Đôi khi bạn sẽ thấy cha mẹ thật hà khắc, hay nhớ trước quên sau. Thậm chí đôi khi còn nóng giận tới mức không thể kiểm soát bản thân mà mắng mỏ bạn không tiếc lời. Nhưng chính họ cũng là người luôn dành trọn vẹn tình yêu thương cho bạn, tận tâm dưỡng dục bạn
Tình yêu thương vô vàn của cha mẹ lẽ nào không thể sánh bằng một lần vô tình làm tổn thương con cái?
Quan hệ giữa dì tôi và con gái dì ấy không tốt lắm. Vài hôm trước tổ chức sinh nhật dì, cậu cháu ngoại tới giúp rất nhiệt tình, nhưng chỉ có con gái dì không có mặt. Cô ấy thậm chí còn kiếm một cái cớ nghe không lọt tai mà nói thẳng thừng, vỏn vẻn vài chữ: “Con không muốn đi”. Dì tôi nghe vậy rất đau lòng, rầu rĩ, dì tìm tới tôi nhờ tư vấn. Dì kể rằng trước kia nhà nghèo, ăn uống kham khổ, cả bữa cơm chỉ dám luộc một quả trứng gà. Dì ấy và chồng không nỡ ăn, mà nhường cho con gái. Sau này cuộc sống khấm khá hơn, hàng năm họ đều dẫn con cái đi du lịch nước ngoài.
Đợt trước con gái dì muốn đổi di động, dì cũng chẳng nói thêm một lời nào mà mua ngay cho cô con gái rượu một chiếc di động hơn 20 triệu, còn mình thì dùng đồ con gái thải ra.
Nhưng cô con gái độc nhất mà dì coi như cành vàng lá ngọc lại không thích gần gũi với mẹ. Sau khi kết hôn cô lại càng xa cách hơn và ít về thăm nhà hơn. Khi sinh con trai con gái cũng không nhờ dì chăm nom mà tự mình làm. Một năm dì chỉ được gặp cháu ngoại vài lần.
Tôi nói chuyện với dì rất lâu thì cảm thấy dì là một người mẹ thông tình đạt lý và rất tốt. Thế là tôi bèn quyết định tìm con gái dì nói chuyện xem nguồn cơn ra sao.
Ngày hôm sau cô con gái điện thoại tới tâm sự với tôi rất lâu. Cô ấy nói: “Mẹ em nợ em một lời xin lỗi”. Mồng 1 năm đó, có lần vì một chuyện nhỏ mà cô cãi lại ông ngoại, lúc đó mẹ cô tát cô một cái rất đau. Nỗi đau của cái tát đó thì đã sớm qua đi nhưng sự phẫn nộ, tủi nhục lúc đó luôn dày vò cô. Đến giờ đã gần 20 năm cô vẫn nhớ rõ mồn một khung cảnh lúc ấy.
Cô nói: “Em cứ tưởng rằng mẹ yêu em nhất trên đời. Lúc đó em mới hiểu rằng hóa ra mẹ yêu ông ngoại hơn cả em”. Cô ấy bị tổn thương sâu sắc và hạ quyết tâm sau này lớn lên cô ấy sẽ tránh họ thật xa, để họ có thể yêu thương và đỡ đần nhau. Cô không muốn mình có mối quan hệ ràng buộc gì với họ nữa.
Sau này quả thực cô không thể tiếp tục yêu thương mẹ được nữa. Mỗi lần mẹ cô đối xử tốt với cô, cô lại nhớ đến cái tát ấy hôm nào. Nhưng mẹ cô chưa hề xin lỗi cô về cái tát ấy, nên cô vẫn không thể tha thứ cho bà. Chỉ cần nghĩ tới chuyện ấy là nỗi oán giận, buồn phiền lại trào dâng lên trong lòng cô.
Mối quan hệ của cô ấy với bố mẹ chồng cũng không tốt. Trước kia họ từng phản đối con trai họ và cô ấy yêu nhau. Sau này mặc dù cha mẹ chồng cũng chấp nhận cô nhưng hai bên không vồ vập mà cũng chẳng ra vẻ lạnh lùng. Nhưng cô vẫn luôn canh cánh bên lòng chuyện xưa. Cho nên sau khi sinh con trai, mặc dù mẹ chồng và mẹ đẻ đều muốn giúp cô chăm sóc cháu nhưng cô không tiếp nhận sự giúp đỡ của ai cả. Cô xin nghỉ việc ở nhà và gồng mình trông con một mình.
Năm nay con trai cô đã đi học lớp mầm non. Cô cũng thấy mình đã chịu đựng quá đủ những lời lạnh lùng và ghét bỏ của chồng và chuẩn bị đi làm trở lại. Nhưng tìm việc lại không phải chuyện dễ dàng, nói ra thì vẫn còn vô vàn khó khăn.
Chúng tôi đã trò chuyện suốt 3 giờ đồng hồ, nói từ chuyện mẹ đẻ tới mẹ chồng, chồng con và công việc. Chẳng việc nào cô ấy thấy vừa ý cả.
Những oán hận này khiến tâm lý của cô ấy phần nào bị lệch lạc và cuộc đời của cô ấy cũng gặp nhiều trắc trở
Cảm nhận của tôi từ đầu đến cuối là cô ấy là một người ‘thù dai’, trong tâm đầy oán hận. Những oán hận này khiến tâm lý của cô ấy phần nào bị lệch lạc và cuộc đời của cô ấy cũng nhiều trắc trở hơn.
Tôi nói: “Em cần phải buông bỏ những oán hận này”.
Cô ấy vô cùng phẫn nộ: “Em bị tát một cái đau điếng như thế lẽ nào không nên nhớ hay sao? Danh dự của mình cũng không để tâm thì phải chăng chỉ là một kẻ thấp kém, chẳng có khí chất gì?”
Tôi chỉ biết im lặng.
Đúng vậy, tôi thừa nhận rằng: “Chuyện này mẹ em đã làm không đúng, thậm chí có phần hơi quá. Nhưng vì sao em không đồng thời nhớ tới những chuyện khác mà cha mẹ đã làm cho em? Trong bữa cơm ba người mà mẹ em chỉ dám luộc một quả trứng. Sau cùng lại nhường cho em ăn?”. Cô ấy tròn mắt nhìn tôi như chợt nhớ ra điều gì.
Tôi tiếp lời: “Vào ngày mưa tuyết mẹ đón em tan trường, sợ em bị trượt ngã đã cõng em về nhà. Trời lạnh như vậy mà mẹ em về tới nhà thì khắp mình mẩy ướt đẫm mồ hôi. Em hắt hơi một tiếng thì mẹ đã giật mình hoảng hốt, nhanh nhanh chóng chóng nấu cho em bát canh gừng với đường đỏ. Khi em ốm mẹ em túc trực bên em suốt 24 tiếng đồng hồ, cuối cùng lại ngủ thiếp đi trong nhà vệ sinh của bệnh viện”. Tôi thoáng thấy khóe mắt cô gái long lanh, ươn ướt.
Tôi chậm rãi nói tiếp: “Mẹ mua cho em chiếc di động hơn 20 triệu. Còn mình thì đi đôi dép hơn 50 nghìn đồng ngoài sạp hàng, còn mặc cả lên mặc cả xuống với người ta… Những chuyện này sao em có thể quên được nhỉ?”
Cô ấy như chợt hiểu ra những gì tôi muốn nói, cứ chăm chú nhìn tôi. Tôi nhẹ nhàng nói tiếp những điều mình ấp ủ: “Lẽ nào cả trăm lần yêu thương của cha mẹ đều không thể xóa đi một lần sai sót? Điều quan trọng là khi em cứ ôm giữ lỗi lầm đó, thì nỗi oán giận trong tâm em vẫn nguyên vẹn. Điều này thì có ích gì cho em không, hay chỉ khiến tâm em chẳng được bình yên?”
Cô ấy cúi đầu lặng lẽ lau giọt nước mắt trên khóe mi, mếu máo nói: “Chị ơi em hiểu rồi. Giá mà em nghe được những lời này sớm hơn. Tự nhiên em thấy nhớ cha mẹ quá! Mấy hôm tới em sẽ thu xếp về nhà thăm cha mẹ!”
Thù hận là con dao hai lưỡi, là năng lượng phụ diện lớn mạnh nhất. Trước khi trừng phạt người khác thì chúng ta lại làm tổn thương chính mình. Nó sẽ thôn tính hạnh phúc và sự bình yên trong tâm hồn bạn, sẽ khiến bạn đối đầu với cả thế giới. Nó còn dựng lên một bức tường cao ngất, chắn hết ánh sáng và tương lai tốt đẹp vốn thuộc về bạn. Người thù lâu chẳng mấy khi cuộc sống được hạnh phúc, thuận lợi, đặc biệt là oán hận cha mẹ
Người luôn biết đặt mình ở vị trí của người khác mà thấu hiểu và tha thứ, hạnh phúc sẽ luôn kề bên
Hồi nhỏ hàng xóm nhà tôi rất nghèo, làm ăn thất bát, nợ nần như chúa chổm. Có lần nhà ông có khách tới thăm. Ông đặc biệt hầm món xương sườn đãi khách để bày tỏ thịnh tình. Nhưng canh chưa chín thì cậu út thèm quá đã cả gan ăn vụng vài miếng. Vốn nồi canh cũng chẳng có mấy miếng thịt, nay lại ăn mất vài miếng. Nhìn bát canh sơ sài, ông cũng thấy xấu hổ với khách mà không biết làm thế nào.
Khách vừa đi thì cậu út đã bị ông đánh cho một trận nên thân. Cha tôi nghe thấy tiếng gào khóc ở nhà bên bèn vội vàng chạy sang giải cứu.
Lúc đó tôi nhìn thấy anh mặt mũi sưng vù. Tôi thầm nghĩ chắc chắn là anh ấy sẽ oán hận cha mình lắm.
Nhưng lại không hề có chuyện đó.
Hôm sau anh ấy vẫn ngồi sau xe đạp để cha chở đi học. Vết sưng trên mặt vẫn chưa tiêu hết nhưng anh ấy đã hoa chân múa tay, trò chuyện rôm rả, như chưa hề xảy ra chuyện gì. Tôi liền cảm thấy tấm lòng anh ấy thật bao dung.
Năm ngoái về quê gặp lại anh ấy, tôi nhắc lại chuyện cũ nhưng anh ấy hoàn toàn không nhớ gì. Anh ấy chỉ nhớ ngày đó cuộc sống thật thê thảm, nợ nần chồng chất. Cha mẹ anh phải đi làm thuê làm mướn khắp nơi để kiếm tiền, nhưng nghèo vẫn hoàn nghèo. Ấy thế mà cha anh còn mua cho anh một quả bóng rổ.
Anh nhìn về cõi xa xăm: “Lúc đó sườn hầm là một món vô cùng xa xỉ. Nhà lại có khách, thế mà anh còn ăn vụng một mình. Đúng là không hiểu gì cả, đánh cho một trận cũng đáng”. Anh ấy nói rồi cười ha hả sảng khoái.
Tâm rộng mở cuộc sống cũng thênh thang
Bây giờ anh ấy ở cùng khu với cha mẹ, chi phí ăn uống điện nước đều do anh lo liệu. Hàng ngày cha mẹ đưa đón con cái giúp anh ấy. Mẹ anh hàng ngày nấu cơm tối cho 3 người nhà anh. Ăn cơm xong hai vợ chồng lại dắt con xuống nhà cha mẹ chơi. Cuộc sống của anh cứ trôi đi nhẹ nhàng, bình thản và hạnh phúc như vậy. Nếu là một người thù dai thì e rằng sẽ không thể có được cuộc sống ấm áp, tươi đẹp như anh vậy.
Khoan dung với những sai lầm nhỏ của cha mẹ, thông cảm cho sự không hoàn thiện của cha mẹ là đạo làm người cơ bản nhất
Có câu rằng: “Vàng không có vàng mười, người không có người hoàn thiện”. Hàng ngày có biết bao nhiêu chuyện vặt vãnh như vậy ai có thể làm được hoàn mỹ, không mắc sai sót được đây? Tất cả những ông bố bà mẹ cũng chỉ là những người bình thường, chắc hẳn sẽ có lúc mắc phải sai lầm. Dù sai lầm nhiều hay ít, lớn hay nhỏ nhưng chắc chắn rằng cha mẹ cũng sẽ học cách thay đổi để hoàn thiện bản thân và phù hợp với con cái.
Đôi khi bạn sẽ thấy cha mẹ thật bủn xỉn, đôi khi lại thật hà khắc, hay nhớ trước quên sau. Thậm chí đôi khi còn nóng giận tới mức không thể kiểm soát bản thân mà mắng mỏ bạn không tiếc lời. Công việc quá bận rộn khiến cha mẹ không có nhiều thời gian ở bên bạn. Có những ông bố bà mẹ học hành, chữ nghĩa không nhiều nên không hiểu được tâm lý và cách giáo dục phù hợp với bạn. Đôi khi những quan niệm cố hữu hình thành trong trải nghiệm của cha mẹ cũng sẽ sinh ra mâu thuẫn giữa 2 thế hệ.
Nhưng chỉ cần không phải là tội ác thập ác bất xá, chỉ cần cha mẹ luôn dành trọn vẹn tình yêu thương cho bạn, chỉ cần họ tận tâm dưỡng dục bạn, thì những sai lầm đó cũng sẽ trở nên nhỏ bé tới mức không đáng được nhắc tới. Khoan dung với những sai lầm nhỏ của cha mẹ, tha thứ cho sự không hoàn thiện của cha mẹ là đạo làm người cơ bản nhất.
Có thể họ nợ bạn một lời xin lỗi, họ vô tình làm tổn thương sâu sắc tới bạn, như thế thì đã sao? Chúng ta còn nợ họ biết bao nhiêu yêu thương, tâm sức và tiền tài mà cha mẹ hao tâm tổn trí dành hết cho chúng ta. Thử hoán đổi vị trí, nếu đứa con mà chúng ta yêu thương hết lòng hết dạ lại chỉ vì một chút chuyện nhỏ mà oán hận chúng ta cả một đời thì chúng ta sẽ nghĩ thế nào đây?
Một nhược điểm trong nhân tính là nhớ sai sót của người thân nhưng lại hoài niệm điểm tốt của kẻ xấu
Nghe có vẻ như một nghịch lý nhưng cuộc sống lại thường như vậy. Cùng một hành động nhưng chúng ta lại thường cảm thấy bị tổn thương sâu sắc với những người thân yêu. Trong khi với người ngoài thì lại có thể vui vẻ bỏ qua cho họ.
Bạn cảm thấy rằng người nên đối xử tốt với bạn thì phải làm được ngàn điều tốt vạn điều hay. Thế nên dẫu sai một lần thì bạn sẽ thất vọng tràn trề và nhớ mãi trong lòng. Bạn cho rằng người đối xử tệ bạc với bạn, thì ngàn điều sai vạn điều trái. Vậy nên dẫu họ chỉ đối tốt với bạn một lần cũng khiến bạn cảm kích mà ghi lòng tạc dạ.
Cha mẹ luôn là bến đỗ bình yên, vững chắc cho tâm hồn mỗi người
Trong cõi đời này những người thân yêu luôn dành cho chúng ta sự ủng hộ nhiều nhất. Dù là về tinh thần hay vật chất, cha mẹ vẫn luôn là chỗ dựa quan trọng nhất.
Bạn mua nhà, cha mẹ sẽ sẵn lòng mang những đồng tiền vất vả tích cóp cả đời ra ủng hộ bạn ít nhiều. Bạn tăng ca thì chỉ cần một cú điện thoại là cha mẹ đã đi đón con cho bạn. Bạn đi công tác, cha mẹ lại chẳng từ nan hàng ngày chăm sóc cho con mèo cưng của bạn. Hàng ngày được chung sống cùng cha mẹ, được nhìn thấy cha mẹ ăn ngon miệng, được nói vài câu chuyện phiếm với cha mẹ thì trong tâm bạn thấy vô cùng thoải mái, dễ chịu. Bạn sẽ cảm thấy thật yên tâm vì mình sống trên đời này luôn có một chỗ dựa bình yên.
Mối quan hệ hòa hợp giữa cha mẹ và con cái là sự đảm bảo quan trọng cho nội tâm được bình yên. Xét từ góc độ vị tư, chúng ta cũng không có lý do gì để nắm chặt sai lầm của cha mẹ mà không buông. Huống hồ cha mẹ sống cũng chẳng dễ dàng gì, nên trừng phạt họ là điều hoàn toàn vô nghĩa.
Chi bằng hãy tích cực trò chuyện, chia sẻ với cha mẹ nhiều hơn. Nếu chưa làm được như vậy thì phải thuyết phục bản thân mình học cách tha thứ. Bởi cha mẹ con cái gặp nhau ở kiếp này, là để yêu thương và tương trợ lẫn nhau, chứ không phải thù hận và tàn hại lẫn nhau.
Theo Trần Văn Vận / Soundofhope
Hiểu Liên biên dịch