Bồ Đề Đạt Ma là con trai thứ ba của một vị vua Pallava Tamil từ Kanchipuram. Ngài vốn là đệ tử và truyền nhân của Tổ thứ 27, Bát Nhã Đa La, và là Tổ của Thiền tông Trung Quốc.
Truyền Đạo sang Đông
Một hôm, sư phụ Bát Nhã Đa La gọi Bồ Ðề Lạt Ma đến truyền pháp và dạy rằng:
“Sáu mươi năm sau ngày ta viên tịch, đệ tử nên lưu hành sang Ðông Độ Trung Hoa truyền đạo, vì môi trường hướng Ðông rất thích hợp với Thiền Tông”.
Tiếp theo đó, Bồ Ðề Đạt Ma được sư phụ truyền thụ y bát để kế thừa nhiệm vụ Tổ Thiền tông Ấn Ðộ đời thứ 28.
Ðể thực hiện lời di huấn của sư phụ mình, vào năm 517, Tổ Bồ Đề Đạt Ma từ giã Ấn Ðộ, dùng thuyền vượt biển. Sau ba năm, Ngài đến Quảng Châu, Trung Hoa, dưới triều Lương Vũ Ðế, niên hiệu Phổ Thông thứ bảy. Khi Bồ Đề Đạt Ma đi thuyền qua Nam Trung Quốc vào năm 520, vua Lương Võ Đế hay tin liền mời Ngài về Kim Lăng để hội kiến, nhưng vì ý không hợp nhau nên chia tay.
Sau khi Ngài bỏ đi, Lương Võ Đế vô cùng hối hận, sai người đuổi theo. Ngài đến bờ sông Trường Giang, không có thuyền, lại thấy nhóm người ngựa đang đuổi theo sau lưng, bèn bứt một cọng lau ném xuống sông rồi đứng trên đó mà vượt Trường Giang. Tích “Nhất vĩ độ giang” có nguồn gốc từ đó. Hiện nay ở Thiếu Lâm Tự núi Tung Sơn vẫn còn tượng đá tạc cảnh Ngài đạp cọng lau qua sông.
Lương Vũ Đế (464–549) là vị Hoàng đế khai quốc của triều Lương thời Nam-Bắc triều trong lịch sử Trung Quốc. Thời kỳ ông trị vì là một trong những giai đoạn ổn định nhất và thịnh vượng nhất của Nam triều. Vũ Đế đã cho mở trường học và mở rộng các kỳ thi khoa cử, yêu cầu con trai của các quý tộc phải học tập.
Ông vốn là người ham đọc sách, thích sáng tác thi ca và bảo trợ cho nghệ thuật phát triển. Mặc dù triều đình lấy Nho giáo làm giá trị quan, song ông tin theo Phật giáo và bị thu hút trước nhiều phong tục Ấn Độ. Ông đã ngăn cấm hiến tế động vật và chống lại việc hành hình. Ông được cho là đã tiếp thu nhiều châm ngôn Phật giáo trong thời gian trị vì, do vậy có biệt danh là Bồ Tát Hoàng Đế.
Lương Vũ Đế cực lực tôn sùng Phật giáo, khuyến khích xuất gia, tạo lập chùa chiền, xem đây là phương thức “tạo phước báo” để ngôi vị được trường cửu. Chính Lương Vũ Đế là người đề xướng “ăn chay trường” trong triều đình, sau đó ăn chay trở thành đại giới bắt buộc trong Phật giáo đại thừa ở Trung Hoa.
Tương truyền, có lần Lương Vũ Đế tìm đến một vị cao tăng, hỏi rằng: “Ta nay được làm hoàng đế, nhờ hòa thượng xem tiền kiếp ta đã làm việc tốt gì mà tích được phước lớn thế này”.
Vị cao tăng nhập định xong, nói: “Kiếp trước của hoàng thượng là một tiều phu. Một lần đang đốn củi trên núi thì gặp mưa lớn, ngài bèn chạy vào một ngôi miếu hoang đổ nát trú mưa. Cảnh tượng trong miếu hoang tàn, tượng Phật bị gió tạt mưa sa rất thê lương, hoàng thượng thấy cảnh ấy bất giác phát thiện tâm, nghĩ cách che chở cho tượng Phật. Người lúc ấy rất nghèo, bèn dùng cái nón cỏ duy nhất của mình đặt lên đầu tượng Phật để che mưa. Nhờ phúc báo đó mà người được làm hoàng đế kiếp này”.
Lương Vũ Đế nghe xong rất vui, nói rằng: “Một chiếc nón cỏ có thể được làm hoàng đế, vậy ta cho toàn dân tạo chùa miếu, đúc tượng Phật thật nhiều, như vậy thì sẽ giữ được ngôi vị vĩnh viễn”. Ông bèn lệnh cho toàn quốc tập trung nhân lực, tài lực xây dựng rất nhiều chùa chiền.
Thần Phật nhìn nhân tâm
Bồ Đề Đạt Ma là một Thánh tăng, đệ tử đời thứ 28 của Đức Phật Thích Ca, với hồng nguyện đem ánh sáng Phật Pháp soi sáng phương Đông, gặp một vị vua anh minh sùng kính Phật để hồng dương Phật Pháp. Những tưởng như rồng gặp mây, đại nghiệp rộng mở, hồng nguyện viên mãn, nào ngờ thiện duyên chỉ đến đó thôi, do ngộ tính của vua còn quá thấp.
Bồ Đề Đạt Ma được vua Lương Võ Ðế triệu vào cung Kim Lăng giảng đạo. Câu chuyện giữa Ngài và Lương Vũ Đế có một đoạn thú vị, chính là nguyên nhân Ngài rời bỏ hoàng cung đến núi Thiếu Lâm tham thiền 9 năm liền.
Trong lúc luận bàn đạo lý, nhà vua hỏi: “Trẫm một đời cất chùa, độ tăng, bố thí, cúng dường, đúc chuông, tạc tượng, ấn tống kinh sách, như vậy có được công đức gì chăng?”.
Bồ Ðề Ðạt Ma trả lời một cách rõ ràng rằng: “Những việc làm ấy thực không có công đức gì cả!”.
Vua lại hỏi: “Tại sao không công đức?”.
Ngài Đạt Ma đáp: “Bởi vì những việc vua làm là ‘hữu lậu’, chỉ có những quả nhỏ trong vòng nhân thiên, như ảnh tùy hình, tuy có nhưng không phải thật”.
Vua lại hỏi: “Vậy công đức chân thật là gì?”.
Ngài Đạt Ma đáp: “Trí phải được thanh tịnh hoàn toàn, thể phải được trống không vắng lặng, như vậy mới là công đức, và công đức này không thể lấy việc thế gian (như xây chùa, chép kinh, độ tăng) mà cầu được”.
Sau mười chín ngày thuyết giảng tại triều đình, Ngài thất vọng vì căn cơ của nhà vua và các triều thần không thể lãnh hội được những tư tưởng Thiền của ngài trong đề tài Ðạt Ma Huyết Mạch Luận, gồm có: Phật Tâm, Phật Tánh, và Pháp Thân. Ngài tự thán với bài kệ sau:
“Nhất tiễn tầm thường, lạc nhất điêu,
Cánh gia nhất tiễn, dĩ tương thiêu.
Trực quy thiếu thất, phong tiền tọa,
Lương chúa hưu ngôn, cánh khứ chiêu.”
Dịch nghĩa tạm như sau:
Mỗi mũi tầm thường, lạc chim điêu,
Mũi tiếp dồn thêm, đốt cháy tiêu.
Trực chỉ Thiếu Lâm, ngồi vách đá,
Vua Lương thôi chớ, thỉnh cùng kêu
Vậy tại sao chỉ một cái nón cỏ che tượng Phật đời trước mà Lương Vũ Đế đời này được phúc báo làm hoàng đế? Bởi vì tuy là cái nón cỏ nhưng đó là của cải duy nhất của ông, tức là ông bỏ hết tài sản ra để bảo hộ tượng Phật, cái tâm đó mới là lớn. Thần Phật nhìn tâm con người chứ không nhìn lễ vật vật chất, bởi Thần Phật thần thông quảng đại, các Ngài muốn gì là có nấy, nên các Ngài chỉ nhìn cái tâm Thiện của con người mà thôi.
Vậy tại sao Lương Võ Đế cả đời xây dựng chùa Phật, cúng dường tăng ni, đúc chuông in ấn kinh sách mà Ngài Đạt Ma nói không có công đức gì? Kiếp trước vua bỏ nón cỏ che tượng Phật là xuất phát từ tâm kính Phật, vô cầu. Nhưng kiếp này, vua xây dựng nhiều chùa chiền, cúng dường tăng ni, đúc chuông in kinh, tuy cũng là cái tâm kính Phật, nhưng lại có lòng truy cầu phúc báo “muốn giữ được ngôi vĩnh viễn”.
Tất nhiên làm việc tốt là được phúc báo, chứ không có được công đức. Vua không hiểu rõ đạo lý đó, nên Ngài Đạt Ma phải nói thêm: “Trí phải được thanh tịnh hoàn toàn, thể phải được trống không vắng lặng, như vậy mới là công đức, và công đức này không thể lấy việc thế gian (như xây chùa, chép kinh, độ tăng) mà cầu được”. Ngài Đạt Ma đã nói rõ phải vô vi, vô cầu mà làm các việc thiện thì mới được công đức. Đáng tiếc là ngộ tính của vua quá thấp, không hiểu được, khiến Ngài bỏ đi.
Hiện nay chúng ta cũng có nhiều người đi chùa chiền lễ bái, góp công đức, xây chùa, đúc chuông, tạo tượng, cúng dường, phóng sinh, làm nhiều việc thiện khác. Nếu không hiểu rõ công đức thì cũng như Lương Vũ Đế, làm việc tốt, có phúc báo mà thôi. Để có công đức thì phải vô cầu, vô vi “Trí phải được thanh tịnh hoàn toàn, thể phải được trống không vắng lặng”.
Như vậy phải tu cái tâm, loại bỏ hết các tạp niệm, các suy nghĩ truy cầu công danh, vinh hoa, truy cầu tiền tài, bổng lộc, truy cầu vợ đẹp con khôn, truy cầu sức khỏe, truy cầu được mọi người trọng vọng. Ngoài ra còn phải thanh trừ hết thảy các tâm tiêu cực như bực tức, nóng giận, chửi mắng, nói xấu người khác, còn phải loại bỏ cái tâm hiển thị, khoe khoang tài năng, thể hiện bản thân, coi mình là hơn, là đúng. Nói chung phải bỏ dần thất tình lục dục, khiến cho “trí thanh tịnh… thể trống không…” lúc đó công đức không cầu mà tự đắc được.
Làm việc thiện thì được phúc báo, nhưng vẫn chỉ là người thường, vẫn phải chịu khổ của sinh lão bệnh tử, vẫn phải theo sáu nẻo luân hồi. Chỉ là phúc báo nhiều thì cuối đời ít khổ hơn, hay luân hồi vào kiếp sống tốt hơn mà thôi.
Còn người tu Phật hay tu luyện nói chung, họ tu cái tâm cho tâm thuần thiện, thanh tịnh, và thân thể họ cũng theo đó mà được tịnh hóa, dần dần đạt được “trí phải được thanh tịnh hoàn toàn, thể phải được trống không vắng lặng”. Lúc đó công đức cũng khá cao rồi, có thể thoát khỏi cái khổ của tử sinh, luân hồi, siêu xuất khỏi tầng người thường, đạt đến tầng thứ của bậc Giác Giả đắc Đạo.
Phật Pháp vô biên và công bằng, không phân biệt nam nữ già trẻ, không phân biệt sang hèn giàu nghèo, không phân biệt chủng tộc tín ngưỡng. Chỉ cần người nào thực tu cái tâm, vô vi, vô cầu, lúc nào cũng giữ được tâm thái chân thành, thiện lương, tường hòa, lúc nào cũng lấy thiện đãi người, thậm chí cả với những người làm hại mình, thì người đó đắc được công đức, duy trì thường hằng ắt đắc Đạo.
Nam Phương