Ngộ tính như quang

Đệ tử hỏi Phật tổ: “Con vẫn hay nghe về thế giới Cực Lạc của Người, nhưng lại chưa bao giờ nhìn thấy, như vậy thì làm sao tin là thế giới đó có thật được”?

Phật tổ bèn dẫn vị đệ tử của mình vào một căn phòng sơn màu tối đen và nói: Trong góc tường có một chiếc búa.

Vị đệ tử căng mắt ra nhìn, nhưng không sao nhìn ra năm ngón tay của mình chứ đừng nói đến việc thấy chiếc búa ở tận góc tường nên đành thú nhận với Phật rằng không nhìn thấy gì hết.

Lúc này Phật tổ mới thắp một cây nến lên, ánh sáng soi rõ quả thực có một chiếc búa ở góc tường.

Thứ bạn không nhìn thấy được nghĩa là nó không tồn tại chăng?

Trong cuộc sống, đúng là có rất nhiều vật, nhiều việc mà chúng ta không nhìn thấy bằng mắt thường, nhưng không thể nói rằng vật hay việc đó không tồn tại. Chỉ cần bạn thắp lên chút ánh sáng trong tâm hồn thì sẽ nhìn thấy mọi điều tốt đẹp trên thế giới, và tất cả những gì đang hiển hiện trước mắt bạn chính là thế giới Cực Lạc. Ngược lại, nếu bạn dập tắt ngọn đèn trong tim thì thế giới trong mắt bạn chỉ còn là một màu đen tối, dù là năm ngón tay giơ lên trước mặt bạn cũng không thể nhìn ra. Bạn chỉ thấy một địa ngục tội lỗi và một nhân gian kẻ mạnh ức hiếp kẻ yếu mà thôi.

Vậy miền Cực Lạc có thật hay không? Khi trong tim bạn được thắp sáng, ánh sáng đó sẽ soi tỏ mọi điều cho bạn. Phật dạy rằng: “Ngộ tính như quang” (nhận thức như ánh sáng), quang ở đây chính là ánh sáng trong trái tim bạn.

Dùng trái tim trong sáng để nhìn thế giới. (Ảnh internet)
Dùng trái tim trong sáng để nhìn thế giới. (Ảnh internet)

Giá trị của cái đầu

Quốc vương Pasenadi (Ba-tư-nặc) là một Phật tử. Mỗi lần nhìn thấy Đức Phật và các đệ tử, ngài đều quỳ lạy một cách thành kính. Các quan lại thấy vậy đều khuyên ngài rằng: “Đại vương là quân vương của một nước, thân phận tôn quý, sao phải hành lễ với đám hòa thượng kia như vậy. Lẽ nào cái đầu của Người chỉ đáng để làm như vậy thôi sao”?

Vua Pasenadi nghe xong không nói gì, nhưng trong lòng luôn nghĩ phải làm sao để bề tôi của ông có thể hiểu được đâu là giá trị đích thực. Cuối cùng ông đã nghĩ ra một cách: Sai người bỏ một chiếc thủ lợn vào túi, rồi mang ra chợ rao bán theo đúng lời ông dặn. Người đầy tớ mang chiếc đầu heo đến chợ rao lớn: “Bán đầu của vua Pasenadi đây, giá đặc biệt 50 đồng!” Cả chợ vừa nghe xong, ai nấy đều khiếp sợ chạy mất.

Mấy hôm sau, nhà vua lại sai người đầy tớ mang chiếc thủ lợn ra chợ bán, nhưng lần này rao là: “Đầu heo tươi ngon đây, giá chỉ 100 đồng, mau đến mua đi”. Tiếng rao vừa dứt thì mọi người đều tranh nhau đến mua. Lúc này, vua Pasenadi mới nói với các đại thần của mình: “Các khanh có thấy không? Một cái đầu heo tầm thường còn bán được giá 100 đồng, còn đầu của ta chỉ 50 đồng thôi mà chẳng ai muốn mua, vậy mà các khanh nói rằng đầu của ta là tôn quý ngàn vàng, tôn quý ở chỗ nào vậy? Ai có thể cho ta biết không?”

Kỳ thực, tiêu chuẩn đánh giá giá trị cao thấp chính là trong tim mỗi người, chứ không phải ở cái đầu. Ngay như việc quốc vương Pasenadi ngày ngày cúi đầu hành lễ trước Phật Đà và các đệ tử, đó chính là giá trị tấm lòng tôn kính của ông.

Cao quý hay thấp hèn không thể dùng cái đầu để đánh giá. Người bình thường vẫn hay thích bình phẩm cao thấp, nhưng Phật gia có đạo lý không phân biệt sang hèn hay đẹp xấu. Bởi vì một khi có sự phân biệt, thì nhân loại không thể đối nhân xử thế công bằng, và người chịu thiệt chính là bản thân mình mà thôi.

Quỳnh Chi