“Trong nhà có người vợ hiền lương, giống như quốc gia có vị tể tướng tài đức”, đó là quan niệm của người xưa vẫn mãi còn đúng cho tới ngày nay. Vạn vật đều có âm dương cân bằng, có Thiên có Địa thì có nam có nữ, có “tôn” có “ti”, ai cũng hiểu và làm tốt vai trò của mình trong gia đình, trong xã hội thì sẽ luôn có êm ấm, thịnh vượng.

Trong lich sử thế giới có rất nhiều ví dụ về những người phụ nữ như vậy, và vị hoàng hậu được ví như viên kim cương thuần khiết của thời Đông Hán là một trong số đó. Bà nổi tiếng là có học vấn uyên thâm, rất am hiểu và có ảnh hưởng lớn tới chuyện quốc gia đại sự nhưng vẫn giữ đúng vị trí của mình, hơn nữa còn thực hành lối sống khiêm nhường, đức hạnh, khéo léo giúp chồng và con nhưng không lấn lướt vị thế của họ. Đó chính là Minh Đức Mã hoàng hậu.

Cuộc đời và cách hành xử của bà là minh chứng rõ ràng cho khái niệm “Nam tôn nữ ti” của triết học phương Đông, không có ý phân rõ sự cao thấp giữa người nam và người nữ, mà chỉ là đề xướng hòa hợp của tự nhiên, âm dương đều có an bài vị trí của mình.

Nam như Trời cao, nữ như Đất rộng, như hai mặt của một bàn tay, không mặt nào quan trọng hơn mặt nào và bàn tay cũng không thể thiếu mặt nào. Thế nhưng mỗi mặt của bàn tay lại đảm nhận nhiệm vụ riêng và chỉ có mặt đó mới làm được.

Và người nam hay người nữ trong gia đình và xã hội cũng như vậy.

Minh Đức Mã hoàng hậu dù rất giỏi việc triều chính, nhưng không tham quyền đoạt vị ngay cả khi bà có thể chi phối hoàng đế còn nhỏ tuổi, không lấn lướt chồng mà khéo léo trợ giúp. Như Đất kia to lớn khiêm nhường, bao dung, lấy đức dày chở muôn vật, vô tư vô oán, không màng đền đáp, ân sủng.

Bà nổi tiếng là có học vấn uyên thâm, rất am hiểu và có ảnh hưởng lớn tới chuyện quốc gia đại sự nhưng vẫn giữ đúng vị trí của mình, hơn nữa còn hực hành lối sống khiêm nhường, đức hạnh, khéo léo giúp chồng và con nhưng không lấn lướt vị thế của họ. (Ảnh: LiveInternet)

Từ một nữ nhi dũng cảm đến Mã quý nhân của triều Đông Hán

Mã hoàng hậu là con gái thứ ba của Phục Ba tướng quân Mã Viện, người có công giúp Hán Quang Vũ Đế thống nhất sơn hà sau thời kỳ loạn Vương Mãng. Ngay từ khi còn nhỏ, Mã thị đã tỏ ra là một nữ nhi dũng cảm, vào lúc gia cảnh sa sút nàng đã đứng lên gánh vác cả gia đình. Nàng không chỉ giải quyết các sự việc lớn nhỏ trong nhà mà còn thay mặt cha mẹ giải quyết các công việc trọng đại trong hoàn cảnh khó khăn khi đó.

Ở tuổi 13, Mã thị được tiến cử vào cung làm tỳ thiếp của hoàng thái tử Lưu Trang. Với phong thái cư xử nhã nhặn và lịch thiệp, nàng đã nhận được sự yêu mến của tất cả mọi người.

Năm 57 SCN, Mã thị lúc ấy mới 19 tuổi, Hán Quang Vũ Đế qua đời, thái tử Lưu Trang lên ngôi, trở thành Hán Minh Đế. Mã thị được phong làm Mã quý nhân, địa vị cao thứ hai trong hậu cung chỉ dưới bậc hoàng hậu.

Trong suốt thời gian sống trong cung, Mã Quý nhân đã chứng tỏ là bậc hiền nữ nhận được sự tôn kính của tất cả mọi người. Đến khi Hán Minh Đế cần lập hoàng hậu, các đại thần trong triều đều đồng lòng tấu xin Hoàng đế hãy lập Mã quý nhân. Lúc ấy nhà vua đã sẵn có cảm tình, nhưng vẫn cung kính hỏi xin ý kiến của Hoàng Thái hậu Âm Lệ Hoa. 

Hoàng Thái hậu trả lời: “Mã quý nhân là người đức hạnh nhất trong số các phi tần, đây là sự lựa chọn sáng suốt nhất rồi”.

Từ đây, Mã quý nhân được sắc phong làm Minh Đức Mã Hoàng hậu, hay còn gọi là Minh Đức Hoàng hậu.

Mã Quý nhân đã chứng tỏ là bậc hiền nữ nhận được sự tôn kính của tất cả mọi người.

Minh Đức Mã hoàng hậu – Người phụ nữ tài đức vẹn toàn

Hoàng hậu Minh Đức là người phụ nữ được trời ban cho nhiều đức hạnh, sắc đẹp và tài năng. Bà không chỉ được ca ngợi là có đức độ sáng suốt mà còn rất ham học hỏi. Hàng ngày, hoàng hậu thường chăm chỉ đọc các cuốn cổ thư như Kinh Dịch, Kinh Xuân Thu, Sở từ, Chu quan,… và đặc biệt có tài văn thơ thiên bẩm.

Cuộc sống trong cung xa hoa là thế, nhưng hoàng hậu luôn sống khiêm nhường, thanh đạm, cần kiệm, luôn tránh xa những thứ đồ xa xỉ và lộng lẫy. Khác với nhiều phi tần khác, bà chỉ mặc các phục sức trang nhã và giản dị. Đức hạnh của bà đã khiến các cung nữ và phi tần đều kính trọng và ngưỡng mộ.

Khi Hán Minh Đế lên ngôi được 13 năm, trong triều xảy ra biến cố Sở Vương Lưu Anh có ý định mưu phản. Sau khi bị phế ngôi Sở Vương, Lưu Anh đã tự sát. Hán Minh Đế vẫn muốn tiếp tục mở rộng vụ án để điều tra, bất chấp lời khuyên của các quan thần trong triều.

Lúc ấy, Mã hoàng hậu đã lựa lời khuyên giải nhà vua để tránh liên lụy đến nhiều người. Hán Minh Đế Lưu Trang là vị vua rất nghiêm khắc nhưng chính sự sáng suốt và nhân hậu của Mã hậu đã lay chuyển Minh Đế, giúp nhà vua nhận ra tài năng và vốn học vấn uyên thâm của hoàng hậu đương triều. Do vậy mà sau này Hán Minh Đế thường cùng bà bàn luận chuyện chính sự, còn bà thì khéo léo gợi ý cho Minh Đế những vấn đề mà ông không thể tự giải quyết được.

Đức hạnh của Mã hậu cũng phần nào ảnh hưởng đến cách giải quyết chính sự của nhà vua. Ví dụ như khi Hán Minh Đế phong đất, ông chỉ phong cho các hoàng tử một phần đất đai hạn chế, nhỏ hơn nhiều phần đất của các vị thân vương khác. Bởi ông cho rằng con trai mình không thể vượt trội hơn các con trai của tiên vương Quang Vũ Đế, nên mới ban cho đất phong như thế, đây cũng là một quyết định được cho là nhờ sự ảnh hưởng bởi đức hạnh, khiêm nhường của Mã hoàng hậu.

Hoàng hậu đầu tiên của nhà Hán ức chế được “ngoại thích”

Minh Đức Hoàng hậu không có con, bà đã nhận nuôi con của một phi tần khác là thái tử Lưu Đát. Với bà, đứa trẻ ấy cũng giống như cốt nhục do mình sinh ra. Tình mẫu tử bà dành cho đứa trẻ còn nhiều hơn bất cứ phi tần nào trong cung dành cho con ruột của mình. Bởi vậy nên sau này, khi Hán Minh Đế băng hà, thái tử Lưu Đát nối ngôi trở thành Hán Chương Đế, ông đã suy tôn Minh Đức hoàng hậu làm Hoàng Thái hậu và kính trọng bà còn hơn cả mẹ ruột của mình. Và cũng nhờ có sự ân cần giáo dưỡng của Mã Hoàng hậu, thái tử Lưu Đát đã trở thành một vị hoàng đế tài năng, đức độ, đưa nhà Hán tiếp tục phát triển hưng thịnh trong suốt những năm trị vì của mình.

Mã Thái hậu dù ở ngôi vị cao, được nhiều sự cung kính nhưng bà không bao giờ tỏ ra hoang phí. Bà mở nhà dệt vải trong cung, trồng dâu nuôi tằm trong quán Long viên cho các cung nữ lao động. Lúc rảnh rỗi, Thái hậu thường hay cùng Chương Đế bàn luận việc chính sự, ngoài ra bà còn dạy các hoàng tử con của Chương Đế sách Tứ thư, Ngũ kinh.

Bà không chỉ được ca ngợi là có đức độ sáng suốt mà còn rất ham học hỏi. Hàng ngày, hoàng hậu thường chăm chỉ đọc các cuốn cổ thư như Kinh Dịch, Kinh Xuân Thu, Sở từ, Chu quan,… và đặc biệt có tài văn thơ thiên bẩm. (Ảnh: Tesadernegi)

Khi Hán Chương Đế Lưu Đát muốn phong hầu cho các anh trai của hoàng thái hậu, bà đã từ chối và nói rằng: “Gia tộc họ Mã chưa từng đóng góp cho triều đình. Nay xã tắc đang lâm nguy, dân chúng gặp hạn hán, con dân đều đói khổ lầm than nên hãy khoan việc này lại..”

Sau bốn năm dưới thời Hán Chương Đế, xã tắc thái hòa, biên cương yên ổn, đất nước hưởng thời tiết thuận lợi, mùa màng bội thu. Khi đó vua đã phong chức cho ba người anh em của hoàng thái hậu Minh Đức. Khi biết tin này, người phụ nữ tài đức một lần nữa lại cảnh báo các anh em của mình không được can dự gây ảnh hưởng tới triều đình. Ngay sau khi chấp nhận chức quan, họ chính thức từ bỏ chức vụ hiện tại và ngừng tham gia vào chính sự.

Hơn thế nữa, Mã thái hậu sau khi nghi một số quan lại dâng thư đề nghị phong chức cho người nhà mình, còn hạ chiếu nói rằng những người dâng thư đều là nịnh thần và dẫn chứng hậu quả của ngoại thích họ Vương thời Hán Thành Đế là Vương Mãng đã cướp ngôi nhà Hán.

Dưới thời Đông Hán, nhiều vị hoàng đế băng hà khi tuổi còn rất trẻ, nên vị hoàng đế kế vị thường là các thái tử còn nhỏ tuổi. Đa phần những phi tần hay hoàng hậu trong hậu cung đều tìm cách đưa thân thích của mình vào điều hành đất nước, dẫn đến nhiều bi kịch trong lịch sử bắt nguồn từ “ngoại thích”.

“Ngoại thích” có nghĩa là người thân bên ngoại, dùng để chỉ những lực lượng chính trị trong triều đình phong kiến có nguồn gốc là người thân của họ ngoại nhà vua như họ hàng của hoàng hậu, hoàng thái hậu hoặc thái phi. Sử sách các nước Á Đông đã ghi lại nhiều cuộc chính biến hoặc nổi loạn được lực lượng ngoại thích châm ngòi, đôi khi còn lật đổ triều đại cũ để lập ra một triều đại mới.

Tuy nhiên, Minh Đức thái hậu là trường hợp ngoại lệ, do hành động ức chế “ngoại thích”, việc mà chưa Hoàng hậu nhà Hán nào làm trước đó. Bà đã được các sử gia và người đời sau tán dương là “Hiền hậu”, cùng với Hòa Hi Đặng Thái hậu là hai cái tên nổi tiếng thời Hán, được xưng tụng là bậc Mẫu nghi thiên hạ.

Suốt cuộc đời bà luôn sống cần kiệm, khiêm nhường, nhân hậu, bao dung, và thiện đãi mọi người, biết đặt lợi ích của giang sơn xã tắc lên hàng đầu. Trí tuệ sắc bén và đức hạnh của bà mãi là viên minh châu ngời sáng cho người đời noi theo.

Nhìn lại một thời lịch sử, không phải nói rằng người xưa phong kiến lạc hậu, mà là chúng ta ngày nay đã không hiểu được đạo lý sâu sắc, ý nhị, bất biến của cổ nhân. Phụ nữ xưa dù tài giỏi nhưng biết khiêm nhường, tự nhận rằng mình không có tài, đứng đằng sau để hỗ trợ người nam giới, đó chính là đức hạnh vô cùng cao thượng.

Để tìm hiểu thêm và không hiểu lầm những giá trị truyền thống vẫn luôn đúng cho tới ngày nay, mời quý độc giả tham khảo thêm các bài viết về “Nam tôn nữ ti” và luận về cái tài của người phụ nữ xưa của Đại Kỷ Nguyên.

Huệ Viên