Trong “Tây Du Ký”, Tôn Ngộ Không đã lênh đênh trên biển cả suốt nhiều năm trời để tầm Sư học Đạo. Ai cũng nghĩ rằng Ngộ Không phải đơn độc suốt cả cuộc hành trình. Nhưng kỳ thực còn có một người bạn đồng hành cùng Ngộ Không trên một đoạn đường dài – Nhân vật đặc biệt ấy là ai? 

Mặc dù người bạn đồng hành ấy không được Ngô Thừa Ân nhắc đến trong tác phẩm Tây Du Ký, nhưng lại được lưu truyền trong dân gian qua câu chuyện dưới đây:

***

Đã rất lâu rồi, trên thảo nguyên xa xôi có một con sư tử dũng mãnh oai hùng. Sư tử đi đến đâu, tất cả các loài vật nơi đó đều tỏ ra kính phục, nể sợ, và suy tôn nó là vị chúa tể của thảo nguyên.

Một ngày, khi Sư tử vương đang nằm phơi mình dưới ánh mặt trời ấm áp, nó thầm nghĩ về vương quốc của mình. Giờ đây nó đã có trong tay tất cả, có lãnh địa thảo nguyên trải dài đến vô tận, có cả đàn sư tử biết phục tùng mọi mệnh lệnh của nó, và có những con sư tử cái luôn đi theo phía sau mà âm thầm nhìn nó bằng ánh mắt khát khao. Trong cái dáng vẻ oai phong lẫm liệt ấy, với bộ lông vàng đầy uy vũ, ai cũng cho rằng Sư tử vương đã có thể kiêu hãnh là vị chúa tể dưới bầu trời xanh.

Nhưng thẳm sâu trong lòng, sư tử vương vẫn còn một nỗi khắc khoải mỏi mòn…

Đã từ lâu, bầy sư tử trên thảo nguyên truyền tai nhau rằng Sư tử vương đang thầm thương trộm nhớ Doanh Lan công chúa. Đó là một thiếu nữ xinh đẹp người dân tộc, là niềm kiêu hãnh của vùng thảo nguyên này. Cô đặc biệt am hiểu về các loại thảo dược và vẫn thường cứu chữa cho dân du mục và các loài động vật hoang dã. Hoa Doanh Lan nở đầy khắp thảo nguyên, toả ra mùi hương thoang thoảng nhẹ nhàng, nên được người dân du mục ca ngợi là “Thánh hoa”. Bởi công chúa xinh đẹp, lại thiện lương hoà nhã, nên mọi người đều yêu mến gọi cô là Doanh Lan công chúa.

Sư tử vương nhớ lại năm xưa, nó từng bị trọng thương trong lúc tranh đoạt vương vị với các con sư tử đực khác. Lúc ấy nó may mắn được công chúa chữa trị nên mới có thể bảo toàn tính mạng, cũng từ đó Sư tử vương thầm yêu công chúa. Nó ngưỡng mộ vẻ đẹp thánh khiết, tốt bụng lại dịu dàng của nàng nên luôn ước ao được trở thành người. Mỗi lần nhìn ngắm người con gái mà mình yêu mến, trong lòng Sư tử vương lại trào dâng một mối thương cảm không nói nên lời, từng giọt từng giọt nước mắt cứ lặng lẽ tuôn rơi.

Núp đằng sau đám bụi cỏ, Sư tử vương chỉ dám đứng từ xa nhìn nàng. Lúc ấy công chúa đang mặc một chiếc áo lông trắng như tuyết, cưỡi trên con tuấn mã màu đỏ thẫm, nàng rong ruổi khắp thảo nguyên xinh đẹp dưới ánh nắng mặt trời. Nhìn thấy công chúa mà không thể đến gần, trái tim nó như thắt lại, và khát khao được làm người của nó lại càng trỗi dậy mạnh mẽ hơn.

Ảnh minh họa: WenPhotos / Pixabay.

Và rồi, vào một đêm không trăng, gió rít lên dữ dội, Sư tử vương đã rời khỏi mảnh đất thảo nguyên, nơi đã trao cho nó vinh diệu được làm chúa tể của muôn loài, để đi tìm tiên thuật tu thành người. Bởi trên thảo nguyên có một truyền thuyết xa xưa nói rằng, chỉ cần đi thẳng về hướng Đông thì có thể tìm thấy thuật tu tiên.

Sư tử vương đã vượt qua bao gian nan vất vả, không biết nó đã đi bao nhiêu năm, bao nhiêu tháng, cuối cùng trước mặt xuất hiện một đại dương mênh mông rộng lớn. Nhìn biển trời bao la vô tận, nó không khỏi ngỡ ngàng: Tiên thuật trong truyền thuyết rốt cuộc là ở nơi nao? Ta phải đi về đâu đây?

Bỗng nhiên, Sư tử vương nhìn thấy trên biển có một chiếc bè bằng tre tiến đến, trên bè tre thấp thoáng một người gầy còm thân đầy lông lá. Sư tử vương mừng rỡ rống lên: “Làm ơn hãy cho tôi đi nhờ một đoạn. Làm ơn hãy cho tôi đi nhờ một đoạn!!!”

Người lông lá trả lời: “Ông muốn đi về đâu vậy?”. Sư tử vương sửng sốt nhìn chiếc bè tre, lòng nghĩ: “Nếu có thể nghe hiểu ngôn ngữ của ta, hẳn người đó cũng là động vật vậy”, liền nói: “Tôi muốn đến phương Đông để tìm Tiên cầu Đạo”.

Người lông lá kia đáp lại: “Thật là trùng hợp, tôi cũng muốn đến phương Đông đây, chúng ta hãy cùng đi vậy!”

Lênh đênh trên chiếc bè tre, Sư tử vương đã không còn phong thái của vị chúa tể thảo nguyên, bốn chân nó dang ra bám chặt vào bè mà không dám nhúc nhích, cử chỉ này khiến người lông lá bật cười.

Người lông lá hỏi: “Tôi thấy lão huynh tướng mạo kỳ lạ không phải là từ trên núi đến, xin hỏi xưng hô thế nào?”. Sư tử vương nói: “Tôi đến từ thảo nguyên, vốn là Sư tử vương, vì tôn sùng Doanh Lan công chúa nên luôn ao ước được làm người, vì vậy tôi muốn đến phương Đông cầu tiên học đạo”.

Người lông lá đùa rằng: “Sư tử vương lẽ nào nỡ bỏ lại số sư tử phi kia sao?”. Sư tử vương cảm thán nói: “Đừng nói chuyện đó nữa, tôi vì Doanh Lan công chúa nên mới tìm Thần Tiên cầu Đạo”. Nói xong liền hỏi lại người lông lá kia: “Còn huynh thì từ đâu đến đây, cớ sao lại muốn đến phương Đông vậy?”.

Người lông lá trả lời:

“Tôi là Hầu vương ở Hoa Quả Sơn, nơi tôi ở tuy bốn mùa hoa quả không ngớt, cuộc sống chẳng có gì phải ưu phiền. Nhưng hiềm nỗi nhiều con khỉ già bị bệnh rồi chết đi, tôi chợt cảm thấy thế sự vô thường, cho nên đã từ bỏ vương vị để đi tìm kiếm thuật trường sinh bất lão, tu đến thọ mệnh ngang hàng cùng vũ trụ, sáng chói như vầng nhật nguyệt. Tôi mong sao con cháu nhà khỉ chúng tôi cũng được trường sinh bất lão, như vậy há không phải là rất vui vẻ hay sao!”.

Nghe Hầu vương kể về chí hướng to lớn của mình, Sư tử vương thở dài: “Ta thật không sánh được với con khỉ này!”. Thế là hai vị vua hợp sức lại, Hầu vương thì dùng gậy tre vẩy nước, Sư tử vương thì nằm bên cạnh bè tre dùng móng vuốt vừa giẫm vừa bơi theo.

Một cảnh trong phim “Tân Tây Du Ký” 2011.

Đôi lúc Hầu vương vớt được một ít tôm cá để lót dạ; vào những lúc hai người khát nước thì trời sẽ đổ mưa cho họ uống một bữa no nê. Ngay cả Sư tử vương khỏe mạnh oai hùng, vậy mà nay cũng trở nên gầy còm giống như con khỉ kia vậy. Cả hai tuy mang thân động vật, nhưng tấm lòng hướng Đạo lại vững vàng như kim cương bất động, quả thật đã khiến Thiên Địa rơi lệ, vậy nên họ luôn được Thần linh dõi theo phù hộ. Không biết đã vượt qua bao nhiêu sóng to gió lớn, bao nhiêu nguy hiểm trùng trùng, ông Trời cũng không phụ người có tâm, cuối cùng họ đã đến được lục địa.

Nhưng vừa lên đến bờ thì nguy hiểm mới thật sự kéo đến. Mọi người nhìn thấy hai con dã thú liền bỏ chạy toán loạn; có một số thậm chí còn lấy đá và cung tên tấn công Sư tử vương. Lúc ấy khung cảnh hỗn loạn, Hầu vương buộc phải trốn vào một góc rồi khoác lên mình chiếc áo rách giả làm người, nhờ vậy mà qua được cửa ải. Nhưng số phận của Sư tử vương mới thật thê thảm, dẫu chạy đông trốn tây thì nó vẫn bị thương khắp mình mẩy, cuối cùng buộc phải chạy vào rừng. Sư tử vương và Hầu vương thất lạc nhau từ đó.

Sư tử vương bị thương rất nặng, nó đã không thể qua khỏi cơn nguy kịch. Trong lúc hấp hối, nó vẫn luôn nhớ về công chúa mà thầm tiếc nuối: Công chúa Doanh Lan bây giờ thế nào? Tiên thuật trong truyền thuyết rốt cuộc ở đâu? Số ta phải bỏ mạng ở nơi đây hay sao? Còn Hầu vương, liệu anh ta có tìm được tiên thuật không?

Cứ như vậy, Sư tử vương đã rời bỏ thế gian trong luyến tiếc.

Lúc ấy, tại một tầng không gian rất cao trên Thiên thượng, có một vị giác giả đã mỉm cười chứng kiến tất cả câu chuyện này.

Mặc dù Sư tử vương không may mắn tìm được pháp môn tu luyện như Hầu vương, nhưng khát khao cầu Đạo của nó đã làm cảm động cả đất trời, tạo nên một cơ duyên tu luyện sau này…

***

Gió cuốn đi bao tháng năm dài đằng đẵng, để câu chuyện năm xưa nay cũng phủ đầy cát bụi thời gian. Người đời chỉ nhớ đến một Hầu vương khát khao tìm Đạo, một Ngộ Không biến hoá thần thông, và một Tôn Đại Thánh huyền thoại từng phò trợ Đường Tăng sang Tây Thiên thỉnh kinh. Nhưng mấy ai biết rằng, còn có một người bạn đồng hành từng lênh đênh sóng nước với Ngộ Không trên con đường tìm cầu chân lý. Ngô Thừa Ân đã không nhắc đến Sư tử vương trong danh tác “Tây Du Ký” của mình, chỉ còn lại một câu chuyện nhỏ lưu truyền trong nhân thế mà nay kẻ biết, người không.

Phật gia giảng rằng: “Nhân thân nan đắc”, nghĩa là thân người khó được. Sinh mệnh trầm luân trong lục đạo luân hồi, trải qua biết bao kiếp bao đời, ai biết đến khi nào mới được mang thân người mà tu luyện? Động vật vốn dĩ không được phép nghe Phật Pháp, nhưng khát khao tu tiên học Đạo là nguyện cầu chân chính của sinh mệnh. Chỉ có điều con người ở trong mê, không biết trân quý cơ duyên vạn cổ này, đã chìm đắm trong cõi hồng trần mà quên mất con đường “phản bổn quy chân” mà quay trở về… 

Video: Câu chuyện 9 đôi giày của ông Vương

videoinfo__video3.dkn.tv||db57215da__