Thang Ứng Tăng, một nghệ sĩ diễn tấu đàn tỳ bà nổi tiếng vào thời cuối nhà Minh đầu nhà Thanh, là người Bi Châu, chơi đàn tỳ bà rất hay, nên người ta gọi ông là Thang Tỳ Bà. Vì nhà nghèo, không đủ tiền lấy vợ nên ông và mẹ là hai người duy nhất trong gia đình nương tựa vào nhau. Ứng Tăng đặc biệt hiếu thuận với mẹ. Nơi họ sống có một cây thạch nam, Ứng Tăng từng một ngôi nhà tranh hai gian dưới gốc cây làm nơi ở, phụng dưỡng mẹ sớm tối.

Thang Ứng Tăng yêu thích âm nhạc từ khi còn nhỏ, cứ nghe thấy người ta ca hát là khóc. Đến khi tự học hát, mỗi lần hát một khúc ca, đều không cầm được nước mắt. Mẹ chàng hỏi: “Con trai ta vì sao lại buồn?” Ứng Tăng đáp: “Con trai không hề buồn chút nào, chỉ là khi nghe âm nhạc hay ca hát, trong tâm con không khỏi cảm động thê lương!”

Vào những năm Minh Thế Tông Gia Tĩnh, Lý Đông Viên là người chơi đàn tỳ bà giỏi nhất, Giang Đối Phong là truyền nhân đời thứ nhất của ông, mọi người ở thành Bắc Kinh đều biết ông. Sau khi Giang Đối Phong qua đời, chỉ có một mình Tương Sơn Nhân người Trần Châu mới nắm vững được những kỹ thuật tinh thâm của thầy. Đương thời, trong phủ Chu Vương có mấy chục ca kĩ, đều học đàn tỳ bà từ Tương Sơn Nhân, nhưng không ai đàn hay, Chu Vương luôn cảm thấy rất tiếc nuối về điều này.

Thang Ứng Tăng từng đến học tập Tương Sơn Nhân, chưa đầy một năm đã học được. Sau khi Chu Vương nghe tin, lập tức triệu kiến Thang Ứng Tăng, ban thưởng cho ông một chiếc đàn tỳ bà tốt dát ngọc thạch anh khảm ngà voi, cho ông mặc y phục gấm trong cung và chơi khúc “Mười tám phách Hồ Già” trong đại điện. Tiếng đàn của ông ai oán thê lương, vô cùng cảm động. Chu Vương đặc biệt ban thưởng cho ông, mỗi năm cho một vạn hộc gạo để ông phụng dưỡng mẹ. Ứng Tăng cũng nhờ vậy mà trở nên nổi tiếng ở Khai Phong. Ông đi đến đâu, mọi người đều đổ xô đến bày tỏ sự tôn kính ngưỡng mộ, tỏ ra rất thân thiết với ông. Nhưng Ứng Tăng lại là người dè dặt, tự trọng, không tùy tiện chơi đàn cho người khác.

Sau đó, Vương Sùng Cổ, tướng quân chinh Tây, chiêu mộ Thang Ứng Tăng về dưới trướng của mình, mang ông đến Gia Cốc Quan, Trương Dịch, Tửu Tuyền và những nơi khác. Mỗi lần đi săn thú hoặc duyệt binh, Vương tướng quân đều thỉnh ông chơi một vài nhạc khúc. Vương tướng quân có một võ quan tên là Nhan Cốt Đả, giỏi xung phong hãm trận, mỗi lần đối đầu với quân địch trong trận chiến, ông ấy sẽ yêu cầu Thang Ứng Tăng chơi một nhạc khúc hùng tráng về tráng sĩ diệt giặc, sau đó mới lên ngựa xông pha trận tiền.

Một ngày nọ khi đến Du Quan, đúng lúc tuyết rơi dày đặc. Thang Ứng Tăng đột nhiên nghe thấy một hồi tù và với âm thanh rất thê lương khi đang cưỡi ngựa, cảm giác vô cùng ưu thương, ông chợt nghĩ đến người mẹ ở quê xa, bèn từ biệt đại tướng rồi vội vã về thăm mẹ. Đêm đó ông trú trong một tửu lầu, những suy nghĩ vẩn vơ trong đầu khiến ông thao thức mãi không tài nào ngủ được, bèn mang đàn tì bà ra chơi. Tiếng đàn gảy lên nghe như hồi tù và nơi hoang vắng, ông liền tùy tay ngẫu hứng tấu lên, tiếng đàn tì bà lập tức biến trở nên thê lương như âm thanh của tù và, khiến người nghe không khỏi bật khóc!

Sáng sớm hôm sau, một người phụ nữ nhà bên cạnh đột nhiên lên lầu nói với Ứng Tăng: “Chàng có tâm tư gì phải không? Tại sao âm thanh lại buồn bã thê lương đến vậy? Sau khi chồng em qua đời, em góa bụa đã mười năm, bản thân chỉ còn biết dựa vào mẹ mà sống, nhưng rồi mẹ cũng đã qua đời, em cũng đang nghĩ cách tìm người để tái giá, nhưng đến giờ vẫn chưa có ai thích hợp. Em nguyện ý hầu hạ chàng, làm vợ của chàng.” Thang Ứng Tăng bèn hỏi: “Nàng có thể phục vụ mẹ tôi thay tôi được không?” Người phụ nữ đồng ý, Thương Ứng Tăng bèn đưa nàng về nhà.

Khúc nhạc đàn tỳ bà của Thương Ứng Tăng buồn bã thê lương, trong cuộc hành trình, ông đã khiến một người phụ nữ đồng ý làm vợ ông và phục vụ mẹ ông. Trong ảnh là một phần bức tranh “Phong diêm triển quyển” của Triệu Bá Túc thời nhà Tống. (Phạm vi công cộng)

Sau đó, Tương Vương nghe được danh tiếng của Ứng Tăng, liền sai người đưa Ứng Tăng về vương cung của mình. Thang Ứng Tăng sống ở đất Sở được ba năm. Một ngày nọ, Ứng Tăng vô tình ngồi thuyền đi qua hồ Động Đình, đột nhiên cuồng phong đại tác, song lớn nhập trời, người chèo thuyền hoảng sợ mất phương hướng, không biết phải làm sao để xoay sở. Nhưng, Thang Ứng Tăng vẫn bình tĩnh không lo không vội, ngồi thẳng lưng, lấy đàn tỳ bà ra chơi bài “Động Đình thu tư”. Khúc nhạc vừa dứt, sóng gió đã dịu đi rất nhiều. Người lái thuyền nhanh chóng chèo thuyền vào bờ và thả neo. Lúc này, đột nhiên nhìn thấy một con vượn già nhảy từ bụi tre vào khoang thuyền, cả đêm khóc ai oán trên thuyền. Đến rạng sáng, nó bất ngờ ôm lấy cây đàn tỳ bà của Thang rồi nhảy xuống nước, không biết nó đi đâu! Sau khi mất cây đàn tỳ bà cổ lão, Thang Ứng Tăng thập phần thương cảm, từ đó càng không muốn gảy tỳ bà.

Sau đó, Thang Ứng Tăng liền về nhà thăm mẹ. Mẹ ông vẫn còn rất khỏe mạnh, nhưng người vợ thì đã qua đời, chỉ để lại ngôi mộ nhỏ cạnh nhà. Mẹ ông kể rằng vào đêm con dâu chết, có một con vượn liên tục gọi ngoài cửa, khi bà mở cửa ra thì không thấy nó đâu. Con dâu nhắn với bà: “Con đang đợi lang quân, nhưng chàng không đến mà lại nghe thấy tiếng vượn gọi, là vì sao? Con sắp chết rồi, chỉ tiếc là rất lâu rồi không được nghe lang quân chơi đàn tỳ bà! Nếu chàng quay lại, xin mẹ bảo chàng đừng quên đến dưới gốc cây thạch nam gảy đàn cho con nghe nhé!” Thang Ứng Tăng nghe lời mẹ kể, uất ức thống khổ, cảm thấy không thể chịu đựng nổi! Đêm hôm đó, ông tự tay bày biện rượu thịt, lấy đàn tì bà ra, tận tâm tận ý chơi một khúc nhạc bên mộ vợ, bày tỏ lòng bi thương vô hạn và tôn kính vợ.

Kể từ đó, Thang Ứng Tăng trở nên không kiềm chế, buông thả bản thân, ngày ngày đều chìm đắm trong tửu sắc, không thể vui lên được nữa. Khi loạn tặc gây rối, Thang Ứng Tăng phải cõng mẹ trên lưng đi khất thực cả ngày trong chiến hỏa, vô cùng khốn khổ. Tai ông bị điếc, mắt cũng mù lòa, mũi đầy rớt dãi nên không ai có thể đến gần được. Người mời ông chơi đàn tỳ bà không còn cách nào khác đành phải dùng một tấm bình phong che chắn, chỉ thưởng thức âm nhạc ông gảy.

Thang Ứng Tăng từng chơi hàng trăm khúc nhạc, lớn như phong vũ lôi đình, sầu nhân tư quy, nhỏ như tiếng trăm côn trùng, tiếng ngâm nga của cây cỏ, không âm thanh nào ông không thể tấu lên bằng cây đàn tỳ bà của mình. Đặc biệt là khúc “Sở Hán” ông chơi hay nhất. Giống như hai đội quân khi quyết chiến, âm thanh kinh thiên động địa, đến nỗi ngay cả gạch ngói trên nóc nhà cũng rung bần bật như muốn bay xuống đất. Lắng nghe tinh tế, có tiếng cồng chiêng, tiếng trống, tiếng kiếm, tiếng cung tên, tiếng kim loại va chạm, tiếng người ngựa rút lui bỏ chạy v.v. Một lúc sau, đột nhiên trở nên im lặng vô thanh, rồi rất lâu sau, lại nghe thấy âm nhạc sầu bi oán thán, đó là âm thanh của Sở ca, thê lương bi tráng, đó là khúc bi ca tiếc thương cho Sở Bá Vương Hạng Vũ khi ngài cáo biệt vương phi Ngu Cơ. Sau đó là âm thanh binh mã truy đuổi phi nước đại, đến sông Ô có tiếng Sở Vương rút kiếm tự sát, tướng quân thuộc hạ của Hán Vương Lưu Bang dẫm đạp lên Hạng Vũ và tranh đoạt cái đầu của tử thi v.v. Người nghe lúc đầu vô cùng phấn khích, sau đó rùng mình, cuối cùng bật khóc nức nở, không biết phải làm gì! Tiếng đàn tì bà của Thang Ứng Tăng cảm động đến vậy! Khi ông ở độ tuổi sáu mươi, ông lưu lạc đến vùng Hoài Phổ. Có một người Đào Nguyên cảm thấy thương xót ông, nên đã đưa ông và mẹ đến Đào Nguyên bằng thuyền. Từ đó về sau, không còn tin tức gì về ông.

Vương Du Định, một nhà thơ nổi tiếng cuối Minh đầu Thanh cho biết: “Từ xưa tới nay, trên đời có rất nhiều người nổi tiếng giỏi chơi đàn tỳ bà, nhưng không ai có thể sánh được với Thang tiên sinh! Con người nếu không có chí tính, tình cảm không thâm nhập chuyên nhất, thì làm sao có thể lưu truyền hậu thế? Vào mùa thu năm Thuận Trị thứ 5, tôi trên đường công du đã được gặp tiên sinh, không còn thấy phong cách sang trọng của ông trong bộ đồ gấm cung đình nữa. Năm sau, tôi lại đến thăm tiên sinh, tiên sinh đang ngồi trong gian nhà đất, nấu nướng phục vụ mẹ. Người khác tranh nhau tới chà đạp vũ nhục ông, nhưng tôi lại càng kính trọng ông hơn. Tiên sinh ngửa mặt lên trời thở dài, hét lên: ‘Vậy đó! Thế thượng không có tri âm, sau khi tôi hầu hạ mẹ già trăm năm về trời, tôi sẽ đi nhảy xuống sông Hoàng Hà tự sát!’. Tôi cảm thấy thập phần bi thảm, bèn viết một thiên tiểu sử cho ông ấy. Qua năm năm, cuối cùng mới viết xong. Ôi, lưu lạc trên thế gian này, tiên sinh không phải là người duy nhất than thở thiếu tri âm!” 

Nguồn: “Ngu sơ tân chí”

Theo Epoch Times,
Hương Thảo biên dịch