Trong cuốn Đạo Đức Kinh chứa đầy trí tuệ nhân sinh của Lão Tử có câu “Thượng thiện nhược thủy, thủy thiện lợi vạn vật nhi bất tranh”, nghĩa là cái thiện cao nhất giống như nước, nước làm lợi cho vạn vật mà không tranh. Làm người thì cần học lấy cốt cách của Nước, không có tâm thái tranh giành, nghĩ đến lợi ích của người khác mà hành xử.

Chúng ta đều biết, hết thảy các sinh mệnh nguyên thủy trên địa cầu đều hình thành và được nuôi dưỡng bởi nước. Lão Tử cho rằng đức tính quý báu nhất của con người, chân giá trị của chữ Thiện cũng giống như nước vậy. Khi người ta không tranh giành với thiên hạ, thì thiên hạ không thể tước đoạt điều gì từ họ. Đây chính là hành xử theo đặc tính của nước.

Cuốn Đạo Đức Kinh cũng có đoạn viết:

Giữ cho đầy không bằng dừng lại hợp thời.
Sắc sảo bén nhọn không giữ được lâu dài.
Vàng ngọc đầy nhà không thể bảo toàn được.
Phú quý mà kiêu căng thì tự rước họa vào thân.
Thành công rồi thì lui lại, đó là Đạo của Trời
.

Vậy, nên hiểu những thông điệp trên như thế nào cho đúng?

Giữ cho đầy không bằng dừng lại hợp thời

Nguyên văn câu này trong Hán ngữ là: “Trì nhi doanh chi, bất như kỳ dĩ”. Diễn nghĩa là: Nếu nắm giữ quá nhiều vật ngoại thân, lo đắc được, được rồi lại lo mất, thì thà được mất thuận theo tự nhiên.

Lão Tử cho rằng công danh phú quý cao thấp nên thuận theo tự nhiên, từ xưa đến nay, chẳng có công danh nào mà không lụi tàn, cũng không có phú quý nào mà không cạn kiệt. Con người ta từ nghèo hèn mà nổi lên, rồi lại từ phú quý mà sa xuống. Công danh phú quý, giống như vạn sự vạn vật, đều có chu kỳ thịnh suy, không nên cưỡng cầu.

“Giữ cho đầy” là nói về khả năng hàm chứa. Rót nước nhiều hơn sức chứa của lòng bát thì tự nhiên sẽ tràn ra ngoài. Một người muốn sở hữu nhiều giá trị, thì trước tiên phải mở rộng sự bao dung của mình. Bao dung rộng lớn thì cũng sẽ tích tụ được nhiều.

Một người muốn sở hữu nhiều giá trị, thì trước tiên phải mở rộng sự bao dung của mình. (Ảnh minh họa: ifuun.com)

Sắc sảo bén nhọn không giữ được lâu dài

Nguyên văn Hán ngữ: “Chùy nhi nhuệ chi, bất khả trường bảo”. Diễn nghĩa là: Hiển lộ quá sắc sảo, bén nhọn thì khó mà giữ lâu dài được.

Nếu “giữ cho đầy” là nói về sự hàm chứa rộng lớn, thì “sắc sảo bén nhọn” là nói về mức độ hiển lộ. Công danh tài sản hễ quá nhiều thì ắt sẽ hiển lộ trên tột đỉnh, dễ trở thành đích ngắm của thiên hạ. Con người dẫu hiển lộ thành đạt đến đến đỉnh cao nào thì cũng không thể quá trời, sức hàm chứa dẫu rộng lớn bao dung đến đâu thì cũng không thể hơn đất được.

Trong lịch sử Trung Hoa cổ đại, Tăng Quốc Phiên nổi tiếng là một người bao dung. Ông dùng 12 năm đánh được Nam Kinh, sau đó được phong Hầu tước, Tể tướng và ghi danh “thiên hạ đệ nhất công”. Nhưng ông đã khiêm nhường thoái thác, đem hết công lao quy về Hoàng đế Hàm Phong và Hoàng Thái hậu cùng Tiểu Hoàng đế đương thời. Ông hạ mình từ đỉnh cao phú quý xuống, đồng thời giữ khoảng cách an toàn với Hoàng đế, Hoàng Thái hậu, tránh bị hoạ lây khi triều đình suy vong.

Vàng ngọc đầy nhà không thể bảo toàn được

Nguyên văn Hán ngữ: “Kim ngọc mãn đường mạc chi năng thủ”. Tư tưởng Đạo Đức Kinh không phản đối con người giữ tiền của, cũng không đòi hỏi lối sống quá thanh đạm, khắc khổ. Chỉ là những tiền tài có thể giữ được, thì nên giới hạn trong sự bao dung của mình, còn những thứ vượt quá tầm bản thân, thì dẫu có muốn cũng không thể nắm giữ.

Tăng Quốc Phiên đã vậy, Phạm Lãi cũng như thế. Sau khi Phạm Lãi và Câu Tiễn diệt được nước Ngô, Phạm Lãi đã quyết định lập tức rút lui, vì ông biết “Chim hết cung tên bỏ xó, thỏ chết chó bị phanh thây”. Ông trở về làm người dân thường áo vải, kinh doanh tích lũy được gia tài vạn quan tiền, được Tề Vương yêu quý. Ông lại đem toàn bộ gia tài của mình phân phát cho bạn bè, bà con, rồi rời đi.

Còn Văn Chủng, cũng giống như Phạm Lãi, là công thần khai quốc, nhưng lại bị Câu Tiễn ban cho cái chết. Thế mới biết, làm người có lúc cần bộc phát tài năng, nhưng điều cần hơn là luôn tâm niệm về trí tuệ thiện chung – giá trị bảo toàn cho một kết cục viên mãn.

Thế mới biết, làm người có lúc cần bộc phát tài năng, nhưng điều cần hơn là luôn tâm niệm về trí tuệ thiện chung... (Ảnh: soundofhope.org)
Làm người có lúc cần bộc phát tài năng, nhưng điều cần hơn là luôn tâm niệm về trí tuệ thiện chung… (Ảnh: ps123.net)

Phú quý mà kiêu căng thì tự rước họa vào thân

Nguyên văn Hán ngữ: “Phú quý nhi kiêu, tự di kỳ cữu”. Diễn nghĩa là: Làm người nếu tự coi mình là phú quý, tự mãn, kiêu căng, thì chính là tự rước họa vào thân.

Trên lộ trình dẫn tới thành công người ta rất dễ bị tâm trạng kiêu ngạo chi phối. Trong xã hội ngày nay, tại sao người ta thường nói vi phú bất nhân? Kỳ thực, lời đó ám chỉ những người đạt được thành công thì vênh váo phô trương, làm cho thiên hạ thấy ta đang ở tận mây xanh.

Tăng Quốc Phiên từng được thiên hạ tung hô là “người hoàn hảo nhất ngàn năm”. Nhưng khi ở trên đỉnh danh vọng, ông cũng vẫn bị người đời bới lông tìm vết, soi mói chê bai rất nhiều, đó chính là hậu họa tất yếu của thành công. May mà ông hiểu được đạo lý, đó là lập kỳ tích mà không ôm hết công lao, công thành thân thoái, nên đã thu phục được lòng thiên hạ và bảo toàn được thân mệnh.

Thành công rồi thì lui lại, đó là Đạo của Trời

Nguyên văn Hán ngữ: “Công thành thân thoái, Thiên chi Đạo dã”.

“Công thành thân thoái” nghĩa là thành công rồi thì lùi lại phía sau. Nhiều người cho rằng tư tưởng này không còn phù hợp với thời đại mới, nó khiến con người mất đi ý chí tiến thủ, rơi vào trạng thái tự hài lòng. Nhưng trên thực tế, “công thành thân thoái” không có nghĩa là vứt bỏ hết như kẻ sỹ thời xưa từ quan quy ẩn, mà đây chính là sách lược dự phòng bền vững, củng cố nền tảng trong quan niệm hiện đại. Câu này khuyên người ta, sau khi nắm bắt cơ hội, đạt được thành công rồi thì không chủ quan kiêu ngạo, khoe khoang hay phô trương thanh thế, nên biết điểm tới hạn của thành công mà dừng lại. Nó nhấn mạnh trọng điểm là làm người cần biết đủ biết dừng, khuyên mọi người trên con đường tinh tấn tiến lên cần biết điểm dừng phù hợp, duy trì bền vững ở trạng thái tốt nhất.

Trên đời này không có thứ gì tuyệt đối hoàn hảo và đầy đủ, mặt trời quá trưa liền xế bóng, trăng tròn tức thời chuyển sang khuyết. Vạn sự vạn vật không ngừng thay đổi và dịch chuyển cùng không gian – thời gian. Sự hoàn hảo đầy đủ, nếu có, thì cũng chỉ tồn tại trong khoảnh khắc rồi lập tức thay đổi trạng thái. Với ý cảnh như vậy thì “công thành thân thoái” dường như còn có một tầng ý nghĩa nữa, là làm người thì cần “cầu khuyết tiếc phúc”.

“Cầu khuyết” là biết đủ, không cầu toàn. Còn “tiếc phúc” là gìn giữ, nuôi dưỡng cảm ân, phúc đức. Hai điều này vừa vặn chính là chìa khóa dẫn con người đến với niềm vui và hạnh phúc.

Trong xã hội hiện đại, dù dư thừa vật chất, vẫn có nhiều người cảm thấy thiếu hạnh phúc và niềm vui. Nguyên nhân là thiếu tâm thái “cầu khuyết tiếc phúc”. Tâm thái cầu khuyết có thể khiến con người sớm đạt đến sự hài lòng, mà hài lòng lại giúp sinh tâm tiếc phúc. Khi có tâm tiếc phúc rồi thì dễ nảy sinh tấm lòng cảm ân. Đó có lẽ là trạng thái tốt nhất mà con người mong đắc được.

Theo Soundofhope
Nam Phương biên dịch