Lời toà soạn: Các dân tộc Á Đông có một nền văn minh vô cùng xán lạn. Lịch sử Á Đông nói chung, trong đó có Trung Quốc và Việt Nam, rất hào hùng, tràn đầy khí chất. Lịch sử 5000 năm văn minh, văn hoá của Á Đông là cả một kho tàng vô giá cho hậu thế. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của những quan niệm mới có phần thiên kiến, lệch lạc, lịch sử ấy đã bị cải biên và nguỵ tạo nhiều. Với mong muốn phục hưng lại nền văn minh vĩ đại cũng như những truyền thống đạo đức quý báu của người Á Đông, chúng tôi tiến hành loạt bài về lịch sử Việt Nam, Trung Hoa… gửi đến quý độc giả, ngõ hầu phá giải được những quan niệm sai lệch hiện nay.
Trong lịch sử Trung Quốc, vào cuối mỗi triều đại thường xuất hiện nạn tham nhũng nghiêm trọng khiến nhân dân lầm than, đất nước suy yếu dẫn đến diệt vong. Nhà Thanh tiếp nhận bài học ấy từ triều Minh nên đã rất nỗ lực chống tham nhũng. Mỗi hoàng đế đều đưa ra chính sách khác biệt và thu về hiệu quả khác nhau.
Có một nguồn tin nói: “Chu Nguyên Chương đã giết 150 ngàn người trong chiến dịch chống tham nhũng, Hoàng đế Ung Chính chỉ đưa ra 3 chiêu khiến quan tham không dám phạm”. Lịch sử chưa kiểm chứng được mức độ chân thực của câu nói này, tuy nhiên nó cũng khiến nhiều người cảm thấy hiếu kỳ.
Sau khi Chu Nguyên Chương lập nên nhà Minh, ông đã thực hiện chiến dịch “bàn tay sắt”, triệt để chống nạn tham ô. Cách ông trừng phạt kẻ tham quan ô lại cũng vô cùng tàn nhẫn.
Thứ nhất, ông đưa ra quy định, cứ tham ô 10 lượng bạc thì phải chịu thụ hình phạt. Tham ô từ 60 lượng bạc trở lên thì người đó đã mắc đại tội. 60 lượng bạc trước đây tương đương với 12 ngàn tệ (khoảng 39 triệu VNĐ) hiện nay. Nhiều người thắc mắc liệu khoản tiền này có đủ để quy thành tội tham ô hay không? Nhưng hoàng đế triều Minh thì đã định nó vào đại tội.
Thứ hai, Chu Nguyên Chương áp dụng những hình phạt rất tàn khốc. Kẻ tham nhũng nhẹ thì bị lưu đày, sung quân, nặng thì bị tử hình, nặng hơn nữa thì bị rút gân lột da, biến tên tội phạm thành bù nhìn đặt ở công trường. Bao nhiêu người phạm tội thì có bấy nhiêu người chịu hình phạt.
Thứ ba, Chu Nguyên Chương còn cho phép dân chúng tố cáo quan tham. Luật pháp triều Minh quy định, người nào bị phát hiện tham nhũng sẽ lập tức bị đưa đến nha phủ hoặc áp giải trực tiếp lên kinh thành để chém đầu thị chúng. Hình phạt quả thực rất nghiêm. Trong suốt 276 năm của triều nhà Minh, số tham quan bị giết do tham ô đã lên đến 150 ngàn người. Con số đó quả thực rất khủng khiếp, giống như thể các quan viên của nhà Minh đều bị xử tử hết vậy.
Tuy nhiên, cách làm này cũng không hiệu quả lắm. Càng xử phạt nặng, tham quan càng xuất hiện nhiều, giống như họ không hề biết sợ hãi. Hình pháp càng nghiêm minh thì quan chức lại càng nghĩ ra trăm phương ngàn kế để tham ô. Điều này khiến Chu Nguyên Chương phải đau đầu suy nghĩ, không mấy khi ngủ ngon lành.
Nhưng, khi nhà Thanh lên nắm quyền, thời Ung Chính làm Hoàng đế, ông chỉ áp dụng 3 chiêu mà đã giải quyết được tận gốc vấn đề. Ông đã tìm ra lý do vì sao các triều đại trước thất bại trong việc chống tham nhũng. Đó là, Hoàng đế các đời trước vẫn còn quá nương tay, biện pháp thực thi chưa đủ uy lực nên sức răn đe không cao. Vì vậy, thời Ung Chính làm Hoàng đế, các quan viên chẳng khác nào gặp phải ác mộng. Hoàng đế đã dùng mấy cách như sau:
Một là bất ngờ khám xét nhà. Ung Chính thường tiến hành khám xét nhà quan viên để mở màn cho những cuộc điều tra tham ô. Người ta gọi ông là Hoàng đế thích khám nhà quan viên nhất. Khi phát hiện ra quan tham, ông cho quân lính bắt giải, niêm phong nhà, sung vào ngân khố tất cả tài sản. Sau khi khám xét, căn nhà của viên quan tham cũng sạch trơn, chỉ còn lại tường vách.
Thứ hai, cả nhà quan tham đều phải chịu hình phạt. Ung Chính cho rằng nguyên nhân dẫn đến tham ô không phải chỉ do một mình quan viên gây ra, người thân đều có trách nhiệm liên luỵ. Trong mỗi vụ tham ô, ông đều điều tra tới tận ngọn nguồn. Tất cả người thân thích của tham quan như: con trai, vợ, cha mẹ… đều bị bắt giam.
Ung Chính cho rằng, nguyên nhân khiến quan viên tham ô là vì quá lo lắng cho thế hệ tương lai, muốn tích tài vật lưu lại cho con cháu. Nhưng cách làm này cũng có hạn chế. Bởi đôi khi người thân của những viên tham quan này không hề liên quan đến việc tham ô, tham nhũng mà cũng bị liên lụy, phải chịu lưu đày ra biên cương. Với chiêu này, con cháu của quan tham cũng không được thừa hưởng khoản tiền có được từ tham nhũng, thậm chí phải sống tủi nhục, nghèo khó.
Thứ ba, Ung Chính để các quan viên trực tiếp chứng kiến những màn hành hình quan tham. Khi nhìn thấy cảnh tượng này, các quan viên sẽ tự biết sợ mà khống chế lòng tham bản thân. Nhìn thấy người kia mới chỉ mấy ngày trước hãy còn là đồng liêu mà giờ đã bị chặt đầu. Thêm nữa, khi tận mắt nhìn thấy cảnh hành hình, các quan viên sẽ không còn mơ hồ về tội chết nữa. Họ sẽ hiểu cuộc đời như giấc mộng, tiền bạc chỉ là thứ vật ngoài thân nên cũng chẳng còn lòng dạ nào mà vơ vét tham ô để phải đối diện với cái chết nữa.
Chỉ với 3 độc chiêu này, Ung Chính đã khiến quan lại tuyệt nhiên không còn dám manh nha ý nghĩ tham ô nữa. Có thể nói đây chính là cách chống tham nhũng thông minh nhất mà một Hoàng đế từng nghĩ ra.
Thời Khang Hy, ngân khố triều đình rất hạn hẹp. Tuy nhiên, đến thời Ung Chính làm Hoàng đế, ông đã tích lũy được 80 triệu lượng bạc cho quốc khố, đặt nền móng vững chắc về tài chính cho Càn Long nắm quyền. Tuy nhiên, đến thời Càn Long, hiện tượng tham nhũng lại bắt đầu nở rộ. Đó cũng là thời điểm xuất hiện đại gian thần Hoà Thân, kẻ tham nhũng số một trong lịch sử Trung Hoa nói riêng và Á Đông nói chung.
Ở Việt Nam, Lê Thánh Tông (1442-1497) cũng là một ông vua nổi tiếng mạnh tay với tệ tham nhũng. Sau khi lên ngôi vài năm, Thánh Tông nhanh chóng nhận ra tình trạng quan lại sâu mọt, vơ vét tài vật của dân sẽ là nguyên nhân làm suy yếu triều cương. Để giải quyết triệt để tệ nạn này, ông đã đề ra rất nhiều bộ luật siết chặt kỷ cương. Trong đó có những quy định như:
– Năm 1475, định lệnh cấm vơ vét xoay tiền trong các việc xây dựng sửa chữa, kẻ nào mượn cớ và vơ vét xoay tiền thì trị tội như luật xoay tiền.
– Năm 1478, trong sắc chỉ cho các địa phương xét quan lại trong địa hạt, người nào tham ô lười biếng thì tâu lệnh để định việc giáng chức.
– Năm 1487, xét quan lại thấy tham nhũng thì bãi chức sung quân ở Quảng Nam.
– Năm 1483, trong sắc chỉ ân xá của nhà vua những kẻ tham nhũng xếp cùng tội đại nghịch không được hưởng khoan hồng của nhà vua. Như vậy, Lê Thánh Tông đã coi nạn quan tham ngang hàng với tội đại nghịch. Những tội làm tổn hại đến nền móng nhà nước phong kiến.
Dưới sự trị vì anh minh, sáng suốt và những phương pháp chống tham nhũng đầy hiệu quả, triều đại của vua Lê Thánh Tông được đánh giá là đỉnh cao của vương triều phong kiến Việt Nam, là thời kỳ thịnh trị thứ 2 trong sử Việt sau thời đại huy hoàng Lý – Trần.