Một y tá ở Singapore từng kể rằng một trong những người giàu nhất Indonesia hàng năm đều đến nằm tại bệnh viện nơi cô làm việc. Ông ấy giàu có như một vị vua, nhưng việc nhập viện liên tục của ông lại không liên quan gì đến tình trạng sức khỏe của ông. Ông vào viện là để trốn các bà vợ và con cái ông, những người luôn vòi tiền từ ông.
Ông cho hay, ông có sáu bà vợ lớn nhỏ, nhưng không ai trong số họ yêu ông, ngoại trừ người vợ thứ hai là một tín đồ Cơ Đốc giáo. Tất cả những bà vợ khác chỉ thích tiền và tài sản của ông. Ông muốn sống với người vợ thứ hai, nhưng người vợ cả lại không cho phép.
Ông có tổng cộng hơn 80 người con và cháu. Khi ông nhập viện, con cháu ông đã đổ xô tới bệnh viện và xếp hàng để thăm ông. Nhưng ông thất vọng khi biết rằng tất cả họ tới chỉ là để phân chia tài sản. Không ai trong số họ quan tâm tới sức khỏe của ông cả. Do đó, ông thường dùng thuốc ngủ để tự an ủi mình. Ông là một người đàn ông rất cô độc, và không hạnh phúc chút nào.
***
Trong cuốn sách Người giúp việc: Làm việc cật lực, đồng lương ít ỏi, và ý chí sinh tồn của một người mẹ, tác giả Land vốn từng dọn dẹp cho nhiều nhà giàu Mỹ đã viết: “Sống với những người đau, bệnh là một phần trong cuộc sống hằng ngày của tôi. Đó là một phần khiến tôi kiệt sức. Nhưng tại sao những ông, bà chủ giàu có lại mắc phải các vấn đề này? Chẳng phải họ luôn có đồ ăn ngon, sạch, thẻ tập gym, bác sĩ riêng để giữ cho bản thân được khỏe mạnh, gọn gàng? Có lẽ sự căng thẳng của việc phải giữ ngôi nhà hai tầng, một cuộc hôn nhân bất hạnh và duy trì ảo tưởng về sự giàu có của mình cũng mệt như chúng tôi ám ảnh về cái nghèo của bản thân”.
Bây giờ người ta thường nói: “Thà khóc trong xe limo còn hơn cười trên xe đạp”. Chủ nghĩa tôn sùng vật chất khiến con người ta ảo tưởng rằng chỉ cần một nền tảng vật chất vững vàng là có thể đương đầu với mọi sóng gió. Còn những hạnh phúc nhỏ nhoi không dựa trên sự ổn định về vật chất, thì sẽ rất mong manh.
Nếu đó là sự thật, thì ai có thể giải thích bi kịch của gia tộc Samsung – đế chế tài phiệt số một Hàn Quốc? Những người con, người cháu tự sát, hàng loạt cuộc hôn nhân đổ vỡ và hệ quả là những “công chúa”, “hoàng tử”, những người thừa kế nhí phải sống trong cảnh không được gặp mặt mẹ, bố mẹ cãi cự, đấu tố nhau từ tòa án cho tới trên mặt báo. Không chỉ Samsung, gia tộc Lotte còn thảm hại hơn khi con trai hất cha ruột khỏi chiếc ghế của mình.
***
Cuộc sống thiếu thốn về vật chất nhiều khi mang đến sự chật vật, tự ti và nỗi cô đơn. Do đó, không ít người tin rằng nếu họ có tiền, họ sẽ thoải mái, vui vẻ, hạnh phúc hơn. Thế nhưng, những tấm gương “người giàu cũng khóc” phía trên chứng tỏ rằng sự giàu có không phải là đảm bảo cho hạnh phúc, thậm chí nỗi ám ảnh phải trở nên giàu có lại khiến con người ta mất đi hạnh phúc.
Ralph Waldo Emerson, một nhà văn người Mỹ nổi tiếng từng viết: “(…) người ta chỉ nghèo khi họ cảm thấy mình nghèo, và sự nghèo khó nằm trong cảm giác nghèo”. Chỉ khi chúng ta học cách bằng lòng và trân quý, chúng ta mới có thể cảm nhận được sự vui vẻ trong nội tâm, đồng thời lánh xa những thất vọng và than phiền. Lão Tử, một nhà hiền triết vĩ đại phương Đông, từng viết: “Tri túc chi túc, hằng túc hĩ”, nghĩa là biết thế nào là đủ thì sẽ vĩnh viễn không thiếu gì.
Sự thật là, một cuộc sống vật chất sung túc có thể mang đến cho chúng ta sự thoải mái tạm thời, nhưng những truy cầu vật chất ngày một tăng cấp sẽ đẩy chúng ta vào vực sâu không đáy. Trong khi đó, một trái tim thuần phác, lương thiện lại mang đến cho chúng ta hạnh phúc vô biên trong cả một đời.
Trong kiếp nhân sinh, danh lợi, tiền tài, vàng bạc, châu báu… đều là vật ngoại thân. Còn thiện tâm là sự giàu có trong tâm hồn. Nó giống như một tia sáng mặt trời tỏa sáng thế giới của chúng ta cùng những người xung quanh chúng ta. Thiện tâm cũng giống như nước, làm tươi mát nơi khô cằn và thỏa mãn cơn khát của nội tâm. Một người có thiện tâm sẽ có thể khoan dung, có thể tha thứ, biết hài lòng với bản thân và sống một cuộc đời giản dị. Anh ta sẽ không bị làm phiền hay xáo động bởi đủ loại rắc rối và mâu thuẫn trong cuộc sống. Hạnh phúc và vui vẻ thật sự nằm sẵn trong tâm anh ta.
Nói cho cùng, phú quý hay bần tiện trên thế gian cũng như một dòng nước chảy. Nó không ngừng thay đổi vào mỗi thời khắc. Đối diện với sinh-lão-bệnh-tử trong đời người, thì giàu hay nghèo của con người thế gian dường như vô lực. Trái tim thiện lương và đạo đức cao quý mới là tài sản quý giá nhất của sinh mệnh.
Thanh Ngọc
(Tổng hợp và biên soạn)