Đạo Chích và Thiếu Chính Mão là hai nhân vật phản diện trong lịch sử, vì danh tiếng quá ác nên 2.500 năm nay không ai dám nói nửa lời tốt cho họ. Nhưng sau năm 1949 thì hai người này lại được đưa lên tận mây xanh.

Hai người này đều bị Khổng Tử căm ghét. Đạo Chích không những thích chém giết, lại còn ăn thịt người, nhưng lại được chính quyền Trung Quốc tuyên truyền là lãnh tụ khởi nghĩa nông dân giàu tính cách mạng nhất. Cho đến sau cuộc Đại cách mạng văn hóa, Đạo Chính trong sách giáo khoa của Trung Quốc vẫn là nhân vật tiếng tăm lừng lẫy thúc đẩy tiến bộ lịch sử.

Thậm chí ở bài “Nỗi oan của Đậu Nga” trong sách ngữ văn trung học Trung Quốc có câu: “Trời Đất chỉ hợp với phân biệt đục trong, làm sao có thể khiến Đạo Chích, Nhan Uyên hồ đồ được”. Nhiều học sinh quả nhiên đã không phân biệt nổi đục trong, coi Nhan Uyên (còn gọi là Nhan Hồi, Nhan Tử, là môn sinh đắc ý nhất của Khổng Tử) là kẻ xấu xa nhất khi được so sánh với Đạo Chích.

Còn Thiếu Chính Mão, được tuyên truyền của Trung Quốc coi là người tiên phong, là hiện thân của “tự do ngôn luận”; là dũng sỹ, dám khiêu chiến với Khổng Tử “điên cuồng khôi phục chế độ vua”; là nhà giáo dục, vì tranh đoạt nguồn sống với Khổng Tử mà bị hại; là oan hồn, trở thành vật tế cho ngục tù văn tự. Mà Khổng Tử lại bị nói thành “tên lính xung kích của ngục tù văn tự”.

Đạo Chích và Chính Thiếu Mão tiêu biểu cho hai loại ác ở mức độ khác nhau, tính chất khác nhau. Sự khác biệt của hai người này, người xưa đã có luận thuật. Trong truyện thứ 58 của “Tấn thư” có chép một đoạn luận thuật của Nhan Hàm, đại phu thời Quang Lộc Đông Tấn rằng:

Người đương thời đàm luận về Thiếu Chính Mão và Đạo Chính người nào tội nặng hơn. Có người nói: “Thiếu Chính Mão tuy ác, nhưng không đến nỗi sát nhân, ăn thịt người như Đạo Chích, đương nhiên là Đạo Chích ác hơn”.

Nhan Hàm nói: “Làm ác làm chỗ rõ ràng, công khai, người người đều biết hắn đáng chết. Gian tà ẩn giấu rất sâu, chỉ có Thánh nhân mới có thể phát hiện ra, đồng thời trừ ác tận gốc. Do đó mà nói, Thiếu Chính Mão ác hơn”.

Nghe lời nói này, mọi người đều thấy thuyết phục.

Theo cách nói của Nhan Hàm, Đạo Chích thuộc loại tội ác, cái ác của hắn người thường cũng có thể phát hiện, phán đoán, tránh, ngăn ngừa, nhưng cái gian tà ẩn giấu sâu của loại người như Thiếu Chính Mão, thì người thường không thể thấy rõ, chỉ có Thánh nhân mới có thể phát hiện ra và trừ ác, đó là “tà ác”.

Cái gian tà ẩn giấu sâu của loại người như Thiếu Chính Mão tuy khó nhìn thấy trước mắt nhưng lại mang lại hậu họa khôn lường. (Ảnh minh họa: kknews.cc)

Theo sử sách ghi chép, Khổng Tử được bổ nhiệm làm Đại tư khấu chỉ mới 7 ngày, ông đã công khai giết Thiếu Chính Mão. Tử Cống (Còn có tên Đoan Mộc Tứ) tính tình cương trực bèn hỏi Khổng Tử: “Thiếu Chính Mão là người hiển đạt nước Lỗ, Phu tử mới bắt đầu làm chính trị đã giết ông ta, phải chăng là không được thỏa đáng?”

Khổng Tử đáp:

Tứ à, hãy nghe ta nói. Kẻ đại ác có 5 loại, những kẻ trộm cướp lớn nhỏ đều không nằm trong số ấy. Thứ nhất là: Tâm thông đạt mà nham hiểm; thứ hai là: hành sự quái dị lại ngoan cố; thứ ba là: nói giả dối lại ngụy biện; thứ tư là: ghi nhớ những cái xấu ác lại biết nhiều; thứ năm là: tán đồng những sai trái và tô vẽ chúng lên. Trong 5 loại đại ác này, chỉ cần có một loại trong đó là cần phải xử tử rồi, mà Thiếu Chính Mão lại có đủ 5 loại đại ác đó. Do đó ông ta đến đâu cũng có thể tụ tập bè cánh đông đảo, gieo rắc tà thuyết mê hoặc lòng người, bài xích chính Đạo, lấy tà làm chính, mà lại có thể biện giải được thuyết của hắn. Đây là kẻ kiệt hùng trong đám tiểu nhân, không thể không giết. Do đó, vua Thang giết Quân Hài, vua Văn Vương giết Phan Chỉ, Chu Công giết Quản Thúc, Thái Công giết Hoa Sỹ, Quản Trọng giết Phó Lý Ất, Tử Sản giết Đặng Tích, Sử Phó, bảy người này, tuy ở vào các thời đại khác nhau, nhưng tâm thuật hiểm ác như nhau, không thể không giết.

“Kinh thi” có nói rằng: “Lòng lo lắng ưu sầu chồng chất, hận lũ tiểu nhân đáng ghét”. Khi những kẻ phẩm hạnh bất chính hiển đạt, là khiến người ta lo lắng nhất”.

Khổng Tử tham dự trị quốc 3 tháng, nước Lỗ bách tính an cư lạc nghiệp, ngoài đường không nhặt của rơi, dân không tranh tụng kiện cáo.

Khổng Tử tham dự trị quốc 3 tháng, nước Lỗ bách tính an cư lạc nghiệp… (Ảnh minh họa: chinanews.com)

Từ 5 loại người đại ác mà Khổng Tử miêu tả, chúng ta dường như thấy loại người như Thiếu Chính Mão đang múa may trên vũ đài thế giới. Thậm chí “đến đâu cũng có thể tu tập bè cánh đông đảo, gieo rắc tà thuyết mê hoặc lòng người, bài xích chính Đạo, lấy tà làm chính, mà lại có thể biện giải được thuyết của hắn” Có lẽ đó là đặc trưng của loại người này, suốt 2500 năm lịch sử vẫn không những không thay đổi mà còn tà ác hơn, quỷ quyệt hơn, và che giấu kỹ hơn.

Theo secretchina.com
Nam Phương biên dịch