Tương truyền, những danh y thời cổ đại đều có mang trong mình công năng đặc dị. Không cần quá nhiều dụng cụ chẩn đoán phức tạp, họ hoàn toàn có thể nhìn thấu được bên trong cơ thể người, tìm được nguyên nhân gây bệnh.
Để kiểm tra các bộ phận bên trong cơ thể mà không phải phẫu thuật phanh mổ, Tây y phải dùng đến những máy móc hiện đại để chụp X-quang và chụp cắt lớp MRI. Tuy hiện đại nhưng thứ máy đó rất cồng kềnh, mỗi lần tiến hành cũng không đơn giản.
Các danh y cổ đại cũng có được khả năng đó nhưng theo một cách đơn giản hơn rất nhiều. Họ nhìn trực tiếp vào trong cơ thể con người một khả năng gọi là “thiên mục”, tức con mắt thứ ba.
Nhiều người hiện đại nghe thấy điều đó thì đều tưởng như chuyện viễn tưởng, bịa đặt. Kỳ thực, những chuyện đó đều được lịch sử ghi chép lại minh bạch, hoàn toàn chân thực. Chỉ là thuyết vô thần và sự bài xích của khoa học thực chứng hiện đại đã phủ lên nó một bức màn gọi là “mê tín” mà thôi.
Hoa Đà (140 – 208)
Hoa Đà tự Nguyên Hóa, là thầy thuốc nổi danh cuối thời Đông Hán, đầu thời Tam Quốc (khoảng thế kỷ thứ 2). Ông được người đời sau xưng tụng là thần y, được xem là một trong những ông tổ của Đông y. Ông cũng là nhà giải phẫu học đầu tiên của y học Trung Hoa. Hoa Đà đã biết áp dụng kỹ thuật gây mê bằng một loại hỗn hợp rượu và thảo dược, gọi là Ma phí tán, trước khi người phương Tây biết đến hơn 1600 năm.
Hoa Đà được cho là có công năng đặc dị, có thể nhìn thấu bên trong thân thể người để tìm ra các khối u và căn nguyên gốc rễ của bệnh tật. Ông vốn là đồng hương của Tào Tháo. Khi Tào Tháo mắc bệnh đau đầu, cho người tìm Hoa Đà đến chữa.
Hoa Đà đã nhìn thấy khối u trong não Tào Tháo. Ông nói rằng bệnh đã nhập vào tận óc, phải lấy búa bổ sọ ra rồi cạo sạch phong độc mới chữa được. Tào Tháo nghe vậy, tưởng rằng Hoa Đà muốn mưu sát mình, bèn giam ông vào ngục.
Đến khi chứng đau đầu của Tào Tháo tái phát, mới lại cho người gọi Hoa Đà đến thì được tin thần y đã chết trong ngục tối. Sau này, Tào Tháo cũng qua đời vì căn bệnh đau đầu kinh niên của mình ở tuổi 66, để lại cơ nghiệp thống nhất thiên hạ hãy còn dang dở.
Hoa Đà là một danh y khiêm tốn, không màng danh lợi và thú vui thế tục. Dù luôn được kề cận trị bệnh cho các thủ lĩnh, đại tướng, Hoa Đà vẫn thường kết giao với thường dân. Trước đó, ông từng từ chối vào cung làm Thái y chăm sóc sức khỏe cho Hoàng đế.
Hòa Đà cũng chính là người phát triển một số bài tập khí công mà ông gọi là “Ngũ cầm hí”, tập luyện dựa theo động tác của 5 loài vật là: hổ, hươu, gấu, khỉ và chim.
Rất nhiều danh y thời cổ đại Trung Quốc chú trọng tu dưỡng tinh thần, giữ gìn phẩm hạnh. Họ hiểu rằng, chỉ có tu dưỡng tâm tính mới có thể sở hữu khả năng phi thường trong khám chữa bệnh.
Biển Thước (401 – 310 TCN)
Biển Thước tên thật là Tần Việt Nhân, là một thầy thuốc trứ danh thời Chiến Quốc, là một trong những danh y được ghi chép sớm nhất trong các thư tịch lịch sử. Tương truyền, ông cũng chính là người đã khai sinh ra phương pháp bắt mạch, đặt định những cơ sở đầu tiên cho Đông y.
Dựa vào kinh nghiệm chữa bệnh nhiều năm của mình, Biển Thước đúc kết thành quy tắc “tứ chẩn” trong phép khám và điều trị là: nhìn, nghe, hỏi và bắt mạch. Ngoài ra, ông còn sử dụng kết hợp nhiều biện pháp trị liệu khác như: châm kim đá, châm cứu, xoa nóng, xoa bóp, mổ xẻ, cho uống thuốc…
Cuộc đời của Biển Thước đã được ghi chép lại trong “Sử Ký” của Tư Mã Thiên. Xung quanh vị thần y này cũng có rất nhiều giai thoại kỳ lạ. Tương truyền, Biển Thước gặp được một danh y có khả năng siêu thường tên là Trường Tang Quân. Người này thấy Biển Thước đức độ hơn người nên đã truyền lại toàn bộ tinh hoa của mình.
Ông đưa cho Biển Thước một cuốn sách và một bọc thuốc. Ông nói Biển Thước hãy cầm lấy gói thuốc này, uống cùng với nước mưa hứng từ trên trời xuống. Ba ngày sau khi uống, sẽ biết được rất nhiều sự việc. Biển Thước uống thuốc theo lời chỉ dẫn. Ba ngày sau, ông có thể nhìn xuyên qua các vật thể rắn. Sau khi nghiên cứu các cuốn sách y thuật, ông sớm có thể sử dụng khả năng nhìn xuyên thấu và kiến thức về bệnh tật của mình để chẩn đoán và trị bệnh cho người khác.
Theo Hán thư ngoại truyện, có lần Biển Thước dẫn học trò đến nước Quắc (nay thuộc tỉnh Thiểm Tây) để làm thuốc. Nghe nói Thế tử nước Quắc bị bệnh qua đời đột ngột, ông bèn xin được vào thăm. Quan sát một hồi, thấy cánh mũi người chết còn động đậy, hai chân còn ấm, Biển Thước nói: “Thế tử mắc chứng “thi quyết” (chết giả), có thể cứu sống được“.
Ông bèn châm kim cứu vào các huyệt đạo chính, lại sai học trò làm ngải cứu, đổ thuốc, xoa bóp không ngừng tay. Hồi lâu, quả nhiên “người chết” dần dần tỉnh lại. Biển Thước lại dùng thuốc dán dưới hai nách, bệnh nhân ngồi dậy được ngay. Vua nước Quắc hết sức vui mừng, không tiếc lời khen ngợi. Người ta coi Biển Thước như thần tiên, cho rằng ông có thuật “cải tử hoàn sinh”.
Một lần khác, Biển Thước sang nước Tề gặp Tề Hoàn công. Ông thấy khí sắc vua Tề không tốt, bèn tâu: “Quân hầu, trong da và chân lông ngài đã có gốc bệnh, nếu không kịp thời chữa trị, bệnh sẽ nặng thêm“. Tề Hoàn công thờ ơ đáp: “Ta cảm thấy trong người rất khỏe, chẳng có bệnh tật gì cả“.
Biển Thước lui ra, sau đó năm ngày lại vào yết kiến, nhìn sắc diện rồi khẳng định một lần nữa với vua Tề: “Bệnh của ngài đã vào đến nội tạng rồi, phải chữa ngay đi“. Hoàn công tỏ vẻ khó chịu, không trả lời. Sau khi Biển Thước đi khỏi, ông mới bảo với mọi người: “Thầy thuốc chỉ khéo vẽ vời, hù dọa người ta. Ta chẳng có bệnh gì mà ông ta dám bảo là bệnh nặng. Thật vớ vẩn!“.
Năm ngày sau nữa, Biển Thước lại vào yết kiến, chỉ mới nhìn mặt vua Tề, đã quay bước, bỏ đi thẳng. Hoàn công sai người chạy theo hỏi, Biển Thước nói: “Bệnh ở da, thịt thì còn xoa thuốc được, bệnh ở huyết mạch thì còn tiêm thuốc được, nay bệnh đã vào đến xương tủy rồi thì trời cũng không cứu được nữa, bởi vậy tôi mới bỏ đi“.
Mấy ngày sau quả nhiên Hoàn công phát bệnh. Ông vội cho người đi tìm Biển Thước nhưng vị thần y đã đi xa. Bệnh của Hoàn công ngày càng trầm trọng, chẳng bao lâu mà qua đời đúng như dự đoán của Biển Thước.
Trương Trọng Cảnh (150 – 219)
Trương Trọng Cảnh tên thật là Trương Cơ, là một thầy thuốc nổi tiếng cuối đời Đông Hán. Đóng góp của ông cho Đông y là rất lớn lao, đặc biệt về phương diện lý luận, lý thuyết.
Tác phẩm quan trọng nhất của ông là “Thương hàn tạp bệnh luận” đã thất lạc trong thời Tam Quốc. Tuy nhiên, sau này những lý thuyết của Trương Trọng Cảnh được người đời sau ghi chép, tổng hợp lại thành 2 bộ sách: “Thương hàn luận” và “Kim quỹ yếu lược”. Đó là những tài liệu quan trọng nhất của Đông y, có giá trị đến hàng nghìn năm sau.
Tiểu sử của ông không được ghi chép nhiều, chỉ biết rằng ông là một người đức cao vọng trọng, thương quý muôn dân, hết lòng trị bệnh cứu người. Ông từng làm một chức quan ở Trường Sa, Hồ Nam. Dù thời thế tao loạn, phong vân chiến sự nổi lên như gió cuốn mây đùn nhưng Trương Trọng Cảnh vẫn miệt mài theo đuổi đến cùng con đường y học của mình.
Ông đọc rất nhiều sách nghiên cứu về y học cổ, tập hợp sở học của mình và soạn ra bộ “Thương hàn tạp bệnh luận” như đã nói ở trên. Người đời gọi ông là “thánh y” vì những đóng góp ấy.
Chuyện kể rằng, từ thời trẻ, Trương Trọng Cảnh đã nổi tiếng tinh thông dược lý. Ông cũng sở hữu công năng đặc dị như rất nhiều danh y đức cao vọng trọng khác. Năm 20 tuổi, Trương gặp một vị quan tên là Vương Trọng Xuân. Trương Trọng Cảnh nói với họ Vương rằng lông mày của ông này sẽ rơi rụng hết vào năm 40 tuổi. Sau đó, ông Vương sẽ qua đời trong vòng nửa năm.
Ông Vương lấy đơn thuốc nhưng ko uống vì không tin những lời nói của Trương Trọng Cảnh. Nhiều ngày sau đó, Trương Trọng Cảnh hỏi ông Vương đã uống thuốc chưa. Sợ làm phật ý Trương, ông Vương nói dối rằng mình đã dùng rồi. Trương Trọng Cảnh bèn nghiêm sắc mặt nói: “Ông đã không uống đúng không? Tại sao lại có thể bỏ mặc sinh mệnh của mình như thế được?“.
Nhiều năm sau đó, khi ông Vương đến tuổi 40, lông mày bỗng rụng xuống y như lời tiên đoán. Sau nửa năm, quả nhiên ông đã qua đời.
***
Trung y (còn gọi là Đông y) cổ đại đã từng là phương pháp chữa bệnh được lưu truyền rộng rãi nhất ở Á Đông. Dù là Trung Quốc, Việt Nam, Triều Tiên hay Nhật Bản, hình ảnh các thầy thuốc, danh y kê đơn bốc thuốc, bắt mạch châm cứu, thông kinh hoạt lạc… đều đã trở nên quá quen thuộc và gần gũi. Chúng ta hầu như có thể bắt gặp những cảnh ấy ở trong tiểu thuyết hay điện ảnh.
Thực tế, các lý thuyết của Trung y phức tạp và huyền bí hơn nhiều. Thời cổ đại, nhiều danh y còn được trang bị những khả năng chẩn đoán bệnh vô cùng độc đáo, thách thức hiểu biết của giới khoa học ngày nay.
Tiểu Mai
Xem thêm:
- Vì sao ngày càng nhiều người tìm đến Trung Y để chữa bệnh?
- 100 lời khuyên lúc lâm chung của vị Thầy thuốc Trung y 112 tuổi (phần 1)
- Báo Khoa học & Đời sống: Luyện Pháp Luân Công, bác sĩ tim vượt ‘cửa tử’