệ tử đang ra sức bổ củi.
Ca Diếp biết đã gặp một đối thủ chân chính, nhưng lại không chịu thua, trong lòng nghĩ: “Vị Sa Môn trẻ này chẳng qua là có chút Thần thông, Phật pháp khẳng định là không thể bằng mình”. Nào có hay, tâm niệm Ca Diếp vừa động, những cái rìu trong tay các đệ tử lại không thể nhấc lên nổi. Ca Diếp đành phải đến cầu xin Phật Đà lần nữa thì việc mới xong.
Nhưng Thánh hỏa đang thờ cúng lại có vấn đề, đến lúc lửa cần tắt, nhưng lại không có cách nào dập tắt được. Cuối cùng Ca Diếp đành phải cầu xin Phật Đà.
Mấy hôm sau, Ca Diếp mở tiệc, đích thân đến mời Phật Đà. Phật Đà bảo Ca Diếp về trước, nói rằng mình sẽ tới ngay. Nào ngờ, Ca Diếp về đến chỗ ở của mình lại thấy Phật Đà đã ở đó rồi, trên tay còn cầm một trái dưa kỳ lạ. Phật Đà nói với Ca Diếp, quả dưa này là Phật đi đến Tứ Đại Bộ Châu xa lắc lấy về. Ca Diếp trong lòng kinh ngạc, không dám tin, bèn qua quýt cho qua.
Bữa tiệc kết thúc, những Thần kỳ mà Phật Đà làm càng nhiều. Ngài muốn tắm gội, mặt đất xuất hiện một hồ nước. Tắm gội xong, cây cối xung quanh tự động trĩu xuống, như tấm màn, để ngài đi. Rất nhiều sự việc kỳ lạ như thế, khiến thầy trò Ca Diếp càng ngày càng kinh ngạc.
Một hôm, đến ngày lễ tiết của Bà La Môn giáo, vương công quý tộc, giới thượng lưu nước Ma Yết Đà đến tham gia lễ hội, tiến hành các hoạt động pháp sự kéo dài 7 ngày. Ca Diếp trong lòng vô cùng lo lắng: “Nếu vị Sa Môn trẻ ở đây, mọi người sẽ thấy tướng mạo trang nghiêm và pháp lực Thần thông của ông ấy, ắt sẽ bỏ ta mà theo ông ấy, sự nghiệp cả đời của ta coi như kết thúc. Chỉ mong vị Sa Môn trẻ này trong 7 ngày này không xuất hiện”.
Quả nhiên, trong thời gian pháp hội 7 ngày, Phật Đà không xuất hiện. Ca Diếp nghĩ là may mắn. Pháp hội kết thúc, còn lại chút món ăn ngon. Ca Diếp trong lòng thầm nghĩ: “Vị Sa Môn trẻ bây giờ có mặt thì tốt quá, mình có thể mời ông ấy một bữa ngon”.
Tâm niệm vừa mới xuất động, đã thấy Phật Đà ở ngay trước mặt. Ca Diếp lúc này mới biết, Phật Đà Thần thông vô biên, có thể biết được người khác suy nghĩ gì. Như thế có nghĩa là trong mấy ngày pháp hội không thấy ông ấy xuất hiện, thì ra là ông ấy để giữ thể diện cho mình, đã cố ý tránh đi. Nghĩ đến đây, Ca Diếp vô cùng kính phục khả năng và nhân cách cao thượng của Phật Đà, bắt đầu nảy sinh thiện cảm với Phật Đà.
Qua một loạt các sự việc cảm hóa như thế này, Phật Đà thấy thời cơ đã thành thục, bèn bắt đầu trực tiếp khuyên bảo Ca Diếp:
“Này ông Ca Diếp, ông bây giờ vẫn chưa là A La Hán, cũng không biết tu hành thế nào mới trở thành A La Hán. Nhưng lại tự coi mình quá cao, trong tâm ngạo mạn, vì thể diện mà làm hư ảo giả dối, sao có thể xứng là người có Đạo được cơ chứ?”.
Ca Diếp nghe những lời này, trong lòng vô cùng xấu hổ và sợ sệt, dựng hết tóc gáy, bày tỏ nguyện ý quy y Phật Đà, theo Phật học Pháp. Phật Đà bèn giảng Đạo thuyết Pháp cho Ca Diếp và 500 đệ tử của Ca Diếp, cạo tóc thọ giới, tiếp nhận họ làm môn đệ. Thầy trò Ca Diếp đem tất cả đồ tế thờ lửa vứt hết xuống sông Ni Thiền Liên.
Lúc đó Ca Diếp có 2 huynh đệ, một người là Na Đề Ca Diếp, một người là Già Các Ca Diếp, đều tu trì pháp thờ lửa của Bà La Môn giáo, mỗi người có 250 đệ tử, cư trú ở hạ du sông Ni Thiền Liên. Bỗng một hôm thấy đồ thờ cúng lửa bị thầy trò Ca Diếp ném xuống sông trôi theo dòng nước xuống hạ du, vội vàng đến nghe ngóng tin tức. Sau khi hỏi rõ ngọn ngành, họ đều quy y làm môn đệ của Phật Đà.
Câu chuyện đẹp này đã phản ánh chân thực lịch sử, đó chính là quá trình Phật giáo truyền bá đến nước Ma Yết Đà. Nước Ma Yết Đà là trung tâm văn hóa đương thời của Ấn Độ, lĩnh vực tư tưởng đương thời bị Bà La Môn giáo nắm giữ. Là một chính giáo, Phật giáo có được đông đảo dân chúng Ấn Độ tiếp nhận không? Điều này đã khiến Phật Đà quyết tâm truyền giáo vào nước Ma Yết Đà.
Phật giáo bắt đầu thay thế Bà La Môn giáo, khiến cho Phật giáo trở nên hưng thịnh ở nước Ma Yết Đà.
Hôm nay, nếu lại có bậc Giác Giả xuống độ nhân như Phật Thích Ca xưa, hy vọng chúng ta đều có ngộ tính tốt như ngài Ca Diếp, vứt bỏ chấp trước và hư danh mà tiếp nhận hóa độ.
Theo Đại Kỷ Nguyên tiếng Trung
Nhất Tâm biên dịch