Tình mẹ thường nồng nàn, thắm thiết, nhưng tình cha lại phẳng lặng và tĩnh tại. Thậm chí đôi khi chúng ta gần như không cảm nhận được tình yêu ấy. Nhưng bạn có thấy chăng, bằng một cách nào đó, những ông bố cương nghị vẫn chẳng thể giấu được tình yêu thầm lặng của mình với những đứa con.
Suốt bao nhiêu năm qua, bố vẫn vậy, lặng lẽ như một cái bóng
“Bố mày cứ bảo sao không giục con lấy chồng đi, hơn 30 tuổi đầu rồi còn trẻ trung gì nữa?”. Mẹ nhăn nhó nói với Dung. Dung ngúng nguẩy, phụng phịu: “Thì mẹ cứ bảo bố nói trực tiếp với con ấy!”. Nhưng lạ là chẳng bao giờ bố nói gì với Dung cả.
Một lần khác vào dịp nghỉ lễ 3 ngày liên tiếp, đến tận ngày thứ hai Dung mới về thăm nhà thì gặp ngay chú hàng xóm ở cổng ngõ. Chú cười cười bảo: “Ôi, con gái giờ mới về. Bố mày trông đứng trông ngồi từ hôm qua, mà hỏi bao giờ nó về thì lại bảo không biết!”. Ấy thế mà khi nhìn thấy Dung bố vẫn lặng lẽ chẳng nói gì, như thể không có chuyện gì xảy ra vậy.
Hôm ấy chiều muộn, Dung về đến cổng xóm thì thấy bố đang ngồi chơi ngoài ngõ với mấy đứa trẻ con. Vừa nhìn thấy Dung bố đã lặng lẽ đi về mở cổng ngõ cho cô. Nhưng loay hoay thế nào, bố chẳng nói câu gì lại ngại ngùng định bụng vòng ra ngoài ngõ ngồi chơi tiếp. Dung gọi: “Bố ơi, con nhờ tý!”, bố mới quay vào trong nhà. Dung đưa hai chiếc áo phông hồ hởi nói: “Bố mặc thử hai cái áo này đi, chất mát lắm đấy ạ. Còn đây là chút tiền con biếu bố cuối tuần vào Nam đi du lịch ạ”. Bố chỉ ừ một tiếng, nhìn Dung và không nói thêm câu gì.
Suốt bao nhiêu năm qua, bố vẫn vậy, lặng lẽ như một cái bóng, ngoài những việc bắt buộc phải mở miệng ra, hầu như bố chẳng nói gì. Đôi khi hai bố con ở nhà cả ngày, bố cũng chẳng nói được mấy câu.
Nhưng với bọn cún con, mèo con và tụi trẻ thì bố cưng nựng, cười cười nói nói không dứt. Mèo con đi chơi đâu về cũng phải gào lên vài tiếng “Eo! Eo!” như thể gọi “Bố ơi! Con về rồi!” và chạy ngay vào bàn uống nước, oằn èo cái mình mềm mại vào chân bố đòi vuốt ve. Đến khi thoả mãn chú ta mới vểnh râu ra ngoài hiên sưởi nắng. Mấy đứa cún được bố tắm gội cho thì thích lắm, nhưng cứ giả bộ kêu ăng ẳng như đang bị ai đánh. Tụi trẻ con nhìn thấy bố là mắt sáng rỡ, bám cứng lại, đòi bánh, đòi kẹo, leo lên leo xuống trên lưng ông.
Dung cũng rất yêu bọn cún với bọn miu. Chỉ cần nhìn thấy cái mặt ngây ngô và đôi mắt trong veo của bọn chúng thôi là trái tim Dung đã tan chảy. Cả tuổi thơ của Dung không biết đã khóc biết bao lần khi chúng bị ốm, khi chúng bị người ta bắt mất hay khi chúng chết đi. Kỳ lạ là tình yêu ấy không dành riêng cho một chú cún, chú mèo nào, mà với cô, đứa nào cũng đáng yêu như vậy.
Đột nhiên Dung lặng người, không tin vào mắt mình, cô chạm tay vào người cô chó già và nước mắt cứ thế trào ra
Hôm ấy Dung về đến nhà thì cô chó già bước liêu xiêu ra ngõ đón. Dung âu yếm gọi cô chó già là bé Na, trong chữ “Lun Na”, nghĩa là vầng trăng trong tiếng Pháp. Cô chó già cũng thích yên lặng, chẳng nói chẳng rằng cả ngày. Dung chạy tới ôm cô chó già vào lòng, nhưng cô chẳng chịu, vùng vằng bỏ đi. Dung vẫn lẽo đẽo chạy tới chỗ cô chó già dừng chân mà cưng nựng: “Bé Na ngoan nào! Cho chị yêu cái nào!”.
Đột nhiên Dung lặng người, không tin vào mắt mình, cô chạm tay vào người cô chó già và nước mắt cứ thế trào ra, cổ họng cô nghẹn đặc lại. Anh trai thấy em gái về cũng vui vẻ giục cô vào ăn cơm, nhưng Dung chẳng thể nói lên lời, cô lặng lẽ vào nhà vệ sinh, xả nước ào ào, cố lau sạch nước mắt để không ai biết. Cô vào nhà, ngồi vào bàn và lặng lẽ ăn cơm.
Mẹ thấy con gái về thì cứ quấn quýt ngồi cạnh và nhìn cô đăm đăm. Dung vẫn thút thít, nhưng cố nén để mẹ không nghe thấy và cúi mặt để tránh khỏi bắt chuyện với mẹ. Anh trai lại lăng xăng chạy tới hỏi han: “Dung ơi, ăn na không em? Na ngon lắm này!”. Anh hớn hở đứng trước mặt Dung hỏi. Chẳng thể kìm nén thêm phút giây nào nữa, Dung đột nhiên bật khóc nức nở. Mặt anh tái mét: “Ôi! Em làm sao thế?”.
Dung mếu máo, nước mắt rơi lã chã: “Sao mới có 2 tuần em không về mà Na đã gầy sọp chỉ còn da bọc xương thế kia? Nửa năm rồi, Na vẫn đau ốm không khỏi, nhưng có bao giờ Na tiều tuỵ thế này đâu?”. Anh nhăn nhó trả lời: “Thôi em, thằng Lu mới bị người ta bắt đi hai tuần, nhà đã buồn lắm rồi, em còn khóc nữa! Na nó vốn đã ốm đau bệnh tật, giờ không có thằng Lu trêu chọc nữa, nó buồn, nó bỏ ăn, chỉ nằm bẹp cả ngày!”. Dung vẫn chẳng thể kiềm được cơn xúc động, cô vẫn khóc nấc từng cơn. Dẫu là cô bé cột hai bím tóc hai bên hay là cô gái chín chắn hơn 30 tuổi, thì tình yêu mà Dung dành cho tụi chó mèo vẫn chẳng hề thay đổi.
Bố chứng kiến hết thảy mọi chuyện, nhưng vẫn im lặng như không có chuyện gì xảy ra, mắt vẫn hướng vào chiếc ti vi đang phát bản tin thời sự.
Món quà bất ngờ của bố
Hai tuần nữa lại qua đi, Dung lại về nhà thăm ba mẹ. Cô vừa đỗ xe trước cổng ngõ thì cô chó già tấp tểnh chạy ra đón. Lần này trông Na có vẻ vui vẻ hơn nhiều, Dung bỗng thấy lòng ấm lại. Đột nhiên có tiếng sủa au ảu của hai chú cún con. Một chú chó Phốc vàng sậm, bé tẹo, chạy ra cào cào cổng, một chú chó khác Dung chẳng nhìn thấy mặt vẫn sủa liên hồi.
Nhìn thấy 2 chú chó nhỏ, Dung mừng lắm. Thế là cô có thể yên tâm là bé Na sẽ không phải cô đơn nữa. Cô âu yếm gọi chú chó nhỏ lại vuốt ve. Phốc có vẻ khá dạn dĩ, có người gãi mình, gãi cổ cậu ta tỏ vẻ rất dễ chịu, nằm chềnh ềnh, mắt lim dim hưởng thụ. Như bắt được sóng, từ đó cu Phốc dính chặt với Dung, hễ cô đi đâu là chú ta đi đấy, lẽo đẽo như hình với bóng. Còn cô bé còi cọc kia vẫn nhất quyết trốn dưới gầm bàn, sủa vang vọng cả nhà, mãi không thôi.
“Hai đứa này ở đâu ra thế mẹ?”, Dung vừa mừng rỡ vừa ngạc nhiên hỏi. Mẹ bảo: “Bố con bắt về đấy, chẳng hiểu xin đâu được con chó ghẻ về, còn đặt tên Mi Mi, rồi lại hì hục đun lá bàng tắm cho nó. Con chó ý lắm rận lắm, bố con phải vật ra bắt rận hai ba hôm mới hết đấy”. “Thế bố con đâu rồi ạ?”. “À, chắc ông ý lại đi uống rượu rồi. Cả tuần nay cứ tối đến là ông ý đi mất. À, bố con còn bắt cả một con mèo nữa đấy, bé như cái kẹo ấy, nhưng ngoan lắm, cứ chơi một mình trong nhà kho thôi”.
Dung thích thú chạy thẳng xuống bếp, bước vào nhà kho gọi “Meo! Meo! Em ở đâu, ra chơi với chị nào!”. Nhưng chẳng có bóng dáng chú mèo nào cả. Dung phụng phịu chạy đi tìm mẹ. “Nó đi chơi đâu rồi ý, con chẳng tìm thấy gì cả!”. “Chắc thấy con lạ, nên nó trốn đấy!”. Loáng một cái mẹ đã tìm thấy miu con, nhấc bổng cô bé lên và đưa lại cho Dung: “Nó đang chơi một mình trên nóc bể kia kìa!”. Một chú mèo mướp bé tẹo, mắt tròn xoe, trong veo đang ngoác miệng kêu “Meo! Meo!”. Chú ta rất nghịch ngợm, cứ nhảy nhót tung tăng như một đứa trẻ quanh Dung mà chẳng chịu đứng yên để cô ôm chặt vào lòng. Dung vừa bất ngờ vừa lâng lâng hạnh phúc, lâu lắm rồi trong nhà mới lại có một đám trẻ con vui nhộn thế này.
Nỗi lòng giấu kín của người cha
Hai mẹ con vừa cười vừa trêu đùa với bọn Miu Phốc thì bố bước thấp bước cao về đến hiên nhà. Cái chân loạng choạng, đôi mắt đo đỏ, khuôn mặt vẫn còn hơi men. Bố bắt đầu huyên thuyên đủ thứ chuyện. Từ xưa vẫn thế, khi tỉnh bố chẳng bao giờ nói gì, có cạy miệng ra cũng chỉ nói được vài câu rồi lại im thít. Nhưng hễ rượu vào bố mới có can đảm nói lên những gì mình giấu kín trong lòng, bố nói liên tục, không ai ngăn được.
Dung xót xa nhìn dáng vẻ tiều tuỵ chỉ còn mỗi da bọc xương của bố. Còn đâu hình bóng chàng thanh niên hào hoa một thời áo hoa, quần loe, tóc ngang vai, nước hoa thơm phức mà bao cô gái mê mẩn. Bố lè nhè: “Bố mới vào nhà chú Hùng về đấy. Chú ấy bị cái án tử hình rồi!”. Dung ngạc nhiên hỏi: “Án gì vậy bố?”. “Chú ấy bị ung thư phổi rồi. Giờ tiêu cực lắm! Bố phải vào gọi chú ý ra ngoài ăn uống cho khuây khoả!”. Cứ thế bố lặp đi lặp lại câu chuyện ấy không biết bao nhiêu lần.
Chợt nhớ ra bọn Phốc Miu, bố cất tiếng gọi: “Miu con đâu, Phốc đâu, Mi Mi đâu, Na đâu ra đây với bố!”. Nhưng tụi nhỏ im re, cô chó già giả điếc, Mi Mi (cô chó ghẻ) vẫn trốn dưới gầm bàn, Phốc con lấm lét, rón rén lại gần. Chỉ có mỗi Miu con chẳng biết gì, vẫn hồn nhiên chạy ra dụi dụi người vào ông chủ, cái tay bé tẹo, mềm mại còn khều khều, cắp cắp lấy gấu quần của bố mà hớn hở đùa nghịch, nhảy nhót tung tăng.
Bố cao hứng: “Mai bố lại đi bắt thêm về. Con thích mèo trắng, có mèo trắng, thích mèo vàng có mèo vàng, Phốc đấy, Mi Mi đấy, gọi là có!”. Đột nhiên bố mếu máo: “Bố giữ cái nhà này cho thằng Lộc, cho con, nhà này là nhà của hai anh em con, con trai cũng như con gái! Bố cũng nghĩ nhiều lắm chứ, không phải bố không nghĩ đâu”. Dung chợt xót xa, chẳng bao giờ bố nói gì, chỉ có sự âm thầm và lặng lẽ, nhưng kỳ thực bố vẫn luôn canh cánh lo cho tương lai của cô.
Như để chứng minh cho con gái biết rằng bố rất tỉnh táo khi nói ra những lời này, bố lại móc từ trong túi quần ra một sấp tiền, rồi cất tiếng lè nhè: “Bố vẫn biết tiền nào tiêu được, tiền nào không tiêu được đấy nhé, khà khà”. Bố xoè xấp tiền trên mặt đất và bảo: “Bố đầy tiền đô nhé, đây là tiền Thái Lan, đây là tiền Campuchia, đây là đô la Mỹ, bố đổi được của mấy cụ nhà mình. Mấy bác biếu tiền không ai nhận, nhưng bố gạ đổi tiền đô là các cụ phải nhận hết”.
Bố cất tiền vào túi, rồi lại nhìn quanh gọi: “Miu đâu, Phốc đâu, Mi Mi đâu!”. Có mỗi Miu con hồn nhiên là cứ nhảy nhót lăng xăng quanh bố, cu Phốc nghển cổ lấm lét nhìn bố đầy sợ hãi. Cu cậu vẫn im re, nằm gọn con cón trong lòng Dung, thi thoảng mới dám đưa mắt nhìn trộm ông chủ. Bố với tay ra vuốt vuốt Miu, rồi lại quay sang vuốt cu Phốc, nói: “Phải sủa như Phốc chứ, Phốc nhỉ? Cứ như cái bà Na (cô chó già) ý, lì lì cả ngày, ai ra không ai biết, ai vào chẳng ai hay!”.
Dung chợt bật cười, bởi lẽ cô biết bố xấu hổ nên mới tìm lý do bao biện vậy thôi. Bố sẽ chẳng bao giờ chịu thừa nhận mình rất quan tâm đến con gái cả, bởi lẽ bố rất hay xấu hổ… Dung hiểu rằng tối hôm ấy, khi cô con gái lớn bật khóc ngào ngào giữa nhà, bố dẫu nằm im giả bộ như không có chuyện gì, nhưng thực ra trong lòng đang xót xa lắm đấy. Vậy nên, để con gái được vui, bố mang Miu, mang Phốc và Mi Mi về chăm, để khoả lấp nỗi buồn mất Lu trong cô, để cuối tuần lại được thấy con gái về cưng nựng, nô đùa với chúng.
Đột nhiên bố ngước lên nhìn đồng hồ, chuông đã điểm 9 giờ tối. Bố đưa mắt nhìn Dung bảo: “Thôi con đi đi cho sớm! Gói bánh trên ban thờ đấy, con mang đi!”. Nói rồi bố chệnh choạng bước sang buồng mẹ, gọi lớn: “Bà ơi, con gái nhà mình sắp đi rồi kìa. Có gì gói cho nó mang đi!”. Ở phòng bên Dung vội vàng nhét vào túi quần khi nãy của bố một tờ tiền xanh. Hai bố con Dung vẫn vậy, chẳng mấy khi trò truyện, chỉ có sự im lặng. Nhưng từ ánh mắt của bố, từ những cử chỉ rất nhỏ của bố, Dung vẫn thầm xúc động bởi cô biết rằng chỉ cần được thấy con gái vui, bố sẽ âm thầm làm tất cả.
Minh Nguyệt