“Ba lần viếng thăm lều cỏ”, “Không thành kế”, “Tam anh chiến Lữ Bố”, v.v., những câu chuyện trong “Tam Quốc Diễn Nghĩa” này đã rất quen thuộc với nhiều người trong chúng ta. Ảnh hưởng của “Tam Quốc Diễn Nghĩa” đối với văn học và văn hóa là không thể nghi ngờ, nhưng nó vẫn có một vài điểm khác biệt với lịch sử chân thật. 

Mặc dù bộ tiểu thuyết “Tam Quốc Diễn Nghĩa” có nhiều sự kiện và nhân vật lịch sử là chân thật, nhưng phong cách kể chuyện và các yếu tố hư cấu khiến nó không thể được coi là ghi chép lịch sử hoàn toàn chính xác được. Ví dụ, tiểu thuyết mô tả câu chuyện về Quan Vũ một mình vượt năm ải chém sáu tướng, nhưng trong lịch sử lại không có ghi chép nào về trường hợp như vậy cả. Hơn nữa, cách kể chuyện của “Tam Quốc Diễn Nghĩa” sử dụng phương thức trần thuật của tiểu thuyết gia, nhấn mạnh tính cô đọng, kịch tính trong tình tiết câu chuyện, nhưng vô tình lại làm mất đi phần nào tính chặt chẽ và khách quan của lịch sử.

Tất nhiên, tiểu thuyết xét cho cùng cũng không phải là văn học tài liệu, tác giả ắt phải đưa ra lựa chọn. Ví dụ, La Quán Trung cố tình làm mờ cục diện “tứ quốc” cùng tồn tại vào cuối thời Đông Hán, mà chỉ tập trung miêu tả vào cuộc đối đầu đặc sắc giữa “tam quốc” là Ngụy, Thục và Ngô. Vậy, vương triều nào đã bị bỏ qua? 

Từ nội dung tổng hợp của “Tam Quốc Diễn Nghĩa” có thể chia thành năm giai đoạn một cách toàn diện, đó là: Khởi nghĩa Khăn vàng, Loạn Đổng Trác, Quần hùng tranh bá, Tam Quốc tranh hùng và ba nhà quy Tấn. Sau khi Gia Cát Lượng qua đời, “Tam Quốc Diễn Nghĩa” chính thức bước vào giai đoạn ba nhà quy về Tấn, rất nhiều độc giả đối với phần này không mấy hứng thú. Điều này dẫn đến một tình tiết then chốt trong giai đoạn sau – việc Tư Mã Ý tiêu diệt nước Yên đã bị bỏ qua. Mà nước Yên này lại là chính quyền cùng tồn tại với ba nước Ngụy, Thục và Ngô vào thời điểm đó, chẳng qua trong “Tam Quốc Diễn Nghĩa” sự thật này đã bị lờ đi mà thôi.

Nước Yên kỳ thực được thành lập ở khu vực Liêu Đông vào thời điểm đó, và người chiếm cứ nơi này đầu tiên nhất chính là Công Tôn Độ – Thái thú Liêu Đông vào cuối thời nhà Hán. Bất cứ ai đã quen thuộc với “Tam Quốc Diễn Nghĩa” đều biết rằng trong giai đoạn đầu của bộ sách này có xuất hiện một anh hùng phương bắc tên là Công Tôn Toản, chiếm giữ vùng U Châu. Mặc dù đều mang họ Công Tôn, nhưng Công Tôn Độ và Công Tôn Toản hoàn toàn không có quan hệ họ hàng với nhau.

Công Tôn Độ là một người rất có tài, tuy xuất thân chỉ là một viên quan nhỏ, nhưng nhờ năng lực cá nhân mà trở thành Thượng thư lang, Thứ sử Ký Châu, rất có danh vọng trên chốn quan trường. Năm 190 SCN, dưới sự tiến cử của người đồng hương là Từ Vinh, ông được Đổng Trác xem trọng và phong làm Thái thú Liêu Đông. Sau khi Đổng Trác bị ám sát, Trung Nguyên rơi vào cục diện hỗn loạn quần hùng tranh bá. Còn Công Tôn Độ không có hứng thú tranh đoạt Trung Nguyên, ông chỉ muốn nắm giữ Liêu Đông trong tay mình.

Công Tôn Độ nhanh chóng huấn luyện một đội quân trung thành với mình, ông còn tận dụng ưu thế cách xa ngọn lửa chiến tranh của Liêu Đông để thu hút nhiều nhân tài xuất chúng từ Trung Nguyên. Kể từ đó, thực lực của Công Tôn Độ được cải thiện mau chóng, ông đã đánh thắng nhiều trận với Cao Câu Ly và Ô Hoàn, nhanh chóng chiếm giữ hoàn toàn bán đảo Liêu Đông. Công Tôn Độ lại thông qua phương thức liên hôn thu phục vua nước Phù Dư và tự phong mình là Liêu Đông Hầu, Bình Châu Mục. 

Trước khi Công Tôn Độ qua đời, ông đã truyền chức Thái thú Liêu Đông cho con trai mình là Công Tôn Khang. Công Tôn Khang cũng xuất hiện trong mấy phân đoạn ngắn của “Tam Quốc Diễn Nghĩa”, chính ông là người đã dâng thủ cấp của hai anh em Viên Thượng và Viên Hi cho Tào Tháo, nên được phong là Tương Bình Hầu. Năng lực của Công Tôn Khang cũng rất xuất chúng, ông đã dốc lòng xây dựng đất nước để nâng cao hơn nữa sức mạnh của quân đội Liêu Đông. Sau đó, công phá thủ đô của Cao Câu Ly, đặt lãnh thổ bị chinh phục thành quận Đới Phương.

Sau khi Công Tôn Khang qua đời, hai người con trai còn nhỏ nên vị trí thái thú tạm thời rơi vào tay em trai là Công Tôn Cung. Sau khi Công Tôn Uyên lớn lên, ông đã đoạt lại ngôi vị Thái thú từ người chú của mình. Công Tôn Uyên đã áp dụng sách lược nhất quán của gia đình và tiếp tục cát cứ nhờ vào lợi thế địa lý. Công Tôn Uyên rất có tham vọng, và cũng không muốn khuất phục trước nhà họ Tào, vì vậy Công Tôn Uyên bắt đầu ngả nghiêng về phía Tôn Quyền, thậm chí còn nguyện làm tướng cho Tôn Quyền để đối lấy sự chi viện. Sự ưu ái của Tôn Quyền dành cho Công Tôn Uyên rất hữu dụng, ông đã không màng đến sự phản đối của triều thần mà cung cấp một lượng lớn vật tư cho Liêu Đông. Tuy nhiên, sau khi những vật tư này được gửi đến, Công Tôn Uyên đột nhiên hối hận, ông lo lắng rằng hành động này sẽ làm mất lòng Tào Ngụy. Vì vậy, sau khi nhận được vật tư, Công Tôn Uyên đã dứt khoát giết sứ giả do Tôn Quyền cử đi, và đưa thủ cấp của sứ giả Đông Ngô dâng lên nước Ngụy.

Động thái này khiến Ngụy Minh Đế rất vui mừng, bèn phong ông là Lạc Lang Công. Hành động thành công lần này đã khiến dã tâm của Công Tôn Uyên ngày càng bành trướng, và ông dần có ý tưởng tự lập mình làm hoàng đế. Vào năm 237, vì Công Tôn Uyên từ chối chiêu mộ của Ngụy Minh Đế, Ngụy Minh Đế đã cử Thứ sử U Châu là Quán Khâu Kiệm công đánh Liêu Đông, nhưng quân Ngụy lại bị đánh bại dễ dàng. Thắng lợi dễ dàng này đã khiến Công Tôn Uyên càng thêm kiêu ngạo, không lâu sau Công Tôn Uyên đã tự lập làm Yên Vương, thay đổi niên hiệu là Thiệu Hán, còn thiết lập trăm quan. Tại thời điểm này, vùng Trung Nguyên đã bước vào giai đoạn bốn vương triều cùng tồn tại. Nhưng giai đoạn này chỉ kéo dài được một thời gian ngắn, sau khi nghe tin Công Tôn Uyên lên làm hoàng đế, Ngụy Minh Đế vào năm 238 đã triệu Tư Mã Ý đến tấn công Liêu Đông. Công Tôn Uyên không đủ sức chống cự, chưa đầy ba tháng đã bị Tư Mã Ý đánh bại, nước Yên diệt vong.

Xem đến đây, chắc mọi người đã có thể hiểu được tại sao La Quán Trung khi viết “Tam Quốc Diễn Nghĩa” lại làm mờ dấu vết về sự tồn tại của nước Yên. Bởi vì thời gian của nó quá ngắn, nó đã bị Tư Mã Ý dễ dàng loại bỏ trong vòng chưa đầy một năm, vậy nên La Quán Trung tự nhiên không cần phải mô tả nhiều về nó. Mà điều quan trọng nhất là “Tam Quốc Diễn Nghĩa” dù sao cũng chỉ là tiểu thuyết, không phải văn học tư liệu lịch sử, tiểu thuyết muốn viết hay thì cần phải có chủ tuyến rõ ràng, La Quán Trung xử lý như vậy cũng là phù hợp hơn với logic của lối viết tiểu thuyết. Mặc dù trong “Tam Quốc Diễn Nghĩa” gần như không có cảm giác tồn tại, nhưng trong lịch sử chân thật, thì gia tộc Công Tôn cũng đóng vai trò then chốt, đối với hậu thế có ảnh hưởng sâu sắc.

Trước hết, gia tộc Công Tôn đã duy trì sức ảnh hưởng của Vương triều Trung Nguyên đối với Bán đảo Liêu Đông và Bán đảo Triều Tiên trong thời gian mấy chục năm hoạt động ở Liêu Đông, một điểm này là rất quan trọng. Nếu không có gia tộc Công Tôn trấn giữ Liêu Đông, những vùng lãnh thổ này có thể đã bị Cao Câu Ly chiếm đóng từ lâu. Thứ hai, việc trấn giữ vùng Liêu Đông của gia tộc Công Tôn cũng khiến Cao Câu Ly sau này chính thức trở thành lãnh thổ của con dân nhà Hán, từ đó đến nay chưa từng bị thất lạc. Gia tộc Công Tôn không chỉ khai hoang một lượng lớn đất đai, mà còn đưa kinh tế xã hội nơi đây phát triển nhanh chóng. Trong mấy chục năm tiếp sau đó, một lượng lớn người Hán từ Trung Nguyên bị ảnh hưởng bởi chiến tranh lần lượt di cư đến đây, dân số Liêu Đông đã được cải thiện rất nhiều so với trước đó.

Gia tộc Công Tôn tuy cũng từng là hoàng đế hùng bá một phương, nhưng trong dòng sông dài của lịch sử vẫn chỉ để lại một dấu vết nhỏ như khách qua đường, và họ cũng không thể thúc đẩy hoặc thay đổi hướng đi của lịch sử, cuối cùng thuận theo sự cường thịnh của thế lực Tam Quốc mà bước trên con đường diệt vong trước tiên, rút ​​lui khỏi vũ đài lịch sử. Câu nói “Thế lớn trong thiên hạ, hợp lâu rồi tan, tan lâu rồi hợp” chính là minh họa cho đạo lý này. Dù cho gia tộc Công Tôn ở đời sau không đi đến suy tàn, thì sau khi thiên hạ thống nhất cũng nhất định bị chìm nghỉm, có lẽ đây chính là quy luật của lịch sử.

Theo Sound of Hope
Vũ Dương biên dịch

Từ Khóa: